Nhà thơ Lý Hữu Lương: 'Cho tôi về chái bếp nhà tôi…'

03/01/2024 19:47 GMT+7 | Văn hoá

Lý Hữu Lương là tác giả có giọng thơ cá tính và hiện đại. Đọc thơ anh thú vị, vì chữ nghĩa giản dị mà vẫn đủ sức đem lại cho người đọc một không gian khác biệt. Ở đó, văn hóa, tập tục của cộng đồng người Dao hiện rõ qua các trang viết.

Bài thơ Chái bếp của Lý Hữu Lương đã được đưa vào sách Ngữ văn 8, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo. Anh cũng trở thành tác giả người Dao trẻ tuổi nhất có tác phẩm trong sách giáo khoa.

Nhà thơ Lý Hữu Lương: 'Cho tôi về chái bếp nhà tôi…' - Ảnh 1.

Sách "Ngữ văn 8", tập 1, bộ Chân trời sáng tạo

Một chái bếp để tâm tình

Bài thơ Chái bếp được đăng trong Yao, một tập thơ được đánh giá cao của Lý Hữu Lương. Anh đã viết Chái bếp trong nỗi nhớ nhà, nhớ bản làng rất đẹp. Trong cảm xúc của người sớm xa quê, 14 tuổi đã vào trường thiếu sinh quân, rồi sau đó là những năm học sĩ quan, công tác ở Sư đoàn 316, Quân khu 2.

"Nếu dùng lý trí để nhìn, thì bản Khe Rộng quê tôi nằm dưới thung sâu, tách biệt với những bản làng khác, bao quanh là núi cao, chẳng được đẹp và hùng vỹ như Hà Giang hoặc Lào Cai, nhưng về tình cảm, tôi vẫn thấy đẹp nhất" - Lý Hữu Lương cười, nói về sự "thiên vị" của mình với quê nhà.

Nhà thơ Lý Hữu Lương: 'Cho tôi về chái bếp nhà tôi…' - Ảnh 2.

Nhà thơ Lý Hữu Lương

Trong niềm nhớ ấy, chái bếp của anh thường xuyên có mặt: "Cho tôi về chái bếp nhà tôi/ Nhà ba gian quá giang một chái/ Có thần bếp ngự trong than củi/ Có mặt người đượm nắng đượm sương". Lý Hữu Lương nói chái bếp là nơi gắn bó và thân thuộc với anh.

Vì địa hình đồi núi chập chùng, nhà của người Dao xây thành những gian nhỏ. Họ thường có ba gian bếp, một gian giữ ấm và hai gian nấu ăn, chái bếp thường ở một không gian riêng sau nhà. Đó là nơi những người trong nhà tụ lại tâm tình với nhau, ông bà cha mẹ dạy dỗ con cái và là nơi những đứa trẻ chơi đùa, lục lọi đồ ăn thức uống, chờ nghe người lớn kể chuyện. Sau này, những hình ảnh này trở thành dữ liệu cho anh sáng tác.

Học trò nhiều thế hệ trước kia đã quen thuộc với bài thơ Bếp lửa rất tình cảm của nhà thơ Bằng Việt: "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa chắt chịu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa/ Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói". Nhà văn Đỗ Bích Thúy có tản văn Và tôi nhớ khói, cũng là hồi ức của chị về gian bếp quê của mình…  

Nhà thơ Lý Hữu Lương: 'Cho tôi về chái bếp nhà tôi…' - Ảnh 3.

Bếp thường là nỗi nhớ chung của nhiều người, vì ở đó có sự ấm áp, có cảm giác đủ đầy và có những đóm lửa nhỏ nhưng đủ sức soi rõ dáng hình người thân. Với Lý Hữu Lương, chái bếp đã gói ghém những tình cảm đẹp nhất của gia đình qua những hình ảnh: "Ngọn khói cong ngủ rồi chưa dậy/ Nồi cám bao năm mẹ đun dở/ Chái bếp nằm nghe nằng nặng đêm/ Chái bếp vườn nhà cha gọi tên/ Cho cánh nỏ cong hình lưỡi hái...".

Không chỉ một lần, Lý Hữu Lương đã nói về bếp của người Dao quần chẹt ở một bài thơ khác: "Dựng bếp trước dựng nhà/ Ba gian nhà đứng bếp ba cái/ Bếp to nghe chuyện nhỏ/ Bếp nhỏ nghe chuyện to". Nhiều lần như thế, hình ảnh gian bếp và những ngọn khói đã dẫn dắt anh trở về với quê nhà.

"Khi xa quê, làn khói bếp là hình ảnh đầy tính gợi nhớ, nên đôi khi thèm cảm giác bình yên trong gian bếp nhỏ, sau những ngày bôn ba cuộc sống và trên hết là nỗi nhớ người thân" - Lý Hữu Lương bộc bạch.

"Người Dao không có từ vựng nhà thơ, nên có thể nhiều người Dao còn không biết khái niệm làm thơ nghĩa là làm gì. Ít ai nghĩ sẽ có một nhà thơ sinh ra ở làng này bản nọ" - nhà thơ Lý Hữu Lương chia sẻ.

"Tôi thuộc thế hệ Dao giao thoa"

Trò chuyện với Lý Hữu Lương, nghe anh kể về những phong tục tập quán của người Dao bằng chất giọng vừa tình cảm, vừa hào hứng, thấy thật thú vị.

Anh nói: "Tôi muốn là người phát ngôn về văn hóa của người Dao để giới thiệu bản sắc tốt đẹp của cộng đồng mình đến những nơi xa hơn". Vì mong muốn đó, nên khi bài thơ Chái bếp được đưa vào sách giáo khoa, nó như một lần đánh dấu cho thành công về việc lan tỏa hình ảnh đặc trưng của người Dao đi xa hơn. Anh hy vọng, từ một chái bếp đơn sơ mà khác biệt có thể sẽ là cánh cửa nhỏ mở ra cho những bạn học sinh tìm hiểu, để biết thêm về bản sắc văn hóa của người Dao.

Nhà thơ Lý Hữu Lương: 'Cho tôi về chái bếp nhà tôi…' - Ảnh 5.

Trang SGK có bài thơ “Chái bếp”

Dĩ nhiên, Lý Hữu Lương đã "phát ngôn" cho tâm hồn, văn hóa người Dao nhiều nhất qua các tập thơ.

Anh chia sẻ: "Thơ tôi là lấy chân dung của người Dao làm chủ đạo, vì tôi không thể viết trên cảm xúc và thế giới quan của người Kinh. Là người Dao, tôi hiểu dân tộc mình có những giá trị tốt đẹp và bản sắc riêng. Có những phong tục mà dân tộc khác nhìn vào nói rằng không phù hợp, nhưng chúng tôi có ý kiến riêng của mình để giải thích cho những điều ấy, phải có lý do thì những tập quán ấy mới tồn tại cả ngàn năm chứ".

Lý Hữu Lương không làm màu với chữ nghĩa. Anh viết rõ ràng, giản dị, nhưng với bạn đọc đại chúng sẽ có nhiều câu thơ khó hiểu, thường phải đọc chú thích hoặc lên mạng tìm hiểu điều đó nghĩa là gì, bởi vì ý thơ ấy chuyển tải những nét văn hóa của cộng đồng người Dao.

Ví dụ vài câu thơ trong tập Yao: "ngồi bên đống lửa/ nghe páo dung thở cùng mây/ nghe lời cuối cùng ông mo nói/ về ngôi nhà tổ tiên đâu đó sừng trời".

Hoặc: "Người Dao mình/ Ăn xôi ngũ sắc/ Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà/ Trai lớn thì cấp sắc/ Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người/ Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay/ Ăn trăm năm bồ hóng trên vách và học cách đi của loài kiến/ đeo những mảnh đời lên núi cao/ khi cúi đầu nhìn xuống/ nghe cố thổ gọi lòng mình", "được dạy cách đi xa/ cách để sống giữa tiếng mặc khải đường rừng/ chảy từ ngàn năm thiên di/ trong huyết quản những đôi chân phạt lối"...

Chúng ta đã thấy văn hóa và tính cách của tộc người Dao đã đậm đặc trong ấy.

Lý Hữu Lương nói: "Tôi thuộc thế hệ Dao giao thoa giữa cũ và mới, nên nhìn một số nét văn hóa của dân tộc trôi theo dòng chảy thời gian, dù vẫn chấp nhận, nhưng đôi khi vẫn thấy tiếc nuối".

Nhà thơ Lý Hữu Lương: 'Cho tôi về chái bếp nhà tôi…' - Ảnh 6.

Bài “Chái bếp” được trích từ tập thơ “Yao” (NXH Hội Nhà văn, 2021)

Những ví dụ nhỏ như: gian bếp giữ ấm của người Dao hiện nay không còn quá cần thiết như xưa, vì giờ họ đã có nhà xi-măng thay cho nhà tranh, nhà gỗ; lễ cấp sắc, một phong tục của người Dao với nghi lễ báo cáo sự trưởng thành của người đàn ông với tổ tiên, đã bị giản lược bớt; tục hát páo dung đã không còn hiện diện của các đôi trai gái…

Nếu biết Lý Hữu Lương là thế hệ thanh niên sớm rời bản làng đi học, đi làm, một năm chỉ về nhà được vài lần, thì sẽ hiểu anh dễ dàng nhận ra sự thay đổi, rồi mong muốn được sống nhiều hơn trong bầu không khí cũ.

Lý Hữu Lương cũng hiểu rằng chút tiếc nuối của mình có khi do cái đa cảm của một nhà thơ, chứ sự thay đổi bắt buộc phải diễn ra trong cuộc sống này.

"Tôi làm những việc vừa sức mình"

"Người Dao không có từ vựng nhà thơ, nên có thể nhiều người Dao còn không biết khái niệm làm thơ nghĩa là làm gì. Ít ai nghĩ sẽ có một nhà thơ sinh ra ở làng này bản nọ, nên họ không hình dung được" - Lý Hữu Lương nói.

Nhà thơ Lý Hữu Lương: 'Cho tôi về chái bếp nhà tôi…' - Ảnh 7.

Dẫu vậy, viết cho cộng đồng mình, dựng được cốt cách của dân tộc mình chủ yếu bằng thơ, vẫn là điều mà anh miệt mài theo đuổi. Đó vừa là nguồn cảm hứng, vừa là thế mạnh và còn là trách nhiệm tự mang, vì anh có cơ duyên bước ra khỏi bản làng để đến với những chân trời mới, hít thở những luồng không khí khác, để rồi dõi về quê nhà với ánh nhìn rộng lớn hơn.

Trong các cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa, Lý Hữu Lương thường nói: "Tôi làm những việc vừa sức mình", hoặc: "Tôi tập trung vào thế mạnh của mình". "Việc vừa sức" tức là anh không cố sức sáng tác để phát hành thơ đều đặn, "thế mạnh của mình" là làm thơ về hồn cốt của người Dao. Anh thong thả với những việc ấy. Ngoài những lúc biên tập thơ cho tạp chí Văn nghệ quân đội, nơi anh đang công tác, anh thích nhất là được chìm sâu trong không gian của từ ngữ và giai điệu thơ, trong không gian tư liệu cần đọc để viết.

Lý Hữu Lương là một nhà thơ quân đội, chưa qua 35 tuổi, nhưng nói chuyện như người hoài cổ. Anh đang ấp ủ một tập thơ, dự định sẽ được phát hành vào hai năm sau. Dù thơ anh được giới chuyên môn đánh giá khá cao, nhưng Lý Hữu Lương vẫn không nôn nóng in thơ, khoảng tám năm anh mới phát hành một tập thơ.

Lý Hữu Lương sinh năm 1988 tại bản Khe Rộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, hiện sinh sống tại Hà Nội. Anh đang công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Đã phát hành 2 tập thơ: Người đàn bà cõng trăng trên đỉnh Cô San, Yao; 1 tập trường ca: Bình nguyên đỏ; 1 tập bút ký: Người biển lặng.

Đạt giải Tác giả trẻ (lần thứ nhất, 2021) của Hội Nhà văn Việt Nam, với tập thơ Yao.

Lâm Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link