Nhà thơ Phan Hoàng và người tình ma lực

05/02/2012 10:20 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Văn nghệ sĩ Hà Nội vừa có buổi chiều gặp mặt tại quán cà phê ấm cúng trên bán đảo Hồ Thiền Quang, chào đón sự ra đời của Chất vấn thói quen, mà tác giả lại là người Nam, đang sinh sống, làm việc tại TP. HCM - nhà thơ Phan Hoàng.

Đây là tập thứ ba trên chặng đường thơ của Phan Hoàng, dù trước đó, anh đã cho ra đời sáu đầu sách. Nếu tính trên tổng số bảy cuốn, thì rõ ràng sách “báo chí” lấn át hơn cả với Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000) tái bản bốn lần, Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập - 1998), Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000) tái bản hai lần, Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, 2000) tái bản hai lần. Và những cuốn này, đang chờ Phan Hoàng biết chăm chú hơn để cho tái bản tiếp.

Tình nghệ sĩ

Nhà thơ Phan Hoàng

Nhưng dù gì, người ta vẫn gọi Phan Hoàng là nhà thơ, hơn là một nhà báo. Kể cả khi, với thói quen... lười in thơ mình, Phan Hoàng phải tựa vào nhà thơ Nguyễn Quyến (“đầu cầu” Hà Nội) để lo từ bản thảo, viết bài giới thiệu, in ấn, đến ra mắt sách. Cũng nhờ việc giúp nhau vô ưu này, nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc mới nhận ra cái tình nghệ sĩ, vẫn còn nguyên thế, chỉ là ẩn phía đằng sau những toan tính, đấu đá, hẹp hòi, độc ác phán xét chất đầy trong tim óc đa phần người làm nghệ thuật mà không chạm được vào nghệ thuật thời nay.

Buổi ra mắt sách nhẹ nhàng, giản dị, ấm cúng. Người dự chạm mặt bắt tay với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thủng thẳng tay đút túi, tay cầm chục bản Nghệ thuật mới (phụ trương của báo Người Hà Nội) đủ đầy chân dung, bài viết, sáng tác của những “VIP nghệ thuật Việt” như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê cũng như mới mẻ trẻ trung đầy nhiệt huyết thành tựu … vừa rời nhà in còn nóng hổi mùi mực mới. Gặp nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú ngồi cười hiền trong một góc tối. Gặp nhà thơ Bình Nguyên Trang thung thăng tặng bạn hữu cũng một tập thơ mới ra đời. Gặp nhà thơ Hữu Việt, Đặng Thị Thăng Hương ào ạt chạy qua với cái nắm tay vội. Vài nhân vật của Hà Nội ấy xuất hiện, khi nhà thơ Phan Hoàng đứng khiêm tốn ở một góc sân khấu, cầm micro xao xuyến lời cảm ơn, đủ để bật lên câu hỏi vỉ sao một “tay mơ” phương Nam, lại nhận nhiều ưu ái của những “tay tỉnh” Hà Nội đến thế.

Nhà thơ, nhà báo, nhà từ thiện, nhà truyền thông...

Sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trường đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1991, Phan Hoàng được đề nghị ở lại trường, “nhưng vì mê làm báo, tôi về làm việc ở tạp chí Kiến thức Ngày ngay, đến năm 2006 chuyển sang gầy dựng nguyệt san Đương thời. Năm 2010, sau khi được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, tôi còn được giao Trưởng ban Nhà văn trẻ, Chủ biên trang web Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng được mời phụ trách trang thơ của báo Tuổi Trẻ Online”.

Từ đầu thập niên 1990, nhận thấy nhiều nhân vật có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng ít được nhắc đến, có người mãi mãi ra đi mang theo nhiêu tư liệu quý giá, Phan Hoàng đã ra Bắc vào Nam phỏng vấn hang trăm nhân vật, từ các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, Trần Đại Nghĩa, Đồng Sĩ Nguyên, Đồng Văn Cống,… đến các nhà khoa học, văn nghệ sĩ như: Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Vũ Đình Liên, Huy Cận, Thanh Châu, Anh Thơ, Lê Thương, Đoàn Chuẩn, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương,…

“Nhờ đó mà tôi xuất bản các bộ sách được dư luận đánh giá cao như Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam, Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội,… Riêng bộ Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam được giới sử học đánh giá là nguồn cảm hứng khai mở cho nhiều cuốn hồi ký của các tướng lĩnh ra đời” - Phan Hoàng kể.

Bên cạnh việc làm báo, nghiệp thơ vẫn chưa đứt rời khỏi đời anh. Tập thơ đầu tay Tượng tình xuất bản năm 1995 được xem như luồng gió mới trẻ trung trong đời sống thi ca bấy giờ. “Các nhà thơ đàn anh vốn “cao đạo” ở TP.HCM như Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc... cũng đã viết bài bình luận. Trên tờ Phụ Nữ TP.HCM, nhà thơ Lê Minh Quốc viết đại ý rằng Phan Hoàng là một trong những nhà thơ trẻ đầu tiên mạnh dạn đưa ngôn ngữ hiện đại vào thơ…”, Phan Hoàng nhớ lại.

Đến năm 2002, nhà thơ Phan Hoàng xuất bản tập thơ Hộp đen báo bão. Theo kế hoạch tập thơ này in năm 2000, nhưng lúc đó xảy ra một số “sự cố” về thơ nên NXB Trẻ “neo” lại và biên tập kỹ, cắt bớt vài đoạn nên in chậm hai năm.

“Đã có lúc nhiều người nghĩ tôi chán nản bỏ thơ, nhưng không, tôi vẫn sáng tác đều đặn, có điều ít xuất hiện và không in thành tập. Tôi viết nhiều mà cũng tự xoá bỏ rất nhiều. Điều quan trọng của thơ là phải tạo nên cái mới, khác biệt, nếu không dễ lọt thỏm vào dàn “đồng ca” thơ ngập tràn trên báo xuân, mà đọc bài nào cũng giống bài nào. Đó cũng là một phần bi kịch của nền thơ Việt đương đại”.

Với Phan Hoàng: “Thơ như người tình lãng mạn và khó tính, vừa hấp dẫn ma lực và chia sẻ nỗi lòng tôi, lại vừa làm khổ tôi có lúc đền gầy mòn xanh xao từng câu chữ. Vì có thói quen hay sáng tác lúc đi trên đường hay lúc nửa đêm, nên thơ còn là “mối hiểm hoạ” cho tính mạng và sức khoẻ của tôi”. Vì vậy, có những lúc không viết được, Phan Hoàng đi làm từ thiện. Cách đây ba năm, Phan Hoàng cùng các bạn thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca sáng lập Quỹ Tình thơ hỗ trợ các nhà thơ gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật (mỗi lần hỗ trợ 10 triệu đồng) và mua thơ hỗ trợ phát hành các tập thơ mới. Đến nay Quỹ Tình thơ đã hỗ trợ hơn 300 triệu đồng. Quỹ này do ban điều hành tự lo liệu, không tổ chức quyên góp.

Bìa Chất vấn thói quen với tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Đến Chất vấn thói quen

Chất vấn thói quen hoàn toàn không có thơ về tình yêu lứa đôi. Theo lời kể của Phan Hoàng, một nữ nhà văn trẻ đã từng “chất vấn” hình như anh không làm thơ tình?

“Biết làm sao được khi mối quan tâm của tôi đang hướng về những người nông dân bị mất đất, sống ly hương, di sản cha ông đang bị tàn phá, môi trường sống của chúng ta đang bị huỷ hoại, sự hư danh ảo tưởng đang lấn át, cái ác cái chết đang ám ảnh mỗi người hàng ngày… và trên hết là sự cô đơn đang bao trùm đời sống thị trường, những giá trị nhân văn bị đảo lộn trong từng gia đình, trong từng ý nghĩ của không ít con người…”.

Lúc này, nhà thơ Phan Hoàng đang chỉnh sửa bản thảo tập thơ thứ tư Bước gió truyền kỳ. Đúng ra tập thơ này xuất bản trước Chất vấn thói quen, nhưng vì cuối năm 2010, Phan Hoàng bị cướp mất laptop, nên bản thảo chỉnh sửa vừa hoàn thành cũng “bay” theo luôn.

“Giờ phải tập hợp lại bản thảo, sáng tác lại một số bài theo trí nhớ để ra mắt bạn đọc. Tôi cũng đang suy nghĩ về những đề nghị tái bản các bộ sách phỏng vấn nhân vật của mình và tập hợp tản văn, bút ký tôi viết gần 10 năm nay để in thành sách. “Âm mưu” dự định thì nhiều nhưng cũng khó mà… bước tới hết”.

An Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link