18/08/2012 06:57 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - “Thần đồng thơ” gốc Hải Dương tự biết rằng cuộc sống thành phố gấp gáp khiến người ta bị cuốn theo nhưng ông không thể làm gì ngoài... bó tay. Lâu dần, chính ông cũng nhiễm câu cửa miệng: “Bận lắm…”. Mà bận thật, hẹn gặp rồi, thì đúng ngày đài Tiếng nói Việt Nam, nơi nhà thơ làm “sếp lớn” (Phó bí thư Đảng ủy), tổ chức chương trình Tri ân tháng 7 nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trần Đăng Khoa là khách mời, không chỉ duyệt chương trình mà còn lên cả sân khấu giao lưu. Chương trình được truyền hình trực tiếp vào buổi tối, buổi chiều chạy thử. Thành ra “lão Khoa” chạy lên chạy xuống tất bật. Gặp ai trong đài ông cũng chào hỏi bắt tay, trò chuyện từ vài câu đến vài phút. Mà không phải miễn cưỡng, thái độ của hai bên đều đon đả, cứ như thể không có công việc thì sẽ nán lại lâu hơn.
Phố và quê = Nhanh và chậm
* Nói đến chuyện phố - chuyện quê, tôi có cảm giác tìm Trần Đăng Khoa là rất thích hợp, bởi ông quê ở Hải Dương, lại sống ở Hà Nội lâu năm, vừa thấu chuyện quê vừa hiểu chuyện phố.
- Đúng ra là không chỉ Hà Nội, tôi đã sống ở nhiều thành phố, trong đó Hải Phòng chỉ có 3 năm - hồi tôi là lính hải quân, Moskva (Nga) 7 năm - hồi đi học, còn Hà Nội là mấy chục năm sống và làm việc, rồi những năm đi đi về về, không nhớ nổi con số chính xác. Mỗi nơi đều có cái hay riêng. Hải Phòng cho tôi cảm giác thoải mái nhất, bởi đây là thành phố thợ, cũng toàn là dân tứ chiếng, nói như thi sĩ Văn Cao trong trường ca “Cửa biển”: Những người dân nghèo từ đây/Như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến, vì thế, đến với người Hải Phòng, mình không phải giữ kẽ, xã giao, có thể nằm lăn ra sàn nhà mà ngủ, vào bếp vét cơm nguội ăn. Tôi coi thành phố này như quê hương thứ hai, dù sống ở đây rất ít. Hà Nội dù ô hợp, nhưng vẫn có vẻ đài các thanh lịch riêng. Còn quê hương Hải Dương thì tôi vẫn luôn gắn bó.
* Ở quê ông vẫn còn họ hàng chứ?
- Hai cụ thân sinh vẫn ở đó. Mẹ tôi 94 tuổi và bố tôi 93 tuổi. Các cụ không thích ở Hà Nội, bảo chật chội, tù túng. Thế nên bà chị tôi dù con cái đều ở trên thành phố, nhưng chị trụ ở quê để chăm nom bố mẹ già. Còn tôi vẫn về quê thường xuyên, tháng về một lần hoặc tuần về một lần.
* Nhắc đến “phố” ông nghĩ đến cái gì đầu tiên?
- Tốc độ và nhịp sống.
* Thế còn “quê”?
- Sự tĩnh lặng.
* Nhưng không phải lúc nào đó cũng là ưu điểm của “phố” và “quê”?
- Đúng vậy. Tốc độ khiến người ta biết tận dụng thời gian, nhưng sống quá gấp cũng dễ tạo ra tai họa. Còn tĩnh lặng lại kéo theo sự ứ đọng trì trệ.
Đời sống đô thị đang bị “vỡ”
* Hai thành phố lớn Hà Nội - TP.HCM vẫn hay được người ta đưa ra so sánh như là đại diện cho miền Bắc - miền Nam, về con người, cảnh quan, lối sống... Trong mắt ông thì thế nào?
- Tôi có cảm giác TP.HCM giống một cô gái tràn căng sức sống, mặc quần short chạy việt dã, còn Hà Nội lại là một cụ già mang khăn xếp áo the tập dưỡng sinh, gương mặt trầm mặc như đang nghĩ ngợi, nhưng thực chất thì chẳng nghĩ gì cả.
* Không hiểu sao tôi thường nhìn thấy ở Hà Nội những nét xô bồ hơn là sự trầm mặc?
- Xô bồ thì ở đâu chả có. Hải Phòng, TP.HCM và bất cứ thành phố nào, có lẽ trừ Đà Nẵng. Phố xá là thế. Ở Hà Nội có còn cái gì là nguyên gốc của nó đâu. Nhà văn Tô Hoài gọi Hà Nội là cái chợ, toàn dân “tứ chiếng”. Bây giờ Hà Nội có cả đồng bào thuộc dân tộc ít người. Ở Hà Nội không có kỳ thị địa phương. Đây là điều hay nhất, cho thấy Hà Nội còn có khả năng phát triển tốt. Các cụ bảo Đất lành chim đậu. Nhưng có điều lạ, chỉ có người Bắc ùn ùn vào Nam sinh sống, chứ không có người Nam nào ra Bắc sống cả. Người Nam chỉ tập kết ra Bắc trong những năm chiến tranh, hoặc ra Bắc làm nhiệm vụ, khi hết nhiệm kỳ, các bác ấy lại trở về quê hương bản quán. Những người dân Nam bộ khác cũng vậy. Như thế, Hà Nội, hay rộng hơn, miền Bắc có phải là Đất lành không?
* Vậy còn đặc tính của người dân hai miền…
- Người Nam sống thật hơn, thực tế hơn người Bắc. Tôi chỉ xin đơn cử một chi tiết thôi. Đó là cái xe máy.
Với người Sài Gòn, xe chỉ là vật dụng đơn giản, giúp con người đi lại. Thế thôi. Người Sài Gòn thường chọn mua xe tốt, nhưng không chú ý đến xe. Xe thế nào cũng được, miễn chạy tốt, còn tróc sơn, sây sát cũng chẳng sao, vứt lăn lóc ở đâu cũng được. Còn với người Hà Nội thì cái xe còn là vật trang trí, là tài sản, danh dự, là rất nhiều thứ… ngoài xe, nên họ dán ni-lông, giữ gìn rất cẩn thận. Nếu va chạm, với người Sài Gòn, chỉ xin lỗi một câu là xong, nhưng với người Hà Nội thì phải đền lớn đấy, nếu là xe mới. Vì thế người Sài Gòn sướng hơn người Hà Nội. Người Sài Gòn cưỡi xe, còn ở Hà Nội thì xe nó lại… cưỡi người. Khác nhau căn bản là thế đấy.
* Thỉnh thoảng trên diễn đàn, báo chí vẫn rộ lên mấy cuộc đấu khẩu giữa người Hà Nội và người ngoại tỉnh ở Hà Nội, tranh cãi chuyện ai mới là người làm Hà Nội bẩn, xấu.
- Sống ở Hà Nội bây giờ đều dân ngoại tỉnh cả. Cũng chỉ có người nhà quê mới cãi nhau vì những cái lủn mủn như thế thôi. Thực ra thì đời sống đô thị bây giờ đang “vỡ” nháo nhác. Người phố đổ xô về quê mua đất, xây nhà vì đất ở quê rẻ. Người phố xuôi về quê để được sống. Còn dân quê thì lại nhao ra thành phố kiếm sống. Cứ nhặt đầu chợ bán cuối chợ cũng vẫn kiếm được nhiều tiền hơn là làm quần quật ở quê. Anh “phố xá” mang sắt thép về “bê tông hóa” làng quê, còn anh dân quê lại đem cái lôi thôi nhếch nhác lên “khai hóa” thành phố. Cuối cùng nháo nhác hỏng ráo cả.
* Có cách gì điều chỉnh cho nó tốt đẹp hơn không?
- Đấy là công việc của các nhà lãnh đạo. Có thể làm rất tốt điều đó. Chỉ có điều chúng ta có muốn làm không và có biết cách làm không? Ví dụ Đà Nẵng, theo tôi, là thành phố chuẩn, thành phố nền nếp nhất nước. Ta thấy được dấu ấn và tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Đường phố sạch sẽ, nền nếp. Không thấy trẻ ăn xin, không có người lang thang, không có đĩ điếm, trấn lột và người chạy theo khách du lịch kỳ kèo. Thành phố có biện pháp tạo công ăn việc làm cho họ, người dân có thể báo trực tiếp cho Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bá Thanh về những người lang thang mà họ thấy qua điện thoại. Thậm chí ông bí thư còn gặp những người khó khăn, cả những người mới ra tù để tạo công ăn việc làm cho họ.
* Ông đã gặp ông Nguyễn Bá Thanh chưa?
- Chưa, nhưng đi đâu cũng thấy dân khen ông ấy. Từ một ông giáo sư có tên tuổi, đến những ông xe thồ, xích lô ba gác, ai cũng khen Nguyễn Bá Thanh. Trong khi ở các tỉnh khác, chỉ thấy người dân kêu ca về lãnh đạo của họ. Tôi có một kỷ niệm ở phố cổ Hội An, một nơi trong lành, người ta buôn bán trong một bầu khí quyển trong vắt. Tôi vào một cửa hàng quần áo, người bán cẩn thận hỏi: “Ông mua để mặc lâu dài hay mặc vài lần rồi bỏ?”, tôi trả lời rằng tôi mua đồ mặc lâu dài chứ, “Nếu thế thì ông nên sang cửa hàng bên kia, còn ở đây đồ không được tốt”. Có mấy ai buôn bán, lại nói hàng của mình không tốt, và có trách nhiệm với khách hàng như thế không? Ở Hà Nội, từ chối mua hàng có khi còn bị người bán chửi bới, nói những câu thô bỉ, thậm chí còn “đốt vía” như xua ma quỷ. Thêm nữa, ở Hội An, giá bán cho Tây cũng như bán cho ta, chứ không như ở Hà Nội, cứ thấy ông ngoại quốc nào đó là đội giá lên - đó là buôn bán nhỏ, là làm ăn manh mún, tư duy tỉnh lẻ. Người làm ăn lớn thì chữ Tín là hàng đầu. Người ta có thể chịu thiệt để giữ uy tín. Ai đã đến rồi còn muốn trở lại. Ở nước mình, có rất nhiều người như Nguyễn Bá Thanh, chỉ có điều họ có được trao trọng trách, có được đặt đúng vị trí để phát huy hiệu quả hay không?
Người Việt Nam chen lấn ở cả... New York
* Tôi biết vài người, cũng ở tỉnh khác lên Hà Nội làm việc, bây giờ đã thành đạt, có nhà Hà Nội, đi lại bằng ô-tô. Trong một lần tắc đường, họ thản nhiên buông một câu: “Đuổi hết bọn hàng rong về quê là hết tắc ngay”. Tôi hỏi lại: “Về quê làm thế nào để sống?”. Họ chỉ cười.
- Nói thế là thiếu trách nhiệm, là miệt thị những người không may mắn. Ở Hà Nội có ai không phải là người nhà quê đâu. Tôi ít thấy ông nào Hà Nội gốc ba bốn đời.
Mà sao lại đổ tội gây tắc đường cho người ở tỉnh lên? Mấy cái xe điên nghiến người hàng loạt do ai lái? Người bán hàng rong đâu có được mấy cái xe đó. Chuyện tắc đường, không phải do đường mà do ý thức người tham gia giao thông. Người Việt có đức tính rất xấu là chen lấn. Có lần ở New York, ở chỗ xếp hàng lên cửa máy bay, chỉ có dân Việt với nhau thôi, mà cũng chỉ hơn chục người, mà cũng xô đẩy nhau, gây ra cảnh ùn tắc cục bộ. Nhìn lại đều mấy ông cấp vụ, thế thì còn trách chi người dân ở chốn bát nháo giữa đường phố ô hợp. Năm ngoái, vụ sóng thần ở Nhật Bản ghê gớm như thế, mà người Nhật xử lý rất đẹp. Lạy giời, nếu tai nạn ấy xảy ra ở Việt Nam thì sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều lần, vì tai họa không chỉ từ trời giáng xuống, từ biển ập vào, mà từ trong cộng đồng mà ra. Ngay cả khi chưa có sóng thần, chỉ có lũ lụt, đến trợ cấp cho đồng bào vùng hoạn nạn, hay Nhà nước cấp tiền tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ còn bị đục khoét thì đáng lo thật.
* Ở Việt Nam, địa phương nào là có môi trường sống gần lý tưởng nhất?
- Đà Nẵng như tôi nói lúc nãy hoặc Tuy Hòa của Phú Yên. Những thành phố nền nếp, yên bình. Tuy thế, nhìn tổng thể tôi nghĩ sống ở Việt Nam vẫn tốt hơn ở nước ngoài. Ở các nước khác không hề đơn giản. * Ông có nghĩ đến chuyển vào những nơi đó sống không?
- Tôi chưa nghĩ đến. Tôi còn ít năm làm việc nữa. Vả lại, với tôi thì ở Việt Nam, dù sống ở đâu cũng là quê hương, là căn nhà yên ấm của mình.
* Ai cũng sẽ đến lúc mà công việc không còn là thứ có thể níu chân nữa?
- Nhưng lại có những ràng buộc khác. Tôi còn bố mẹ, con cái và họ hàng đằng vợ. Rất nhiều thứ phải lo toan. Nếu chỉ có bản thân mình thì đơn giản. Nhưng trên đời chẳng ai sống vì mỗi mình mình cả.
* Vậy những người thích tự do bay nhảy đã làm thế nào?
- Họ phải có nhiều điều kiện. Nhưng tôi nghĩ không một ai có thể rũ bỏ những trách nhiệm, trừ những kẻ mất nhân tínhCòn đọc thì còn hy vọng Ông dành mấy tiếng một ngày để đọc? - Không thể đếm bao nhiêu tiếng được. Cứ rảnh rỗi một chút là tôi lại đọc. Một ngày tôi đọc nhiều lắm.
- Nhiều sách. Cuốn Lolita chẳng hạn. Ông thấy cuốn đó thế nào? - Cách viết tương đối mới đấy, mặc dù không phải là dễ hiểu theo tinh thần của người Việt. Nabokov không dễ đọc chút nào. Ngoài Lolita còn có sách gì nữa? - Nhiều. Người viết cần đọc tất cả các lĩnh vực. Như cụ Tô Hoài ấy, cụ hay đọc báo đời sống, xã hội, có đọc văn chương mấy đâu. Thậm chí báo lá cải cũng có ích cho người viết. Báo lá cải có ích? Như thế nào? - Thực ra “lá cải” cũng là cách gọi miệt thị thôi. Những dạng báo như thế giúp người ta hiểu rằng đời sống phức tạp hơn những gì họ nghĩ. Nhưng nhiều người vẫn lo ngại báo lá cải thiếu tính giáo dục, góp phần hạ thấp dân trí? - Dân trí thấp là do không học, không đọc đấy, chứ còn đọc thì vẫn còn hy vọng. Có đọc sách thì còn biết sợ. Những kẻ phạm tội hầu như có đọc gì đâu. Đừng nghĩ báo chí làm hỏng con người. Ngay cả những báo sa vào mô tả các vụ giật gân, cướp giết hiếp, thì vẫn có tác dụng tích cực là cung cấp cho người ta một nỗi sợ. Bây giờ “trăm hoa đua nở”, không thể tất cả báo chí đều viết một kiểu thì không ai người ta đọc. Nhưng nhiều báo vẫn viết na ná nhau? - Đúng. Đấy là căn bệnh chung của báo mình. Cứ xào xáo lẫn nhau. Tôi lấy ví dụ vụ án Lê Văn Luyện chẳng hạn, báo Công An thì có thể đưa ở góc độ hình sự, báo Giáo Dục Thời Đại thì nhìn ở góc độ giáo dục trẻ em vị thành niên, báo Gia Đình Xã Hội thì tìm hiểu từ góc độ quản lý con cái trong gia đình. Cùng một vấn đề nhưng báo chí tùy theo tiêu chí tính chất của mình mà có cách khai thác riêng, được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, chứ cứ nhìn một kiểu, nói một giọng thì chán lắm! |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất