Nhà thơ Vi Thùy Linh: Trình diễn thơ vì “màu cờ, sắc áo”

04/02/2012 13:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đó là quan điểm của nhà thơ Vi Thùy Linh, một trong những nhà thơ trẻ sẽ cùng với nghệ sĩ Đào Anh Khánh và Quyền Thiện Đắc có tiết mục trình diễn thơ cùng nhau trên sân thơ quốc tế vào sáng ngày mai, 5/2, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), trong khuôn khổ Ngày thơ VN lần thứ 10.

Đây là phần trình diễn duy nhất có kết hợp âm nhạc, nghệ thuật đương đại và được cho là tiết mục nhằm khẳng định dấu ấn thơ Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Vi Thùy Linh.



Từ trái qua phải: Nhà thơ Vi Thùy Linh, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc và Nguyễn Toàn tại Varsava (ngày 4/12/2011). Ảnh: V.L.

* Tại sao chị lại tiếp tục kết hợp với Đào Anh Khánh và “dụ dỗ” thêm Quyền Thiện Đắc trình diễn thơ cùng chị?

- Tôi và anh ấy đã từng trình diễn với nhau tại Ba Lan hồi tháng 12/2011 nhưng đây là lần đầu tiên tôi và Quyền Thiện Đắc trình diễn thơ tại Việt Nam. Rất nhiều đạo diễn có diễn viên “ruột”. Ví dụ, trong phim của mình, vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang hầu hết mời diễn viên Hồng Ánh hay đạo diễn Lê Hoàng từng rất “tín nhiệm” Mỹ Duyên. Vì vậy, việc biến hóa là năng lực và bổn phận của người nghệ sĩ chứ không phải là sự lặp lại... Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nói với tôi: “Không cần cầu kỳ. Có phải thi đấu đâu mà cần màu cờ sắc áo. Chỉ cần lên đọc thơ là được”. Nhưng tôi cho rằng vẫn cần phải màu cờ sắc áo vì đây là lần đầu tiên chúng ta đăng cai một liên hoan thơ quốc tế cùng với Ngày thơ VN.

* Kết hợp với những nghệ sĩ trình diễn, chị có gặp phải hạn chế nào không?

- Chúng tôi có rất nhiều ý tưởng muốn làm nhưng bị hạn chế bởi hai lý do. Văn Miếu là một không gian cổ kính, thâm nghiêm, vì thế mọi sự phá cách sẽ bị chặn lại bởi một cái barie tự thân trong đầu mình. Chính vì ý thức được điều đó nên chúng tôi sẽ lao động một cách nghiêm túc.

* Lần này, chị sẽ trình diễn bài thơ gì? Có... hôn Đào Anh Khánh như năm ngoái không?

- Khi tương tác với Đào Anh Khánh thì sẽ phải biểu thị tình cảm với Đào Anh Khánh, còn Quyền Thiện Đắc sẽ là một sứ thần với những thanh âm của tình yêu và anh không chỉ đơn thuần là một nhạc công mà còn là một nhân vật. Tác phẩm mà tôi trình diễn với hai anh là Trên bờ vai với phần dịch thơ sang tiếng Anh của Trịnh Lữ, trang điểm và làm tóc là Mai Linh, phục trang của La Hằng.

* Chị đánh giá thế nào về đời sống thơ ca của Việt Nam trong một thập kỷ vừa qua so với khu vực và lớn hơn là với cả thế giới?

- So với khu vực, trong đời sống của chúng ta hiện nay, hình như thơ ca đang bị xem nhẹ, rèm pha, không được coi trọng trong chính cả những người làm thơ.

Thơ VN đương đại có quá nhiều người làm thơ nhưng lại ít thi sĩ. So với mặt bằng chung thơ khu vực mà tôi đã từng được đọc thì thơ ca chúng ta thuộc hạng mạnh và mới mẻ cả về tư tưởng, kỹ thuật và sự sung động. Tuy nhiên, chúng ta hiếm có những nhân tố bứt phá, chỉ đóng cửa trong cái tư duy nội địa của chính mình. Thế thì khó có thể đua chen hay so tài với thế giới được.

* Nước ta có truyền thống thơ, có nhiều nhà thơ, nhiều người yêu thơ chứng tỏ nước ta là một nước thơ, một cường quốc thơ đấy chứ?

- Lịch sử Việt Nam là một lịch sử của một đất nước khẳng định sự tồn tại của mình qua các cuộc chiến. Chúng ta khát vọng hòa bình nhưng chúng ta lại bị thử thách quá nhiều bởi các cuộc xâm lược của các thế lực thù địch bên ngoài. Nói Việt Nam là một cường quốc thơ ư, tôi chưa thấy “phục” lắm, bởi đây là một sự lạc quan quá mức. Nếu gọi là thơ đích thực thì chúng ta chưa đạt được cái gọi là cường quốc thơ. Cường quốc với ai? Câu hỏi này cần được đặt lại hay chỉ tự mình cảm thấy mình là cường quốc? Bây giờ bảo chọn ra top 20 nhà thơ có thơ hay và hiện đại thì chưa chắc đã làm được.

* Vậy nếu có cuộc bình chọn top 20 nhà thơ có thơ hay và hiện đại nhưng kết quả cuối cùng lại không có tên nhà thơ Vi Thùy Linh thì sao?

- Tôi tin rằng với những người tham dự, quan sát và thấu hiểu tình hình văn chương bằng một tư duy khách quan, chân thật và sâu sắc thì thơ đương đại VN hiện nay Vi Thùy Linh không phải là cái tên bị quên và mờ nhạt. Tôi có thể khẳng định là tôi xứng đáng đại diện cho thế hệ 8X của tôi. Ở thế hệ của tôi, chưa có ai đối với thơ được như tôi.

Phạm Nguyễn (thực hiện)

Thay vì ba sân thơ: thơ thiếu nhi, thơ truyền thống và thơ trẻ như mọi năm, Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ chỉ có hai sân thơ truyền thống và quốc tế. Hoạt động chính tại Ngày Thơ VN gồm: Triển lãm 80 năm thơ mới, khai mạc sân thơ trăm miền… Ngoài ra, tại đây cũng sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng văn học 2010-2011 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cho đến trưa hôm qua (3/2), khi được hỏi cụ thể về tên các nhà thơ sẽ tham gia trình bày tại hai sân thơ Truyền thống và Trăm miền (gồm các nhà thơ quốc tế và các nhà thơ đến từ 10 tỉnh thành trong nước), nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, người được giao về phần nội dung kịch bản, trả lời là hiện tại ông đang gấp rút làm việc và vẫn chưa có danh sách cuối cùng.

An Vũ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link