Nhà thơ Vũ Quần Phương: Ngưỡng cửa, nơi xuất phát đến trường để đi xa hơn nữa

07/06/2009 14:29 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Mỗi người, khi sinh ra, rồi lớn lên, đều quen thuộc với ngưỡng cửa nhà mình. Và, chắc hẳn, ai đã từng cắp sách tới trường, đều không thể không biết tới Ngưỡng cửa quen thuộc của tác giả Vũ Quần Phương!...” Bài đọc từ thời ấu học ấy, cũng giống như nơi ngưỡng cửa, mà từ đó ta bắt đầu những bước chập chững đầu tiên, để rồi đi xa, xa hơn nữa…

Ngưỡng cửa... nhà mình, ngưỡng cửa cuộc đời

Vũ Quần Phương là cái tên không còn mấy xa lạ đối với độc giả qua những bài thơ nổi tiếng như Áo đỏ, Đợi... Ông không chỉ “nổi” ở mảng thơ viết cho người lớn mà ông còn rất thành công ở mảng thơ thiếu nhi. Thơ thiếu nhi ông viết không nhiều, nhưng trong mỗi bài đều để lại những ấn tượng sâu sắc, thú vị, cái thú vị mà người đọc phải reo lên khi còn bé và trầm ngâm ngẫm nghĩ khi đã trưởng thành.


Nhà thơ Vũ Quần Phương

Một trong những bài thơ của Vũ Quần Phương được lựa chọn đưa vào SGK từ khá sớm là bài Ngưỡng cửa (Ngữ văn 1, tập 2). Đó là ngưỡng cửa mà hàng ngày, các bé bước qua, bước lại. Cái ngưỡng cửa nơi bé chập chững tập đi, chứng kiến những hình ảnh, những hoạt động, thậm chí cả những vất vả lo toan ngày đêm của bố mẹ. Ngưỡng cửa còn là nơi đón chào niềm vui bạn bè thân thuộc, nơi mà bé bắt đầu xuất phát đến trường rồi... đi xa hơn nữa.
Ngưỡng cửa
 
Nơi này ai cũng quen
Ngay từ thời tấm bé
Khi tay bà, tay mẹ
Còn dắt vòng đi men

Nơi bố mẹ ngày đêm
Lúc nào qua cũng vội
Nơi bạn bé chạy tới
Thường lúc nào cũng vui

Nơi này đã đưa tôi
Buổi đầu tiên đến lớp
Nay con đường xa tắp
Vẫn đang chờ tôi đi
Ngưỡng cửa thân quen với mỗi người trong gia đình. Vì quá thân quen mà có khi ta chưa kịp nhớ. Hóa ra, từ đó ta lớn lên, đi những bước đầu tiên để trưởng thành để lại bắt đầu cuộc hành trình trên những “con đường xa tắp”.

Rất nhiều em nhỏ sau khi được học bài thơ, trở về nhà đã bước qua, bước lại chính ngưỡng cửa nhà mình đã cảm thấy đầy thích thú. Ngưỡng cửa vô tri dường đã trở thành điểm kết nối giữa gia đình với thế giới rộng lớn bên ngoài hàng ngày các em tiếp xúc...

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, ở đời mỗi con người còn biết bao “ngưỡng cửa” cần phải vượt qua. Mỗi ngưỡng cửa là một thử thách của sự trưởng thành... đó là những ngưỡng cửa người ta tự đặt ra, những ngưỡng cửa của cuộc đời. Nhưng chẳng ngưỡng cửa nào giống ngưỡng cửa nhà mình. Ngưỡng cửa nhà mình là nơi đủ sức mạnh yêu thương làm bước đệm cho ta cất cánh vào đời, cũng thừa nhẫn nại để đợi chờ bước trở về trong một ngày đoàn tụ ấm cúng...

Bị “nghi ngờ” về chính bài thơ bị đạo của mình

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, thơ thiếu nhi ông làm không nhiều, chủ yếu viết trong thời gian các con ông còn nhỏ. Khi viết cho các con được chừng vài chục bài, trong đó có Ngưỡng cửa, nhà thơ Định Hải đã lấy đưa vào tập, in chung với nhiều người. Còn lại nhiều bài khác thì in rải rác ở các báo như Thiếu niên, Nhi đồng. Tiếc là, những bài thơ ấy chính nhà thơ Vũ Quần Phương cũng không lưu lại được bài nào, dù là bản chép tay hay in báo. Ông chỉ giữ được “bản in trong đầu”, để khi vui với cháu, nếu chợt nhớ sẽ lại ngâm nga cho chúng nghe. Bài thơ Ngưỡng cửa được chọn in trong SGK chính nhà thơ Vũ Quần Phương cũng không hay biết. Chỉ khi các cháu hàng xóm được học về nói với bố mẹ “được học bài bác Phương”, tác giả mới hay mình có tác phẩm được in trong SGK.

Ông kể lại: Ngưỡng cửa là một bài thơ giản dị, nhưng những câu chuyện xoay quanh nó thì chẳng hề đơn giản chút nào. Chuyện là, bài thơ Ngưỡng cửa từng đoạt giải Nhất một cuộc thi thơ dành cho thiếu nhi ở Hà Nam nhưng tác giả lại không phải nhà thơ Vũ Quần Phương. Hóa ra, có cháu bé đã chép lại nguyên bài thơ ấy để gửi dự thi. Trẻ con không có ý thức về quyền tác giả, chỉ đơn giản là chúng thích thì chúng chép, mà chép được rồi thì ắt thuộc, nhưng BGK thì quá sơ xuất đã không phát hiện ra lại chấm giải cao nhất. Sau đó, sự việc bị phát hiện và đưa lên báo. Đến lúc đó người ta mới ngã ngửa, đó là một bài thơ đạo. Lần đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của mình, tôi bị hỏi về chính bài thơ của mình rằng: “Ông có phải tác giả của nó hay không...?”.

Thêm một chuyện khác, đầy thú vị, ấy là người ngoại quốc cũng thích bài Ngưỡng cửa. Có một anh chàng ở nước ngoài sau khi đọc bài thơ tỏ rất thích thú. Dường như anh ta đã tìm được những tình cảm đồng điệu của một lữ khách tha phương nhớ về chính gia đình và tuổi thơ mình. Thành công của Ngưỡng cửa là phần nào đã gợi lên trong lòng độc giả những xúc cảm vừa như quen lắm, lại như lạ lắm về chính bản thân mình. Để rồi, chợt khẽ nhận ra: Mình cũng thế!

Làm thơ thiếu nhi theo kiểu “chơi mà học”

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nếu làm thơ cho người lớn, nhà thơ nên hạn chế tối đa, thậm chí là không cho phép mình “lên mặt” dạy dỗ thì làm thơ cho trẻ con lại cần phải có hàm ý về sự dạy. Giống như những thân non còn có thể uốn nắn, trẻ con là lứa tuổi cần nhận được dạy dỗ, với chúng đó là những điều rất có ích. Nhưng điều quan trọng ở trẻ đó là học mà chơi, chơi mà học nên cách dạy cũng cần theo phương pháp đó.

“Như khi tôi viết bài thơ Đi xe đạp, đạp xe đi, muốn đi xe đạp thì phải đạp xe đi, đó chính là nguyên lý ở đời, muốn đi thì phải đạp nếu không sẽ bị đổ, muốn bơi thì phải nhảy xuống nước, muốn học ngoại ngữ thì phải nói ngoại ngữ... mà đi xe đạp muốn thành công cũng cần sự trả giá đó là việc ngã ậm oạch...” - ông triết lý. “Dạy trẻ học mà chơi nhưng hãy để trẻ hiểu được chân lý một cách dễ dàng, đơn giản: Làm việc gì cũng cần cố gắng, phải thực làm mới có kết quả... Ở những bài thơ khác, bao giờ tôi cũng tạo ra một không gian, một thế giới, cho trẻ hòa nhập vào chính bài thơ, cho chúng hiểu từ những điều cụ thể nhất rồi dẫn dắt chúng đến những thứ ý nghĩa hơn, giúp chúng tự rút ra bài học. Trẻ con thì luôn hiếu động nhưng chúng nhớ rất lâu, và những bài học của tuổi thơ có thể đi theo và có ích cho chúng trong suốt cả cuộc đời...”.

Kỳ sau (Chủ nhật, 14/6) Nhà thơ Vũ Quần Phương: Có cái “không chân”… mà “đi khắp nước”!

Yên Khương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link