Nơi hoạt động của Nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo được công nhận Di tích quốc gia

28/08/2015 17:44 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/8, tại Bảo tàng Bến Tre, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích cấp quốc gia nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo chiến lược, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa.

Di tích nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo có tổng diện là 13.407,7m2, tọa lạc tại số 146 đường Hùng Vương, phường 3, thành phố Bến Tre. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp với những cánh cửa hình mái vòm đặc trưng gồm một tầng trệt và một tầng lầu, diện tích 497,8 m2.

Phạm Ngọc Thảo (cầm mi-crô), tháng 2/1965. Ảnh: Tạp chí Life

Nhà được xây dựng bằng chất liệu vữa tam hợp, tường 3 lớp gạch, nền lát gạch, mái lợp ngói, cửa và cầu thang bằng gỗ. Các cửa sổ cũng hình vòm trên chạm đầu sư tử, dây nho, chim muông,... Bốn hướng ngôi nhà đều có cổng ra vào với 3 mặt giáp với 3 con đường lớn: Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Đại Hành.

Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1876 được gọi là dinh Tham biện, cơ quan đầu não của thực dân Pháp ở Bến Tre. Sau hiệp định Geneve, đế quốc Mỹ nhảy vào dựng lên ở miền Nam chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, ngôi nhà này được Mỹ Ngụy chọn làm Dinh Tỉnh trưởng cho đến ngày 30/4/1975.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, ngôi nhà được Tỉnh ủy Bến Tre tiếp quản, sau đó giao lại cho Ty Thông tin - Văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để làm Phòng Bảo tồn Bảo tàng vào năm 1976. Năm 1981, ngôi nhà được UBND tỉnh Bến Tre đổi tên thành Bảo tàng Bến Tre và được sử dụng để trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh nhà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.

Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một trong số ít những ngôi nhà do Pháp xây dựng ở Bến Tre từ đầu thế kỷ XX còn giữ lại được gần nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật cổ phương Tây và cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Đây là một di sản văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử gắn bó với cuộc đời hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo trong thời gian từ năm 1960 – 1962 với cương vị là Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (tiền thân của tỉnh Bến Tre ngày nay).

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông được giao một nhiệm vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử tình báo: luồn sâu, leo cao, hoạt động đơn tuyến, lợi dụng mâu thuẫn để đánh địch từ trong ra. Tuy về làm Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa trong một thời gian ngắn nhưng Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã có đóng góp rất lớn cho cách mạng. Ông đã cho thả hơn 2.000 tù chính trị, trong đó có ông Võ Viết Thanh (được phóng thích vào ngày 7/7/1961, sau này là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân).

Trần Thị Thu Hiền


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link