Nhà văn Bùi Anh Tấn: "Bói Kiều" cho các nhân vật

28/09/2009 14:23 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, trong tháng 9 này, nhà văn Bùi Anh Tấn trình làng liên tiếp 2 cuốn tiểu thuyết dày dặn về hai đề tài khác nhau, đó là Bước chân hoàn vũ và Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng. Viết khỏe, sách ra nhiều, đề tài đa dạng... là những điều người ta thấy “phục” ở Bùi Anh Tấn. TT&VH đã có cuộc trò chuyện cùng anh.  


 Nhà văn Bùi Anh Tấn
* Tiểu thuyết Bước chân hoàn vũ (NXB Công an Nhân dân) được viết lại từ kịch bản phim 40 tập cùng tên mà anh đã “bán” cho FPT Media HCM. Có phải vì anh thấy kịch bản phim chưa chuyển tải hết ý của mình nên viết thành tiểu thuyết?


- Mỗi thể loại có thế mạnh khác nhau, nhưng kịch bản phim không thể khai thác sâu một nhân vật như mình mong muốn. Ở tiểu thuyết này, tôi chọn ra một nhân vật phản diện trong kịch bản phim để xây dựng thành nhân vật chính. Thêm nữa, tôi học ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện trên một cuốn tiểu thuyết. Lúc đầu, tôi rất chú trọng lời thoại và muốn tiểu thuyết chỉ hoàn toàn thoại. Nhưng sau đành bất lực, vì tiểu thuyết mà chỉ toàn thoại thì không thể viết nổi. Có thể xem tác phẩm này như một cuộc thử nghiệm với cách trình bày xen giữa kịch bản phim và văn học vậy.

 * Mở đầu các chương trong Bước chân hoàn vũ đều bằng các câu Kiều, hẳn anh muốn “bói Kiều” cho các nhân vật của mình?

- Trong lời mở đầu của tiểu thuyết, tôi trích mấy câu Kiều, trong đó có câu được in đậm: “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, đồng thời chú thích rất rõ thế nào là “vành ngoài bảy chữ” và “vành trong tám nghề”. Thông qua những câu Kiều mở đầu mỗi chương, người đọc có thể hình dung số phận các nhân vật, nhất là số phận những người đàn bà. Có thể tôi “bói Kiều” cho các nhân vật, nhưng là “bói” có chủ đích.

* Từ Bước chân hoàn vũ viết về thời hiện tại, anh lại “nhảy phóc” về quá khứ viết về triều Trần. Xin hỏi “cú nhảy” này của anh mất bao lâu?

- Thật ra tôi viết tiểu thuyết Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng (NXB Văn hóa Sài Gòn) tức viết về thời Trần Nhân Tông trước khi viết Bước chân hoàn vũ. Tôi mất khoảng 4 năm để hoàn thành tiểu thuyết lịch sử này trong khi Bước chân hoàn vũ chỉ mất khoảng một năm là xong. Điều gì tôi biết, tôi hiểu thì khi cầm bút luôn dễ dàng hơn những điều thuộc về quá khứ xa mờ. Tôi viết theo kiểu “dồn toa” nên tự thúc mình phải làm cho xong việc.

* Gọi là viết về thời Trần Nhân Tông nhưng thực sự tiểu thuyết này khái quát cả triều đại nhà Trần, trong đó nhân vật nổi trội lại là Trần Thủ Độ. Người đọc có cảm giác là nhân vật Trần Thủ Độ luôn bao trùm  tiểu thuyết này bởi cái xấu và cái ác do ông ta đã gây ra?

- Những ai học sử đều biết rằng Trần Thủ Độ là nhân vật thế nào. Tôi luôn tâm niệm: viết về lịch sử phải tôn trọng sự thật, nhưng không phải “chép sử”, nếu có hư cấu cũng phải dựa trên sự thật.

* Dường như các tác phẩm của anh đều khai thác khá chi tiết những mặt trái của đời sống?

 - Cái tốt người ta nói nhiều rồi, nói hàng ngày, tôi nói nữa thêm... thừa. Nhưng nếu không thấy cái xấu, cái ác thì làm sao biết được điều tốt là gì?!

* Có vài ý kiến cho rằng anh làm trong ngành công an nên “nhìn đâu cũng thấy tội phạm”?

- Không hẳn như vậy. Nếu nói làm gì sẽ nhìn thấy nhiều vấn đề “giống” như nghề ấy để viết e rằng là ngộ nhận chăng? Thiếu gì những nhà văn đâu có làm nghề này, nghề kia... nhưng vẫn viết rất hay về công việc, nghề nghiệp đó thôi. Quan trọng là sự thẩm thấu của mỗi nhà văn trước vấn đề mình tâm đắc khi viết. Tôi viết rất nhiều mảng đề tài khác nhau, không hẳn chỉ là an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, phải thừa nhận là, do làm công an nên tôi có được những thế mạnh “nhất định” nhờ khai thác công việc của ngành trong đấu tranh với tội phạm. Bài học thuở vỡ lòng của tôi là “nhân chi sơ tánh bản thiện”. Tôi tin con người sinh ra là luôn mang sẵn “tính thiện” trong người. Có điều khi lớn lên, môi trường xã hội, cuộc sống... tác động, làm cho tính thiện ít đi, tính ác nổi lên nhiều hơn. Thế nên trong khả năng hạn chế của mình, tôi viết về cái ác là để cảnh báo, nhất là trong thời điểm hiện nay khi đồng tiền lên ngôi, sự hưởng thụ về vật chất làm cho con người ta quên đi tất cả những giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần. Chỉ có thế thôi.

* Xin cảm ơn anh!

10 tiểu thuyết trong 20 năm

     Nhà văn Bùi Anh Tấn hiện đang phụ trách Chi nhánh NXB Công an Nhân dân tại TP.HCM. Anh viết văn khoảng 20 năm nay, đã xuất bản 10 tiểu thuyết: Một thế giới không có đàn bà (chuyển thể thành 10 tập trong loạt phim Cảnh sát hình sự), Ký ức chiến tranh (HTV dựng thành phim Món quà tính yêu), Vòng tay không đàn ông, Không và Sắc, Hành trình của sói... và 5 tập truyện ngắn. Năm 2010 anh dự định xuất bản 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn và tham gia 1 dự án làm phim rất lớn.


Thanh Kiều (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link