Lê Anh Hoài: Sau Không lạc loài muốn… Tẩy sạch vết yêu!

05/04/2010 15:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ra mắt một tập truyện ngắn là bình thường. Tự giới thiệu về tác phẩm của mình cũng là bình thường nốt. Thế nhưng, tuyên bố rằng muốn chọn một cái tên hội đủ 3 tiêu chí “sến, sốc, chuối” cho cuốn sách mới của mình như Lê Anh Hoài - người chấp bút Không lạc loài - thì không phải là điều dễ gặp.

Nâng lên đặt xuống, cuối cùng thì cái tên được chọn là Tẩy sạch vết yêu. Đó là cái tên chung cho tập truyện ngắn của anh, vừa được NXB Hội Nhà văn cho ra mắt. Và cũng không chỉ lần này, Lê Anh Hoài mới “chơi nổi” như vậy. Tham gia một số chương trình nghệ thuật sắp đặt (mà đỉnh cao là màn đứng làm cột điện cho trẻ con... tè vào người) hay tham gia chấp bút cho cuốn tự truyện Không lạc loài của Phạm Thành Trung về đề tài đồng tính, những sáng tác như vậy đã làm dư luận nhắc tới anh từ vài năm nay.

Lê Anh Hoài cho biết:

- “Sến, sốc, chuối” là tiêu chí tôi đặt ra để “chơi” cái tên cho tập truyện ngắn này. Lý do ư? Vì tôi thấy thị trường sách hiện nay, muốn bán được thì phải như thế. Vậy thì mình cũng phải đua theo cho vui! Ai lỡ mua, lỡ đọc mà không thấy khoái cứ đến gặp, tôi xin hứa sẽ trả lại tiền!

Đi vào cụ thể từng tiêu chí thì thế này. Sến nghĩa là phải có tình tang, éo le. Thì đây, tên sách của tôi có “yêu”. Sốc: thì phải sex một tí, kinh dị một tí. Thì đấy, có “tẩy sạch”, nghe cũng có vẻ hình sự, trinh thám lắm chứ! Còn chuối: Cái gì mà cứ nói có vẻ vừa thật thà, vừa văn hoa, học đòi thì là chuối. Cái gì quá lên cũng chuối.Cái tên Tẩy sạch vết yêu nghe chuối quá còn gì?

* Được biết, anh đã tổ chức hẳn một cuộc trưng cầu ý kiến với bạn bè để tìm ra cái tên này?

- Tên sách là tập hợp ý kiến của một nhóm nhà văn trẻ, bạn tôi. Họ đưa ra đủ cả, nào: Hôn nàng không bỏ mũ bảo hiểm; nào: Tình online lúc nửa đêm; nào: Thắp nến lên cho HOÀI nhớ... Tranh cãi trên chat, qua email, trong lúc gặp nhau... chúng tôi tổ chức bỏ phiếu đàng hoàng, thậm chí có cả vòng sơ tuyển và chung kết. Nói chung tôi nghĩ đây là một cái tên khá đẳng cấp.

* Vậy ngoài cái tên, nội dung cuốn sách có đạt tới “đẳng cấp” về các tiêu chí sến, sốc, chuối... như anh nói không?

- Tập sách gồm 19 truyện ngắn tôi tự tuyển ra, trong đó có 7 truyện rất ngắn. Thời gian viết chủ yếu trong khoảng 5 năm lại đây. Nội dung sách thì tự tôi nghĩ là không “sến, sốc, chuối”. Nhưng biết đâu đấy, nếu bản thân văn chương của tôi đã bị người đọc đánh giá như vậy rồi thì đành chịu thôi...

* Nói sang chuyện hội họa. Vốn không qua một trường lớp đào tạo nào, vì sao anh lại dính tới món này?

- Tôi nghĩ đến với nghệ thuật, đầu tiên là phải yêu thích, sau là tìm hiểu. Mà tìm hiểu thì có rất nhiều kênh. Việc học chính quy là quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Khá nhiều người học hành bằng cấp đàng hoàng, rồi bỏ đó. Tôi cho rằng, không có một trường nào dạy người ta làm nghệ sĩ cả mà các trường chỉ cố gắng dạy một số kỹ năng. Để trở thành nghệ sĩ, đầu tiên là phải có “máu nghệ sĩ”. Mà hình như tôi có.

Nói thêm, tôi cũng viết văn, mà lại chưa được học Trường Viết văn Nguyễn Du. Vậy tôi nên gác bút chăng?

* Vậy, anh tự thấy mình hiểu về hội họa tới đâu?

- Còn kém lắm, tôi vẫn nhờ bạn bè chỉ bảo thêm. Tự biết mình yếu mà không có điều kiện học thì phải học ở bạn, học ở đời. Nhưng chơi với nhiều họa sĩ, tôi vui vì họ tin cậy và chia sẻ nhiều chuyện công việc với mình. Cái gì biết thì tôi nói, không biết thì lắng nghe.

Gần đây tôi tham gia một vài triển lãm khá nghiêm túc về chuyên môn, với các tác phẩm trình diễn (performance art), sắp đặt (installation art)... Vậy thôi.

* Những gì trong lĩnh vực viết, anh “chơi tất”, từ viết phê bình, từ sáng tác truyện ngắn đến tiểu thuyết, kịch hay thơ.... Lĩnh vực mỹ thuật, anh cũng bước chân vào. Như vậy liệu có quá ôm đồm?

- Nếu một người ham thích, và có thể làm, thì sao mà phải hẹp hòi chứ?! Trong giới văn chương không hiếm người vẽ, và trong giới hội họa không ít người làm thơ, viết văn mà. Làm gì có người viết, hoặc vẽ mà cứ “cày” đều đều như công chức?

Có những người nghĩ phải chuyên tâm vào một thứ thì mới tốt. Nhưng hỡi ôi, có phải là cứ chăm chỉ cần cù thì sẽ có tác phẩm hay đâu? Với tôi, văn chương và mỹ thuật giúp tôi cân bằng trong cuộc sống, giữa hàng đống công việc bộn bề mà mình phải làm khác. Tôi nghĩ nghệ thuật giúp tôi nhiều chứ tôi chắc chẳng giúp được gì cho nghệ thuật. Vì nghĩ thế nên tôi cũng chẳng bị sức ép gì kiểu như muốn lưu danh thiên cổ cả.

* Lý do nào khiến anh say mê với những thứ ầm ĩ, huyên náo và gây sốc như vậy?

- Đơn giản, tôi không thích làm những gì nhàm chán. Trước tiên là không nhàm chán với chính bản thân mình. Sáng tạo, theo tôi, đầu tiên nó phải là mới lạ. Thế nên, nếu sáng tác của tôi tạo nên sự “ầm ĩ, huyên náo và gây sốc”, thì trước hết, tôi xin lỗi nếu đã làm phiền ai đó. Và sau là tôi thấy dù sao cũng còn hay hơn là sáng tác của tôi lại “lặng lẽ, chìm nghỉm và chẳng gây cảm giác gì”, như chán vạn những thứ đã có.

* Vậy, có bao giờ anh muốn tập trung sáng tác một cách... nghiêm túc hơn không?

- Xin hãy cho tôi một định nghĩa về sự “nghiêm túc”. Nếu nghiêm túc là viết theo kiểu kể chuyện rồi rút ra bài học, lên giọng giáo huấn đạo đức, ngôn từ và văn phong chuẩn mực như là từ điển hoặc trong đa số những tác phẩm được giải gần đây thì tôi thà gác bút còn hơn!

* Thời gian anh dành cho nhiều hoạt động sáng tạo đến vậy, vậy thì việc anh dành thời gian cho nghề làm báo và cho công việc được thực hiện thế nào?

- Trong đầu tôi khá rành mạch. Tôi không thuộc loại nghệ sĩ lơ mơ như nhiều người hay tưởng tượng về nghệ sĩ. Với tôi, có hai loại việc: việc phải làm và việc muốn làm. Sáng tạo là việc tôi muốn làm. Còn làm báo và những nghĩa vụ khác thì phải làm và phải làm một cách chuyên nghiệp, chu đáo, vì đó là những công việc nuôi sống tôi mà.

Minh Châu (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link