25/03/2021 19:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Với Lê Minh Hà, nỗi nhớ và những ký ức về Hà Nội dường như là mạch cảm ứng không bao giờ cạn để chị nối dài những trang viết của mình. Rời Hà Nội ở tuổi ngoài 30 và có 27 năm sống tại Đức, nữ nhà văn vừa ra mắt tập tản văn Tuổi ấy mình yêu (NXB Trẻ).
Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với chị
* Trước hết, tại sao lại là “Tuổi ấy mình yêu”? Nghe ra, cái tên ấy đã đã phần nào tự đặt ra một giới hạn với các độc giả ở độ tuổi 9X trở lên rồi, khi họ nhìn vào ảnh tác giả ở bìa sách?
- Tôi ưa lằng nhằng mà. Có thể hiểu là tôi yêu tuổi ấy, tuổi trẻ của mình, cũng là của “chúng mình” khi nói với người cùng lứa. Nhưng cũng có thể hiểu là tuổi ấy, chúng tôi yêu, biết yêu, mê đắm…
Mấy năm trước, trong một lần trả lời phỏng vấn, tôi từng nói rằng, khi viết, tôi tự giải phóng mình khỏi mọi áp lực từ độc giả. Với câu hỏi này, câu trả lời vẫn là vậy. Tôi mở cho mình nhiều hướng viết để giải phóng chính mình khỏi những ám ảnh, những day dứt, những da diết trước cả ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai.
Là người viết, cái chúng ta gọi là đề tài chưa bao giờ là mối quan tâm đầu tiên của tôi, dù tôi không hề coi thường những điều độc giả quan tâm. Nghệ thuật phát triển được là nhờ vào nhiều chiều tương tác, tương tác giữa tác giả và bạn đọc chỉ là một trong số đó. Trong quan hệ đó, tự do của tôi cũng như của độc giả là như nhau. Nếu bạn đọc trẻ đọc tên sách, nhìn ảnh người viết sắp thành bà lão mà đã tự đặt ra giới hạn cho mình, tự giải phóng khỏi chữ của tôi thì đấy là quyền khi người ta trẻ (cười).
* Được biết, phần lớn cuốn sách chị viết trong giai đoạn “năm Covid-19 thứ nhất” vừa rồi. Nếu không có nó, việc hồi cố, suy nghĩ, mở lại ký ức và viết về nó... có thường xuyên diễn ra với một người xa xứ như chị không?
- Bạn vừa nói từ suy nghĩ, đúng là thế đấy: Toàn bộ những gì tôi viết, không cứ cuốn này, chỉ là những phác thảo của tôi về diện mạo tinh thần - cái khối lùng nhùng người ta gọi là tâm hồn của chính tôi, một người đàn bà chả biết tại sao không biết tự hài lòng với bản thân từ bé tới lớn, và bây giờ già. Hồi cố không phải là chủ đích của tôi khi viết. Đó chỉ là một thao tác ngẫm nghĩ, để hiểu chính mình, hiểu đời sống hơn, cụ thể là hiểu hiện tại hơn – gồm có hiện tại tôi đang sống từng ngày ở đây và hiện tại mà tôi chỉ có thể theo dõi vì không gian cách bức, tức là Việt Nam hôm nay.
Theo nghĩa này, hồi cố như một thao tác tư duy, và làm sao tôi tránh được việc sử dụng nó không ngưng nghỉ. Tự buộc mình phải viết cũng mệt, nhưng là cách tôi thoát ra khỏi sự nhạt như khí loãng - thứ có thể lấy được mạng sống của tôi theo nghĩa đen...
* Cuốn sách này nên được gọi là ghi chép hay tản văn, theo chị? Và để giới thiệu một chút với độc giả, Hà Nội của “Tuổi ấy mình yêu” sẽ có gì khác so với Hà Nội ở “Thương thế ngày xưa” hay những trang viết khác?
- Bìa sách được nhà xuất bản đề là tản văn. Và tôi muốn kể lại câu chuyện về một cuốn tản văn khác, cuốn Những triền xưa ai đi. Bìa sau cuốn sách ấy có in mấy dòng của nhà văn Bảo Ninh: “Mười bốn hồi ức, mười bốn cái truyện ngắn phi hư cấu này truyện nào cũng hay, cũng dịu dàng, cũng dung dị, cũng đầy trìu mến mà nặng nỗi ngậm ngùi, cũng âm thầm đắng cay chua xót...”. Khi được đọc, tôi vô cùng ngạc nhiên. Không phải vì được khen, mà vì ông gọi những dòng tôi viết là truyện ngắn.
Vâng, chính tôi cũng coi những dòng mình viết là truyện, mà ở đó thấp thoáng những con người cụ thể, những câu chuyện có thật, những cái tên thật. Nhưng, nếu đi tìm nhân vật, thì nhân vật chính phải là tôi, kẻ xa lạ, kẻ ngớ ngẩn đã ngẫu nhiên được chứng kiến những mảnh đời thật, sống qua rồi nhưng không thể nào gột đi được cảm giác ngậm ngùi, xót xa mà khi bé chưa biết cảm ra nhưng càng ngày càng trĩu nặng khi nhớ.
Cuốn Tuổi ấy mình yêu cũng vậy, dù bìa sách in hai chữ tản văn thì tôi vẫn không biết gọi như thế nào. Còn cuốn Tuổi ấy mình yêu là tôi, nhưng nó có khác tôi ở những cuốn như Thương thế ngày xưa hay gì gì không thì… tôi xin để bạn đọc nói hộ (cười).
* Trong những lần về Hà Nội, nhìn cách sống và cách nghĩ của những bạn trẻ tương đương với tác giả ở gần 30 năm trước, chị thấy khoảng cách giữa mình và họ có lớn quá không? Và thẳng thắn, khoảng cách ấy thiên về tích cực hay tiêu cực, theo chị?
- So với tuổi tôi ở chừng ba mươi năm trước ư? Khoảng cách giữa chúng tôi vừa rất rộng vừa rất chật và không hẳn là khoảng cách giữa các thế hệ. Sự khác biệt này nằm ở điều kiện xã hội. Nó quy định cách nhìn của người sinh ra, lớn lên, loay hoay trong lòng nó.
Đôi khi tôi thấy các bạn trẻ bây giờ quá già mà chưa chắc trưởng thành hơn chúng tôi khi bằng tuổi họ. Còn các bạn ấy thì có lẽ cũng đang nhìn lứa tuổi chúng tôi và nghĩ già rồi còn ngớ ngẩn như trẻ ranh, già rồi còn dở hơi chưa biết bơi (cười). Chúng ta không thể phán xét, cũng không có quyền phán xét, tôi nghĩ vậy.
Mỗi lứa tuổi sẽ phải tự vật vã để sống và nhận ra mình muốn gì, làm được gì, khôn dại dở hay thế nào theo cái thước đo của thời mình và thước đo chung cho mọi thời, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Thước đo chung ấy đơn giản lắm: ta làm được gì cho đời sống, ngoài ta.
* Và cuối cùng, những lần gặp một Hà Nội đã mất đi quá nhiều những phố vắng, những mùi xà cừ và ngọc lan, những biệt thự Pháp trên vỉa hè rộng... như chị từng viết, cảm giác của chị là gì, bên cạnh sự tiếc nuối?
- Bạn kể chưa đủ, cái Hà Nội mất đi nhiều nhất là lặng im. Nhưng sự mất này không phải bắt đầu từ cái thời chúng ta đang gọi là phát triển này đâu. Xa hơn nữa.
Tiếc cũng chả làm được gì. Mà thứ mình tiếc biết đâu lại đang là thứ nhiều người ao ước, vì đấy là bằng chứng của phát triển - nếu ta muốn nghĩ rằng việc chấp nhận sự khác đi, đảo đồng đảo địa là phát triển. Còn quê hương, đôi khi cũng cần phải nghĩ: Mình đang đến hay về.
* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.
Hoàng Nguyên (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất