28/02/2017 19:13 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - "Biết có Khôi ở đây mới đón xe ra khám bệnh chứ không thì nằm nhà chịu chết thôi". Câu nói sao mà nghe thương muốn khóc” – nhà văn, bác sĩ Lê Minh Khôi kết thúc một bài tạp văn bằng lời kể về công việc của mình.
Giới cầm bút biết đến nhà thơ trẻ Lê Minh Khôi từ những năm đầu 1990, khi anh mới ở tuổi đôi mươi. Còn hiện nay, giới y học lại biết tới anh trong vai trò một PSG.TS chuyên về tim mạch tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM.
Lê Minh Khôi kể rằng lúc nhỏ, anh đam mê văn học và mơ ước trở thành một phóng viên. Tuy nhiên đến ngưỡng cửa đại học thì Khôi rẽ sang học Y theo nguyện vọng của gia đình. Anh nói: "nghề Y là tình yêu đích thực có được sau hôn nhân. Văn chương là mối tình đầu thủy chung suốt đời”.
Nhà văn, bác sĩ Lê Minh Khôi (trái) và người bạn học,nhà văn Trần Nhã Thụy (phải) trong buổi ra mắt "Những sườn núi lấp lánh".
Chuyện Lê Minh Khôi khi nhỏ học giỏi văn có người làm chứng, đó là nhà văn Trần Nhã Thụy – bạn học cùng thời cấp ba ở trường chuyên tỉnh Nghĩa Bình. Trần Nhã Thụy, nhớ lại: “Lê Minh Khôi làm thơ trước khi viết văn. Thời nội trú trường chuyên Nghĩa Bình ở Quy Nhơn, Khôi có biệt tài… xuất khẩu thành thơ. Và thơ lúc nào cũng lai láng trước những… mối tình tưởng tượng tuổi học trò”.
Lê Minh Khôi bắt đầu bước chân vào con đường văn chương từ năm 1992 với những bài thơ tình sinh viên. Anh cộng tác với tuyển tập văn chương Áo Trắng do nhà văn Đoàn Thạch Biền chủ biên.
"Từ nước Đức xa xôi, Lê Minh Khôi gửi bài về cộng tác với Áo Trắng nhưng không phải thơ mà là những bài du ký châu Âu. Chính những bài viết này của Khôi đã khiến tôi mở chuyên mục Hương xa trên Áo Trắng" – nhà văn Đoàn Thạch Biền nhớ lại "Những bài tản văn của Lê Minh Khôi luôn dồi dào cảm xúc. Hy vọng, Những sườn núi lấp lánh sẽ là nốt nhạc khởi đầu cho những tác phẩm sau này”.
2. Dù thơ thẩn cả một thời trai trẻ và viết tạp văn cũng đầy chất thơ, song hành trình của Lê Minh Khôi là để trở thành một bác sĩ tim mạch. Anh dành trọn 13 năm liên tục để học tập và nghiên cứu, rồi bảo vệ luận án tiến sĩ Y khoa với điểm xuất sắc tại trường ĐH Rostock (Đức).
Vậy nhưng, nghề văn và nghề y với Lê Minh Khôi vẫn song hành trong cùng một con người. Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét về nghề văn của người bạn học thời cấp 3: "Tôi mừng là giữa bao thứ bủa vây của đời sống cơm áo gạo tiền, và sự thách đố của công danh, quyền lực, Khôi vẫn luôn thao thức, luôn dành thời gian cho những trang viết. Dẫu thời gia đó là ít ỏi, nhưng hy vọng về những điều tử tế thì luôn lớn lao”.
Cuốn tạp bút Những sườn núi lấp lánh của anh chia thành 3 phần: Thương nhớ ca dao, Bấp bênh phận người, Những sườn núi lấp lánh. Đọc sách, điều đọng lại lớn nhất ở người đọc là cách Lê Minh Khôi hướng cái nhìn về những lấm láp nhưng lấp lánh trong các mảnh đời khốn khó của cuộc sống.
“Có bệnh, có tiền nhưng tìm chỗ chữa trị cho đàng hoàng, không cắt cổ không phải là chuyện đơn giản như ra một đường cày, cấy một nhúm mạ. Nhìn những gương mặt cháy sạm sau một vụ mùa, người ta sẽ dễ dàng cảm nhận được cái nắng thiêu đốt của miền Trung và núi công việc nhọc nhằn đổ ập trên vai người nông dân nơi đây" –anh viết "Nông dân là khổ. Nông dân đau bệnh càng khổ”.
Trung Quốc có nhà văn Lỗ Tấn từ bỏ nghề Y để chuyển sang viết văn vì cho rằng viết văn chữa được nhiều bệnh xã hội hơn là bệnh thể xác. Còn Khôi vẫn vừa viết văn vừa làm bác sĩ. Bởi, anh thương người khốn khó, xuất thân từ những vùng quê nghèo như mình.
Vài nét về nhà văn, bác sĩ Lê Minh Khôi Nhà văn Lê Minh Khôi sinh năm 1973, quê Quảng Ngãi. Hiện tại, ngoài công việc của một bác sĩ, anh còn là giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu - Chống độc, ĐH Y Dược TPHCM. Với bút danh Mạc Đại và Lê Minh Khôi, anh từng có thơ, tản văn xuất hiện trên nhiều tờ báo và từng góp mặt trong các tập: Khúc Giêng Hai (thơ), Về thương chim sẻ (tạp bút), Không gian tiệm nước (tạp bút)... |
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất