28/10/2020 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Lê Phương Liên có 2 trang tác giả ở những sách giáo khoa thuộc các lớp đầu cấp. Ở sách Tiếng Việt 1 (tập 2), bộ Cùng học để phát triển năng lực là truyện ngắn Ngày em tới trường. Ở sách Ngữ văn 6 (tập 1, bộ hiện hành) là bài Nụ cười của mẹ.
Tuyện Ngày em tới trường trong sách giáo khoa chỉ dài hơn 180 âm tiết, chắt lọc từ nguyên bản dài tới 1.800 âm tiết, mà tác giả đã viết từ gần nửa thế kỷ trước (1983).
Những bài văn trong sách giáo khoa
Nhóm biên soạn sách đã lược bớt không gian truyện, đã “cho nghỉ” một số nhân vật phụ, nhưng vẫn giữ được tinh thần truyện - niềm tự hào và tự tin của một cá nhân học sinh, giữ được nét duyên bất ngờ mà tác giả khéo đưa ra trong câu kết truyện: “Thưa thầy, em tên là Nguyễn Văn Thắng, không phải cu Tí ạ”, để truyện kết ngay khi nó đạt tới cao trào như tác giả đã làm trong nguyên bản.
Tinh thần tự hào, tự tin kia hiện ra thật hồn nhiên, dí dỏm khi tục danh chung của những đứa bé Việt còn chưa quên, đứng bên chính danh, của một người bắt đầu được học, có học! Với cách biên tập như thế, nhóm biên soạn, như muốn nhắc người dạy học, ngày khai trường Việt Nam còn có “cánh đồng thơm mùi lúa chín” và tiếng nói rất thật, rất ngộ của những đứa bé đang lớn lên từ cánh đồng kia, chứ không chỉ có “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…” như ta từng dạy cho các em.
Ở sách Ngữ văn 6 (tập 1, bộ hiện hành, nhà văn Lê Phương Liên có bài Nụ cười của mẹ. Tác giả nhớ lại: “Năm 2000, giáo sư Trần Đình Sử (chủ biên phần tập làm văn của bộ sách) đã gặp tôi nói cần một bài minh họa cho lý thuyết xây dựng bài văn “kể chuyện đời thường”. Ông đặt tôi viết bài đó. Khi ấy chưa dùng máy vi tính, tôi đã viết tay bài Nét bút của mẹ gửi giáo sư. 2 năm sau vào năm 2002, bộ sách giáo khoa mới ra đời. Tôi có nhận được một cuốn sách làm kỷ niệm. Khi xem lại văn bản tôi thấy bài đã được đổi tên là Nụ cười của mẹ, về câu chữ hầu như giữ nguyên, tôi cảm thấy thuận lòng”.
Xin trích một đọan trong bài của tác giả Lê Phương Liên:
“Thuở ấy ở làng quê, mẹ tôi dạy những đứa trẻ vốn chỉ quen mò cua bắt ốc, chăn trâu cắt cỏ. Có những thằng cu nghịch ngợm và viết xấu quá, nhiều buổi tối mẹ tôi bảo cả mấy đứa ngồi bên. Mẹ tôi đặt bàn tay thon thả xanh xao cầm lấy bàn tay bé nhỏ nhưng đã sớm khô ráp chai sần của những thằng cu ấy. Mẹ tôi cầm tay học trò viết từng nét cong, nét thẳng. Rồi khi buông ra để học trò tự viết lấy, tôi thấy mẹ tôi khẽ mím môi, hơi thở nhẹ hẳn đi, mái đầu như đưa theo bàn tay của các em. Đến khi xem lại những chữ học trò tròn trịa ngay ngắn, mẹ tôi khẽ gật đầu. Rồi mẹ tôi cất tiếng đọc, một giọng đọc thanh thoát nhẹ nhàng để trẻ con bắt chước theo. Nghe học trò đọc, không thấy ngọng nữa, mẹ tôi mỉm cười trìu mến lắm”.
Hoạt động tích cực cho văn học thiếu nhi
Không chỉ là một nhà văn viết cho thiếu nhi đã và đang sung sức, Lê Phương Liên còn là nhà hoạt động tích cực nhằm duy trì, phát triển bộ phận văn học này.
kết quả 8.000 bài dự thi “Cuộc vận động bình chọn tác phẩm văn học thiếu nhi Viết Nam ấn hành từ 1945 tới 2000 mà em yêu thích” do Trung ương Đoàn, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, trong tư cách Trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Phương Liên nhận xét: “Tôi rất chú ý tới cuộc vận động này. Đây là đường dẫn để người đọc và người viết đến với nhau, cùng hiểu biết và tin tưởng. Với danh sách 10 tác phẩm được các em bình chọn, có thể thấy, miền đề tài được các em quan tâm là rất rộng. Có rất nhiều đất để người viết sáng tạo văn chương dành cho các em. Nếu nhà văn viết hay thì, lớn như lịch sử dân tộc, tiểu sử danh nhân, hay nhỏ như chuyện sinh hoạt thường nhật nơi sân trường góc bếp, đều có thể thành tác phẩm văn học thiếu nhi. Từ góc nhìn lý luận văn học thì thấy, sở thích của các em cũng rất gần với sự đánh giá của các chuyên gia, của những cơ quan xuất bản, 10 cuốn có số phiếu bình chọn cao, phần lớn là sách được giải của hội nhà văn, của các cuộc thi sáng tác, là “sách vàng” của nhà xuất bản… sự đồng thuận này, thêm lần nữa khẳng định đóng góp của văn học thiếu nhi vào văn học Việt Nam đương đại”.
Người viết bài này còn nhớ, vào ngày 31/5/2009 nhà văn Lê Phương từ Hà Nội vào tận quận Gò Vấp, TP.HCM với con rối nước Tễu cỡ lớn, để giới thiệu sách mới của mình - Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu.
Trong buổi ra mắt này, nhà văn Lê Phương Liên kể lại: Khi trung tâm văn hóa châu Á thuộc UNESCO tổ chức cuốn sách có tiêu đề Nước, NXB Kim Đồng được mời tham gia bài Nghệ thuật múa rối nước, tôi được phân công thực hiện bài. Tới đầu năm 1996, ông Hiroshi Fujimoto tác giả bộ sách Doraemon đến Việt Nam, tôi lại đưa ông đi xem múa rối nước, nhờ vậy khá am tường trò diễn này. Tuy vậy, phải đến mùa Xuân năm 2008, tôi tham dự Trại sáng tác của Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại Nhà sáng tác Tam Đảo, mới có thời gian viết cho xong truyện này''.
Đây là câu chuyện từ khúc gỗ sung, chú rối Tễu ra đời và đến nhà trò thủy đình kia. Ỷ mình còn trẻ, Tễu dè bỉu, chê bai các bác rối già. Một cơn mưa đầu mùa ập xuống, cuốn Tễu vào một đường nước để rồi lênh đênh trên biển cả, bị Ma Mốc trù ém, nhưng may lọt vào ổ trứng rùa, để rồi được sinh ra một lần nữa…
Với nhân vật chú Tễu mà mình rất am hiểu, nhà văn Lê Phương Liên còn viết cho thiếu nhi một một bộ sách 5 tập Chú Tễu kể chuyện (NXB Kim Đồng 2019). Trong bộ sách, nhân vật hề dễ thương này, kể các em nghe chuyện vui các ngày Tết Việt như: Trung Thu, Nguyên Đán, Đoan Ngọ, lễ Vu Lan…
Khai thác rất sâu văn hóa dân tộc như thế, nhưng nhà văn Lê Phương Liên cũng là người tích cực mở cửa để trẻ em Việt Nam giao lưu với trẻ em thế giới. Từ nhiều năm nay, bà tham gia ban giám khảo mảng bài Việt Nam của cuộc thi thiếu nhi thế giới viết thư, do Liên đoàn Bưu chính quốc tế UPU tổ chức. Nhà văn Lê Phương Liên cùng các đồng sự, phát hiện những lá thư xuất sắc viết bằng chữ Việt gửi tới ban giam khảo quốc tế và đã 2 lần thư chữ Việt của trẻ em nước ta đước xếp hạng cao nhất.
Năm 2016 với đề bài “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi”, bé Thu Trang người Hải Dương đã hóa thân thành cậu bé Aylan Kurdi - người thiệt mạng trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến vượt biển cùng gia đình để viết thư cho chính mình vào năm 45 tuổi, thể hiện khát khao về một thế giới không còn bạo lực, không còn cảnh con người phải xua đuổi nhau, tranh giành đất sống.
Vài nét về nhà văn Lê Phương Liên Nhà văn Lê Phương Liên sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từng là Trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều năm làm biên tập viên NXB Kim Đồng. Các tác phẩm chính gồm: Những tia nắng đầu tiên (1971) Khi mùa Xuân đến (1974) Bông hoa phấn trắng (1984) Hoa dại (1995) Bức tranh còn vẽ (1997) Én nhỏ (1998) Câu hỏi trẻ thơ (1971) Đêm tan (1986) Ngày em tới trường (2002) Dòng thu (2008) Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu ( 2009) Chú Tễu kể chuyện (2019). |
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất