Nhà văn Nguyễn Đình Tú: “Lập đường dây nóng” trên sách

09/02/2011 14:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - “Tôi luôn mong chờ nhận được phản hồi của độc giả, mong tới mức đưa cả số điện thoại và địa chỉ email lên bìa sách của mình” - nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ trong dịp năm mới.

Chỉ vài ngày trước Tết Tân Mão, anh nhận được tin vui: tiểu thuyết Phiên bản của anh nhận giải B do Bộ Công an trao tặng, kèm theo số tiền 20 triệu đồng. Tính đến giờ, số giải thưởng văn học mà anh nhận được cũng xấp xỉ bằng số năm cầm bút (từ 1998). Viết đều (5 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn), “gặt giải” đều và bán sách cũng rất đều.

Giống như “chăm sóc khách hàng”

Nguyễn Đình Tú tâm sự:

- Khi nhận giải, đặt cạnh các đồng nghiệp, có lẽ tôi là người duy nhất chỉ lăm le nghĩ tới chuyện “giải ngân” số tiền thưởng (cười). Nói vậy không đồng nghĩa với việc coi nhẹ cuộc thi này, nhưng thật lòng, tôi cũng đã có kha khá giải thưởng rồi. So với giải thưởng tay, cảm xúc của tôi bây giờ quả có kém “tươi mới” đi chút ít.

Tất nhiên, như mọi người viết, tôi cũng mong độc giả và giới truyền thông chú ý tới Phiên bản. Nhưng sách đã được in từ 2 năm, trước khi giải thưởng này được trao, thậm chí cũng được tái bản rồi. Hiện tại, tiểu thuyết Kín của tôi đang được quan tâm nhiều hơn.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú (trái) và tiểu thuyết Phiên bản
* Nghĩa là, với sách của anh, sự quan tâm của độc giả là lý do quan trọng nhất để tồn tại?

- Tôi luôn mong chờ điều ấy, mong tới mức đưa cả số điện thoại và địa chỉ email lên bìa sách của mình. Tất nhiên, tùy cảm nhận của người đọc, sẽ có những phản hồi khiến tôi thú vị hay bực mình. Nhưng, đúng như bạn nói, điều đó cũng có nghĩa tác phẩm của tôi không rơi tõm vào thinh không.

Nôm na, chuyện lắng nghe phản hồi của nhà văn cũng giống như khâu chăm sóc khách hàng trên thị trường bây giờ (cười). Tôi không muốn tự ru ngủ bằng việc đánh đồng khái niệm độc giả với bạn bè, đồng nghiệp - những người mà tôi tặng sách. Những người sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua và đọc sách của tôi, đó mới là lượng độc giả quan trọng nhất trong nghề văn.

“Mỗi người có một quan niệm riêng về sự chuyên nghiệp của nhà văn Việt Nam. Chẳng hạn, anh Phạm Xuân Nguyên nói rằng để được gọi bằng cụm từ ấy, người viết phải xuất bản từ 2 tác phẩm trở lên. Còn với tôi, tác giả chuyên nghiệp chỉ đơn giản là người luôn có ý thức đặt chuyện viết lên cao và quan trọng nhất so với mọi vấn đề trong cuộc sống”. (Tâm sự của nhà văn Nguyễn Đình Tú)

* Bỏ qua chuyện khen/chê, những phản hồi nào từ “đường dây nóng” khiến anh thú vị nhất?

- Khá nhiều chuyện thú vị. Chẳng hạn, một độc giả gọi điện nhờ tôi chỉ đường tới biệt thự X tại phố Y được nhắc tới trong sách để xem tận mắt. Tất nhiên, chẳng có cả X lẫn Y nào ở ngoài đời. Nhưng tôi cũng loay hoay khi trả lời, vì chẳng lẽ lại nói toẹt ra: tôi... bịa đấy!

Cầm bút, phải nghĩ tới chuyện làm mới mình!

* Từ Nháp, qua Phiên bản rồi tới Kín, dường như mỗi tiểu thuyết là một bước để anh đi thêm tới những đề tài dễ gây sốc như sex, đồng tính, xã hội đen, lên đồng, quần hôn... Đó có phải là chuyện “đổi món” để chăm sóc khách hàng, theo cách nói của anh?

- Điều đó cũng như việc trong làng âm nhạc, ca sĩ phải luôn thay đổi trang phục, kiểu tóc, khuôn mặt để người xem đỡ nhàm chán (cười). Tôi luôn ý thức rằng nếu còn muốn cầm bút viết, mình cũng cần phải thay đổi, cũng phải làm mới về đề tài. Đi xa hơn, đó còn là câu hỏi “viết như thế nào” chứ không dừng ở “viết gì” nữa. Ngoài cốt truyện, người viết còn cần tới một cách viết mới, hệ thống nhân vật mới, văn phong mới để câu chuyện được kể sao cho hấp dẫn và cuốn hút hơn nhưng lại không sa đà vào đánh đố, làm khó người xem. Những yêu cầu ấy tôi luôn tự đặt ra cho mình. Đặt ra khi viết thôi, còn làm được tới đâu thì chưa rõ.

* Vậy, theo thời gian, anh tự thấy mình thay đổi thế nào so với khi viết cuốn sách đầu tay?

- Tất nhiên, đó là sự trưởng thành theo thời gian về vốn sống và cách nghĩ. Còn về kĩ năng viết, thật ra ngay từ khi vào nghề, tôi cũng đã cố gắng tìm một cấu trúc lạ cho những cuốn sách của mình. Nhưng ở 2 cuốn tiểu thuyết đầu tiên là Hồ sơ một tử tù (2002) và Bên dòng Sầu Diện (2005), tôi tự thấy mình chưa làm được điều ấy một cách nhuần nhuyễn và trọn vẹn. Bây giờ, ít ra tôi cũng tự tin hơn (cười).

* Tự tin để viết một cách dễ và nhanh hơn, mà cụ thể là 3 năm gần đây anh liên tục ra mắt 3 tiểu thuyết Nháp (2008), Phiên bản (2009), Kín (2010)?

- Không, ở giai đoạn nào và với cuốn sách nào, tôi cũng có những cái khó riêng. Nhưng xét về tạng người, có lẽ tôi là tạng người viết khá nhanh, mỗi cuốn mà bạn kể trên chỉ mất hơn một tháng. Tất nhiên, ý tưởng sơ khởi về cuốn sách đã được tôi chuẩn bị từ rất lâu rồi. Còn khi triển khai, tôi rèn được cho mình thói quen đều đặn ngồi viết trong giờ hành chính mỗi ngày. Viết được dù ít dù nhiều nhưng khi ngồi vào bàn và tập trung, cảm hứng sẽ dần tới thôi.

* Anh học Luật và từng có 5 năm làm kiểm sát viên. Tất nhiên, quãng thời gian ấy mang tới cho anh nhiều vốn quý cho nghề viết. Nhưng nếu để chọn lại thì?

- Tôi cũng nghĩ về điều ấy nhiều lần. Quả thật, có nhiều con đường để cùng đi tới một con đường chính là nghề văn. Nếu được làm lại, có thể tôi sẽ không học Luật và cũng chẳng học về văn. Tôi thích học về đạo diễn - đó là nơi tổng hợp rất nhiều kỹ năng và kiến thức để giúp người ta kể một câu chuyện sao cho hay nhất.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link