24/02/2012 10:45 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Đó là lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong buổi giao lưu với bạn đọc, nhân dịp cuốn Kịch bản chèo Vong Bướm (Nhã Nam & NXB Thời đại) ra mắt, diễn ra vào chiều qua (23/2), tại 36 Điện Biên Phủ.
Như trong một vở chèo, nhân vật ra thường có màn xưng danh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng không quên xưng danh, dù tất cả những người tới gặp ông, nhất là người thân như nhà thơ Bảo Sinh, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà… hiểu khá rõ về đời ông, còn lại, chí ít cũng biết rõ danh tính, kể lại được tiểu sử văn chương…:
Tôi là người sống bằng ngòi bút của mình. Khi bắt đầu viết văn, tôi đọc tìm hiểu tất cả các nhà văn khác và tìm cho mình con đường riêng. Năm 1987, truyện ngắn Tướng về hưu được in trên báo Văn Nghệ, in trên tạp chí của những người yêu nước tại Pháp, và trên một tờ báo nổi tiếng khác… Với tôi, viết văn khó nhưng bình dị, không nên đặt quá nhiều chức năng lên đôi vai còm cõi của nhà văn. Nhà văn cũng giống như người thợ đóng giày, người may áo veston, chăm chỉ sống bằng nghề. Viết văn, cứ chân thành, tận tụy với nó, là sống được… Tôi cảm ơn các bạn đã đến đây. Tôi có thể nhìn thấy một số bạn thân của mình, người thích tôi, và cả người ghét tôi…
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (thứ hai từ trái sang) trong buổi gặp mặt
Hầu như suốt hai tiếng đồng hồ diễn ra chương trình, gần hai trăm người tới dự, đứng chật kín cả Hội quán Trung Nguyên, ít khi được nghe lời nhân vật chính - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phát biểu, sẻ chia ngoài “màn xưng danh” nói trên và thỉnh thoảng đáp lại lời các cử tọa. Ngồi bên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông chau mày, nhăn mặt, cười mỉm, khua tay, hoặc gật đầu nhẹ. Dù đủ các trạng thái được biểu lộ thế, nhưng khó ai đoán định được, phía trong ông, là vui hay buồn, là đồng tình hay phản đối, là nghiêm trang hay giễu cợt…
Khi nghe xong các phát biểu, tranh luận xung quanh cuốn Vong Bướm, ông cầm micro nhỏ nhẹ:
“Có những câu hỏi, tôi không thèm trả lời, vì nó chẳng liên quan gì đến tôi. Tôi là một nhà văn, cố gắng viết tốt sản phẩm của mình, để cho những người đến mua, trả tiền. Tôi cũng viết để trải bày tâm tư mình. Tôi thấy cuộc đời này vô minh, tầm thường”.
Trước khi đứng lên nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói một câu: Ở đây, tôi chỉ quý được một số người…
Khó thể nói, buổi gặp mặt này có thỏa mãn được sự giao lưu giữa nhà văn và người hâm mộ qua cuốn Vong Bướm hay không. Với tôi, để đối thoại được với người sáng tác, thì trước hết hãy tìm tâm cảm họ thể hiện trong nhịp thơ, tứ thơ, ý thơ… Ở phần Chú giải trong Vong Bướm, ông đã viết. “Đại Đạo vô hình, Trời Đất là Đạo hữu hình. Trời Đất không nói ra lời. Thánh nhân là Trời Đất nói ra lời. Thánh nhân không ra mặt, chỉ có sách để lại. Gặp được sách hay khác gì gặp được Thánh nhân?” (Sdd. T110). Nên mới tiếc rằng, người đến để nhìn ngắm, phán xét, bàn luận đời tư của ông (thầm thì sau lưng) chiếm phần nhiều, còn người đã đọc Vong Bướm lại quá ít.
Liệu có phải vì thế, câu cuối cùng trong Vong Bướm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới viết: “Phải chăng viết sách, đọc sách cũng chỉ là một trò cười?”?
PGS Nguyễn Thị Minh Thái “chất vấn” tác giả Vong Bướm
Từ lời mời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - bạn đồng hành với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong cuộc giao lưu, PGS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ bà chưa có thời gian để đọc Vong Bướm, tuy nhiên, bà lưu ý rằng, giới trẻ ngày nay phá nát chèo, nhưng cũng có bộ phận giới trẻ khác cứu chèo đến nỗi đưa chèo trở thành “viên ngọc quý”. Hướng về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, bà nói, nếu nhà văn vừa muốn có những tiên phong, lại vừa muốn giữ bản chất chèo thì khó, vì hai cái này đối lập nhau. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vội vã cầm micro trả lời: “Tôi không có tham vọng ấy đâu”.
Sau khi bà Minh Thái nói về vẻ đẹp, chất đàn bà, màu đỏ đậm sắc tình dục, khi Thị Mầu “cưa cẩm” Thị Kính, vì bởi Thị Kính là đàn bà, chứ nếu là đàn ông, cũng như những đàn ông khác đang ngồi đây, hẳn không thể từ chối. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp một lần nữa lại cầm micro, không hẳn nghiêm túc, không thành hài hước: “Tôi vẫn không muốn, dù gái đẹp ngần nào”.
Việt Quỳnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất