Nguyễn Khoa Đăng: Nhà văn thành "thầy cãi"

11/06/2008 15:53 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Có nhà văn tác phẩm chính là cuộc đời mà họ đã sống. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là một trong những trường hợp như thế. Ông xuất thân từ thầy giáo cầm bút, sau thành “thầy cãi” cho những phận người do không biết pháp luật mà phạm tội.

216 lần “Khóc cười trước vành móng ngựa”

Hơn 10 năm trước, tác phẩm ký sự pháp đình Khóc cười trước vành móng ngựa (NXB Trẻ) của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng ra đời ghi lại những tháng ngày ông làm thầy cãi cho nông dân. Khác với những bài báo cùng thể loại, Khóc cười trước vành móng ngựa do các nhà báo theo dõi pháp đình viết, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng khi đó đang làm Phó Chủ tịch Hội LHVNNT Kiên Giang được tỉnh này cử tham gia vào đoàn bào chữa nhân dân gồm 10 thành viên, sau tăng lên 20 người theo quyết định của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tấn Dũng lúc đó ký ngày 18/10/1990. Việc tham gia đoàn bào chữa chẳng có gì đáng nói nếu ông không phải là nhà văn. Vì mang thân phận nhà văn nên ông đã tìm được sự cảm thông với nhiều mảnh đời lầm lỡ. Trong thời gian làm bào chữa viên nhân dân này, Nguyễn Khoa Đăng đã cãi suốt... 47 tháng với 216 lần ra tòa.
 
Nguyễn Khoa Đăng cãi trước tòa năm 1993

Khóc cười trước vành móng ngựa không phải là tác phẩm được nhiều người biết đến của Nguyễn Khoa Đăng. Nhắc đến tên ông, có lẽ người ta chỉ biết đến danh phận nhà thơ viết cho thiếu nhi với bài Em đi giữa biển vàng được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc ở miền Bắc thời chiến tranh. Năm 2000, Trung ương Đoàn tổ chức bình chọn Em đi giữa biển vàng là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20. Nhưng Khóc cười trước vành móng ngựa vẫn là một tác phẩm đặc biệt. Đặc biệt không phải ở nội dung của tác phẩm mà đặc biệt ở hành động sống của nhà văn để cấu thành tác phẩm. Lâu nay chúng ta hay nói nhà văn phải đi thực tế sáng tác, thâm nhập đời sống… thì Nguyễn Khoa Đăng viết Khóc cười trước vành móng ngựa chẳng những đi hay thâm nhập mà là đã sống trong vui buồn của những phận người trước nghịch cảnh éo le “vô phúc đáo tụng đình”. Đặc biệt hơn, ông đi cãi cho những người nghèo, kém hiểu biết pháp luật một cách vô tư, vô vụ lợi, trong sáng nhất có thể hiểu ở những từ này. Vậy phía sau một tác phẩm không hẳn được nhiều người biết vẫn còn đó những hành động đẹp, mà trước hết phải sống rồi mới nói đến chuyện viết. Sau hơn 10 năm, Khóc cười trước vành móng ngựa đang được Nguyễn Khoa Đăng chuẩn bị tái bản. Theo ông, bây giờ không thiếu luật sư nhưng rất thiếu những người thực sự cãi cho sự kém hiểu biết của phần đông dân chúng thấp cổ bé họng.

Được tử tù viết thư bằng máu cảm ơn

Trong quá trình đi làm “thầy cãi”, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã thu thập được rất nhiều câu chuyện liên quan đến từng hoàn cảnh con người để sau này trở thành nhân vật trong tác phẩm của ông. Ông tâm sự: “Có những cuộc đời nhiều ngã rẽ và trắc trở đến độ dù có tưởng tượng giỏi đến mấy anh nhà văn cũng không thể nghĩ ra”. Chẳng những là câu chuyện liên quan đến con người, thông qua việc bào chữa cho những mảnh đời trót dại, ông nhà văn đã có thêm nhiều kiến giải về lý do họ phạm tội. Lý do phạm tội dễ thấy nhất bởi sự hiểu biết pháp luật của người dân còn quá hời hợt. Chính vì kém hiểu biết nên bản năng đã chiến thắng lý trí khiến họ lâm vào vòng lao lý. Đa phần những người nông dân được nhà văn Nguyễn Khoa Đăng biện hộ đáng thương hơn đáng giận. “Ngay cả những người làm công tác pháp luật thời đó vẫn còn rất thiếu, do thiếu nên tôi mới làm thầy cãi. Như vậy sao nỡ trách người dân kém hiểu biết rồi phạm tội”- nhà văn chia sẻ.
 
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng

Khóc cười trước vành móng ngựa đã được nhà văn Nguyễn Khoa Đăng miêu tả như tiểu thuyết. Ông muốn dùng bút pháp tiểu thuyết để mổ xẻ chi tiết hơn những phận người chứ không đơn giản là phạm tội hay không phạm tội như luật định. Nhà văn kể: “Có một cậu trai phạm tội cưỡng đoạt một cô gái. Trước tòa tôi dùng thơ Hồ Xuân Hương để cãi: Yếm đào trễ xuống dưới nương long khiến các vị thẩm phán bật cười. Và cậu trai đã được giảm án từ 4 năm xuống còn 2 năm tù. Sau này tôi viết trong sách phân tích tại sao cậu trai đó lại có hành vi bản năng khi cưỡng đoạt cô gái. Thì như câu thơ Hồ Xuân Hương miêu tả, cô gái đó quá sức gợi tình trước một cậu trai đang ở tuổi mà sinh lực nam giới bùng lên như lửa cháy. Tôi đã so sánh chuyện cưỡng đoạt của cậu trai này với chuyện bị mất cắp. Nếu cô gái biết “bảo vệ tài sản” của mình một cách cẩn thận thì cậu trai kia đâu “nổi lòng tham” mà sinh ra cưỡng đoạt!”.

Nhà văn còn kể tiếp câu chuyện một người tử tù đã viết thư bằng máu lên vách tường nhà giam cảm ơn ông, qua lời kể của người quản giáo, thư vẻn vẹn mấy dòng: “Xin cảm ơn ba má và cảm ơn ông Nguyễn Khoa Đăng”. Người tử tù này đã nổ súng giết chết cùng lúc 4 người, tội giết người như thế chắc chắn pháp luật không dung tha. Vụ án lúc đó nổi tiếng khắp tỉnh Kiên Giang, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng biết mình không cách nào biện hộ gỡ bớt tội cho bị cáo. Nhưng trước tòa, thay vì bào chữa cho bị cáo giảm án thì ông nhà văn lại dành thời gian chứng minh với mọi người rằng kẻ sát nhân kia chính là một con người đã có những phút giây bị kích động. Sau phiên tòa, người tử tù đã nói với nhà văn: “Em cảm ơn luật sư. Luật sư không cãi cho em khỏi tội chết, nhưng đã giúp em nói với mọi người là bản chất em không xấu xa và tàn nhẫn”.

Giờ đây, dù đã không còn làm “thầy cãi” để “khóc cười trước vành móng ngựa” nữa nhưng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vẫn là “thầy cãi” trong chính các tác phẩm của mình. Ông bộc trực: “Nói thật, cái anh nhà văn khác với anh luật sư ở chỗ là luôn luôn cãi dù không ra tòa. Nhiều người gọi sự “luôn luôn cãi” này như một sự phản biện cuộc sống. Tôi vừa hoàn thành tiểu thuyết Nước mắt một thời viết về cải cách ruộng đất ở Thái Bình quê tôi. Chừng nào con người còn khổ đau, bất hạnh thì ngòi bút của tôi còn tiếp tục “cãi” hoài!”.

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link