17/06/2011 15:06 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH Online) - Trong hai ngày 30/5 và 31/5/2011, tại Hội An đã diễn ra “Hội thảo về chiến lược phát triển của trường đại học Phan Châu Trinh giai đoạn mới”. Tại hội thảo này, tôn chỉ, sứ mệnh của một trường đại học cố gắng có chất lượng tốt - nơi sẽ đào tạo ra những con người có tư duy độc lập, đầu óc phê phán lành mạnh, năng động với cái mới, sống có văn hoá, có ý thức trách nhiệm với đất nước - đã được nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường nói đến như “hiến pháp” của nhà trường, như một lời hứa trân trọng với xã hội. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc xung quanh vấn đề này.
Nhà văn Nguyên Ngọc
* Được biết trường đại học Phan Châu Trinh được ra đời bởi tâm huyết của rất nhiều giáo sư nổi tiếng. Xin ông cho biết đôi chút về sự ra đời của ngôi trường này?
- Năm 2003, trước tình hình giáo dục xuống cấp nặng nề, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mời Giáo sư Hoàng Tuỵ đến trao đổi và gợi ý nên mở một cuộc thảo luận trong một số anh em trí thức và đi đến một kiến nghị chính thức về cải cách. Theo lời đại tướng, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã mời một số anh em trí thức trong và ngoài nước tham gia thảo luận, sau đó đã có một bản kiến nghị chấn hưng cải cách giáo dục gửi đến các cấp lãnh đạo cao nhất. Trong bản kiến nghị đó, chúng tôi có đề nghị lập một số trường đại học “hoa tiêu”, theo mô hình của các đại học tiên tiến, để giúp dần dần thay đổi nền đại học quá cũ kỹ, có sức ỳ quá nặng nề của chúng ta. Một trường đại học như vậy được mở tại Quảng Nam, một mảnh đất có truyền thống hiếu học và tinh thần canh tân, sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An hết sức ủng hộ và tạo điều kiện có thể nói là tốt nhất cho ý tưởng đó trở thành hiện thực.Trường đại học Phan Châu Trinh đã ra đời tại Hội An, Quảng Nam như vậy.
* Vậy hội thảo do Trường Phan Châu Trinh tổ chức lần này nhằm mục đích gì, thưa ông?
- Bắt đầu từ một ý đồ tốt đẹp, nhưng trong mấy năm qua trường đã gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những trở ngại chính là cơ chế trường đại học tư hiện nay. Cho đến nay, theo nghị định của chính phủ, trường đại học tư hoàn toàn được xem như một công ty cổ phần, người nào có số vốn lớn sẽ chiếm phần khống chế và quyết định phương hướng phát triển của trường. Ngay từ đầu các giáo sư và các nhà trí thức lớn tham gia Hội đồng Sáng lập trường đã bị loại ra ngoài vì không phải là những người góp vốn! Trong Hội đồng Quản trị của trường, những người có số vốn lớn hơn, đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận là chính, thực tế đã khống chế và đưa trường đi theo hướng trái với mục tiêu đề ra từ đầu. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó đã khiến cho trường không phát triển được như mong muốn.
Đến nay, sau nhiều đấu tranh kiên trì và vất vả, trường đã thay đổi được cục diện, tạo được điều kiện cơ bản để có thể quay lại với lời hứa trước xã hội khi thành lập. Đại hội Cổ đông họp cuối tháng 12-2010 đã bầu một Hội đồng Quản trị mới cùng chung ý hướng về một trường đại học theo tinh thần khai sáng. Đặc biệt trong Hội đồng Quản trị có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước, có uy tín lớn, hết sức tâm huyết và rất giàu kinh nghiệm giáo dục. Như vậy, trường Đại học Phan Châu Trinh đã có thể thực sự bước sang một giai đoạn mới. Hội thảo lần này chính là để thảo luận về những vấn đề lớn và cả cụ thể của trường trong giai đoạn mới đó.
* Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt giữa trường Phan Châu Trinh với các trường đại học khác, đặc biệt trong giai đoạn sang trang này của nhà trường?
- Chúng tôi mong muốn chọn một con đường đi riêng, phù hợp, để tồn tại và phát triển trong tình hình hiện nay, đồng thời tạo nên diện mạo riêng của trường Phan Châu Trinh giữa các trường bạn trong khu vực. Một mặt chúng tôi vẫn đào tạo đa ngành để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời xác định một số ngành mũi nhọn như Du lịch cấp cao, Ngữ văn Truyền thông, Ngoại ngữ mạnh (tiếng Anh) … Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc tạo một cơ sở tri thức nhân văn tốt cho tất cả sinh viên, dù học ở ngành nào. Theo chúng tôi đó là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển vững chắc và lâu dài của con người. Đào tạo sâu để giỏi trong một chuyên ngành là điều rất cần; nhưng trong thế giới hiện đại và hội nhập ngày nay, ngành nghề thay đổi nhanh, người ta đã tính trung bình trong cuộc đời mỗi con người thường đổi nghề đến ba hoặc bốn lần. Vậy nếu đào tạo một chuyên ngành quá hẹp mà không có một nền tảng tri thức phổ quát tốt thì sẽ rất lúng túng khi phải chuyển nghề. Chúng tôi đang nghiên cứu việc vận dụng cái gọi là “chương trình nòng cốt” (corre Curiculum), hay “liberal arts” để tạo nền tri thức phổ quát đó cho sinh viên trong điều kiện ở ta ra sao …
* Trong nhận thức hiện nay của đa số người, đầu vào của trường tư thường thấp hơn so với trường công, vậy trường đã có kế hoạch gì để khắc phục điều này để có thể đào tạo các em theo đúng tôn chỉ mục đích tốt đẹp của nhà trường, thưa ông?
- Theo tôi, với cách dạy, cách học, cách thi như hiện nay, chưa chắc các em học sinh thi rớt đại học, hoặc thi đại học đạt điểm thấp đã hẳn tất cả đều là kém. Chẳng hạn ở môn văn, những em có tư duy độc lập, không học bài theo kiểu thuộc lòng, rất dễ rớt hoặc chỉ được điểm kém. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo những em sinh viên có tư chất, có khả năng tư duy độc lập nên chúng tôi không quá ngại đầu vào thấp.
Trong thực tế, nếu điểm thi của thí sinh quá thấp thì Bộ sẽ không cho phép tuyển. Chúng tôi đang nghĩ đến một hình thức kiểu như “dự bị đại học” để giúp các em ấy chuẩn bị cho con đường tiếp tục vào đại học.
* Nói như vậy có nghĩa là mọi người đều có thể được học đại học. Vậy, nhà trường sẽ dạy các em trong chương trình này như thế nào, thưa ông?
- Khi còn là những đứa trẻ, trẻ con luôn luôn đặt câu hỏi, trẻ em rất tò mò, đấy là ưu điểm rất lớn của trẻ em, chính nhờ đó mà chúng trưởng thành. Nhà trường rất cần thiết cho con người, điều ấy ai cũng biết, nhưng nhà trường dạy theo kiểu nào đó thì lại làm mất đi, tàn lụi đi sự tò mò, luôn đặt câu hỏi, luôn muốn khám phá thế giới của con người đã có được từ tuổi thơ. Người ta mất đi tính nghi ngờ lành mạnh, óc phản biện cần thiết. Nghĩa là dừng lại, không còn tiến bộ, không tiếp tục trưởng thành nữa. Có lẽ đó là một trong những nhược điểm lớn nhất, một “hiểm họa” từ nhà trường, nhất nhà trường ở ta hiện nay.
Chúng tôi không chủ yếu làm việc luyện thi cho các em rớt đại học, mà cố gắng tạo một đầu vào tốt để các em có nền mà học đại học cho những năm sau. Ngoài việc củng cố các kiến thức cần thiết, các em sẽ được dạy cách học, được dạy các kỹ năng ghi chép, kỹ năng nghe, đọc, đặc biệt là kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tự học, kỹ năng tự quản lý thời gian học của mình … Xin nói một ví dụ: rất ít sinh viên của ta bây giờ biết cách đặt câu hỏi, trong khi đó theo một cách nào đó có thể nói sống và phát triển chính liên tục đặt ra các câu hỏi và trả lời các câu hỏi vô vàn của cuộc đời. Việc đặt câu hỏi quan trọng tới mức chỉ cần qua cách đặt câu hỏi của các em, người ta có thể đánh giá các em ở trình độ nào, tầm vóc của các em tới đâu.
* Được biết, nhà trường đặc biệt đầu tư vào giảng dạy môn tiếng Anh. Xin ông cho biết rõ hơn được không ạ?
- Chúng tôi cố gắng tập trung dạy tiếng Anh cho các em thật giỏi. Quả thật ngày nay, không có tiếng Anh thì rất khó học cho giỏi được. Khi sinh viên có ngoại ngữ tốt, các em sẽ có công cụ để tìm kiếm tri thức, có tư tưởng độc lập, tư duy cũng đa dạng hơn, không bị chấp nê vào một cách hiểu duy nhất đối với đối tượng nghiên cứu. Phải có ngoại ngữ các em mới có khả năng tự học tốt.
* Thưa ông, đó phải chăng cũng chính là cách trường Phan Châu Trinh phấn đấu làm được để tạo sự khác biệt so với các trường khác?
- Những khác biệt đó vừa để nhà trường thu hút sinh viên vừa giúp ích cho xã hội và cũng là thực hiện một quan niệm của nhà trường về giáo dục con người. Đó là dạy con người cách học chứ không chỉ dạy kiến thức. Kiến thức rồi có thể quên đi (thậm chí rồi cũng cần quên bớt đi), nhưng còn lại phải là cái lõi tinh thần của kiến thức đó, và đặc biệt ý chí và cách đi tìm ra kiến thức mới mà thế giới ngày càng phô ra bất tận trước con người. Người ta không thể ngồi ở trường suốt đời, nhưng lại phải học suốt đời. Vậy, như nhà giáo dục nổi tiếng John Dewey nói, chức năng cao quý nhất của nhà trường là tạo cho người ta ý chí và khả năng học suốt đời ở cuộc sống.
* Xin ông cho biết, trong nội dung giảng dạy, nhà trường quan tâm đến vấn đề văn hóa bản địa như thế nào?
- Hiểu biết văn hóa chung là quan trọng, nhưng trước hết là hiểu biết văn hóa của chính mảnh đất mình đang sống đây. Mà Quảng Nam là mảnh đất vô cùng phong phú, thậm chí “kỳ lạ”, đáng cho ta say mê tìm hiểu. Chẳng hạn tên gọi “Quảng Nam” rất khác hầu hết các địa danh các tỉnh trong toàn quốc. Nó không chỉ một mong ước an bình hay thịnh vượng (Phú Yên, Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Hòa Bình …), hay chỉ một vị trí (Tiền Giang, Hậu Giang, Hà Giang, Nam Định, Hà Nội …), Quảng Nam là Mở rộng về phương Nam, ngay tên đất này đã chỉ một hướng đi tới của dân tộc, chính cuộc đi tới đó của cha ông chúng ta đã nhân đôi Tổ quốc mà chúng ta có được ngày nay... Điều đó đã tạo nên những gì trong số phận và tính cách của con người trên vùng đất này? Có biết bao điều để suy nghĩ … Và hành động …
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Khiếu Thị Hoài (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất