Chỉ vì tranh giành, tị nạnh lẫn nhau, các con đã đưa người cha già gần 90 tuổi ốm đau, từ bệnh viện về đặt nằm ở vỉa hè hơn nửa ngày trời là hình ảnh xót xa của tình mẫu tử. Buồn hơn, đó lại là những người con có học và giàu có...
Chiều 7/9, người dân sống trên phố Núi Trúc (Đống Đa – Hà Nội) và nhiều người đi đường đã chứng kiến hình ảnh hết sức thương tâm. Một cụ già gầy đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp nằm phơi giữa vỉa hè trong một ngày đầu thu thời tiết bất thường, lúc nắng, lúc mưa, khi lạnh, khi nóng… Cùng với đó là sự ồn ào, bụi bẩn của đường phố Hà Nội suốt 10 tiếng đồng hồ. Đó là cụ N, 87 tuổi.
Theo người dân cho biết, vợ chồng cụ N. có 4 người con, 2 trai 2 gái. Cách đây đã lâu, hai cụ li thân. Cụ ông chuyển đến nơi khác sống với người con trai út. Cụ bà sống với người con trai cả tại số 11, Núi Trúc.
Năm 2010, con trai cả của cụ qua đời, người con dâu cả là bà H. ở tại đó chăm sóc bà mẹ chồng.
Cách đây hơn 2 tháng, cụ N. đổ bệnh, nằm viện. Khi xuất viện, người con dâu cả bàn với cậu con trai út làm thủ tục cho cụ vào Viện Dưỡng lão. Thế nhưng được vài ngày, cụ N. bị ngã, lại phải nhập viện và tới ngày 7/9, ông cụ xuất viện.
Từ bệnh viện, cụ N. được đưa về nhà số 11, phố Núi Trúc nhưng bà H. kiên quyết không cho các con cụ Nhân đưa ông cụ vào nhà. Hai bên xảy ra giằng co, sau đó bà H. đóng cửa, bỏ sang nhà bên. Tức vì không cho ông cụ vào được nhà, các người con gái của cụ đã trải chiếu đặt ông cụ nằm ở vỉa hè lênh láng nước suốt 10 tiếng đồng hồ, từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối, cùng với đống đồ đạc lỉnh kỉnh chuyển về từ bệnh viện.
(Cụ N. đã nằm ở vỉa hè suốt 10 giờ đồng hồ)
Có thể có nhiều lý do bởi “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng dù với bất cứ lý do gì thì hành động các người con trưởng thành, có tri thức nỡ đem người bố ốm đau, bệnh tật của mình đặt ở vỉa hè Hà Nội là hành động ‘trời không dung…”. Hài hước và xót xa thay, nó lại diễn ra đúng vào tháng báo hiếu mẹ cha và Ngày trọng lễ Vu lan chưa qua được bao lâu. Xin trích lời một cụ bán hàng nước, người đã chứng kiến toàn bộ sự việc ngày hôm đó nói với báo chí:“Chúng nó đặt ông cụ nằm đấy rồi bỏ đi. Chỉ còn anh con rể kê ghế ngồi cạnh thỉnh thoảng lại ra ngó xem ông cụ thế nào. Đến tầm quá trưa cô con gái mới cho bố ăn bát phở… Con cái bất nhân quá”. Chợt nhớ lại câu chuyện cổ đọc từ thủa ấu thơ. Đại loại là có một người con bất hiếu mỗi bận cho cha mẹ ăn thường đem đổ vào cái máng lợn. Một hôm, ông ta thấy đứa con trai hì hục đóng cái máng lợn mới bèn hỏi đóng để làm gì. Người con trai đáp rằng con đóng để khi nào bố mẹ già, con còn có cái để đổ cơm.
Thật tình, không hiểu những người con đó suy nghĩ như thế nào mà lại có thể đang tâm làm những việc “tày đình” như thế? Con cái họ sẽ nghĩ gì trước hành động của bố mẹ mình? Rồi hình ảnh của họ trong mắt bà con dân phố, đồng nghiệp nơi làm việc sẽ như thế nào? Liệu có bao giờ họ dám nói với con cháu họ về tình mẫu tử?
Thật khó có câu trả lời, nhưng người xưa có câu: “Giọt trước rỏ đâu, giọt sau rỏ đấy”, phải không các bạn?
Theo Dân trí