Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Chả sợ gì, chỉ sợ già

14/09/2012 10:00 GMT+7

"Dù bố mẹ không làm gì sai, nhưng nếu con cái sau này, một là sống như bố mẹ nó, hai là khinh bỉ bố mẹ, tìm cách thoát ly ra khỏi gia đình đó vì nó muốn chọn một đời sống văn minh hơn, học rộng biết dài… thì cũng đừng cho đấy là con bất hiếu!"

* Công nhận chị trẻ lâu thật đấy nhỉ! Chả bù cho em, kiểu gì giờ bế con  mà trông cứ như bế cháu ấy, chết dở!

- Ai bảo, cứ uống café cho lắm vào, lại chả mất ngủ!


Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

* Tự dưng dạo này em lại đâm ra ghiền café mới lạ! Chả bù cho trước, chỉ biết trên đời độc mỗi món trà đá!

- Trà cũng mất ngủ! Mà sao lại bỏ?

* Là vì… đọc Nguyễn Ngọc Tư chứ sao! Cái truyện “Chuyện của Điệp” ấy! Có nhớ cái đoạn con bé giải thích vì sao nó già không?

- Nhớ! Là tại nó… hay uống trà chứ gì, vừa uống vừa nhăn mặt nghĩ, không chóng già mới lạ!

* Bây giờ đúng là “chả sợ gì, chỉ sợ già”, chị nhỉ? Đấy, hôm trước lại vừa đọc bài báo “con giàu vứt cha già ra đường”, lại càng thấy cái sợ của mình là có lý!

- Nói thế, phải tội con mình! Chuyện gì, chắc cũng phải có những nguyên do sâu xa của nó hết, mà có khi phải là những người trong cuộc mới hiểu hết được! Dù tất nhiên là hành động kia thì đúng là “động trời” rồi!

* Nói “vứt ra đường” thì nghe cũng hơi kinh và đúng là cách giật tít của báo mạng! Thực ra là vứt trước cửa nhà thì đúng hơn, nhưng không may đây lại là nhà mặt đường nên cũng là… “vứt ra đường”!

- Nhà mặt đường thời mở cửa thì là chúa lắm chuyện rồi, vì nó là cả một gia sản còn gì, lại là chỗ trưng ra giữa bàn dân thiên hạ!

* Đầy người lên án những đứa con bất hiếu, nhưng cũng có người đặt dấu hỏi: Hẳn phải có chuyện gì khuất tất phía sau (chẳng hạn: Người cha từng cư xử tệ bạc với người mẹ, hoặc việc phân chia tài sản thừa kế không công bằng…) nên giờ con cái mới xử tệ như thế...

- Thì lúc nãy tôi chả nói rồi thôi! Chuyện gì nó cũng có căn nguyên sâu xa của nó hết, nên làm sao mình chõ mũi được vào chuyện nhà người ta được!

* Nhưng quả thực từng có không ít chuyện buồn về chữ hiếu là được bắt nguồn từ những sai lầm trong quá khứ của những người làm cha làm mẹ khi đối xử với vợ/chồng/con cái… Vậy, để chữ hiếu không có dịp “báo thù”, theo chị, bài học nào là cần thiết hơn cả cho những người làm cha, làm mẹ?

- Điều này thì tôi thấy cần phải dè chừng này: Sự thiếu văn minh, lối sống vô cảm của bố mẹ đôi khi cũng có thể biến con thành người ác. Rất nhiều gia đình, ông bố ăn nhậu cả triệu đồng một bữa là bình thường, bà mẹ lo làm đẹp chống lại tuổi già cả vài chục triệu không tiếc, nhưng 30 năm không ai đọc lấy một cuốn sách. Nếu có cầm tới cuốn sách vài chục ngàn lập tức la lên đắt thế! Dù bố mẹ không làm gì sai, nhưng nếu con cái sau này, một là sống như bố mẹ nó, hai là khinh bỉ bố mẹ, tìm cách thoát ly ra khỏi gia đình đó vì nó muốn chọn một đời sống văn minh hơn, học rộng biết dài… thì cũng đừng cho đấy là con bất hiếu! Bởi theo tôi, bên cạnh tội bất hiếu thì sự tầm thường của người lớn, đôi khi cũng là tội ác!

* “Thành phố đi vắng”, hay chính là tình người “đi vắng”, “Phố đã dài, giờ thêm lạnh…”… - Những trang văn ấy của mình, chị nghĩ nó đã gói được bao nhiêu phần trăm sự thật của đời sống hiện nay, khi tình người thường xuyên “đi vắng”?

- Người viết thì bao giờ chả cố gói thật nhiều, chỉ là người đọc có chịu mở ra không mà thôi! Chưa có cuộc khảo sát về chuyện đọc sách ở Việt Nam. Tôi nghĩ, đây là vấn đề đáng báo động. Vì tôi biết có những gia đình thậm chí còn cấm con đọc sách văn học vì cho là nó… không thiết thực, dù đó là những tác phẩm kinh điển của trẻ con như truyện cổ Andersen.

Thay vì thế, họ chỉ cần con đọc sách tham khảo, sách công cụ… để có thể mang về nhiều điểm 10, béo tốt và răm rắp nghe họ. Có ai dám đảm bảo tất cả những đứa trẻ học toàn điểm 10 bây giờ, sau này ra xã hội là người văn minh, không khạc nhổ ra đường, thấy người yếu thì giúp hay cũng vô cảm như cha mẹ chúng không…

* Thì đấy! Thế nên, hôm rồi trên một diễn đàn, các mẹ thêm lần nữa lại tranh cãi chuyện “nuôi con kiểu Việt”, tức là vác bát cơm chạy theo con nài nì từng thìa, trong khi các mẹ Tây thì ung dung để con tự chiến đấu vì luôn tin rằng “kiểu gì rồi cũng cho được cơm vào mồm”. Rồi chưa biết chừng, về sau không khéo lại bị con vứt ra đường, lúc đấy thì đúng là đắng đót không biết để đâu cho hết!
 
- Là bởi nỗi, cơm vào mồm nhưng có vào được đầu không thì mới là đáng nói!...

Thư Quỳnh (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link