23/08/2011 07:58 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Chiều qua (22/8), trong cuộc họp thường kỳ của CLB Âm nhạc và Báo chí diễn ra tại Hà Nội, việc đề nghị đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên trở thành vấn đề “nóng” nhất.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
“Chúng tôi đều ủng hộ và mong anh Tuyên được xét tặng” - ông Phạm Ngọc Khôi (Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) cho biết - “Nhưng nói sòng phẳng, anh Tuyên cũng có sơ suất vì không chuẩn bị hồ sơ. Quy chế là như vậy, chúng ta muốn được xét thì chỉ có cách tuân thủ”.
Giữa tháng 2/2011, Hội Âm nhạc Hà Nội đã làm công văn đề nghị xem xét việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên để gửi tới ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy HN, ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN... Nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội – khẳng định, tới đầu tháng 3/2011, chỉ có thư phúc đáp của ông Phạm Quang Nghị với nội dung tán thành việc xem xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên được gửi về Hội. Ngay sau đó, vào 4/3, Hội lại tiếp tục gửi công văn với nội dung nêu trên tới Hội đồng cơ sở Hội Nhạc sĩ VN và Hội đồng cấp Bộ. Song tới giữa tháng 8/2011, Bộ VH,TT&DL mới có thư trả lời là công văn này không thể thay thế cho hồ sơ xét tặng. Đó cũng là thời điểm công bố danh sách được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Phạm Tuyên không có tên trong số này.
Cách xử lý của Bộ VH,TT&DL được dư luận cho là “đúng lý nhưng thiếu tình” khi xét đến những đóng góp của vị nhạc sĩ 82 tuổi này đối với nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Bởi thế, trước câu trả lời của ông Phạm Ngọc Khôi chiều 22/8, báo giới tiếp tục “chất vấn”: “Vậy, tại sao trong suốt 6 tháng kể từ khi công văn được gửi, Hội Nhạc sĩ VN không có những thông báo và động thái cần thiết để giúp vị nhạc sĩ này làm đúng các thủ tục giấy tờ theo yêu cầu?”.
Ông Khôi giải thích: “Công văn của Hội Âm nhạc Hà Nội gửi thẳng lên cả Bộ VH,TT&DL, cụ thể là Vụ Thi đua và khen thưởng. Như vậy, việc xét đặc cách cho anh Tuyên đã vượt khỏi phạm vi của Hội đồng cấp cơ sở và phụ thuộc vào thẩm quyền của cấp cao hơn”. Đồng thời, nhạc sĩ này cũng khẳng định là Hội Nhạc sĩ VN đã gửi đầy đủ thông báo tới các hội viên về việc lập hồ sơ xin xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh nếu có nguyện vọng (trái với việc nhạc sĩ Phạm Tuyên nói rằng ông không nhận được thông tin gì về việc này).
Theo tìm hiểu của TT&VH, năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được trao Giải thưởng Nhà nước với cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa Xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ và Như có Bác trong ngày đại thắng. Năm 2006, nhạc sĩ tiếp tục làm đơn xin xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Song, đợt xét tặng trong lĩnh vực âm nhạc năm đó đã tốn khá nhiều giấy mực của báo giới khi người ở lại đến vòng xét chọn cuối cùng: nhạc sĩ Trọng Bằng gặp rắc rối và xin rút khỏi giải thưởng.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên vừa trở về Hà Nội sau đêm nhạc Một trái tim – Một tấm lòng tại TP.HCM do dòng họ Phạm tổ chức, qua điện thoại, ông cho biết, ông không còn đủ niềm tin vào kiểu xem xét giải thưởng theo cơ chế xin – cho nữa. “Có những nhạc sĩ chưa được giải thưởng nào, nhưng đã được đặt tên đường phố, đã được công chúng và thời gian ghi nhận. Điều đó quan trọng hơn giải thưởng” – nhạc sĩ nói thêm.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất