(TT&VH) - Ban đầu khi nghe chúng tôi “alô” xin được hỏi chuyện về văn chương nhà trường cũng như tác phẩm Bức tranh của em gái tôi, nhà văn Tạ Duy Anh “viện cớ” đã, đang “ở ẩn” nên không muốn nói gì thêm về văn chương, đặc biệt là văn chương trong nhà trường. Nhưng rồi, đề tài giáo dục như hoặc đã chạm vào nỗi niềm của một con người tâm huyết, trách nhiệm với thế hệ tương lại của đất nước... nên ông lại “lai rai với chúng tôi về những vấn đề ấy không biết chán!
Nhà văn Tạ Duy Anh qua nét hí họa của họa sĩ Khoái |
Đang biến trẻ con thành những ông già!
Nhà văn Tạ Duy Anh tâm sự: “Sau khi viết khá nhiều cho trẻ con thì tôi nhận thấy một điều, ấy là thế giới trẻ con phức tạp vô cùng, nhưng cũng vô cùng công minh (hơn thế giới người lớn rất nhiều). Nó phán xét tất cả mọi thứ bằng trực quan nhạy cảm của nó, mà dường như trực quan ấy mất dần khi chúng thành người lớn. Một đứa trẻ chỉ vài tháng tuổi có thể hớn hở với người này nhưng lại khóc thét lên với người khác. Đó như là sự nhạy cảm trời đất ban tặng. Vì vậy, không thể yêu giả vờ với trẻ. Nó sẽ phản ứng rất chuẩn xác thậm chí làm cho chúng ta phát ngượng”.
Khi được hỏi về chất lượng của nền giáo dục nước mình hiện nay, ông thẳng thắn nói: “Khô cứng, áp đặt, dù SGK hiện nay đã khắc phục được một vài nhược điểm, đang có xu hướng cho trẻ con tiếp cận với những giá trị mang tính nhân bản hơn và đã tiến gần hơn tới cái bản chất giáo dục - giáo dục về lòng thiện cho con người - đặt cơ sở để từ đó làm nảy sinh những tình cảm tốt đẹp hơn.
Chúng ta cũng nên biết và nên nhớ rằng tâm hồn đứa trẻ là nơi mọi thứ có thể sinh ra thì giáo dục ban đầu phải làm sao hạn chế tối đa sự nảy ra “những cái cây có hại”, mà cần tạo ra những cây đẹp, khu vườn đẹp. Bạn sẽ rất buồn nếu như thấy một đứa trẻ bước ra khỏi lớp học với một bộ mặt buồn rầu, mệt mỏi, già nua.
Tôi không nói giáo dục nước mình làm hại đến trẻ mà chỉ thấy rằng nền giáo dục hiện nay đang biến trẻ con thành những ông già sớm và những ông già khó tính, mất đi tính hồn nhiên và sớm nghi ngờ tương lai, thay thế giới mơ mộng thần tiên của trẻ bằng thế giới trần trụi mà nổi bật lên là những hành động vụ lợi của người lớn. Khi trong cặp của trẻ bao gồm cả bảng cửu chương, những kiến thức lịch sử hào hùng của dân tộc, lẫn những tờ đơn viết sền sẵn của cô giáo để dạy thêm và tiền bạc…thì làm sao không khiến chúng trở nên nghi kỵ thế giới chung quanh, chống lại những điều đó bằng việc khẳng định mình và điều đó rất nguy hiểm. Nếu cứ như vậy mãi thì người ta sẽ không còn tin vào nền giáo dục quốc gia mà sẽ rút lui về giáo dục gia đình...”
Bắt hàng triệu học sinh hiểu như nhau về một tác phẩm
Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng cách dạy văn của Việt Nam xứng đáng xếp vào nhóm nước lạc hậu nhất thế giới, bắt hàng triệu người hiểu như nhau về một tác phẩm. Hãy nghe ông giải thích: “Ngay cả triệu viên gạch cùng được làm ra từ một khuôn cũng khác nhau huống chi một triệu con người… Một đứa trẻ ở nông thôn đọc Chí Phèo chắc chắn sẽ có những cảm nhận khác với một đứa trẻ ở thành phố. Làm sao giống nhau được! Vậy mà một tác phẩm văn chương bắt người ta hiểu giống nhau bằng cách ra những đáp án. Đó là một sự xúc phạm với tác giả nói riêng và sáng tạo nói chung! Một triệu người đọc phải là một triệu cảm nhận khác nhau bên cạnh những giá trị chung. Mà những giá trị chung ấy là phần rất nhỏ thôi, đôi khi có những ý nghĩ rất tinh vi mà có thể thay đổi được cả cuộc đời.
“Một nhà sư phạm thực sự thì phải biết cách truyền được đam mê, khao khát cho trẻ. Trước đây tôi từng được học cô giáo như thế. Về mặt kiến thức, có thể sau này tôi nhận ra ở cô quá nhiều khiếm khuyết nhưng quan trọng là cô đã tạo dựng được lòng tin trong lòng chúng tôi. Những khi máy bay trên trời bay vù vù mà có cô giáo ở cùng ở dưới hầm thì cảm giác rõ ràng là sẽ không có bất cứ điều gì xảy ra vì có cô bên cạnh. Cô như một “tấm chắn vĩ đại”, một vị thần hộ mệnh không bom đạn nào có thể vượt qua để chạm được vào chúng tôi. Đó là sức mạnh của niềm tin” (tâm sự của nhà văn Tạ Duy Anh). |
Một điểm nữa là, giáo dục của chúng ta lại khích lệ những đứa trẻ học thuộc lòng. Đó chưa phải là phương pháp hay, tốt mà cần khích lệ học sinh khám phá, khuyến khích tính độc lập, sáng tạo của trẻ.
Tôi cho rằng, hiện có quá nhiều thứ hấp dẫn đáp ứng sự lười biếng nhưng trẻ vẫn là đối tượng chăm đọc nhất. Nhưng đọc cái gì thì cần bàn lại. Hồi còn đi học tôi rất thích bài thơ “Chào lớp 1”, thích cái nhịp của nó như nhịp tâm hồn, dù ý của bài thơ khá mộc mạc, đơn giản nhưng nó đi đúng vào nhịp tâm hồn, tình cảm và khao khát của tâm hòn trẻ thơ (Lớp một ơi lớp một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước…). Mà tôi tin sẽ có rất nhiều người nhớ những bài thơ như thế. Văn học trong nhà trường, nhất là ở bậc Tiểu học cũng nên chọn những bài như thế in vào SGK”.
Trước khi tiễn chúng tôi ra về, nhà văn Tạ Duy anh “chốt” lại ý kiến của mình về việc tuyển chọn các tác phẩm văn học vào SGK: “Văn chương không thiếu tác phẩm hay để đưa vào SGK. Bao giờ dám đưa những tác phẩm, chẳng hạn một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm của Bảo Ninh hoặc như “Bước qua lời nguyền”(*)... vào SGK dạy một cách đàng hoàng. Tôi không tự “đề cử” cho tác phẩm của mình hay tự đề cao mình, nhưng đúng là có những tác phẩm rất hay, đáng in vào SGK đã, đang bị bỏ quên”.
(*)“Bước qua lời nguyền” – tên một truyện ngắn của nhà văn Tạ Duy Anh.
Yên Khương (ghi)
Kỳ sau (Chủ Nhật, 23/5): Đoàn Minh Tuấn - người kể chuyện bình dị