Nhà văn Thái Chí Thanh: "Tôi thích kể những câu chuyện sinh hoạt đan xen cổ tích"

07/08/2024 18:34 GMT+7 | Văn hoá

Vào những năm 1990, nhà văn Thái Chí Thanh là tên tuổi quen thuộc với nhiều tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, đoạt các giải thưởng cao và số lượng sách in khá lớn.

Ngoài trích đoạn truyện Gấu con chia quà được chọn giảng dạy trong chương trình Tiếng Việt 1, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo (xem TT&VH số ra 22/6/2022), trong sách Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Cánh diều, Thái Chí Thanh còn có tác phẩm Em tôi. Đây là một tác phẩm kể về 2 anh em, với những mâu thuẫn trong cuộc sống, tuy vậy, cuối cùng 2 anh em đều nhận ra rằngcuộc sống có những lúc này lúc kia nhưng đã là anh em thì đứt ruột thương nhau, sẵn sàng hy sinh cho nhau.

Vài năm trước, bẵng đi nhiều năm theo đuổi công việc ngoại giao, Thái Chí Thanh trở lại viết cho thiếu nhi ở độ tuổi gần 70 và vẫn tạo được nét duyên của mình khi viết cho thiếu nhi. Là nhà văn nhiều năm sáng tác cả văn, thơ, nhạc cho thiếu nhi, hiện là Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, ông có nhiều chia sẻ về lĩnh vực này.

"Tôi không phải là dân viết văn"

* Nói đến nhà văn Thái Chí Thanh, tôi nhớ ngay câu chuyện "Gấu con chia quà rất dễ thương" mà nhiều trẻ mầm non đều biết. Tác phẩm có bắt nguồn từ một câu chuyện thực tế nào không?

- Bắt nguồn từ chuyện 2 anh em con trai tôi dạo bé. Tuổi nhỏ cũng có lúc có những tính nết tị nạnh, so bì nhưng rất thương yêu nhau. Tất nhiên, không có chuyện nuôi gà, cho ăn ngô… như trong tác phẩm. Đó là một phần ký ức của tuổi thơ vùng quê mà tôi từng gắn bó. Trong tác phẩm, cần có sự linh hoạt, có những sáng tạo, biến tấu cùng thực tế sẽ tạo ra những câu chuyện hấp dẫn.

Nhà văn Thái Chí Thanh: "Tôi thích kể những câu chuyện sinh hoạt đan xen cổ tích" - Ảnh 1.

Nhà văn Thái Chí Thanh

* Đọc truyện viết cho thiếu nhi của Thái Chí Thanh rất hồn nhiên, con đường đến với văn học thiếu nhi của ông, có hồn nhiên không nhỉ?

- Tôi không phải là dân viết văn mà là dân học sử, ra trường về làm biên tập của NXB Sự thật.

Nhà tôi ở gần báo Văn nghệ. Một lần, đi ăn phở buổi sáng, tình cờ nghe các ông báo Văn nghệ ngồi bàn với nhau về việc cần bài cho trang thiếu nhi số Tết. Lúc ấy, tôi đang yêu một cô họa sĩ (là vợ của tôi bây giờ), lại còn thích nghệ thuật nữa, nên đã về thử viết. Viết xong nhút nhát, cũng không quen ai để nộp nên đến bỏ vào thùng thư trước cổng. Không ngờ số báo văn nghệ Tết ấy lại có truyện ngắn in rất đẹp. Tôi còn nhớ đó là truyện ngắn Trâu tìm bạn - về sau tác phẩm được chọn in đi in lại nhiều lần trong các tập sách. Đó là truyện đồng thoại đầu tiên cho thiếu nhi của tôi, viết đầy tình cờ và có một kết quả đầy hứng khởi để tôi viết tiếp.

Ngoài đồng thoại, tôi còn viết cổ tích nữa. Trong đó có thể nhắc tới Quỷ núi và tình yêu. Tác phẩm được hãng phim hoạt hình dựng thành phim và đoạt giải Bông sen Bạc (không có Bông sen Vàng) trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11.

* Nói đến cổ tích và đồng thoại, đó là những thể loại đã kể từ rất lâu và rất nhiều nhà văn theo đuổi. Là một người tay ngang nhảy vào văn học thiếu nhi viết về lĩnh vực này, ông có ngại đi lại lối mòn?

- Khi bắt đầu viết, tôi viết rất hồn nhiên. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện người ta đã viết nhiều mà chỉ nghĩ sao viết vậy. Tuy nhiên, khi viết thì sẽ chú ý không để lặp lại những cái người ta đã viết.

Ví dụ Quỷ núi và tình yêu vẫn là câu chuyện tình yêu cảm hóa sự nhân văn trong con quỷ nhưng diễn biến câu chuyện là kể theo cách của tôi. Lồng vào đó là tính cách dí dỏm. Tức là bên ngoài yếu tố hấp dẫn của câu chuyện cần luôn có sự dí dỏm khi kể chuyện cho trẻ con, mà may quá, tôi lại có tố chất dí dỏm này.

Nhà văn Thái Chí Thanh: "Tôi thích kể những câu chuyện sinh hoạt đan xen cổ tích" - Ảnh 2.

Một trang “Em tôi” trong sách “Tiếng Việt 5”, tập 1, bộ Cánh diều

* Đến bây giờ mảng ngụ ngôn, cổ tích vẫn còn nhiều người theo đuổi. Theo anh có những kinh nghiệm nào để có thể viết thể loại này cho hấp dẫn với thiếu nhi không?

- Đúng là đồng thoại với cổ tích đã quá nhiều và rất dễ trở lại những cái cũ. Như tôi đã chia sẻ, muốn hay trước hết câu chuyện phải hấp dẫn, phải có những tình tiết, chi tiết thu hút các cháu. Thứ 2 cần có những yếu tố mới mẻ và không lặp đi lặp lại lối người khác đã đi. Cứ theo mô-típ ở hiền gặp lành, cái ác thua cái thiện với những cách kể chuyện đơn giản thì câu chuyện sẽ nhàm và không thành công.

Ngoài đồng thoại, cổ tích, hiện tôi viết truyện sinh hoạt nhiều hơn. Trước khi là cán bộ ngoại giao, tôi đã in gần 10 tập sách bên NXB Kim Đồng và sau này khi trở lại, thấy có nhu cầu phát triển những yếu tố mới hơn, kể câu chuyện chi tiết hơn, tôi có sử dụng lại một số truyện ngắn để chuyển thành truyện dài.

"Tôi nghĩ vai trò của nhà văn rất quan trọng trong việc chọn tác phẩm văn học cho các cháu. Và chúng tôi đã thẳng thắn góp ý về những tác phẩm đạt, hoặc chưa đạt dưới góc nhìn nhà văn viết cho thiếu nhi, dù có khi từ góp ý, phản biện đến tranh cãi rất gần nhau" - Thái Chí Thanh.

Nên đặt mục đích vì thiếu nhi lên trên hết

* Sau nhiều năm quay lại với văn chương, anh có những cảm xúc mới mẻ gì?

- Khi tôi ngừng viết, đó là giai đoạn kinh tế khó khăn, con cái lớn dần, nhà cửa ở chung chật chội… Cuối cùng phải lựa chọn sang con đường ngoại giao, phải di chuyển cả gia đình sinh sống ở Ba Lan, ở Mỹ… Khi trở về thì niềm đam mê văn chương của tôi vẫn còn nguyên ở đó. Suốt quá trình công tác thi thoảng tôi có viết nhưng không nhiều vì cần tập trung vào công việc.

* Vào thời điểm nhà văn Thái Chí Thanh được phân công làm Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, dù trước đó đã có nhiều giải thưởng văn học nhưng có một quá trình dài gián đoạn, nên không tránh khỏi những nghi ngại. Anh có phiền lòng hoặc áp lực về điều này?

- Không, tôi không gặp áp lực hoặc phiền gì cả. Tôi nghĩ nếu ai đó nói đúng thì đương nhiên mình phải nghe. Và đương nhiên việc mình bỏ bẵng đi một thời gian dài thì mọi người có quyền nghi ngại. Nhưng bên cạnh đó, tôi tôn trọng những cộng sự cùng làm với mình. Một công việc muốn dẫn đến thành công không thể nào chỉ một mình mình mà phải có sự chia sẻ từ nhiều phía. Khi cùng có lòng, cùng góp sức xây dựng thì tôi tin, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.

Nhà văn Thái Chí Thanh: "Tôi thích kể những câu chuyện sinh hoạt đan xen cổ tích" - Ảnh 4.

Nhưng cũng phải thú thực, ban đầu chính tôi cũng không tự tin, nhưng nhận được sự động viên của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, nhìn thấy sự đồng lòng của các bạn trong Hội đồng văn học thiếu nhi ủng hộ nên cảm thấy yên tâm và cố gắng để hoàn thành tốt nhất trong khả năng có thể. Nhìn lại những năm qua, đã có những kết quả tiến triển. Nhìn chung văn học thiếu nhi hiện vẫn còn nhiều khó khăn vất vả khi mà văn hóa đọc vẫn đang bị văn hóa nghe nhìn lấn lướt thông tin, có quá nhiều tác động đến cuộc sống của mỗi con người. Chất giải trí cũng lấn át chiều sâu khiến chúng ta cảm giác văn học hiện nay không được như ngày xưa. Việc trở lại được như ngày xưa rất khó…

Tuy vậy nếu quyết tâm dần dần từng bước sẽ thay đổi.

* Bản thân anh là người có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, nhưng vì sao lại như hiệp sĩ Đông-ki-sốt sẵn sàng tranh cãi lại hội đồng sách giáo khoa trong việc chọn lựa tác phẩm giảng dạy trong nhà trường?

- Đúng là tôi có tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa trong bộ Cánh diều, nhưng không phải vì thế mà tôi không có quyền nêu những ý kiến, những suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ rằng trong hội đồng tuyển chọn văn học thiếu nhi, hội đồng biên tập và cả hội đồng phản biện phê duyệt, nhưng không có một nhà văn nào - chưa nói cần là nhà văn thiếu nhi, đó là thiếu sót rất lớn.

Tôi nghĩ vai trò của nhà văn rất quan trọng trong việc chọn tác phẩm văn học cho các cháu. Và chúng tôi đã thẳng thắn góp ý về những tác phẩm đạt, hoặc chưa đạt dưới góc nhìn nhà văn viết cho thiếu nhi, dù có khi từ góp ý, phản biện đến tranh cãi rất gần nhau.

Tôi nghĩ thời gian sắp tới, chúng tôi cũng sẽ mời cả những người quan tâm đến văn học thiếu nhi bên ngành giáo dục để có thể bắt tay cùng nhau, để có những sự quan tâm sát sao hơn dành cho đối tượng này.

Khi cùng chung một chí hướng, cần có sự phối hợp chia sẻ, thấu hiểu thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng ta nên đặt mục đích vì các cháu, vì trẻ thơ, vì thiếu nhi lên trên hết.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Vài nét về Thái Chí Thanh

Thái Chi Thanh sinh 1953 tại Nghệ An. Trong các năm 1971-1975, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. 1977-1981, học sử tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1985-1989, học cao học tại Moscow, Liên Xô (cũ). Là cán bộ ngoại giao tại Ba Lan 2002-2005, tại Mỹ 2009-2014.

Hiện là biên tập viên của NXB Hội Nhà văn. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Là tác giả của 14 tác phẩm đã xuất bản, gồm đồng thoại, truyện ngắn, tiểu thuyết…

Năm 2024, Thái Chí Thanh đã giành Giải thưởng Văn học Thiếu nhi Dế Mèn với ca khúc Trăng ơi… từ đâu đến?.

Võ Thu Hương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link