17/07/2018 10:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Có mặt tại buổi giao lưu với độc giả Hà Nội, nhà văn Thuận chia sẻ, chị quan tâm tới đề tài hiện thực trong các sáng tác của mình, bởi với chị, hiện thực Việt Nam là một hiện thực “có một không hai trên thế giới”, nó càng lộn xộn thì càng giống như cái mỏ vàng chị không bao giờ khai thác hết.
Dù mưa lớn, buổi trò chuyện chủ đề Cùng nhà văn Thuận đu đưa qua các nền văn hóa do Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội thu hút đông đảo độc giả, bao gồm nhiều độc giả trẻ.
Người Việt không còn là nhân vật chính
Nữ nhà văn giải thích: "Hiện thực Việt Nam càng lộn xộn bao nhiêu thì nó càng giống như cái mỏ vàng không bao giờ khai thác hết. Đó là một hiện thực có một không hai trên thế giới”. Thế nên, "nếu viết về Việt Nam mà bỏ qua hiện thực này thì Việt Nam sẽ giống cái gì đó như Seoul hoặc như Lào, Campuchia..." - Thuận giãi bày.
Khẳng định hiện thực Việt Nam là một mỏ vàng chị khai thác không bao giờ hết, nhưng Thuận cũng cho biết, tới nay thì các sáng tác của chị không còn chỉ dừng lại ở những người Việt. “Người Việt không còn là nhân vật chính”, Thuận còn quan tâm tới những người di cư nói chung, không chỉ người Việt.
Viết về người di cư, Thuận không khai thác sự bi kịch của họ, điều mà một vài tác giả đã làm trước đó (như Quyên của Nguyễn Văn Thọ). Thuận muốn đưa ra một “mẫu di dân mới”, những người không thể từ bỏ được quá khứ, nhưng lại vẫn hòa nhập tốt với cộng đồng bản xứ. Hòa nhập được nhưng họ lại không giống người bản xứ. Họ là những người cô đơn, luôn trăn trở về những thứ đã qua và những thứ phải sống.
Một điều thú vị được nhà văn Thuận tiết lộ, Michel Houellebecq, người được biết đến nhiều ở Việt Nam với tác phẩm Hạt cơ bản, tuy là một nhà văn giàu có nhưng lại sống trong một chung cư gồm nhiều người di cư ở quận 13 của Paris. Ông chia sẻ với nữ nhà văn gốc Việt, ông thích sống giữa những người di cư hơn là giữa những người gốc Pháp.
Quan sát đời sống của người bạn văn Michel Houellebecq, nhà văn Thuận nhận ra rằng các nhà văn Pháp cũng sống rất chật vật, ngay kể cả vài nhà văn có thể sống được bằng nghề viết thì họ cũng rất cô độc và quá dị thường. “Tôi không thấy nhà văn Pháp nói rằng họ hạnh phúc”, nữ nhà văn nói.
Đây cũng chính là lý do mà chị không muốn gia nhập vào đội ngũ các nhà văn tiếng Pháp, chị muốn viết bằng tiếng Việt, cho dù chị chỉ được sống trên quê hương trong ít năm đầu đời.
Muốn có tiếng Việt của riêng mình
Nhà văn Thuận không muốn tham gia vào đội ngũ những người viết văn tiếng Pháp, không chỉ bởi chị quan sát thấy có quá nhiều người Pháp ôm mộng văn chương nhưng hầu hết đều bị văn chương ghẻ lạnh, có người thậm chí đã tự tử vì viết vài cuốn sách, tự bỏ tiền ra in nhưng cũng không được công chúng thừa nhận. Chị nhận ra văn chương Pháp không cần thêm một cây viết như chị.
Và vẫn còn một nguyên nhân khác khiến chị muốn sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình: chị muốn tạo ra tiếng Việt của riêng chị. Chị bảo, với ngôn ngữ Việt, chị có thể tạo ra được tiếng Việt của riêng chị một cách rất tự nhiên.
Và với những thử nghiệm mới mẻ như, cả tiểu thuyết không có một dấu chấm xuống dòng nào, hoặc dùng rất nhiều các con số, hay luôn dụng công tạo ra tính nhạc trong ngôn ngữ… nhà văn Thuận rõ ràng đã tạo ra được một thứ tiếng Việt của riêng chị.
Nhưng ngay cả khi không tham gia vào đội quân nhà văn “bất hạnh” của nước Pháp, Thuận dường như cũng không hạnh phúc hơn là mấy.
Chị bảo khổ lắm, một cái nghề khủng khiếp, mệt nhọc. Nghề mà đến giấc ngủ cũng không bình yên. Đêm không ngủ, chữ nghĩa nhảy lách tách trong đầu buộc nữ nhà văn phải choàng dậy giữa đêm cày cuốc trên cánh đồng chữ.
Nghề không chỉ “hành” mình chị. Cả gia đình chị sẽ phải “chịu trận” những khi chị lao vào một cuộc viết nào đó, chẳng thể làm gì, chỉ có thể chịu đựng chị cho tới khi cuộc viết kết thúc. Chị bảo, những lúc chị viết là những lúc chị trở nên xấu tính, cáu bẳn, chẳng quan tâm đến cái gì khác ngoài con chữ.
Lắm lúc mệt quá với chữ nghĩa, chị ngồi vào cây đàn piano, thả hồn mình trôi trên những ngón đàn, tận hưởng, hít hà bao nhiêu là hạnh phúc, thư thái. Chị chợt trách mình, xưa sao không chịu chăm học đàn để trở thành một nghệ sĩ chơi đàn hạnh phúc chứ không phải một nhà văn nhọc nhằn nhường này.
Đánh nhau để có... độc giả! Không quan tâm tới đám đông, không nghĩ tới độc giả, nhà văn Thuận tự nhận, chị viết chỉ để thỏa mãn chính mình, không viết để làm vừa lòng độc giả. Chị bảo chị quá biết độc giả cần gì để chiều họ, nhưng chị không làm thế. Đó là cách làm quá dễ dãi mà một người viết văn thật sự sẽ từ chối. “Nói như cụ Trần Dần: “Tôi đánh nhau để có được độc giả”. Tôi cũng muốn phải nhọc nhằn tạo ra độc giả của tôi, tìm được những người chia sẻ được với tôi. Viết là cuộc chơi lớn và tôi muốn được chơi hết mình và chơi đẹp”- nữ nhà văn nói. |
Hương Thương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất