Nhà văn Sơn Nam: "Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”

14/08/2008 08:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau một thời gian bạo bệnh, nhà văn Sơn Nam - cây đại thụ của văn học Nam Bộ đã vĩnh biệt chúng ta. Nhưng những gì ông để lại vẫn còn nguyên giá trị khi muốn tìm hiểu về một thời của một vùng đất. TT&VH xin “phác họa” lại chân dung nhà văn Sơn Nam qua hồi ức của các nhà văn.

Sơn Nam lấy họ của người Khơ-me

Nhà văn Sơn Nam (Ảnh Nguyễn Đình Toán)
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh ngày 11/12/1926 tại Đông Thái, huyện Gò Quao, Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Hồi nhỏ ông được nuôi bởi một phụ nữ người Khơ-me, nên sau này ông chọn bút danh có chữ Sơn vì Sơn là họ của người mẹ nuôi Khơ-me đã cho ông bú mớm.

Năm 1945, Sơn Nam tham gia Thanh niên Tiền phong và cướp chính quyền ở địa phương. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông là tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Sau chuyển sang làm công tác ở Hội văn hóa Cứu quốc tỉnh, rồi về phòng chính trị quân khu 9. Năm 1950, ông công tác ở Phòng Văn nghệ thuộc Ban tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ. Từ sau Hiệp định Geneve, Sơn Nam trở lại Rạch Giá rồi về Sài Gòn làm báo, văn… Ở trong bưng (chiến khu), nhà văn Sơn Nam đoạt các giải thưởng cho truyện ngắn đầu tiên Bên rừng cù lao Dung (Khuyến khích) và giải Nhì cho ký sự Tây đầu đỏ trên báo Tiếng súng kháng địch và tạp chí Lá lúa.

Trong hôm sinh nhật mừng thọ nhà văn Sơn Nam tròn 80 tuổi (2006) do NXB Trẻ tổ chức tại TP.HCM, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã phát biểu: Xin phép anh Sơn Nam cho tui nói thật, hồi đó chắc vì anh sợ xa miền Nam nên không tập kết ra Bắc, chứ nếu anh đi thì sau này biết đâu anh là quan lớn. Nhưng cũng may cho nền văn học nước nhà, vì tuy mất đi một nhà lãnh đạo Sơn Nam thì bù lại chúng ta có một nhà văn Sơn Nam còn sang trọng gấp bội.
 
Giây phút xúc động của "ông già Nam Bộ" tại lễ mừng thọ 81 tuổi (năm 2006)

Khoảng giữa những năm 1980, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo cấp cho nhà văn Sơn Nam một ngôi nhà mà ông đã ở đến lúc mất trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cấp nhà cho nhà văn Sơn Nam không chỉ vì tình cảm yêu mến cá nhân, mà còn vì những đóng góp của Sơn Nam trong thời kháng Pháp gian khó.

Sơn Nam đi bộ vì học cụ Đồ Chiểu

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng thời bao cấp rất gần gũi nhà văn Sơn Nam khi đang làm việc tại Bình Thạnh Tuorist ngay lăng Ông (lăng Tả quân Lê Văn Duyệt - Q. Bình Thạnh) gần nhà của Sơn Nam. Trong rất nhiều lần gặp gỡ Sơn Nam, nhà thơ Đoàn Vị Thương kể: Bố già (cách gọi thân mật của cánh nhà văn trẻ lúc ấy) Sơn Nam nói với mình những lá xăm trong lăng Ông là do Sơn Nam viết. Vì từ trước 1975, nhà văn Sơn Nam đã tham gia ban lễ tế cúng lăng Ông. Nhu cầu tín ngưỡng của người dân sau khi lễ bái lăng Ông thường hay xin xăm, xem kinh dịch… Nhà văn Sơn Nam chính là người viết những lá xăm từ số 1 đến 99 để giải đoán những thẻ xăm. Bố già cho biết ông viết lời giải những lá xăm đa phần là bảy tốt, ba xấu… Tốt để người ta tin yêu vào cuộc sống, còn xấu để răn đe con người biết sống hướng thiện.
 
Ông già Nam Bộ với nụ cười hồn hậu.

“Thời bao cấp khó khăn nhưng lãnh đạo chính quyền rất quan tâm đến nhân sĩ trí thức có nhiều đóng góp cho xã hội. Những năm đói kém, nhà văn Sơn Nam cùng với Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Á Nam Trần Tuấn Khải… được giúp đỡ cấp cho mỗi tháng 13 kg gạo, trong khi công chức cấp cao lúc đó chỉ có khoảng 16 kg. Nhưng Sơn Nam cùng các nhân sĩ trí thức trên đã khéo léo từ chối. Nhà văn Sơn Nam nói rằng: “Tui viết báo sống cũng được, suất gạo ấy anh nên dành cho người khác khó khăn hơn tui” - nhà thơ Đoàn Vị Thượng kể lại sự việc đã chứng kiến.

Còn tại sao nhà văn Sơn Nam suốt đời đi bộ mà không tự thân “lái” xe đạp hay xe máy? Theo nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Bố Sơn Nam có lần nói với mình, hồi nhỏ bố cũng có đi xe đạp. Nhưng sau này đi học, bố biết cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) chống thực dân bằng cách bài bỏ tất cả những gì có của ngoại bang. Chẳng hạn cụ Đồ Chiểu cả đời không bao giờ dùng xà bông để giặt đồ mà chỉ dùng tro. Cụ Đồ Chiểu thà lội ruộng về nhà còn hơn đi trên đường cái quan do Pháp làm. Bố Sơn Nam nói: “Tao không bằng Cụ Đồ Chiểu, nhưng tao ghét bọn xâm lược lắm, do vậy hạn chế dùng được món gì của bọn thực dân thì hay món đó nên tao đi bộ riết thành quen”. Vả vậy, đến cuối đời, nhà văn Sơn Nam vẫn không biết xài những vật dụng tân kỳ. Ngay cả quần áo ông mặc trên người cũng là hàng Việt chính hiệu. Sơn Nam có hút thuốc nhưng chỉ thuốc đen (thuốc rê) tự quấn hút, hạn hữu lắm có ai mời ông mới dùng thuốc đầu lọc… Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tùng đùa với Sơn Nam khi “nhái” hai câu thơ trong bài Vô đề làm đề từ Hương rừng Cà Mau của ông: “Sơn Nam mấy độ qua đường phố/ Hạt gạo nghiêng mình nhớ cái lu”. Dù khốn khó vật chất là thế, nhưng văn của Sơn Nam lúc nào cũng sang trọng…

Gần gũi, giúp đỡ nhà văn trẻ

Nhà thơ Lê Minh Quốc (Trưởng ban Văn nghệ báo Phụ nữ TP.HCM) cho biết bài viết cuối cùng của Sơn Nam chính là lời tựa tập sách Người Quảng Nam của anh vào tháng 6/2006. “Lúc đó bố Sơn Nam đã yếu lắm rồi nhưng ông vẫn gắng viết lời tựa cho mình bên giường bệnh”. Sơn Nam đã dạy Lê Minh Quốc hai điều trong nghề cầm bút. Với nghề báo, khi chấp nhận viết một bài báo bị người ta biên tập (thay title, đổi chữ…) là quyền của người ta, đừng chấp chuyện đó. Nhưng khi viết văn phải thật cẩn trọng, tỉnh táo… vì đó là sản phẩm của riêng mình, một mình chịu trách nhiệm. Như khi viết Hương rừng Cà Mau, ông đã phải xem anh em trong chiến khu “ngó ngàng” mình ra sao… Văn để đời nên phải như vậy.

Họa sĩ Lê Thị Kim chân tình: Nhà văn Sơn Nam mất đi là một tổn thất lớn về tinh thần với những nhà văn trưởng thành sau năm 1975 như chị. Vì với những người mới cầm bút vào làng văn, tên tuổi Sơn Nam như một ngọn núi. Thế nhưng, Sơn Nam lại thật gần gũi trao đổi chuyện nghề, chuyện đời chứ không hề xa cách. Riêng văn của Sơn Nam đã cho nhà thơ Lê Thị Kim thấy một Nam bộ hiện ra đầy đủ, chất phác nhưng không thiếu sự khôn khéo khi đối mặt với tự nhiên…
 
NXB Trẻ vẫn là chủ sở hữu các tác phẩm của Sơn Nam
 NXB Trẻ chúc mừng sinh nhật lần thứ 81 của nhà văn Sơn Nam
Trao đổi với TT&VH chiều qua (13/4), bà Quách Thu Nguyệt - Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “NXB Trẻ đã mua trọn đời những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam và trả nhuận bút một lần. Khi nhà văn còn sống, nếu in tác phẩm mới thì trả nhuận bút 8%, sách tái bản trả 4%. Nếu nhà văn có di chúc cho ai thừa kế thì NXB vẫn trả nhuận bút như khi nhà văn còn tại thế. Tuy nhiên, bản quyền tác phẩm của Sơn Nam vẫn do NXB Trẻ sở hữu và chỉ có NXB Trẻ mới được quyền ấn hành”. Được biết, các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam được NXB Trẻ mua đứt vào tháng 4/2003.
 
3. Những tác phẩm chính đã xuất bản: Chuyện xưa tích cũ (2 tập, 1958); Nguyễn Trung Trực - Anh hùng dân chài (1959); Tìm hiểu đất Hậu Giang (1960); Hương rừng Cà Mau (1962); Chim quyên xuống đất (1963); Hình bóng cũ (1963); Vọc nước giỡn trăng (1965); Hai cõi U Minh (1965); Nói về miền Nam (1967); Truyện ngắn của truyện ngắn (1967); Vạch một chân trời (1968); Xóm Bàu Láng (1968); Người Việt có dân tộc tính không? (1969); Bà chúa Hòn (1970); Đồng bằng sông Cửu Long (1970); Trời nước bao la (1970); Thiên địa hội và cuộc minh tân (1971); Gốc cây, cục đá và ngôi sao (1973); Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973); 26 truyện ngắn (1987); Tục lệ ăn trộm ( 1987); Người Sài Gòn (1990); Gia Định xưa (1990); Bến Nghé xưa (1991); Theo chân người tình (1991); Một mảnh tình riêng (1992); Dạo chơi (1994)…

Bài thơ Vô đề (trích từ Hương rừng Cà Mau)

Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc thuyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
………………………………
 
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng, buồn buồn
……………………………..
 
Hơi vọng cổ vương bờ tre bay vút
Điệu hò … ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”
 
Sơn Nam

Hoàng Nhân

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link