11/01/2021 21:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây (NXB Phụ nữ Việt Nam) vừa phát hành của Vũ Thành Sơn là một cuộc truy vấn về một chủ đề muôn thuở, nhưng không bao giờ cũ: Trạng thái xa lạ trong huyết thống. Vào lúc 10h ngày 9/1 tại Chiêu Cafe Sách (377 Hoàng Sa, TP.HCM) đã diễn ra buổi ra mắt tiểu thuyết này với báo giới và bạn đọc.
“Đối với tôi, sự kết dính giữa con người với con người là sự kết dính của những hạt cát. Chúng ta không bao giờ hết ngạc nhiên trước sức mạnh kinh hoàng của cát và sự kỳ vĩ của cát khi chúng làm thành những sa mạc mênh mông vô tận. Cát có sức mạnh xâm thực bền bỉ và bất khả kháng cự đối với bất kỳ một không gian nào khi chúng tràn tới. Tuy vậy, chỉ với một ngọn gió thôi, những hạt cát tưởng chừng như bền chặt ấy sẽ trở nên rời rạc và bay tan tác khắp nơi” - Vũ Thành Sơn bắt đầu câu chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Ý anh vừa nói có phải là ý tưởng chủ đạo để viết nên tiểu thuyết này?
- Đúng vậy. Sự kết dính của con người với nhau, vì thế, có vẻ hoàn toàn tự nhiên cho đến lúc có một biến cố đột ngột xảy đến, khiến chúng ta buộc phải hoài nghi bởi kịp nhận ra nó có vẻ gì đó gượng gạo, giả tạo. Trước lúc đó, chúng ta còn tin tưởng hoặc được giáo dục để tin tưởng vào giá trị bất biến của nó, bởi vì đã có sự trợ giúp của những thiết chế như những chất keo nhân tạo để giữ cho sự kết dính ấy được bền vững: Gia đình, xã hội, dân tộc, quê hương, lịch sử, lý tưởng, tôn giáo…
Nhưng ngay cả những thiết chế đó hiện thời cũng đang ngày càng trở nên lỏng lẻo và bất lực trước sự tấn công cuồng bạo của nếp sống văn minh hiện đại. Chưa lúc nào con người cảm thấy bơ vơ, lạc lõng và cần đến một chỗ dựa tinh thần như lúc này. Mỗi chúng ta là một Robinson Crusoe làm nên hoang đảo của chính mình. Đời sống hiện nay cho chúng ta nhiều cơ hội để quan sát những bi kịch như vậy.
* Ngoài bi kịch, vì sao anh muốn tái diễn tả lại trạng huống xa lạ của những người cùng gia đình, huyết thống?
- Có lẽ giống như Niki, nhân vật trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo, để tồn tại bên cạnh nhau chúng ta còn cần đến trí tưởng tượng, một chút hư cấu, đức hy sinh, kể cả lòng lân mẫn, trong lúc Thượng đế thì lại… ở quá xa.
Tôi luôn luôn ngờ vực và bị ám ảnh bởi những suy nghĩ đó, rằng suy cho cùng, chúng ta chỉ là sản phẩm được làm ra từ trí tưởng tượng của người khác. Viết ra Căn nhà giữa những đám mây là một cách để giải tỏa nỗi ám ảnh ấy. Tôi ấp ủ ý tưởng một thời gian dài, thử viết ra một đôi lần, nhưng tự thấy không thành công vì chưa tìm thấy đúng cái chất giọng của mình, xóa đi rồi viết lại, cho đến ngày hôm nay… Tôi không nghĩ là mình đã trả lời xong cho chính mình với cuốn tiểu thuyết này, nhưng ít ra, vào lúc này, tôi cảm thấy khá nhẹ nhõm.
* Anh có nhiều năm làm trong lĩnh vực quản lý và ngoại giao, bận rộn với những chuyến đi. Vậy văn chương đến với anh như thế nào?
- Tôi bắt đầu viết từ khi nào? Không dễ trả lời câu hỏi này. Tôi viết đủ thứ và viết bất kỳ lúc nào, trên những tờ giấy rời, những cuốn sổ tay, thậm chí trong cả những cuốn sách tôi đọc. Rất tiếc bây giờ tôi không còn tìm thấy những ghi chép ấy. Tất nhiên chúng chỉ là những ghi chép vụn vặt không thành hệ thống, nhưng ít nhiều đó cũng là những kỷ niệm, những cột mốc.
Tôi viết không nhiều trong thời gian còn đi làm việc kiếm tiền, gần 10 năm mà chỉ vỏn vẹn có 5 đầu sách được in là một bằng chứng, quá ít đối với một người viết. Ngoài ra, ở điểm này, cũng cần nói đến những lý do khác không thuộc phạm vi của một cá nhân, như tình trạng lạnh nhạt với việc xuất bản sách văn học hiện thời chẳng hạn, đã khiến cho tôi cũng như nhiều nhà văn khác không có mấy cơ hội để xuất hiện. Cho dù vậy, tôi tin rằng những nhà văn vẫn tiếp tục công việc sáng tác của họ một cách thầm lặng và xuất hiện đâu đó bằng những phương tiện khác, chính thống hoặc không chính thống.
* Vậy viết với anh là một nhu cầu?
- Viết không chỉ đơn giản là một nhu cầu, mà viết còn là một cách thức tồn tại. Hay nói một cách khác, viết là một cách thức tồn tại khác. Văn chương, đối với tôi, trong ý nghĩa đó, không bao giờ là một thứ thú vui tiêu khiển cho một cuộc đời quá tẻ nhạt hoặc là phương tiện, một thứ công cụ nhằm đạt đến những mục đích ngoài hoặc phi văn chương.
Văn chương cho tôi được mở rộng mọi chiều kích của tự do. Văn chương cho tôi được sống tận cùng những khả thể của mình. Văn chương cho tôi được tiếp cận thực tại, nhận thức và nhận thức lại thực tại. Bởi vì, chẳng phải lịch sử của con người là lịch sử được sáng tạo không ngừng từ trí tưởng tượng của chính con người đó sao?
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Từ thơ đến văn Vũ Thành Sơn làm thơ và viết văn song hành. Trước tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây, anh đã xuất bản 40km/h (thơ), Ba cái lẻ tẻ (thơ), Hà mã, chó, chim, cá và những thứ khác (truyện), Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không (truyện). |
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất