Nhà văn Y Ban: "Tôi sống rồi mới viết"

11/02/2025 06:45 GMT+7 | Văn hoá

Sau gần 6 năm vắng bóng trên văn đàn, nhà văn Y Ban trở lại và gây tiếng vang lớn trong năm 2024. Tập truyện ngắn Trên đỉnh giời của chị không chỉ được trao giải đặc biệt đầu tiên của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, mà còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn đưa vào danh sách vinh danh 10 tác phẩm văn học tiêu biểu năm 2024.

Nhà văn có cuộc chuyện trò với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Được biết, tập truyện "Trên đỉnh giời" khi được đưa vào xét Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024 đã nhận được số phiếu tuyệt đối của cả hội đồng sơ khảo lẫn hội đồng chung khảo. Vậy, tập truyện này của chị có gì đặc biệt?

- Trên đỉnh giời là tập truyện ngắn gồm 18 tác phẩm, trong đó có 7 truyện đã được giải thưởng của các cuộc thi. Trong tập này tôi tập trung nói về những vấn đề của xã hội. Nó biến đổi vô cùng, có thể là nối tiếp từ truyền thống này sang truyền thống khác. Và vẫn là cái mạch văn của một nhà văn Y Ban đứng sau thân phận của những người phụ nữ, hoặc là những em bé gái… nhưng được mở rộng biên độ hơn, cách đặt vấn đề và cái kết luôn khó lường, không cho độc giả đoán định được. Ngòi bút của tôi nhìn vào những biến đổi của gia đình Việt Nam trong hiện tại để đưa ra những cảnh báo, dù đó là những sự đau xót tận cùng. 

Nhà văn Y Ban: "Tôi sống rồi mới viết" - Ảnh 1.

Nhà van Y Ban

* Nói đúng hơn nữa thì đó chính là một sự nỗ lực lao động nghiêm túc của một người cầm bút. Có phải vậy chăng mà nhà phê bình Phạm Xuân Thạch khẳng định: Đây là tập truyện ngắn xuất sắc nhất mà chúng ta có thể chờ đợi ở văn chương Việt Nam hiện nay?

- Tôi thuộc típ người là sống rồi mới viết. Cho nên là tất cả những thứ mà tôi đã trải qua như dịch bệnh, thiên tai, địch họa, hoặc là lòng người thay đổi, hoặc là tất cả những cái biến đổi xã hội thì nó phải ngấm vào máu tôi đã. Muốn ra được một tác phẩm hay thì mình hãy đau cùng nỗi đau nhân loại trước, không thể hời hợt được.

Văn chương không bao giờ đi ngoài những luồng lạch, tiến trình của xã hội. Mà xã hội bây giờ nhiều cám dỗ quá. Nếu ai nóng vội để viết chỉ vì một giải thưởng, hoặc là công kênh nhau lên nổi tiếng nhanh, thì cũng khó đi đường dài.

Hơn ai hết, nhà văn, phải sâu sắc với trang viết của mình và không bao giờ dừng lại ở việc thỏa mãn những điều mà mình đã đạt được. Nhìn lại những tác phẩm đầu tiên của tôi in năm 1989 và được giải thưởng, nếu tôi thỏa mãn với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ hoặc với Người đàn bà có ma lực thì sẽ không có Y Ban đứng ở đây để mà nhận giải thưởng năm 2024 của Hội Nhà văn như thế này.

Tôi rất xúc động khi nhà phê bình Phạm Xuân Thạch nhìn ra được việc tôi đã   tìm kiếm những chiều kích khác nhau của đời sống, tạo nên những tình huống hiểm nghèo để bộc lộ những vấn đề khủng khiếp của nhân sinh và đi đến tận cùng cái phức tạp của con người qua tập truyện Trên đỉnh giời.

Nhà văn Y Ban: "Tôi sống rồi mới viết" - Ảnh 2.

Tập truyện “Trên đỉnh giời”

* Sứ mệnh của nhà văn ở mỗi thời đại là khác nhau. thời đại bây giờ, công nghệ và AI phát triển, các thiên tai dịch bệnh và nhiều vấn đề khác xảy ra. Vậy thì với góc nhìn của chị, sứ mệnh của nhà văn thời đại này có gì khác biệt hơn không? 

- Thực ra mỗi tác phẩm đều có một số phận. Nó giống như một con người, như tác giả của nó. Và khi nhà văn viết xong tác phẩm nào đấy thì nó đã không thuộc về mình, không thuộc về ý chí chủ quan của tác giả. Nó cũng không thuộc về ý chí chủ quan của một số người nào đó, mà nó đã thuộc về bạn đọc, thuộc về giới học thuật, về sự phê bình, để nó có được đi tiếp nữa hay không, hay nó sẽ bị chìm lấp trong một cái hố đen hoặc một sự quên lãng.

Nói cho lớn hơn, nó đã thuộc về lịch sử, thuộc về nền văn học của dân tộc đó rồi. Tôi muốn trao đổi nhiều hơn về vấn đề này, để mỗi nhà văn chúng ta hãy lắng lại, viết nên những tác phẩm hay hơn. Chứ còn bây giờ nếu cứ viết xong rồi cứ cái "tôi" mãi, còn thấy là "văn mình vợ người" thì rất là nguy hiểm.

Nhà văn Y Ban: "Tôi sống rồi mới viết" - Ảnh 3.

Nhà văn Y Ban - thứ 3 từ trái sang -trên sân khấu nhận giải đặc biệt của Hội nhà Văn Việt Nam năm 2024 - Ảnh Lương Đình Khoa

Tôi được nhận giải thưởng - cái khoảnh khắc này rất hạnh phúc. Nhưng sau đó thì tôi chợt nhớ ra rằng sau khi kết thúc giải thưởng này thì Trên đỉnh giời không còn trong tay tôi nữa mà nó thuộc về bạn đọc, nó thuộc về lịch sử, dân tộc. Để 5 - 10 năm nữa có ai nhớ đến nó hay không - đấy mới là điều quan trọng. Một tác phẩm bị rơi vào sự quên lãng thì đấy là một vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta cần tự đặt lên vai mình một gánh nặng, phải có trách nhiệm hơn với tác phẩm của mình.

Không chỉ dừng lại ở một nhà văn viết ra tác phẩm như tôi, mà các nhà phê bình, nghiên cứu họ cũng cần có trách nhiệm tương tác với tác phẩm đó, để đưa các tác phẩm đến với cái tầm xứng đáng hơn. Bởi nếu chỉ với chủ quan của nhà văn thì chỉ dừng lại ở vấn đề đó - như một tác phẩm mà thôi.

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Y Ban - Mạnh mẽ và tinh tế

Alice Albani (35 tuổi, người Italy) là một giáo sư lịch sử, địa lý và văn hóa ngôn ngữ Anh. Những năm đôi mươi, chị từng đến và sống ở Hà Nội gần 2 năm, và dành nhiều yêu mến cho đất nước Việt Nam. Chị có ý định viết luận văn về văn học Việt Nam, chọn Y Ban và Bảo Ninh là 2 tác giả để tiếp cận.

Những ngày tháng 1/2025, qua một người bạn, Alice Albani nhờ tôi kết nối với nhà văn Y Ban. Alice Albani bày tỏ: "Những tác phẩm của Y Ban thực sự rất khó tìm thấy trong bất kỳ ngôn ngữ châu Âu nào. Nó rất thú vị, đặc biệt về thân phận của những người phụ nữ. Tôi thấy giọng văn của Y Ban vừa mạnh mẽ, vừa tinh tế. Nếu ở phương Tây, Y Ban có thể dễ dàng được đưa vào làn sóng nữ quyền thứ 4 mà chúng tôi đang trải qua".

Lương Đình Khoa (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link