Nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo": Nỗ lực trở thành thương hiệu nhạc kịch "made in Vietnam"

22/11/2024 11:46 GMT+7 | Văn hoá

Vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo là dự án tâm huyết được thực hiện sau nhiều năm ấp ủ với sự "bắt tay" của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và ê-kíp gồm nhạc sĩ Dương Cầm, "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng và NSƯT Phùng Tiến Minh. Vở diễn dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 12 tới tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

1. Thực tế, việc chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không phải là điều xa lạ. Việc kể chuyện văn học Việt Nam bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hi hữu. Riêng với loại hình nhạc kịch thì quả thực, văn học là một "mỏ vàng" màu mỡ.

Nhìn rộng, trên thế giới, các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có những ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả: Những người khốn khổ (Les Misérables) của Victor Hugo; Nữ bá tước Mariza (Grafin Mariza)… 

Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 10) - Nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo": Nỗ lực trở thành thương hiệu nhạc kịch "made in Vietnam" - Ảnh 1.

Cảnh trong vở nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo"

Theo nhạc sĩ Dương Cầm, Giấc mơ Chí Phèo là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc Broadway quốc tế. Đây cũng là dịp một vở kịch Broadway cảm tác từ văn học nước nhà sẽ được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt Nam về giấc mơ Broadway "musical made in Vietnam".

Nói về lý do thực hiện vở nhạc kịch, nhà sản xuất Dương Cầm cho hay: "Giữa rất nhiều "món ăn" nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả... Từ nhu cầu thực tế và mong muốn khán giả Việt Nam được thưởng thức nhạc kịch của người Việt Nam theo chuẩn quốc tế, chúng tôi nỗ lực biến Giấc mơ Chí Phèo trở thành thương hiệu "musical made in Vietnam". Nhiều hơn cả sự "chuẩn Broadway", đó phải là văn hoá, là sản phẩm nghệ thuật, là bản sắc của con người Việt Nam".

Giấc mơ Chí Phèo kể về cuộc đấu tranh khốc liệt của Chí Phèo với tấn bi kịch số phận. Tuy nhiên, vở nhạc kịch này không nặng nề về tâm lý và không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống xã hội phong kiến, mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở.

Dàn nghệ sĩ biểu diễn trong vở diễn đều trẻ trung, tươi mới, những aria chất lượng cùng khả năng trình diễn gây nhiều bất ngờ, có tính đột phá. Đơn cử, đó là sự góp mặt của giọng ca nội lực như Đông Hùng (thủ vai Chí Phèo) hay sự phát hiện mới mẻ giọng ca Hoàng Thái Phương - con gái của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền - trong vai Thị Nở. Nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo được kì vọng sẽ đem đến cho khán giả không gian nghệ thuật trên sân khấu Broadway hấp dẫn và khó quên.

Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 10) - Nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo": Nỗ lực trở thành thương hiệu nhạc kịch "made in Vietnam" - Ảnh 2.

Đông Hùng (trái) và Thái Phương trong vai Chí Phèo và Thị Nở

2. Nói về vở nhạc kịch, Đinh Tiến Dũng bày tỏ: "Tôi rất bất ngờ, xúc động và có phần choáng ngợp trước phần biểu diễn của các diễn viên trong các buổi tập. Chuyển soạn một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao có rất nhiều sự thuận lợi bởi tính cách nhân vật và cốt truyện đã rất rõ ràng. Câu chuyện của Chí Phèo rất ý nghĩa ở chỗ nó tôn vinh tình yêu và giá trị nhân bản của con người với thông điệp nhờ có tình yêu mà một con quỷ cũng trở thành con người, nhờ tình yêu một cô gái ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một con người".

"Nhiều người có thể thắc mắc về việc chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong vở diễn: Chúng ta muốn làm người bình thường" - anh nói thêm - "Thực ra, đôi khi làm người bình thường đã là một điều rất khó đối với nhiều người".

Biên kịch Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, khi nhận được lời mời của NSND Tấn Minh và Dương Cầm, anh vô cùng thích thú, bởi đây cũng là sự ấp ủ mà nhiều năm qua anh muốn được thực hiện: "Tôi mong muốn đem tác phẩm Chí Phèo chuyển soạn thành một vở nhạc kịch mang thương hiệu Việt Nam, qua cách thể hiện gần với nhu cầu giải trí của khán giả".

Nhạc kịch - "Cầu nối nghệ thuật" (kỳ 10) - Nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo": Nỗ lực trở thành thương hiệu nhạc kịch "made in Vietnam" - Ảnh 3.

Trong vở nhạc kịch này, nếu phần âm nhạc được phù phép bởi nghệ sĩ Dương Cầm, phần chuyển soạn dày dặn và có nghề của Đinh Tiến Dũng thì mảnh ghép còn lại tạo nên "chiếc kiềng 3 chân" là sự góp mặt của đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh. Anh một lần nữa khẳng định thế mạnh về sân khấu của mình, đồng thời nỗ lực đem đến sự hoàn thiện đầy đủ nhất cho một vở nhạc kịch  trên sân khấu Việt Nam. 

Và hi vọng, sự tổng hòa của văn học, âm nhạc, biên đạo, và nghệ thuật sân khấu sẽ mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho khán giả ở bất kỳ độ tuổi nào. Với thế hệ trung niên, Giấc mơ Chí Phèo sẽ như một tấm vé đưa họ về với những ngọt ngào của văn học thanh xuân. Còn với thế hệ trẻ, vở kịch sẽ giống như một lăng kính, một góc nhìn thú vị từ một tác phẩm mà các bạn đã quá quen thuộc khi ngồi trên ghế nhà trường.

Bởi thế, không lạ khi NSND Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, đơn vị chỉ đạo sản xuất của vở nhạc kịch - kì vọng rằng Giấc mơ Chí Phèo sẽ là một sự khẳng định của thương hiệu Broadway "musical made in Vietnam" không chỉ với khán giả trong nước mà còn "rộng cánh vươn xa" về giấc mơ nhạc kịch Việt Nam sẽ vươn ra thế giới.

"Giữa rất nhiều "món ăn" nghệ thuật và giải trí, tôi cho rằng nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả" - nhà sản xuất Dương Cầm.

(còn tiếp)

Nhật Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link