Hé mở từ một hồ sơ Showbiz Việt

16/08/2011 07:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 2/4/2004, làng báo văn nghệ và làng nhạc Việt dường như rúng động khi thông tin chính thức được công bố: ca khúc Tình thôi xót xa, bản “hit” của năm 1997 “lịch sử”, bài hát đã đưa cả người sáng tác (nhạc sĩ Bảo Chấn) lẫn ca sĩ thể hiện (Lam Trường) lên đỉnh cao của thị trường ca hát những năm cuối thập niên 1990, dường như đã được copy hoàn toàn một bản nhạc Nhật. Vụ “đạo nhạc” ầm ĩ nhất trong làng nhạc Việt từ trước tới nay, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm sụp đổ sự nghiệp hàng chục năm của một nhạc sĩ và cũng tước bỏ danh hiệu Thành tựu 10 năm Làn sóng xanh dành cho nam ca sĩ mà không ai xứng đáng hơn Lam Trường.

Một mình xót xa?

Ngày 2/4, bài báo đầu tiên chính thức loan tin Tình thôi xót xa (TTXX) có giai điệu giống hệt bản hòa tấu Frontier nằm trong album Cherry Blossom của nữ nhạc sĩ người Nhật Keiko Matsui. Lập tức cơn bão dư luận nổi lên, hàng chục bài báo dồn dập “đẩy” TTXX… ra tòa. Ngày 6/4, chương trình phát thanh tiếng Việt của một đài nước ngoài, nơi đã khuấy lên “vụ” Nhé anh 2 năm trước, tiếp tục đi đầu trong cuộc tấn công như vũ bão vào nạn đạo nhạc ở trong nước. Chương trình phát thanh nói trên, khi thực hiện cuộc phỏng vấn với Kazu Matsui, chồng kiêm ông bầu của nữ nhạc sĩ Keiko Matsui, đưa ra câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu sự việc được đưa ra ra tòa?”.

Cũng câu hỏi tương tự được đặt ra với Kazu trong bài phỏng vấn ông này của báo TT&VH (số 28 ra ngày 6/4/2004): “Ông bà định sẽ làm gì? Ông bà có dự định đem việc này ra tòa về vấn đề bản quyền không?”. Sự việc gần như đã được đẩy tới “tuyên cáo” khi ông Kazu tuyên bố (kèm theo cả… “đe dọa”) trên TT&VH (số báo nói trên): “Chúng tôi hy vọng ông Bảo Chấn sẽ xin lỗi chúng tôi. Nếu ông ấy có đề nghị nào đó, chúng tôi muốn lắng nghe ông ấy. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với chúng tôi là người VN sẽ biết ai là tác giả thật sự, và sẽ yêu mến âm nhạc của Keiko. Một điều chắc chắn đây là âm nhạc của Keiko và tôi có thể chứng minh điều đó dễ dàng. Xin chuyển lời đến ông Bảo Chấn là đã đến lúc nói ra sự thật. Bằng không chúng tôi sẽ để các bài hát - cả bài hát nguyên gốc và bài của ông Bảo Chấn- lên website của chúng tôi. Tôi không muốn làm điều như vậy. Tôi biết rằng còn có nhiều nhạc sĩ chân chính đang làm việc và sáng tạo trung thực tại VN. Tôi muốn giữ chuyện này giữa các bạn VN và chúng tôi mà thôi. Nếu ông Bảo Chấn không ghi rõ Keiko Matsui là tác giả giai điệu trên, thì đó là một điều sai trái. Tôi không biết ở VN có luật về bản quyền hay không, nhưng tôi nghĩ chúng tôi cần làm một điều gì đó…”.

Cho tới nay, bài trả lời phỏng vấn báo TT&VH nói trên có lẽ là cú “ra đòn” quyết liệt nhất của ông bà Matsui trong vụ việc này và nó giáng mạnh vào “đối thủ”- nhạc sĩ Bảo Chấn, khiến ông gần như “gục ngã”. Có điều, không mấy người biết, người đứng tên phỏng vấn ông bà Matsui trong bài báo này, nhà văn Nguyễn Viện, thật ra không hề liên quan, không có bất cứ liên lạc nào với người trả lời phỏng vấn!

Nhạc sĩ Bảo Chấn và ca khúc Tình thôi xót xa trong album
Biển chờ của Lam Trường phát hành 1998

Báo chí và dư luận, gần như đã buộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam phải vào cuộc và sớm đưa ra kết luận để đưa TTXX trở thành một… nỗi nhớ dịu êm. Tại thời điểm ấy, nhạc sĩ Bảo Chấn gần như đã nhận được lời đề nghị… sớm “nhận tội”. Ngày 7/6/2004, nghĩa là hơn 2 tháng sau khi có thông tin về sự việc, thông báo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: So sánh 3 ca khúc I’ve Never Been To Me của Charlene người Mỹ (viết năm 1982), Frontier của Keiko Matsui (viết năm 1992) và TTXX của nhạc sĩ Bảo Chấn thấy rõ có nhiều chỗ giống nhau, đặc biệt là phần giai điệu. Nhạc sĩ Bảo Chấn cũng thừa nhận TTXX giống một trong hai ca khúc trên đến 99%. Nhạc sĩ Bảo Chấn không đưa ra được những chứng cứ nào về bút tích, thời gian sáng tác và năm công bố tác phẩm của mình. Kiểm tra lại hồ sơ xin gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001 của nhạc sĩ Bảo Chấn, thấy ghi sáng tác TTXX năm 1994 (viết tay bằng bút mực). Nhạc sĩ Bảo Chấn đã có hai bản viết tay gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Kiểm tra của hội, trong đó viết: “Tôi thực sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc vì những sự cố không mong muốn này. Xin cảm ơn những đóng góp chân tình của báo chí, đài và bạn nghe nhạc...”; “Xin được không sử dụng bài hát TTXX cho đến khi có kết luận thích hợp”.

Có lẽ đây là vụ ầm ĩ đầu tiên liên quan tới “đạo nhạc”, một khu vực vô cùng phức tạp và “nhiều chuyện”, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam giải quyết mau lẹ và rốt ráo như vậy (cần mở ngoặc nói thêm, đây cũng chính là mảng “nhiều chuyện” nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, mà mỗi khi có đợt tặng thưởng, nó lại có cơ hội nổi lên).

Sự đời dường như luôn bày chuyện trớ trêu. 7 năm trước, TTXX đã làm cuộc thăng hạng ngoạn mục và giữ kỷ lục ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Làn sóng xanh cùng với ngôi sao số 1 Lam Trường. Chính đài phát thanh và truyền hình nổi tiếng Nhật Bản NHK đã chọn hai clip TTXX (cùng với ca khúc Cho em một ngày của nhạc sĩ Dương Thụ) để giới thiệu trong chương trình Những ca khúc nhạc pop châu Á của đài vào năm 1998! 3 năm sau “ngày đen tối”, năm 2007, trong đêm trao giải Thành tựu 10 năm Làn sóng xanh, Lam Trường, người đã ở trọn vẹn trong bảng xếp hạng suốt 10 năm và ở vị trí số 1 trong 4-5 năm đầu tiên của Làn sóng xanh, rớt khỏi giải thưởng này một cách đầy oan ức. Nhạc sĩ Bảo Chấn cũng không có mặt trong top 10 nhạc sĩ giải Thành tựu 10 năm Làn sóng xanh.

Có sự thật còn che giấu?

Khi toàn bộ câu chuyện trên đã đi vào “bóng tối”, Lam Trường chấp nhận thiệt thòi, nhạc sĩ Bảo Chấn “sốc” nặng tới mức gần như rút hẳn khỏi làng nhạc ở trong nước…, thì đầu năm 2010, người thanh niên mang theo bộ hồ sơ mà đích thân anh tìm kiếm, thu thập trong suốt 6 năm, tìm đến tòa soạn TT&VH, với niềm tin có thể lật lại sự việc từ những nghi ngờ.

Thoạt tiên, nghi ngờ hướng về độ chính xác của những thông tin mà Kazu Matsui, ông bầu của nữ nhạc sĩ Keiko Matsui, cũng là người duy nhất lên tiếng trong vụ việc này, cung cấp. Trong bức thư điện tử đầu tiên gửi tới độc giả VN (đăng tải trên Vnexpress), ông cho biết, trước khi sử dụng bản Frontier trong album Cherry Blossom phát hành năm 1992, thì bản nhạc này đã được ghi âm với phần lời tiếng Anh trong album Super Mario Brothers, cả hai đều do Kazu sản xuất, Keiko viết lời và biên soạn. Đó là ca khúc Learning From The Wind. Thông tin nói trên hoàn toàn chuẩn xác nếu kiểm tra ở địa chỉ: /www.en.game-ost.ru/albums/2684/super_mario_ bros._special/ được cập nhật vào ngày 27/6/2009. Song thông tin trên đĩa nhạc gốc Super Mario Brothers phát hành năm 1990 không hoàn toàn như vậy. Bìa album ghi có sự tham gia của nhạc sĩ Derek Nakamoto (Nhật Bản) và Gary Stockdale (Mỹ), sáng tác hòa âm của Koji Kondo và Keiko Matsu, bài hát Learning From The Wind do ca sĩ Sinichi Ishihara trình bày (hát tiếng Nhật), phần lời của Kenji Terada. Tuy nhiên trong Danh mục các sáng tác (Discography) của cả Keiko lẫn Koji Kondo, Derek Nakamoto, Kenji Terada, ca sĩ Ishihara cũng như nhạc sĩ Gary Stockdale, đều không có tên Learning From The Wind ở bất cứ hạng mục nào. Câu hỏi đặt ra là: Nếu Keiko Matsui là tác giả của giai điệu Learning From The Wind thì tại sao nữ nhạc sĩ lại không đưa nhạc phẩm này vào Danh mục các sáng tác của mình và tại sao lại phải đổi tên ca khúc ở album Cherry Blossom chỉ chưa đầy hai năm sau đó?

Chưa hết, còn điều gì đó không thống nhất trong các thông tin mà ông Kazu đưa ra cho báo chí VN. Trong một bức thư gửi cho diễn đàn Yêu âm nhạc, tháng 4/2004, ông khẳng định Keiko còn là tác giả của ca khúc trong trò chơi Super Mario Brothers. Super Mario Brothers là tên một trò chơi điện tử trong seri trò chơi Mario của hãng Nintendo, Nhật Bản. Trò chơi nổi tiếng này được đưa vào Việt Nam ở khoảng nửa cuối của thập niên 1980, nhanh chóng trở thành trò chơi điện tử phổ biến tại các tụ điểm game... Từ thông tin này, nhiều người tin chắc nhạc sĩ Bảo Chấn đã bị ảnh hưởng từ trò chơi nói trên. Tuy nhiên trên thực tế, phần âm nhạc của Super Mario Brothers lại do nhạc sĩ Koji Kondo đảm trách, còn sáng tác của Keiko nằm trong dự án có cái tên gần giống, Supper Mario Brothers Image, thì do hãng Citron And Art thực hiện.

Bìa đĩa Super Mario Bros. Special phát hành 21/4/1990, ca khúc
Learning From The Wind nằm ở vị trí số 3 trong đĩa này

Phức tạp không kém nếu mở cuộc truy tìm nguồn gốc của TTXX từ bản đánh máy chữ nhạc phẩm piano (viết chung với nhạc sĩ Duy Phụng), từ phần nhạc trong phim Nước mắt học trò (đạo diễn Lý Sơn, sản xuất năm 1992), bản phối ca khúc bút tích cá nhân của nhạc sĩ Bảo Chấn năm 1994, ca sĩ Ngọc Liên (Phú Yên) từng biểu diễn trước năm 1989, ca sĩ Ngọc Thúy (TP.HCM) biểu diễn trước năm 1990, Hồng Nhung hát sau năm 1992… Ngay cả suy đoán TTXX có thể đã được chuyển thành một Midi File để dễ dàng mua bán thuận tiện ở “chợ” nhạc ở Mỹ - để tiết kiệm thời gian và sức lực, nhiều nhạc sĩ mua Midi File, sau đó nạp vào máy tính, rồi từ đó mới thực hiện các hòa âm, cũng đã được đặt ra, trùng hợp với thông tin được cung cấp từ bạn đọc: Trong năm 1991, Keiko Matsui hiện ở Mỹ và fan club của cô nằm ở vùng Anaheim - California, một vùng có thể nói là tập trung hầu hết cộng đồng người Việt ở Mỹ. Điều này khiến tôi liên tưởng đến một câu hỏi ngược lại cho phía nhà sản xuất của Keiko...

Vậy là một “vụ án” đạo nhạc được “xét xử” chính thức duy nhất trong thời gian ngắn nhất ở Việt Nam chứa đựng trong nó rất nhiều dấu hỏi. Bản thân ông Kazu, trong lần trả lời phỏng vấn, cũng nhận xét: “Không ai lại đi sao chép một cách lộ liễu như vậy. Nếu họ có lấy giai điệu người khác, họ cũng sẽ tìm cách giấu bớt đi một cách khéo léo. Nếu ai làm như thế thì chả khác nào tự sát”. Một nhạc sĩ dày dạn kinh nghiệm trong làng nhạc như Bảo Chấn, lại dễ dàng “tự sát” như vậy? Chỉ cần ông, khai “tăng tuổi” cho TTXX trong hồ sơ gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì TTXX (không phải 1994 như tờ khai mà sớm hơn, 1990 chẳng hạn) sẽ trắng án? Hay Frontier nổi tiếng đến thế nào mà bản TTXX phát sóng trên NHK ở Nhật lại không có ai lên tiếng? Cũng không ai phản ứng gì về một ca khúc Hong Kong do Quách Phú Thành trình diễn năm 2000, được phát hiện “giống y chang” TTXX, hay Frontier? Có niềm tin nào đó mơ hồ trong lời xin lỗi của nhạc sĩ: “Tôi thực sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc vì những sự cố không mong muốn này. Xin được không sử dụng bài hát TTXX cho đến khi có kết luận thích hợp”.

Duy có điều rõ ràng có thể nhận ra trong sự việc này là sự sốt sắng đến thái quá của một lực lượng báo chí đã vô tình đẩy sự việc thành một scandal hơn là cuộc đi tìm sự thật. Cần nói lại, Nhé anh cũng từng bị báo chí làm ầm ĩ khi nghi ngờ “đạo” nhạc Thái, nhưng tới lúc vấn đề đảo ngược thì không thấy phía Thái bị “truy tố”. Ngược lại, phía Nhật êm ru, chỉ có vợ chồng nhạc sĩ Matsui bừng bừng “sát khí” do được báo chí Việt Nam “kích động” và cung cấp đầy đủ thông tin, bằng chứng trong “vụ án” TTXX. Tiếc thay, không nhờ thế mà nạn “đạo” trong làng nhạc Việt được đặt dấu chấm hết.

Nhạc sĩ Bảo Chấn giờ này đã dần bình yên, tiếp tục công việc âm nhạc một cách âm thầm; từ chối danh vọng, sự nổi tiếng, cái mà cũng vì nó anh tưởng như đã rơi xuống vực thẳm. Anh không muốn lật lại chuyện cũ, tránh xa rắc rối phiền hà, để chỉ lao động với âm nhạc một cách thuần khiết. Rất may là trong những ngày tháng chênh vênh ấy, gia đình gần như là chỗ dựa duy nhất giúp anh lấy lại thăng bằng. Anh may mắn hơn người đồng nghiệp trẻ, nhạc sĩ Đỗ Quang, người đã không thể lấy lại được thăng bằng. Bi kịch của Đỗ Quang xảy ra vào tháng 12/2004, nửa năm sau bi kịch TTXX.

Đón xem tiếp kỳ cuối trên TT&VH Cuối tuần số 34

P.T.T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link