23/12/2020 13:39 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Truyền thông vừa đưa tin, Nhạc sĩ Lam Phương qua đời ở tuổi 83, tối 22/12 sau thời gian chữa tai biến mạch máu não tại Fountain Valley, California.
Còn nhớ tầm này năm trước, sự nghiệp của ông được "ytoongr kết" trong cuốn sách dạng lược sử chân dung Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút, phát hành đã tạo được sức hút. Nhiều người quan tâm, vì với 217 ca khúc, đa số nổi tiếng, Lam Phương đã là nhạc sĩ có ảnh hưởng trong đời sống tân nhạc Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay.
Qua 5 phần, cuốn sách là hành trình về Lam Phương từ thuở nhỏ ở Rạch Giá, 15 tuổi lên Sài Gòn, trung niên sang Mỹ định cư đến bây giờ. Độc giả cũng sẽ biết được làm cách nào mà cậu bé Lâm Đình Phùng 10 tuổi - tên thật của Lam Phương - một thân một mình sống giữa Sài Gòn, bán nhạc mưu sinh và thành danh.
Bắt đầu sự thất bại
Thời điểm ấy, người ta chưa thấy một văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ như ngày nay, nhưng vấn đề này vẫn rất được tôn trọng. Và gần như tất cả các hoạt động nghệ thuật và thị trường giải trí khi đó đều được xây dựng trên nguyên tắc tự thỏa thuận và khi có tranh chấp sẽ thông qua việc xét xử độc lập của tòa án với mô hình luật pháp thông luật (common law).
Trong môi trường chung bình đẳng đó, năm 1952, khi mới 15 tuổi, Lam Phương đã “bạo gan” vay 200 đồng bạc của bạn bè để tự in và phát hành tờ nhạc sáng tác đầu tay của mình: bản Chiều thu ấy. Số tiền vay mượn này nhanh chóng bị tăng lên gấp ba, song hành với các lần Lam Phương tự in và bán các bản nhạc tiếp theo, nhưng đều thất bại.
Lam Phương nói đó là nỗi cay đắng đầu đời mà một tác giả viết nhạc còn non trẻ phải gánh chịu. Không tiền, lại hoang mang với món nợ 600 đồng ở Sài Gòn lạ lẫm, Lam Phương bấu víu vào hoài niệm quê hương như tìm chút an ủi trước những bẽ bàng từ tài chính đến tình cảm.
Hai năm sau, năm 1954, Lam Phương cho ra đời bản nhạc mới là Khúc ca ngày mùa. Bài hát như khúc tự tình với quê hương này nhanh chóng đưa tên tuổi Lam Phương đến với công chúng. Ngày 26/3/1956, ký giả Ngọc Huyền Lan trong bài phỏng vấn nhạc sĩ Lam Phương trên báo chí đã cung cấp chi tiết thú vị: Chỉ trong hai năm, kể từ khi ra đời, Khúc ca ngày mùa tái bản đến lần thứ 7 và Lam Phương mất ngủ nhiều đêm liền vì… vui. Tuy bài báo không nói đến số lượng in và số tiền tác quyền nhận được, nhưng số nợ 600 đồng được Lam Phương trả dứt điểm chỉ sau một lần in.
Cùng năm 1954, liên tiếp các nhạc phẩm ăn khách bắt đầu đưa Lam Phương đến với thị trường âm nhạc vốn chọn lọc khắt khe từ giới mộ điệu ở Sài Gòn, giúp nhạc sĩ bắt đầu sống được với nghề.
Bán nhạc mua biệt thự
Sau thời điểm 1954, khu Đa Kao, Tân Định vốn sầm uất với năm rạp hát, rạp cinê và cùng các tụ điểm ăn chơi nhanh chóng “giảm nhiệt”. Những người Pháp thất trận, buồn bã nhớ cố quốc uống rượu, say ngủ vỉa hè càng vẽ thêm nét ảo não cho nơi này.
Lúc này, bà Trần Thị Nho đã bán mảnh vườn nhỏ ở Rạch Giá để dắt díu đàn con thơ dại về xóm trọ Vạn Chài bên bờ kênh đường Paul Bert (Trần Quang Khải ngày nay), ở với con trai lớn Lam Phương. Căn gác trọ ọp ẹp năm đó trân mình với các trận mưa lớn, gió thốc. Lam Phương đạp xe về nhà sau mỗi buổi đi bán các tờ nhạc để mưu sinh…
Giật mình với tiếng khóc trẻ thơ, trong đìu hiu ánh đèn Đa Kao cùng nỗi khát khao có ngôi nhà của mẹ đã dấy lên xúc cảm để Lam Phương viết bản Kiếp nghèo vào nửa cuối năm 1954. Tiếng hát Thanh Thúy đã đưa Kiếp nghèo trở thành bản nhạc ăn khách nhất thời bấy giờ. Tiền bán bản quyền thu âm, in tờ nhạc, biểu diễn ở phòng trà… đã giúp Lam Phương mua được cho mẹ căn nhà khang trang ở quận 10, Sài Gòn.
Tuy nhiên, đó chưa phải kỷ lục về thù lao khi năm 1970 cùng đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt biểu diễn, Lam Phương đã làm ngất ngây khán thính giả khắp nơi đây với ca khúc Thành phố buồn. Bản slow dìu dặt, tone mi thứ về chốn êm đềm, trập trùng đồi núi, chiều đan tay tìm về giáo đường… đã đem lại cho Lam Phương tiền thù lao đến xấp xỉ nửa triệu USD.
Nếu so sánh với mức lương cao chót vót thời bấy giờ là 50.000 đồng/1 tháng, thì Thành phố buồn có thu nhập tương đương 20 năm lương. Thù lao của Thành phố buồn giúp Lam Phương mua được căn biệt thự 300 mét vuông ở quận 10 để sống những tháng ngày hạnh phúc với kịch sĩ Túy Hồng.
Sở hữu gia tài nghệ thuật với 217 ca khúc, phần nhiều ăn khách, đến nay các sáng tác ấy vẫn còn được nhiều trung tâm ca nhạc ở hải ngoại và trong nước chi trả tác quyền đều đặn cho Lam Phương. Nhưng ở tuổi ngoài 80, nhạc sĩ Tình bơ vơ cho biết ông đã không còn quan tâm đến tiền bạc nữa, chỉ mong có sức khỏe để an vui tuổi già.
Đăng Vĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất