Nghệ sĩ Nguyên Lê: Jazz và world music đưa tôi về nguồn cội

21/11/2013 14:10 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên ở Pháp, không nói được tiếng Việt nhưng nghệ sĩ Nguyên Lê lại mang âm nhạc Việt đi khắp nơi trên thế giới. Và dù sống giữa những người nước ngoài, ông vẫn không ngừng đi tìm “cái tôi” Việt Nam của mình. Cuộc hành trình ấy đã và đang diễn ra qua những chương trình biểu diễn của ông tại quê nhà và nhiều nơi trên thế giới.

Trở về Việt Nam những ngày cuối tháng 11, ông đã biểu diễn chương trình Songs of Freedom với những người bạn nước ngoài vào tối 20/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp và đang sẵn sàng cho live show Độc đạo với Tùng Dương vào tối 24/11 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô.

TT&VH có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Nguyên Lê.

Linh hồn nhạc Việt trong bản ngã của tôi

* Điều gì đã đưa ông trở về Việt Nam những ngày cuối năm để thực hiện 2 show biểu diễn liên tiếp?

- Đó là bởi hoài bão muốn được trở về Việt Nam để thực hiện những chương trình âm nhạc dành cho khán giả nước nhà của tôi.

Tôi muốn mang đến cho khán giả những sắc màu âm nhạc đa dạng được kết hợp từ ngôn ngữ của châu Phi, Pháp và Việt Nam qua sự chuyển biến của phối khí trong từng tác phẩm.

* Ở Việt Nam, ngoài Tùng Dương hiện là cộng sự rất ăn ý, ông có muốn hợp tác với nghệ sĩ nào khác cho những dự định tương lai không?

- Nếu có cơ hội, thì tôi muốn hợp tác với ca sĩ Mỹ Linh.

* Điều gì ở Việt Nam đã cuốn hút ông đi tìm tính Việt trong âm nhạc và mang nó ra thế giới?

- Tất cả đều bắt nguồn từ sự tìm về nguồn cội của tôi. Năm 1989 khi tôi ra đĩa đầu tiên Miracles (xuất bản tại Mỹ năm 1990), tôi đã tự hỏi mình muốn làm gì và phải làm gì cho bản thân. Và câu trả lời là tôi phải đi tìm về cội nguồn. Từ đó tôi đã đến với âm nhạc truyền thống Việt Nam.

* Và ông đã thấy tìm thấy linh hồn của nhạc Việt?

- Trước đây tôi vẫn nghĩ mình là người Pháp cho đến khi tìm về bản ngã, tôi hiểu mình vẫn là người Việt. Vì thế, tôi đã tìm thấy linh hồn trong nhạc Việt từ chính con người - bản ngã của tôi.

Âm nhạc kết nối mọi dân tộc

* Theo ông, thể loại âm nhạc truyền thống nào của Việt Nam có sự kết hợp ăn ý nhất với jazz?

- Tôi cũng đã có nghiên cứu về cải lương với ca sĩ Hương Thanh (em gái ca sĩ Hương Lan). Tôi cảm thấy cải lương rất khó để hòa âm, phối khí với jazz. Nhưng cải lương lại có rất nhiều điểm tương đồng với blues - loại nhạc của những người Mỹ da đen. Tôi cũng từng hợp tác với Hương Thanh để thử phối khí vài bản cải lương. Khi Tùng Dương nghe những bản này, cậu ấy đã nói tôi “quá cải lương”.

Ngoài ra, tôi thấy giữa jazz và những chất liệu dân gian của miền Bắc nếu kết hợp với nhau cũng sẽ rất thú vị.

* Bên cạnh jazz, tại sao ông lại lựa chọn world music? Và phải chăng sự hội tụ mang tính đa sắc tộc ở những nền văn hóa khác nhau đã tạo nên sự độc đáo trong từng bản phối của ông?

- Đúng vậy. Tư tưởng của tôi là âm nhạc có thể kết nối, đưa người nghe và người chơi nhạc lại gần với nhau và world music chính là thể loại tôi cần tìm.

Chính bản thân tôi là người Việt sinh ra ở nước ngoài, là khách ngoại quốc trên đất Pháp nên tôi cũng có nhu cầu đi tìm bản thân mình ở sự kết hợp, pha trộn này. Sự kết hợp âm nhạc của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy khả năng, sức mạnh của âm nhạc có thể kết nối mọi người, mọi dân tộc lại với nhau.

* Nếu nói tài năng của một người mang dòng máu Việt và môi trường sáng tạo nghệ thuật Pháp đã tạo nên Nguyên Lê. Ông thấy điều đó có đúng không?

- Tôi rất cảm động và cảm thấy đúng như vậy!

* Không nói được tiếng Việt nhưng lại mang âm nhạc Việt ra thế giới. Ông có ý định sẽ học tiếng Việt không?

- Tôi bị mất dần ngôn ngữ mẹ đẻ khi đến trường học. Hiện giờ, tôi vẫn có thể nghe mọi người nói tiếng Việt nhưng không hiểu được nhiều.

Và tôi cũng đang học tiếng Việt trở lại nhưng không có nhiều thời gian lắm bởi làm việc với những bản phối khí đã chiếm hết thời gian của tôi. Nhưng tôi sẽ cố gắng!

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link