Nhạc sỹ Phạm Duy (Bài 1): Tình tự Hà Nội bằng ngàn nốt nhạc

13/10/2010 11:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - 90 tuổi, hơn 900 tác phẩm – một gia tài âm nhạc có tầm vóc đồ sộ, nhạc sĩ Phạm Duy, người Hà Nội của Hà Nội xưa dù tha phương bao năm vẫn dành cho quê hương tình yêu dài lâu hơn cả cuộc đời mình. Tình yêu đã đi vào nghệ thuật. Lần đầu tiên, Phạm Duy dành những tâm sự của mình cho TT&VH.

Những ngày Đại lễ, Phạm Duy đón tuổi 90 tại Sài Gòn. Không phải chờ đến dịp mới nhớ xứ Bắc, ông đã tình tự Hà Nội bằng ngàn nốt nhạc. Chỉ sống ở Hà Nội và miền Bắc 30 năm, nhưng phần đời trai trẻ thanh xuân ấy hằn dấu nơi ông, một tuổi trẻ kéo dài.

Tình tự Hà Nội - Tình tự dân tộc

Tình tự Hà Nội của Phạm Duy nằm trong tình tự dân tộc. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Dù bôn ba nhiều nước, sâu thẳm tâm hồn Phạm Duy luôn hướng về quê Việt.

Gọi Hà Nội xưa, để phân biệt với Hà Nội ồn ào, rộng quá hiện giờ. Chú bé Phạm Duy Cẩn sinh trưởng từ gia đình học thức, chào đời tại nhà hộ sinh 40 Hàng Cót, lớn lên tại 54 Hàng Dầu. Ông nội Phạm Duy Đạt giữ chức thiên hộ (chef de quatier) phụ trách một khu phố của quận Hoàn Kiếm. Nhà văn Phạm Duy Tốn (bút danh Thọ An, 1883 - 1924), cha ông là cây bút trào phúng nổi danh. In hàng chục đầu sách trong cuộc đời ngắn ngủi, Phạm Duy Tốn có chân tại hội đồng thành phố, sau bỏ đi làm báo. Sống chết mặc bay (in lần đầu tạp chí Nam Phong) là một tác phẩm để đời của ng. Cụ Tốn lấy vợ, thiếu nữ Nguyễn Thị Hòa, con ái của ông đồ phố Hàng Gai, sinh 5 con: Phạm Duy Khiêm, Phạm Thị Thuận, Phạm Thị Trinh, hạm Duy Nhượng (giáo viên) và con út Phạm Duy Cần. Cậu út mồ côi cha từ năm 3 tuổi. Người mẹ tảo tần đã nuôi dạy con thành tài.

Tôi đã đến Cité Universitaire, khu ký túc xá các đại học ở Paris, thấy ảnh nhà triết học Trần Đức Thảo và Phạm Duy Khiêm treo trang trọng. Ông Khiêm, anh cả Phạm Duy, trúng học bổng sang Pháp học ngành “Hy Lạp và Latin”, là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thạc sĩ (ngữ pháp) tại Paris năm 1930.


Nhạc sỹ Phạm Duy (áo vàng)

Kí ức cuộn chảy về nơi đầy kỷ niệm. Thuở nhỏ, Cẩn hay ra bờ hồ Hoàn Kiếm chơi bắt dế, đá bóng, làm thơ con cóc. Từ chợ Đồng Xuân đến cầu Doumer (cầu Long Biên) là “thế giới nhỏ” của cậu. Đi học qua 4 trường: tiểu học Nguyễn Du, trung học Thăng Long, Kỹ nghệ Thực hành và Cao đẳng Mỹ thuật. Những người thầy mà Phạm Duy nhớ, có thầy Bùi Kỷ, thầy Võ Nguyên Giáp (dạy địa lý năm 1943). Ít ai biết, Phạm Duy suýt thành... họa sĩ.

Ông theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng lớp với Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Phan Tại, Tạ Thúc Bình. Trường nằm tại góc hai con đường Reinach (Yết Kiêu) và Hàng Lọng. Thầy mà Phạm Duy nhớ đặc biệt là Tô Ngọc Vân, dạy cách dùng màu. “Tôi kính phục khi xem triển lãm của thầy. Thầy là họa sĩ đầu tiên dùng hội họa mới để xưng tụng người đàn bà Việt Nam với những bức tranh mỹ nữ có hình, dáng, khối và ánh sáng nắng trực tiếp, khác với nắng phản chiếu trong tranh châu Âu”.

Rời Hà Nội đi kiếm sống từ 17 tuổi, cậu út Cẩn lưu lạc từ Hưng Yên tới Kiến An, Móng Cái, dạy học tư, thư ký, thợ rèn, thợ điện, làm ruộng rồi lại trở về học mỹ thuật. “Có rất nhiều khoảnh khắc nhớ về Hà Nội vì phải sống xa Hà Nội”. Nhớ khi ở Trạm Trôi với vú nuôi, xa mẹ đang làm ăn ở Hà Nội. Lúc lên chiến khu tham gia kháng chiến, không gặp mẹ tới lúc mẹ qua đời không được ở bên. Những năm đằng đẵng và trở về Hà Nội sau gần nửa thế kỷ.

Mỗi lời ca điệu nhạc đều đượm chất dân tộc

21 tuổi, làm bài hát đầu tay Cô hái mơ (thơ Nguyễn Bính) và dùng họ nội dòng dõi Phạm Duy làm bút danh. Phạm Duy lấy vợ là Phạm Thái Hằng, nàng ca sĩ của Hợp ca Thăng Long, người Hà Nội. Theo các gánh hát khắp Bắc - Nam rồi vào Sài Gòn sống hơn 20 năm tới 1975, ông bà có 8 người con, tất cả đều nói tiếng Bắc, giọng Hà Nội chuẩn thanh thoát ngày xưa.

Năm 1954 - 1955, Phạm Duy học nhạc ở Paris. Ông giỏi tiếng Pháp và tiếng Việt. Lượng từ vựng dồi dào, vốn sống phong phú, Phạm Duy tài tình khi phổ thơ của các thi nhân tiền chiến: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Bích Khê...; viết nhiều ca từ cuốn hút và ám ảnh. Chủ trương “dùng nhạc để điều hợp con người và xã hội”, nhạc Phạm Duy có ba loại: nhạc xã hội, nhạc tình cảm, nhạc tâm linh.

Vị thế và giá trị sáng tác của Phạm Duy qua các mảng ca khúc vượt qua thời điểm, bối cảnh, để mang tính thời đại. Ở đó, âm nhạc dân tộc và tiết tấu tư duy mới mẻ tạo ra những phong vị lạ lùng. Đưa em tìm động hoa vàng, Bà mẹ Gio Linh, Ngày xưa Hoàng Thị, Minh họa truyện Kiều (3 phần) là một ví dụ nhỏ.

Tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam 2008, Phạm Duy cùng giọng ca Duy Quang và Thái Hiền đã gây ngạc nhiên lớn khi Minh họa truyện Kiều bằng âm nhạc thật tài tình. Các nhân vật hiện lên sống động, sắc thái riêng mà mỗi lời ca điệu nhạc đều đượm chất dân tộc.

(Còn tiếp)

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link