Phó Đức Phương đến tận nhà hát… “đòi tiền” tác quyền!

20/08/2010 14:46 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vào tối 17/8/2010, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã trực tiếp tới Nhà hát Lớn để can thiệp về việc đêm nhạc Tuấn Vũ - 10 năm tái ngộ vi phạm bản quyền.

Trong lịch sử 8 năm tồn tại của VCPMC, đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Phó Đức Phương đích thân “xuất tướng” tại một chương trình biểu diễn để làm việc.

Đòi tác quyền trước giờ biểu diễn


Nhạc sĩ Phó Đức Phương,
Giám đốc VCPMC

Tưởng chừng, đêm nhạc đã phải dừng lại, khi ông và các chuyên viên VCPMC có mặt tại Nhà hát Lớn vào 19h30 - nửa tiếng trước khi Tuấn Vũ - 10 năm tái ngộ bắt đầu. Theo ông Phương, không chỉ ở đêm nhạc này, kể từ 2008, hai công ty TNHH hãng phim Châu Á và Truyền thông và Tổ chức sự kiện Hội nghệ sĩ Việt Nam (những đơn vị đứng ra tổ chức đêm nhạc Tuấn Vũ) thường xuyên tổ chức nhiều chương trình biểu diễn ca nhạc trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, dù liên tục nhận được các công văn đề nghị tuân thủ bản quyền tác giả âm nhạc của VCPMC, 2 đơn vị này vẫn nhất định không phản hồi và hoàn toàn tránh né việc ký hợp đồng xin phép sử dụng, cũng như trả phí bản quyền cho các chương trình trên.

Diễn ra khá căng thẳng, nhưng cuối cùng sự việc trên lại được thu xếp khá nhanh gọn trong 20 phút đồng hồ. Chủ động xin lỗi và nhận trách nhiệm, ông Lê Văn Tiến (Giám đốc kiêm đại diện của cả 2 công ty tổ chức) chỉ có một đề nghị: Giải quyết nhanh vấn đề để không ảnh hưởng tới thời gian diễn ra đêm nhạc. Cuối cùng, biên bản được kí kết, theo đó ông Tiến xác nhận việc vi phạm bản quyền với các tác giả ca khúc được sử dụng trong một số chương trình qua. Và theo cam kết, vào 6/ 9/2010, ông Tiến sẽ tới VCPMC để thống kê các trường hợp vi phạm gần đây và nộp đủ phí bản quyền.

Nếu không trả, sẽ lên sân khấu “tố cáo”

Trao đổi với TT&VH, nhạc sĩ Phó Đức Phương mệt mỏi cho biết:

- Đây là lần đầu tiên tôi phải mang cái thân mình đi “đòi tiền” theo cách này. Chẳng sung sướng gì, nhưng quả thật VCPMC quá bức xúc với cách làm việc và sự trốn tránh của ông Tiến. Và nói rộng ra, chúng tôi vốn đã đủ mệt mỏi với thái độ của nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn trong những năm qua rồi. Hoãn hẹn nhiều lần, không thèm trả lời công văn, cãi cố, thậm chí văng tục... là chuyện VCPMC gặp thường xuyên khi đề nghị thu tiền bản quyền ca khúc từ những đơn vị ấy.


Đêm nhạc Tuấn Vũ suýt gặp trục trặc vì phản ứng của VCPMC. Ảnh T.D
Chúng tôi là đơn vị đại diện cho các tác giả âm nhạc chứ không phải “ăn xin”. Đơn vị nào đã dùng ca khúc của người khác để kinh doanh thì phải xin phép và trả tiền. Không trả ngay thì chỉ cần cam kết sẽ trả sau một thời gian. Nhưng trên thực tế, từ đầu năm 2010 tới giờ, chỉ khoảng 2% các chương trình biểu diễn tại phía Bắc là tuân thủ cái việc tưởng như là hiển nhiên ấy.

* Thông thường, mức phí bản quyền cho các tác giả ca khúc trong một đêm biểu diễn ca nhạc là bao nhiêu?

- Những năm qua, chúng tôi quy định con số này là 5% tổng số tiền bán vé. Mức phí trên đưa ra dựa trên việc tham khảo Quy định của Bộ VH,TT&DL về việc dành 15-21% tổng doanh thu từ những chương trình biểu diễn để trả cho thành phần sáng tạo. Thành phần sáng tạo ở đây là các nhạc sĩ, tác giả kịch bản, biên đạo múa, tổ chức phối khí... và không liên quan tới thành phần biểu diễn như ca sĩ, diễn viên. Cụ thể, một đêm nhạc Tuấn Vũ tại Nhà hát Lớn có 600 ghế, giá vé gốc từ 300 ngàn - 1,2 triệu. Nếu tính trung bình 500 ngàn/vé thì đêm nhạc thu về 300 triệu và phải trả cho đại diện của các tác giả âm nhạc (ở đây là VCPMC- TT&VH) khoảng 15 triệu đồng.

* Trở lại chuyện đêm nhạc Tuấn Vũ. Khi tới can thiệp, ông có nghĩ tới trường hợp những người tổ chức vẫn không hợp tác?

Trên thực tế, trong số 32 ca khúc được sử dụng trong đêm nhạc, ngoài một số ca khúc của các tác giả trong nước như Trần Tiến, Thanh Tùng..., có khá nhiều ca khúc là của các tác giả hải ngoại, hoặc sống tại miền Nam trước 1975. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Phương khẳng định: nhiều gia đình của những tác giả này đã kí kết việc ủy nhiệm quyền đại diện cho VCPMC. Thậm chí, trước đêm nhạc, chúng tôi đã cẩn thận điện thoại hỏi họ xem phía tổ chức có liên lạc thẳng với các gia đình để xin phép và bàn về việc trả phí bản quyền không? Họ đều trả lời rằng chưa thấy gì...

- Nếu như vậy, chắc chắn tôi sẽ bước thẳng lên sân khấu để cầm micro. Và nói rằng: Xin lỗi khán giả và các bạn đồng nghiệp, tôi là giám đốc của VCPMC. Tôi rất tiếc phải thông báo rằng đây là một chương trình biểu diễn vi phạm nghiêm trọng các vấn đề về quyền tác giả ca khúc. Và nếu cần thiết, tôi sẽ yêu cầu dừng chương trình lại. Tất nhiên, nhiều chuyện rắc rối sẽ diễn ra, thậm chí là chuyện xô đẩy, co kéo nhau trên sân khấu...


Trước khi tới Nhà hát Lớn, tôi đã điện thoại và mời thanh tra Bộ VH,TT&DL và Thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội tới chứng kiến sự việc. Rất tiếc, họ không có mặt, còn tôi nhận được câu trả lời đại ý rằng “tiếc quá, giá anh Phương làm công văn báo cáo lên chúng tôi sớm để bố trí thời gian tới nơi”.

Bạn thử nghĩ, những nhạc sĩ chân yếu tay mềm như chúng tôi có thể làm được gì khác? Sắp tới, nếu có chuyện tương tự, tôi vẫn sẽ phải tiếp tục làm công việc này. Tôi muốn đánh động các nhà tổ chức về chuyện ngang nhiên xâm phạm bản quyền. Và muốn các cơ quan quản lý cũng hiểu rằng họ làm khó cho chúng tôi thế nào khi vẫn cấp phép cho những chương trình không tuân thủ quy định về bản quyền như thế?

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link