20/10/2014 14:30 GMT+7 | Âm nhạc
Nhắc đến Phú Quang là nhắc tới những ca khúc sâu lắng về Hà Nội: Em ơi Hà Nội phố, Lãng đãng chiều Đông Hà Nội, Hà Nội ngày trở về…
* Từng được trao rất nhiều giải thưởng, huy chương. Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” thực sự có khiến ông mảy may xúc động?
- Có chứ. Nó cho tôi cảm giác tin vào cuộc đời, yên tâm làm việc. Ít nhất thì tôi cũng cảm thấy cuộc đời không chỉ có những kẻ xấu xa mà đầy người tử tế và nhiều hơn lũ ti tiện.
* Một danh hiệu có khiến một nghệ sĩ cảm thấy áp lực?
- Không. Tôi vui vì mình lao động lầm lũi nhưng cuối cùng những người tử tế cũng trân trọng. Tôi hạnh phúc lắm. Mà hạnh phúc thì có gì phải áp lực nhỉ? Trước kia, người ta từng cố đè mình xuống mà mình vẫn làm được, huống hồ bây giờ mình còn có rất nhiều động lực.
Tôi không sợ kẻ xấu, chỉ sợ người tốt. Vì không biết phải làm thế nào để xứng đáng với lòng tốt của họ.
* Ông từng tham gia rất nhiều dự án/chương trình nghệ thuật về Hà Nội. Tiếp theo sẽ là gì?
- (Cười lớn). Tôi có phải là Bộ Kế hoạch & Đầu tư đâu mà có dự án? Nhưng dù thế nào, tình yêu với Hà Nội luôn nguyên vẹn và càng ngày càng nhiều hơn. Đó là tình yêu khiến mình tự hào vì sự chân thành, không toan tính.
Ngày xưa nhà tôi ở Khâm Thiên, ngay vị trí đài tưởng niệm bây giờ. Tôi rất thích nhìn ngắm mẹ mình khâu vá. Sau này khi khu vực đó trở thành đài tưởng niệm, nhà tôi chuyển về khu nhà tập thể ở Trung Tự, tôi chỉ thích về nằm trên chiếc giường của mẹ. Từ đó nhìn qua cửa sổ thấy một hàng cây. Trong mắt tôi, hàng cây ấy cũng xanh hơn. Thật ra, chả phải nó xanh hơn đâu, mà bởi mình thiên vị nên nghĩ vậy thôi.
* Phú Quang từng có nhiều cuộc đi xa Hà Nội: “Vội vã trở về/Vội vã ra đi”. Rồi vì sao vẫn trở về?
- Vì tình yêu mà tôi ở lại. Vì trót có Hà Nội là quê hương. Ai cũng yêu quê mình cả. Tôi chả dám nhận tình yêu đó của tôi thì có gì đặc biệt hơn người khác. Thế nên, thực sự nếu tôi có thiên vị Hà Nội thì cũng không đáng trách.
Điều đáng mừng là Hà Nội giờ đã trân trọng văn hóa hơn. Nếu Hà Nội trân trọng nhân tài hơn nữa, tôi nghĩ, Hà Nội còn tốt hơn nữa.
Có lần ra nước ngoài, tôi từng được mời ở lại, cũng phải chối khéo: Tôi là dân nhà quê, quen với sân gạch, nhà ngói… cho tôi về. Ngay cả hồi ở Sài Gòn 25 năm, người ta vẫn hỏi tôi: Anh mới từ Hà Nội vào à? Tôi bảo: Vâng. Họ lại hỏi: Anh vào được mấy ngày? Tôi bảo: Tôi vào được 25 năm rồi. Họ ngạc nhiên: Chả giống người sống ở Sài Gòn 25 năm gì cả. Tôi ở Sài Gòn nhưng không nói giọng Nam. Tôi chỉ nghĩ, nói giọng Sài Gòn kiểu “giả cầy” khác gì giễu cợt người ta.
Nhưng không phải thế mà tôi không cảm ơn Sài Gòn. Nhờ Sài Gòn với tính cách của người Nam không ghen ghét mà mình có thể sống được ở đây mấy chục năm. Trước khi tôi ra Hà Nội, người ta trao cho tôi giải Nhất thi viết tình ca về Sài Gòn. Tôi cũng hạnh phúc lắm, vì nghĩ mình chỉ là “thằng ngụ cư” mà lại được giải Nhất. Tôi sợ nhất tình cảm, uy quyền hay tiền bạc đều không khiến tôi sợ. Tôi kính trọng những người nhân hậu, tình cảm độ lượng. Người ta có tiền, tôi cũng kính trọng nhưng không sợ hãi trước họ.
* Con gái Hà Nội trong mắt ông?
- À, nói đùa thì con gái Hà Nội tức là sinh ra ở Hà Nội, như con gái Sài Gòn thì sinh ra ở Sài Gòn đúng không? Vui vậy thôi, chứ con gái Hà Nội xưa nền nã hơn nhiều. Giờ họ mới hơn, hiện đại hơn, thậm chí phá phách hơn. Họ ưu thế hơn con gái nhiều vùng miền khác về sắc vóc. Nhưng có văn hóa thì còn tốt hơn.
Tôi vẫn nghĩ, con gái Hà Nội nên tự hào hơn. Xưa, con gái Hà Nội rất kiêu. Các cụ nói: Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Đó là một sự kiêu hãnh ngầm đấy. Bây giờ nếu biết tự hào thì sự tự hào ấy sẽ khiến họ cư xử khác hẳn.
Xưa, con gái Hà Nội hiền, có lẽ vì đời sống Hà Nội giản dị hơn nên họ hiền lành hơn chăng? Gia phong con gái Hà Nội hay lắm. Ông ngoại tôi là quan huấn đạo làm về giáo dục nên dạy dỗ các con rất nghiêm khắc. Bà ngoại tôi dạy mẹ tôi đội thúng gạo nhỏ, tập đi trong viên gạch 20 cm cho ngay ngắn, chân không được vòng kiềng. Xưa, các cụ giáo dục Công - Dung - Ngôn - Hạnh kỹ càng có lẽ vì sống chậm. Nay, chả đòi hỏi như vậy được đâu.
* Sống trong một Hà Nội ồn ào, xe cộ tấp nập, nhà cao tầng mọc lên chi chít… Ông có tiếc một Hà Nội sống chậm như vừa hoài nhớ?
- Quy luật của cuộc sống là biến đổi. Đời sống giờ khác xưa nhiều, chỉ có một chuyện thì ngay lập tức cả nước biết… trong khi người ta ngày xưa cả đời không biết, ra đường vẫn không biết chuyện gì xảy ra. Xã hội văn minh nghĩa là phải đổi thay. Nhưng tôi mong xã hội văn minh kèm văn hóa còn hay hơn nữa.
* Phở Hà Nội đã đi khắp thế giới. Nhiều người nước ngoài đến Hà Nội thì “định cư” luôn ở đây. Nhưng trong mắt không ít người, bản sắc Hà Nội đang dần phai nhạt. Theo ông, làm thế nào để giữ gìn cái gọi là “chất Hà Nội”?
- Người Hà Nội mọi thứ lặn vào trong nhiều hơn. Như trong võ thuật người ta nói: Nội công mạnh hơn ngoại kích. Hà Nội có gì đâu: con phố nhỏ, hàng rong. Nhưng nhìn cái bên trong thì sẽ thấy người Hà Nội đáng yêu vì nét duyên ngầm chứ không “phát tiết” hết cả ra ngoài.
Có lần tôi đi uống cà phê với bạn, khi thanh toán tiền thì chủ quán bảo có chị bàn bên cạnh trả tiền rồi. Tôi hỏi chị ấy đâu. Người ta bảo chị ấy vê rồi. Người Hà Nội tế nhị thế đấy. Họ trả tiền mà không muốn người ta biết. Là người thích tinh tế, tôi cảm động lắm. Không phải vì vài chục hay trăm ngàn mà vì cái tình người thầm lặng.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất