24/07/2013 09:18 GMT+7 | Âm nhạc
Hà Nội ơi… Còn mãi một tình yêu sẽ diễn ngày 10-11/8 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
* Không có ý định cạnh tranh với bất kỳ ai
* Ở cái mảnh đất một năm có đến hàng chục chương trình về Hà Nội, ông sẽ “dụng võ” thế nào?
- Tôi không có ý định cạnh tranh với bất kỳ ai. Họ làm theo kiểu của họ. Tôi làm theo kiểu của tôi. Nhiều người cứ hoảng hốt, chứ thật ra nghệ sĩ còn quá nhiều đất, chả việc gì mà phải hoảng hốt cả. Có nhiều người hay, nhưng cũng không thiếu đất cho những người hay khác đứng.
* Bài hát về Hà Nội nhiều, hay, nhưng… cũ. Ông có chọn bài theo tên tác giả?
- Bây giờ tôi mới làm một chương trình về Hà Nội của nhiều tác giả. Có người có chỗ đứng cao, có người chả đứng ở chỗ nào, chỉ lấy tiêu chí là bài hát hay, đúng như cái tên: “Hà Nội ơi… Còn mãi một tình yêu”.
Tình yêu Hà Nội bao giờ cũng thẳm sâu, nó là nội công không phải ngoại kích. Người Hà Nội đích thực vốn không khoe mẽ, ẩn dưới cái gì đó nhẹ nhàng. Người Hà Nội nhẹ nhõm, ngay cả cái yểu điệu của người Hà Nội cũng kín đáo.
Tôi làm kịch bản rồi chọn bài hát, không phải từ bài hát mới chọn kịch bản. Chương trình được làm cẩn thận, kỹ lưỡng. Chả dám nói ai cũng thích, nhưng tôi chắc chắn, kể cả người không thích cũng phải công nhận sự cẩn thận và kỹ lưỡng.
Chương trình này tôi có chuyên gia âm thanh, tạo hình, tôi chỉ là người tổng chỉ huy. Không ai vừa vạch kế hoạch quốc gia vừa đi cày ruộng được.
* Âm nhạc của Phú Quang sẽ được đặt ở vị trí như thế nào trong chương trình?
- Tất cả bài hát phục vụ kịch bản. Tôi chả lợi dụng mình là chỉ đạo nghệ thuật để thêm vài bài của mình vào như người ta nghĩ. Nếu muốn hát nhạc của tôi, tôi làm hẳn một chương trình riêng có khó gì đâu!? Vừa rồi, Trường Đại học Kinh tế&Quốc dân mời, hát toàn bài của tôi, với 8.000 – 9.000 khán giả đến nghe.
* Chỉ có chiêu phơi bày mình ra với thiên hạ
* Như chia sẻ, ông không phải cạnh tranh với ai, nhưng lẽ thường, sẽ phải cạnh tranh với… chính mình?
- Tôi làm chương trình ca nhạc từ những năm 1990. Ngày đó, ca sĩ đơn giản xếp hàng lên hát. Bây giờ không thế. Đi ăn nhà hàng từ cái giấy ăn cũng phải sạch, thức ăn phải ngon… rồi hàng tỉ thứ. Một chương trình, tờ rơi in ba lần mới ra bản hoàn chỉnh.
Thời cả dân tộc đói, cơm nước mắm cũng xơi được ba bát, giờ thì như thế không nuốt được.
* Các chương trình của ông lâu nay, vẫn chỉ thấy toàn các gương mặt ca sĩ quen thuộc?
- Lấy đâu ra ca sĩ mà đổi được? Lần này có Trọng Tấn, Mỹ Tâm lâu không xuất hiện cũng xem như là mới rồi…
* Nhiều gương mặt mới cũng có thể thu hút khán giả bước ra từ những cuộc thi ca hát trên truyền hình, ông không chọn có phải vì lý do “an toàn” cho doanh thu?
- Tài năng là Trời cho. Chứ các nhà đài làm sao mỗi năm cống hiến cho đất nước cả loạt tài năng được. Ngày xưa có khẩu hiệu: Muôn hoa đua nở, lấy đâu lắm hoa thế. Nếu có 1.000 cuộc thi The Voice, tôi nghĩ cũng không phát hiện ra được 1.000 tài năng. Mà tài năng ở đây phải là thật mới sống lâu được. Khán giả bây giờ không lừa họ được đâu!
* Xưa nay, Phú Quang dùng chiêu gì để “lôi kéo” khán giả?
- Tôi chỉ có chiêu phơi bày mình ra với thiên hạ. Xấu cũng là Phú Quang, tạm trông được cũng là Phú Quang. Trong tình yêu với công chúng, quan trọng nhất là phải thật thà. Lừa để người ta chửi thê thảm à? Trước có cô M.C nói: Giới thiệu với quý vị, bây giờ là nhạc sĩ Phú Quang yêu mến của chúng ta… Lần sau, tôi không mời cô ấy dẫn nữa vì có nhiều người ngồi dưới chả yêu mến gì mình đâu nên chả thể “vơ vào” cả như thế.
* Tôi nghĩ không phải lại cô ấy sơ xuất mà tại ông khó tính?
- Ở đời, thói yêu, ghét là bình thường. Để có tình yêu mến của mọi người khó lắm. Đấy là cái tối kỵ khi nói về mình. Mình khiêm tốn. Không phải khiêm tốn là giả dối. Nhưng phải tỉnh táo để thấy rằng, trong số kia, có người yêu tức là có kẻ ghét mình.
* Cát – sê ca sĩ nhiều ngàn USD như trong thời buổi này có phải là áp lực với ông?
- Khi người ta đòi hỏi cái giá nào chấp nhận được thì làm. Tôi trân trọng ca sĩ, nhưng phải AQ một chút, có em thì vui, nhưng sao phải lệ thuộc vào em được! Nếu “sao” mà cứ đòi giá trên trời thì phải coi như một đêm giời mưa, chả có sao nào cả! (Cười).
* Vừa qua, khicó một loạt chương trình về Hà Nội diễn ra, có sự việc đáng buồn là một chương trình trong số đó bị rạch băng rôn quảng cáo…
- Tôi nghĩ, nghệ sĩ không có ai cạnh tranh nhau bằng việc rạch băng rôn. Chương trình của tôi cũng bị cắt. Tôi không nghĩ có người xấu với mình đến mức đi cắt băng rôn để “dằn mặt” đối thủ.
Chương trình của tôi ngày xưa chỉ treo hai cái băng rôn, chả cần cạnh tranh hay ghen tị với bất kỳ ai. Thời gian gần đây làm với công ty Media Max, họ tự lo các khâu quảng bá. Từ lâu tôi không nghĩ tới những điều ti tiện. Tôi không có đủ thời giờ để nghĩ về những kẻ xấu. Nghe đến những điều xấu, tôi chỉ cười.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất