Nghe nhạc có ý thức: Cuộc đấu tranh còn lâu dài

03/11/2012 08:13 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Bắt đầu từ 1/11 một loạt trang web âm nhạc của Việt Nam bắt đầu tính phí tải nhạc. Khi vấn đề bản quyền nhạc số được xới lên, thì cuộc vận động "Nghe có ý thức" do nhạc sĩ Quốc Trung khởi xướng đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Liệu thị trường nhạc số Việt Nam có trở nên lành mạnh? Bao giờ các trang web nhạc số ngừng làm giàu trên lưng các nghệ sĩ? Đó là những vấn đề TT&VH trao đổi với nhạc sĩ Quốc Trung.

Nhạc sĩ Quốc Trung

* Thưa nhạc sĩ, "Nghe có ý thức" đã được chia sẻ trên mạng xã hội từ tháng 10, thông điệp này được hình thành từ khi nào?

- Tôi và nhạc sĩ Huy Tuấn đã nói chuyện với nhau về việc hãng Coca-Cola, Samsung... rút quảng cáo trên các trang cung cấp nhạc trực tuyến. Từ việc đó, chúng tôi muốn các nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cùng góp sức để chấn chỉnh vấn đề bản quyền âm nhạc.

Slogan "Nghe có ý thức” là để mọi người chú ý chứ không phải nhằm vào công chúng như mọi người hiểu nhầm. Ý thức và thói quen của công chúng là do những người làm âm nhạc tạo nên.

* Theo nhạc sĩ, việc "Nghe có ý thức" của chúng ta vừa qua như thế nào?

- Vấn đề bản quyền cũng như chất lượng âm nhạc đã bị bỏ rơi một cách vô lý. Khi chúng tôi đưa ra thông điệp này cũng gặp sự phản đối của rất nhiều người. Họ nói là đang nghe nhạc một cách thoải mái và miễn phí, tại sao lại đưa ra một thông điệp là “Nghe nhạc có ý thức”. Có ý kiến nói rằng các ca sĩ đi hát được rất nhiều tiền rồi, sao lại đòi thêm tiền công chúng nghe nhạc nữa.

Tôi không hề trách công chúng bởi quan niệm này đã hình thành từ quá lâu. Tôi muốn họ hiểu những vấn đề bất cập trong chuyện bản quyền âm nhạc để họ ủng hộ chúng tôi, làm cho đời sống âm nhạc lành mạnh và chất lượng hơn.

* Theo nhạc sĩ, những công cụ pháp luật ở nước ta liệu đã đủ để thay đổi ý thức nghe không?

- Chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ cùng các quy định về bản quyền... nhưng dường như ít ai quan tâm đến việc đó. Thực tế, xã hội còn rất nhiều việc cần phải quan tâm hơn là bảo vệ bản quyền âm nhạc.

Đời sống âm nhạc trong 10 năm nay đi xuống rất nhiều, xuất hiện rất nhiều những "thảm họa", không tạo nên được động lực cho nghệ sĩ sáng tạo. Với một thị trường âm nhạc như vậy, các nhà sản xuất cũng không có điều kiện để thu hồi vốn. Các sản phẩm âm nhạc thường mang tính chất quảng bá cho ca sĩ, không thể làm nên một nền công nghiệp âm nhạc.

Nhiều trang web lợi dụng thói quen của công chúng để gây sức ép với các nhà sản xuất. Họ cho rằng nghệ sĩ đã thu được nhiều tiền trong lúc đi biểu diễn, không thể thu tiền tải nhạc, trong khi họ đưa âm nhạc đến gần công chúng hơn.

Những trang chia sẻ nhạc này đã thu được nhiều lợi nhuận trong việc quảng cáo, nhưng hoàn toàn không trả tiền cho nhà sản xuất, những người bỏ tiền làm những sản phẩm để họ kinh doanh. Đấy là sự kinh doanh vô đạo đức. Thực tế, có trang web có đến 60%  là người nước ngoài bởi ở nước họ, không có một trang web nào cho tải nhạc miễn phí.

Đáng lo ngại hơn là có rất nhiều sản phẩm âm nhạc không được thẩm duyệt, trong đó có nhiều sản phẩm không lành mạnh được đưa lên các trang web đó. Nó sẽ tác động xấu đến khán giả trẻ vốn chưa có sự chín chắn để có thể tự bảo vệ mình.

* Lợi nhuận từ kinh doanh âm nhạc không lành mạnh kia khá nhiều, phần đông người nghe cũng thích "xài chùa". Có thể thấy cuộc đấu tranh rất khó khăn?

- Âm nhạc cũng như những sản phẩm khác, muốn có bài hát hay phải có nhạc sĩ giỏi và có thời gian lao động nhất định, không thể trả công lao động một cách rẻ mạt.

Tôi biết nhiều trang web của Việt Nam cũng muốn kinh doanh chân chính, họ bán thẻ để có thể tải nhạc, nhưng khi còn tràn lan những trang web miễn phí thì không ai kinh doanh được.

Tôi muốn nhấn mạnh, khi chúng ta đã coi việc kinh doanh của các trang web kia là việc sai thì phải dừng việc sai ấy lại. Việc này thuộc về những nhà quản lý, cấp phép kinh doanh. Tôi nghĩ, cuộc đấu tranh này còn khó khăn và lâu dài.

Thảo Vy – Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link