Đừng uốn éo để hợp thời

09/06/2014 10:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện hôm nay ở quán nước mang tính chất văn hóa văn nghệ nhiều hơn mọi khi, đơn giản là tối hôm trước, tivi phát chương trình Giai điệu tự hào.

Tháng này là tháng Sáu, không phải tháng Sáu rồi hỡi em trời mưa trời không mưa... như bài hát trong cái casette của bà chủ quán, mà là tháng của thiếu nhi, như mấy năm nay rồi được coi là vậy, bởi có ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Mà đã tháng của thiếu nhi, thì Giai điệu tự hào còn gì hay hơn là hát lại những bài hát thiếu nhi của một thời. Bé bé bằng bông; Đi học, Đưa cơm cho mẹ đi cày; Ve ve ve hè về..., chẳng nhớ tên bài hát, chỉ nhớ một câu, nhưng vẫn hát cả bài. Hát suốt nửa thế kỷ nay rồi vẫn thấy hay, bà chủ quán bảo vậy. Lạ thế!

Bà chủ quán cũng là người yêu âm nhạc, và bà yêu theo cách của những người cùng thời với bà yêu. Như thế, thì rõ là bảo thủ. Nhưng nghe, chẳng hạn bài Đi học, bà từng véo von một thời, giờ chế lại như thế, bà cảm thấy không được. Thậm chí cảm thấy bị xúc phạm. Nếu bà có mặt trên tivi, nghĩa là có mặt trong trường quay Giai điệu tự hào, có thể bà phát biểu còn gay gắt hơn cả đại diện của phe cao tuổi. Ai nói thế nào thì nói, bài hát đã sống cùng năm tháng với lứa tuổi của bà, kể câu chuyện của những đứa trẻ cùng cái thời mũ rơm đi sơ tán như bà, sẽ không thể kể lại bằng giọng khác.

Người ta giải thích cho bà hiểu, mỗi thời có một cách cảm thụ. Phối lại, nghe lại bài hát để lớp trẻ bây giờ hiểu và yêu một tác phẩm âm nhạc đã rất được yêu mến ngày xưa. Nếu không thế, sẽ có người nói thẳng thừng, rằng tôi không nghe nữa. Nghe làm gì một bài hát cũ, không liên quan đến mình. Bé bé bằng bông, hai má hồng hồng... Trời ạ, nửa thế kỷ rồi, các loại búp bê mắt nhắm mắt mở, nếu lật sấp thì óe lên khóc giờ đã chẳng còn, búp bê Barbie, thậm chí búp bê ma ám cũng không lại được với các loại robot biết cử động, sao trẻ con còn ca mãi mãi mấy câu ấy. Rồi thì Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì, cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi... Lũ nhỏ ngày nay đi học, xe máy ô tô bố đưa mẹ đón, làm sao bắt nó cảm thụ được hương rừng, làm sao bắt nó hiểu được nước suối.

Cứ đem hôm nay ra bắt bẻ ngày xưa, những người trẻ bây giờ có một cái lý là để một tác phẩm âm nhạc sống được, nó phải đồng hành cùng thời đại. Một đứa trẻ tung tăng đến trường kể câu chuyện của nó, không phải thế nữa, bây giờ là bất cứ ai cũng có thể kể lại câu chuyện đến trường ấy, bố nó - như trong chương trình - hoặc mẹ nó, ông nó bà nó... Người kể chuyện thì vô số, cũng như trên đời nhân loại vô số góc nhìn. Đi học như vậy là cảm xúc của nhiều người. Bà đừng áp đặt người ta theo bà. Hãy để một câu chuyện bốn mươi năm mươi năm được kể lại bằng giọng khác.

Nếu thế, hãy nói rằng cô bé đi học ngày xưa đã chết! Bà chủ quán bảo. Cô ấy có thể đã chết thật, một lứa trẻ em hồi đấy, dăm ba tuổi đã hứng chịu đạn bom và chết chóc, ly tán và thương đau, một lứa không có tuổi thơ ấu bởi chiến tranh. Những bài hát như bài Đi học là những gì đẹp đẽ nhất mà lứa tuổi ấy được hưởng.

Nếu bọn trẻ muốn, các nhạc sĩ thời này muốn, hãy sáng tác bài hát thời của họ. Đừng đem những giá trị mà họ không thể hiểu ra để nắn sửa, đừng bình luận và phán xét. Ai bắt chúng phải hát những bài ngày xưa chứ, nếu chúng không muốn... Một thời đã qua rồi, một thế hệ sắp hết rồi, việc gì phải bắt những bài ca phải uốn éo cho… hợp thời.

Câu chuyện âm nhạc trong quán nước, sáng nay ấy, trở nên quá quá buồn.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link