Nhận định của Hội đồng Giám khảo về tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024

29/05/2024 17:08 GMT+7 | Văn hoá

Lễ trao giải Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 vừa diễn ra chiều 29/5 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

1. Truyện dài Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) của nhà văn Lý Lan

Không phải là truyện đồng thoại ngộ nghĩnh, ngọt ngào như Bí mật giữa thằn lằn đen và tôi, cũng không trong veo, lấp lánh như những truyện trong Ngôi nhà trong cỏ, truyện dài Tự truyện một con heo (2023) của nhà văn Lý Lan tìm kiếm một lớp độc giả thiếu nhi trưởng thành hơn 2 tập truyện trước của bà.

Nhận định của Hội đồng Giám khảo về tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024 - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà báo Lê Xuân Thành (bìa phải) trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn cho đại diện đơn vị xuất bản tác phẩm "Tự truyện một con heo" của nhà văn Lý Lan. Ảnh: Hòa Nguyễn

PGS-TS Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận xét: Truyện viết rất có nghề. Bầy đặt nhân vật (cả con vật lẫn con người) khá thú vị. Mạch truyện sáng rõ, nhiều chỗ bất ngờ; ngôn ngữ chắt lọc.

"Lúc viết xong tác phẩm này", nhà văn Lý Lan bộc bạch: "Viết sao cho người đọc trưởng thành hơn khi đọc tác phẩm" - biên tập viên Minh Phúc của NXB Trẻ cho biết - "Người đọc nhận ra sự trưởng thành của heo càng về cuối truyện, thì cũng đồng thời nhận ra mình trưởng thành hơn, trước những bài học cuộc sống "đắt giá" mà tác giả đã đan cài vào, đại thể như là sự dũng cảm chọn lựa cuộc sống của chính mình, sống mà không phải bắt chước theo ai".

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: Ưu điểm của tác phẩm này là tác giả rất hiểu đời sống, lối sống của heo, và nhiều loài vật khác nên rất sinh động và rất thật. Vấn đề đặt ra rất hay: khát vọng sống tự do, không muốn làm thú cưng... Đây là tác phẩm nổi trội nhất trong các tác phẩm tham dự lần này".

Với việc truyện dài Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) giành được điểm xuất sắc ở cả vòng sơ khảo và chung khảo, nhà văn Lý Lan đã được Hội đồng giám khảo xem xét toàn bộ sự nghiệp để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn.

2. Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng)

Cuộc phiêu lưu của Dế Út là bộ truyện tranh 4 tập dựa trên Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Tác giả LinhRab (tên thật là Nguyễn Thế Linh) cho biết, khi bắt đầu dự án, anh và các biên tập viên của NXB Kim Đồng đã quyết định để Dế Út bám sát cốt truyện gốc nhưng có thêm những lí giải và cách xử lí tình huống mới lạ. Anh chỉ cố gắng hình dung thật kĩ về nhân vật Dế Út, giữ những diễn biến chính và tưởng tượng nhân vật sẽ ứng xử như thế nào với các tình huống. Cái khó là làm sao diễn tả bằng hình ảnh cho sống động, các nhân vật thật gần gũi và chạm tới các bạn nhỏ.

Sau 7 năm miệt mài, họa sĩ LinhRab đã tái hiện lại thành công bằng hình ảnh hành trình trưởng thành của Dế Út và dựng lên được một thế giới tự nhiên vừa quen thuộc, lại vừa có nét hiện đại, gần gũi với các bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay.

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 2.

PGS-TS Ngô Văn Giá nhận định: Về phần truyện, cơ bản vẫn tuân thủ cốt truyện và mạch diễn tiến chính của câu chuyện. Tuy nhiên, ghi nhận ở hai điểm: Chuyển theo cách tối giản phần lời, và sáng tạo thêm một số tình tiết, chi tiết mang bóng dáng hiện đại (ví dụ họ hàng nhà ếch hát karaoke), nhất là ở phần kết truyện (tập 4). Tác giả đã biết tiết chế, kiểm soát để phần lời không rơi vào sự dễ dãi, dung tục hay bạo lực. Phần tranh: Đảm bảo nhất quán chân dung các nhân vật từ đầu đến cuối. Tranh khá sinh động. Vẽ và sáng tạo trong vòng 7 năm như thế đòi hỏi phải có một đam mê và một sự kiên trì đáng nể. Tôi tin truyện tranh này chinh phục tốt các độc giả nhỏ tuổi.

Nhận định của Hội đồng Giám khảo về tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024 - Ảnh 4.

Họa sĩ Thành Chương trao giải cho tác giả LinhRab. Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: bộ truyện tranh này đã sáng tạo dựa vào cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, nhưng tác giả không đơn thuần là chuyển thể sang tranh. Nếu chỉ chuyển thể dựa theo nguyên bản tác phẩm thì cùng lắm cũng chỉ là cái bóng mờ của tác phẩm. Nhưng LinhRab còn mở rộng thêm, đưa đời sống mới vào tác phẩm, vì thế rất sinh động. Tuy tác giả vẫn ôm đồm, nhưng bộ truyện tranh này vẫn là gợi ý cho ta về việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn tác phẩm bằng cách phát triển nó, bổ sung nó, đặt nó trong sự phát triển của đời sống, của tư duy sáng tạo.

3. Dưới khung trời ngát xanh (bản thảo truyện dài của Lữ Mai)

Bản thảo được viết dưới dạng truyện hồi ức về tuổi thơ của nhân vật chính là bé My, người kể chuyện. Không gian là xóm làng nghèo, thưa người. Nhưng chính ngôi làng đó, với những gia đình, những người già, những thiết chế văn hóa quen thuộc (miếu, đền...), những truyền thuyết dân gian… đủ làm nên một bề dày lịch sử, văn hóa. Không gian ấy có tiếng vọng từ quá khứ xa, quá khứ gần trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Dưới khung trời ngát xanh toàn những truyện trẻ thơ tưởng như vặt vãnh, thông thường, tưởng chẳng có gì mà lại bật lên nhiều yêu thương, tình nghĩa giữa những người trong gia đình, giữa những người hàng xóm với nhau, giữa những đứa trẻ và giữa các thế hệ.

Nhận định của Hội đồng Giám khảo về tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024 - Ảnh 5.

Lữ Mai (bìa trái) và Lã Thanh Hà nhận giải Khát vọng Dế mèn. Ảnh: Hòa Nguyễn

Lữ Mai mang đến một sự kết nối có sức nặng giữa các thế hệ trên nền những câu chuyện tuổi thơ tưởng như nhẹ bẫng. Ở đây, không chỉ còn là sự kết nối của trẻ em và người lớn mà xa hơn, sâu hơn là sự kết nối giữa thế hệ tương lai với lịch sử, với quá khứ thiêng liêng của thế hệ cha anh đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Nhà văn Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Hiện sống tại Hà Nội, làm việc tại báo Nhân dân.

Lữ Mai đã xuất bản khoảng 15 tác phẩm, trong đó có Hà Nội không vội được đâu (2014), Thời cách ngăn trống rỗng (2019), Ngang qua bình minh (2020), Chư Tan Kra mây trắng (2021)... và đoạt nhiều giải thưởng văn học trung ương và địa phương.

Điều thú vị là tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023, con gái nhà văn Lữ Mai là Đoàn Lữ Thụy Phương đã giành Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Dế Mèn với tác phẩm Bố con Cà Khịa và những bức thư.

4. Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi)

Đây là một bất ngờ trong số các tác phẩm của thiếu nhi gửi dự thi năm nay. Thư viện kỳ bí có mở đầu rất ấn tượng: Một người đàn ông trong đêm tình cờ đi ngang qua một thư viện cổ kính nằm nép mình dưới những tán thông ở Đà Lạt. Ông ta nhìn thấy "những chiếc bóng nhỏ xíu bay qua bay lại trong ánh sáng mờ mờ". Ông ta hoảng sợ tưởng là bóng ma và từ đó không dám đến thư viện đó nữa. Thực ra đó chỉ là những nhân vật trong các cuốn sách "sống dậy" vào ban đêm, mỗi khi vắng người.

Có thể nói, tác phẩm thể hiện rất rõ đây là sản phẩm sáng tạo của một bạn nhỏ trong thời hiện đại (lấy cảm hứng từ hoạt hình/ truyện nổi tiếng thế giới; truyền thuyết đô thị về những hồn ma trong thư viện; mối quan tâm đến sách vở; các vấn đề về sinh thái…). Với cốt truyện hấp dẫn, lớp lang, mở đầu hấp dẫn, có cao trào và kết thúc vừa vặn, vấn đề môi trường và thông điệp được đặt ra trong Thư viện kỳ bí rất tự nhiên, không khiên cưỡng, cũng không nặng giáo điều.

Bên cạnh phần truyện, Lê Sinh Hùng cũng tự vẽ minh họa và tô màu cho tác phẩm của mình. Phần tranh vẽ phục vụ rất đắc lực cho phần chữ. Với sự trọn vẹn nội tại, bản thảo Thư viện kỳ bí cũng đã được chuyển thể kịch bản và dàn dựng thành vở diễn trên sân khấu nhà trường.

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 4.

Đây không phải là lần đầu tiên tác giả nhí Lê Sinh Hùng đến với Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn. Năm 2022, Hùng cũng đã từng đứng trên sân khấu của Dế Mèn cùng với mẹ và các bạn của mình khi lọt vào Top 8 vòng chung kết - chấm điểm với bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ (NXB Phụ nữ Việt Nam). Bộ sách là tập hợp 7 truyện tranh song ngữ Việt - Anh của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm viết lời, được vẽ minh họa và chuyển ngữ bởi các bạn nhỏ từ 9 - 12 tuổi của Ô cửa sách - một dự án phát triển văn hóa đọc, khơi dậy niềm ham mê đọc sách ở trẻ em do Vũ Thị Thanh Tâm sáng lập và vận hành từ năm 2018).

Với bộ sách lọt Top 8 Dế Mèn năm đó, Hùng đóng vai trò vẽ minh họa và chuyển ngữ cho một số tập truyện của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm, cũng chính là mẹ mình.

Nhận định của Hội đồng Giám khảo về tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024 - Ảnh 7.

Nhà báo Nguyễn Thị Sự - Phó TGĐ Thông tấn xã Việt Nam - trao giải cho tác giả Lê Sinh Hùng. Ảnh: Hòa Nguyễn

Tác giả Thanh Tâm nhớ lại: "Hùng chỉ thực sự sáng tác truyện cách đây khoảng hai năm, từ động lực đầu tiên khi con và các bạn thực hiện bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ. Lần đó, ra Hà Nội dự lễ trao giải Dế Mèn 2022, tôi có dẫn con cùng các bạn đến NXB Phụ nữ Việt Nam và được giám đốc NXB tặng rất nhiều sách. Tôi nghĩ, đó là giây phút đầu tiên con nghĩ đến việc sau này có thể có một cuốn sách do chính mình viết ra. Từ đó, con chập chững đưa ra những ý tưởng và bắt đầu sáng tác những tập truyện đầu tiên".

5. Ca khúc Trăng ơi… từ đâu đến? (nhạc Thái Chí Thanh, thơ Trần Đăng Khoa)

Trăng ơi… từ đâu đến? của nhà thơ Trần Đăng Khoa là bài thơ mà Thái Chí Thanh rất yêu thích và đã thuộc lòng nó ngay từ hồi nhỏ. "Đến khi học nhạc, rồi sáng tác, với sự đồng điệu sẵn có, tôi bắt đầu phổ nhạc cho bài thơ này" - nhà văn Thái Chí Thanh tâm sự - "Tôi khai thác chất liệu dân ca Bắc Bộ để đưa vào phần giai điệu của ca khúc để làm nổi bật sự hồn nhiên, trong sáng của lời thơ. Đặc biệt là đoạn giai điệu "Trăng trăng trăng, trăng ơi… Trăng từ đâu, từ đâu? Trăng trăng trăng, trăng ơi… Trăng từ đâu… từ đâu…" được tôi viết thêm (vốn không có trong lời thơ của Trần Đăng Khoa), với mong muốn khi ca khúc được cất lên mang lại cảm giác của tiếng gọi trăng như trong thơ Hàn Mặc Tử. Đoạn nhạc và lời này cũng khiến nhịp điệu của ca khúc có sự thay đổi mang đến không khí vừa sống động, vừa mới mẻ. Có lẽ đây chính là chi tiết để ca khúc trở nên khác hơn so với những bản nhạc đã từng có trước đây".

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 5.

Nhà văn Thái Chí Thanh với ca sĩ nhí Hà My - người thể hiện ca khúc “Trăng ơi… từ đâu đến?”

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, thành viên Hội đồng Giám khảo cho biết, ngay từ năm 1973, bài thơ Trăng ơi... từ đâu đến? của thần đồng Trần Đăng Khoa đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc và được thu âm phát trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Tuyên thì lấy khổ 1, bỏ khổ 2, vào khổ 3. Thái Chí Thanh thì thích khổ 2 nên bỏ khổ 1, vào khổ 2 rồi khổ 3 luôn. Anh kế thừa tiết nhạc đầu của bậc thầy song cuối tiết thì sử dụng nốt hoa mĩ cho mềm đi, sau đó để cảm xúc và vào theo đoạn đầu.

"Cả hai nhạc phẩm đều viết bằng giọng trưởng, song nhạc sĩ Phạm Tuyên là giọng rê trưởng, còn Thái Chí Thanh là giọng si giáng trưởng thấp hơn giọng rê trưởng hai cung cho phù hợp với cữ giọng thiếu nhi hôm nay. Điệp khúc nhanh, tươi tắn đã khiến cho bản phổ của Thái Chí Thanh tương thích được với thị hiếu bây giờ. Nghe là thích ngay. Gốc của câu chuyện nối dài giai điệu này chính là bài thơ của Trần Đăng Khoa. Những bài thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa luôn mới, gần gũi với bạn đọc (không chỉ trẻ thơ) qua thời gian. Bởi vậy, vẫn rất đáng được dùng làm ca từ cho các nhạc phẩm thiếu nhi, khi ca từ hiện tại luôn thiếu thốn sự sâu sắc, sự ngụ ý, ngụ tình. Đôi khi là cứ nói trắng trợt ra, thiếu ý vị. Bởi thế, Trăng ơi... từ đâu đến? lại tình cờ có thêm một bản phổ mới nối dài với bản phổ cũ từ hơn nửa thế kỷ trước".

Nhận định của Hội đồng Giám khảo về tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024 - Ảnh 9.

Nhạc sĩ Thái Chí Thanh nhận giải thưởng

Lâu nay, Thái Chí Thanh vẫn được biết đến là nhà văn của thiếu nhi với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn, rồi có tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ông bắt đầu sáng tác nhạc. Năm 2021, ông đã xuất bản tuyển tập ca khúc thiếu nhi Hạt sương ban mai. Đến nay, ông có khoảng 20 ca khúc được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa vào các chương trình sản xuất và phát trên sóng. Năm 2021, ca khúc Hạt sương ban mai được tuyển vào sách 80 ca khúc thiếu nhi (NXB Thanh niên) nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (1941 - 2021). Và, một số ca khúc thiếu nhi khác của ông đã được một số trường học giảng dạy cho các em thiếu nhi.

6. Vương quốc nhỏ bí mật (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks)

So với những bản thảo hay các tập thơ khác, Vương quốc nhỏ bí mật nổi bật hơn hẳn bởi phần lớn các bài thơ đều đã thoát ly được khỏi lối mòn thường thấy là mô tả khung cảnh nông thôn với những vật nuôi quen thuộc với thế hệ trung niên; giới hạn tình yêu thương chỉ trong trong tình cảm gia đình, trường học hay luôn tập trung vào mô tả, giảng giải bài học cuộc sống có phần thô sơ...

Có thể nói, điểm nổi bật và sâu lắng nhất của tập thơ Vương quốc nhỏ bí mật là chú trọng thủ thỉ, tâm tình về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, con người với con người nói chung, giữa trẻ nhỏ và cuộc sống, cây cỏ, muôn loài nói riêng. Sự kết nối này lúc rõ ràng lúc ngầm ẩn, và đều được thể hiện rất rõ xuyên suốt tập thơ. Vì lẽ đó, bước vào Vương quốc nhỏ bí mật không chỉ là bước vào thế giới trẻ thơ, mà còn là quay về với tinh thần của trẻ nhỏ: luôn hồn nhiên, luôn tưởng tượng, mộng mơ, và luôn sẵn sàng tận hưởng những niềm vui dẫu chỉ nhỏ xíu.

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 6.

PGS-TS Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận xét: Những cách nghĩ, hiểu về thế giới bên ngoài hết sức thông minh, bất ngờ, đột xuất, gây nên những thích thú ở người đọc. Tất cả thuộc về một thế giới trẻ thơ thời hiện đại, đương đại, đồng hành với trẻ thơ hôm nay. Một tài năng thơ thiếu nhi đã xuất hiện. Tác giả đã tạo dựng một thế giới nghệ thuật trẻ trung, tươi mới, hiện đại, không kém phần tinh nghịch, hồn nhiên. Đây là thơ của trẻ em hôm nay. Phần minh họa cũng rất thoáng, khoáng hoạt, dễ thương.

Hà mã đi bộ (Lã Thanh Hà, sinh 1993) sinh ra và lớn lên ở tỉnh Ninh Bình. Cô là thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu về gia đình và trẻ em tại University of New Mexico năm 2022, với học bổng toàn phần của Fulbright, Mỹ. Làm thơ và viết truyện cho trẻ em là sở thích đã được duy trì trong nhiều năm của cô.

Tác giả chia sẻ: "Tôi cũng không biết làm thơ cho trẻ em có khó hay không, vì tôi làm nó một cách tự nhiên thôi. Ví dụ bảo tôi viết thơ kiểu khác, tôi sẽ thấy khó hơn. Điều quan trọng với tôi là tâm thế của một người bạn, muốn chia sẻ những điều đẹp đẽ, hay ho, những thứ lấp lánh với các em nhỏ. Tôi thấy, cái khó nhất với cá nhân tôi là giữ cho mình không "lên lớp" giảng giải, dạy dỗ. Vì mình là người lớn mà, trước con trẻ mình dễ có xu hướng trở nên như vậy. Tôi chỉ mong là khi đọc một bài thơ, các bé sẽ cảm giác giống như có một người bạn đang chỉ cho các bé thấy: "Ô, cái này đẹp chưa này, hay chưa này", hoặc đôi khi chỉ đơn giản là "Ô, nhìn này, nghe này". Chỉ thế thôi!".

7. Chùm sách thiếu nhi trong bộ Vun đắp tâm hồn (NXB Kim Đồng) của nhà văn May gồm Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ)

7 cuốn sách thiếu nhi của nhà văn May (tên thật là Nguyễn Hồng Phượng) lọt vào chung khảo đều nằm trong tủ sách Vun đắp tâm hồn của NXB Kim Đồng được Ban sơ khảo tuyển chọn đưa vào. Căn cứ vào chất lượng tác phẩm, Hội đồng giám khảo chọn ra 2 tác phẩm để cho điểm, đó là: Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ).

PGS-TS Văn Giá nhận xét: "Truyện gói mở rất bất ngờ, đầy ý nghĩa nhân văn, gợi, hướng về sinh thái môi trường... Lời văn tươi trẻ, hồn nhiên, hồn hậu, phù hợp với đối tượng bạn đọc/xem nhỏ tuổi". Có thể thấy điều đó trong Bánh mì gối xinh. Cuộc phiêu lưu của chiếc bánh mì gối thật thú vị và lạ lùng, khiến độc giả không thể rời mắt khỏi diễn biến câu chuyện.

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 7.

Nhà văn May chia sẻ: Dẫn dắt mình đi trong thế giới trẻ thơ diệu kỳ chính là hai em bé nhà mình. Mình cảm thấy vô cùng may mắn khi được là một người mẹ viết sách cho thiếu nhi. Sự nhạy cảm của một người viết và một người mẹ cùng cộng hưởng để mình liên tục tìm thấy những ý tưởng thú vị khi đồng hành cùng con. Cuốn Bánh mì gối xinh với ý tưởng về một lát bánh mì ước mơ trở thành gối êm cũng được hình thành từ tên thân mật của bé - Bánh Mì. Còn Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới, mình không muốn chỉ xây dựng hình ảnh một chiều về ông già Noel luôn luôn cho đi, mình muốn có một câu chuyện mà trong đó Ông già Noel cũng được nhận quà Giáng sinh, cũng nhận lại tình yêu thương và sự quan tâm trìu mến như ông đã luôn trao tặng".

Vốn đã được độc giả biết tới bởi những sáng tác về đề tài tình yêu và phụ nữ, trong vài năm trở lại đây, nhà văn May đã dành toàn bộ thời gian sáng tác cho trẻ em. Chỉ riêng năm 2023 vừa qua, cô đã có 10 đầu sách thiếu nhi được xuất bản.

"Với những kinh nghiệm viết sách và cả chọn sách cho con, mình thấy rằng trẻ em luôn bị hấp dẫn bởi những điều bất ngờ, hài hước hay lạ lùng. Đừng quá nghiêm túc khi viết cho trẻ, hãy tinh quái một chút, mộng mơ một chút, ngây thơ một chút. Một lát bánh mì biết nói dám nhảy ra khỏi cửa sổ để thực hiện ước mơ, một chú lùn kén ăn nhầm tưởng mặt trăng là chiếc bánh, một chú chuột yêu khâu vá đã từng may váy cho Lọ Lem… những chi tiết ấy sẽ thôi thúc trẻ lật tiếp trang sách" - nhà văn May chia sẻ.

8. Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)

Ngoài chuyện cảm động về chú khỉ, lòng trắc ẩn và cả sự vô tâm ở con người, bản thảo này còn có cái nhìn không nhân nhượng, dễ dãi về việc bảo vệ động vật hoang dã. Bút pháp của tác giả rất nhuần nhuyễn, kể "phăm phăm" mà chạm được vào cảm xúc của độc giả bởi tính chân thực hiếm thấy.

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 8.

Nhà văn Đặng Chương Ngạn

Chia sẻ về những sáng tác cho thiếu nhi của mình, nhà văn Đặng Chương Ngạn cho biết: "Khi con tôi bắt đầu biết đọc, tôi có thêm một động lực khác để viết: viết cho con trai tôi đọc. Truyện dài Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò đã được con trai út Gia Khương của tôi đọc từng chương và con đã góp ý rất nhiều chỗ để phù hợp với các em bé. Tôi đã phải viết lại một số đoạn mà con nhận xét là hơi có chút bạo lực đối với độc giả nhỏ tuổi".

PGS-TS Văn Giá nhận xét: Đây là một loại truyện thiếu nhi có tinh thần dấn thân, nên tính xã hội cao, bên cạnh tinh thần văn học sinh thái rất đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay. Truyện có nhiều tình tiết, chi tiết hấp dẫn, có chỗ cảm động, cuốn hút bạn đọc. Người viết am hiểu về thế giới động vật hoang dã miền rừng và cập nhật những tri thức mới về cách thức bảo vệ chúng. Rất tiếc từ chương 25 - 29 có màu sắc giáo huấn hơi lộ, làm giảm tính thuyết phục của tác phẩm.

9. Kho báu trong thành phố (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ)

Câu chuyện để lại vô vàn những cảm xúc nhân văn giữa thời đại số, đơn thuần như chi tiết đứa trẻ không biết tả quang cảnh trên đường đi học về vì nó ngồi sau xe toàn nghe headphone.

Kho báu trong thành phố được kết cấu thành hai mạch truyện song song, với mạch chính là chuyện hai bố con tham gia một cuộc thi truyền hình thực tế, khá hiện đại, hấp dẫn, để lại nhiều bài học thấm thía. Bên cạnh đó là mạch truyện về tuổi thơ xưa của ông bố. Khi hai mạch truyện chập vào nhau đã làm toát lên ý nghĩa sâu sắc của "kho báu" mà mọi người đang tìm kiếm...

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 9.

Nhà văn Nguyễn Khắc Cường chia sẻ: "Tôi viết cuốn truyện này như một gợi ý. 51 ông bố trong truyện đã lôi con ra khỏi nhà tham gia một trò chơi truyền hình. Khi họ đua tranh với nhau, vượt qua các thử thách trên đường phố, họ sẽ giúp con mình khám phá ra nhiều giá trị khác từ cuộc sống. Thật ra, những điều hay ho chúng ta cũng có thể bắt gặp trong sách vở, phim ảnh, Internet… nhưng nếu được trải nghiệm thực tế, cảm xúc của chúng ta sẽ dâng đầy và nó sẽ trở thành lớp phù sa bồi đắp tâm hồn mình, ký ức mình. Vì vậy, các ông bố bà mẹ đừng tiếc thời gian làm bạn cùng con, chơi với con".

10. Mật hiệu OGO (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng)

Mật hiệu OGO là bộ truyện dài 6 tập của nhà văn Kiều Bích Hương (hiện sống ở Vương quốc Bỉ). Ngay từ mở đầu, cái tên Mật hiệu OGO đã khơi gợi trí tò mò của người đọc. "OGO" là viết tắt của "Ối giời ơi", một thán ngữ quen thuộc của một bà mẹ Việt Nam trong gia đình Bỉ như một "đối trọng" với câu nói quen thuộc của giới Anh ngữ là "OMG" ("Oh My God", cũng là "Ôi giời ơi"). Từ đây, độc giả bước vào hành trình với câu hỏi: Khi nào thì các nhân vật phát mật hiệu OGO?

Khai thác góc nhìn của trẻ nhỏ trong những tình huống thường ngày ở nhà và ở trường, bộ truyện đã thể hiện được đời sống của trẻ em ở nước ngoài và những tình thế "dở khóc dở cười" khi là thành viên của một gia đình đa văn hóa (gia đình bố người Bỉ, mẹ người Việt, chuyện đón giao thừa theo lịch Âm, chuyện cái nón, chuyện ăn chân gà, chuyện nắng nóng ở Việt Nam,…). Văn phong linh hoạt, chữ nghĩa sắc bén, tác giả còn thể hiện yếu tố Việt Nam đậm đà trong nhiều chi tiết, đặc biệt là muôn vàn những thành ngữ - tục ngữ Việt Nam.

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 10.

Thông qua 6 tập truyện với rất nhiều lần phát "mật hiệu OGO", nhân vật chính đã hiểu thêm về tình thân, tình bạn, và hiểu được rằng sự cảm thông, lắng nghe và chia sẻ là điều có thể kết nối xuyên quốc gia. Trên tinh thần ấy, những vấn đề thời sự cũng được chạm đến tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với trẻ thơ.

Từ Bỉ, nhà văn Kiều Bích Hương chia sẻ: "Viết cho trẻ em và viết về trẻ em, khó khăn nhất là tìm ra giọng điệu phù hợp thiếu nhi và ngôn từ phù hợp thời đại. Với Mật hiệu OGO, khi chọn được giọng điệu chống đối một cách hài hước, khá giống tính cách của các con tôi và bạn bè chúng, tôi coi như mình đã bắt được mạch để viết rồi".

11. Trạng Quỳnh thời nhí nhố (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất)

Trạng Quỳnh thời nhí nhố là một series phim hoạt hình (dự kiến 450 tập, hiện mới đi được 1/10 hành trình) có nhiều ưu điểm. Phim thể hiện được phong cảnh và văn hóa làng quê Việt Nam xưa, không chỉ thông qua những thiết kế về bối cảnh, trang phục, mô-típ nhân vật, mà còn ở cả sự kiện, hoạt động (học trò đi học ở nhà thầy đồ, các trò chơi dân gian, lễ hội dân gian,…) và lời thoại (nhắc đến ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam và sử dụng những chất liệu ngôn từ này rất hợp bối cảnh). Những nội dung được khai thác ở mức nhẹ nhàng, vừa phải; thông điệp được biểu hiện một cách tinh tế, kín đáo, không bị sa đà vào truyền tải những bài học một cách lộ liễu.

Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 12.

Nhìn chung, với những tình huống thường nhật trong đời sống sinh hoạt của trẻ em thế hệ trước, đan xen lựa chọn tinh nghịch với mỗi bài học mà nhân vật có được, Trạng Quỳnh thời nhí nhố vừa kết hợp được giữa giải trí và giáo dục, vừa thể hiện được phần nào nét văn hóa cổ truyền Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link