Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền

31/03/2025 13:56 GMT+7 | Văn hoá

(LTS) Việc phát hiện 2 con thuyền cổ tại Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh vừa qua đã làm xôn xao dư luận. Là người nghiên cứu tàu thuyền cổ hơn 50 năm qua, hiện đang là Giám đốc Bảo tàng Khảo cổ học tàu thuyền Việt Nam, thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, TS Nguyễn Việt đã có loạt bài viết dành riêng cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN), sau khi được mời tham quan và tham dự hội nghị "đầu bờ" tại hiện trường cuộc khai quật hôm 26/3.

Sáng 9/1/2025, khi đang nghỉ Tết dương lịch ở Thụy Điển, tôi nhận được một tin nhắn của Giám đốc Công ty Cá sấu Việt Nam, cũng đồng thời là chủ nhân Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng)  - anh Nguyễn Cao Tuyến - chuyển báo tin của anh Dương Trung Quốc kèm ảnh xuất lộ hai vệt thuyền trên lòng đã mất của sông Dâu cổ, nay thuộc khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh do nghệ nhân gốm cổ Luy Lâu là Nguyễn Đăng Vông chụp.

Nhìn vệt thuyền còn rất nguyên vẹn sau lớp gạt rất có tâm của máy múc chủ nhà, tôi thực sự xúc động, đã trả lời ngay: "Thuyền rất quý, cậu trao đổi với địa phương, tôi có thể giúp hết sức ngay khi hạ cánh về Việt Nam vào ngày 12/1/2025".

Chỉ có thể nói hai chữ "duyên phận"!

Vốn đã theo đuổi vấn đề lịch sử tàu thuyền Việt Nam từ tháng 8/1972, khi bắt tay phác thảo đề cương cuốn sách Quân thủy Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm, tôi đặc biệt chú ý đến những phát hiện thuyền bè cổ. Cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 1983 sau hơn 10 năm nghiên cứu và biên soạn cùng hai bạn học là giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang và nhà báo, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng đến nay đã tái bản lần thứ ba với tổng số gần 15 ngàn bản, cung cấp những thông tin cơ bản và mới nhất về lịch sử thuyền bè ở Việt Nam và trên thế giới.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 2.

Thuyền buồm cánh dơi do tác giả đầu tư để dùng trong việc gìn giữ di sản thuyền cánh dơi và dùng để trục vớt thuyền độc mộc kèm gốm sứ ở vùng sông Lục Đầu - Kinh Thày

Vận may đã đến với tôi vào năm trở mình sang thiên niên kỷ mới, năm 2000, sau khi đến thăm và tham gia khai quật hai mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn ở khu mộ táng cổ Châu Can (Phú Xuyên), tôi đã bắt đầu với công nghệ lọc nước để gạn ra từ bùn đất những mảnh vải, hạt quả chôn theo người chết từ hơn 2.000 năm trước. Với kết quả ban đầu, 118 mảnh vải và trên 50 hạt quả cùng tàn tích thực vật từ 2 dm3 trầm tích trong mộ Châu Can số 1 (2000CC-M01), tôi quyết tâm bảo quản và cứu vãn những di sản khảo cổ  hữu cơ hiếm quý đó.

Tôi đã đăng ký tham dự một loạt Hội nghị của các tổ chức nghiên cứu trên thế giới và đến thăm các phòng thí nghiệm của họ, như Hội Cây có sợi Thế giới (Ba Lan, Đức, Rumani), Hội quốc tế Nghiên cứu ứng dụng cây lanh (Hà Lan, Anh, Mỹ), Hội nghiên cứu và bảo tồn tư liệu khảo cổ học hữu cơ ngậm nước (WOAM, ở Đan Mạch, Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh, Nhật…) để rồi cùng các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tự hoàn thiện phương pháp và chế tạo máy đông khô đầu tiên ở Việt Nam năm 2005, đặt nền móng cho khoa học nghiên cứu, giám định và bảo tồn vật liệu hữu cơ tìm được trong khảo cổ học.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 2.

Hạt sấu (ảnh trái) và các quả hạt khác như quýt, bàng, dâu da xoan, củ ấu, nhãn, xoài muỗm (ảnh phải) khai quật từ tầng văn hoá Đông Sơn ở Động Xá năm 2004

Những mảnh vải, mảnh gỗ, đồ sơn mài và hạt quả ngậm nước Đông Sơn có tuổi vài ngàn năm đã được phục hồi ngoạn mục và công bố rộng rãi trong, ngoài nước.

Trong Hội nghị quốc tế Tiền sử Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (IPPA) họp tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 2002, tôi đã trình bày những kết quả đầu tiên đó. Ngay lập tức ông Peter Bellwood, giáo sư Đại học Quốc gia Australia, tổng thư ký Hội IPPA, chủ trì hội nghị đã cùng tôi phác thảo một đề tài quốc tế Australia - Việt Nam về "Khảo cổ học vải sợi Đông Sơn".

Khảo cổ học tàu thuyền ra đời

Cuối năm 2004, đoàn chuyên gia Australia sang đã cùng chúng tôi và nhóm cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật khu mộ Đông Sơn ở Động Xá - nơi mà năm 2001, tôi đã trực tiếp khai quật một mộ thân cây khoét rỗng với hàng ngàn mảnh vải khác nhau trong quan tài.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 2.

Nguyên trạng quan tài mộ 04ĐX-M01 từ hố khai quật được đưa về Bảo tàng Hưng Yên khi chưa mở nắp

Đợt công tác năm 2004 đã phát hiện và khai quật một mộ ở Động Xá, Kim Động, Hưng Yên (ký hiệu 04ĐX-M01) và một mộ ở Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam (ký hiệu  04YB-M01). Và "trời có mắt", đã cho chúng tôi "duyên may" với lịch sử tàu thuyền cổ Việt Nam: Quan tài mộ 04ĐX-M01 dài 250cm được cắt ra từ nguyên trạng phần đuôi của một con thuyền độc mộc đã sử dụng. Đã có 5 niên đại carbon phóng xạ (C14) lấy từ vải cuộn thi thể, tro bám trôn nồi gốm, gỗ sơn mài… khẳng định niên đại 2.050 năm cách ngày nay của mộ táng. Niên đại con thuyền được phỏng đoán  2.100 - 2.200 năm trước.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 3.

Bản vẽ kỹ thuật quan tài với phần gỗ nhô đuôi thuyền và hàng lỗ mộng hai bên mạn

Điểm dễ nhận ra đuôi thuyền độc mộc cổ chính là ở cấu trúc đuôi thuyền và nhất là ở hàng chốt mộng dàn đều trên hai mạn thuyền.

"Duyên phận" còn lớn hơn khi khai quật mộ Yên Bắc, toàn bộ ván đậy làm thành dàn trên và dưới nhà mồ được chế ra từ các ván vách nâng thuyền với các hàng lỗ mộng, chốt đều đặn, tương ứng gần khớp với hàng chốt trên mạn thuyền dùng làm quan tài của mộ ở Động Xá (04ĐX-M01).

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 4.

Đuôi thuyền đặc trưng Đông Sơn của thuyền CB6 và Động Xá 04 với kỹ thuật mộng chốt ghép ván mạn đặc trưng.

Ngôi mộ Động Xá cũng nằm trong địa tầng chung của vùng này, đó là tầng đất xám đen bên dưới tầng sét trắng. Bề mặt nguyên thuỷ được phủ phù sa, sét nâu. Ngôi mộ có quan tài làm từ gần nửa phần chiếc thuyền độc mộc.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 5.

Quan tài Động Xá sau khi mở ra vét sạch mọi thứ chôn bên trong (hình trái), các ván nâng cao mạn thuyền có các lỗ chốt mộng tương ứng khai quật ở Yên Bắc (hình giữa) và hình vẽ mô phỏng kỹ thuật ghép nâng mạn thuyền Đông Sơn từ tư liệu khai quật quan tài thuyền và ván mạn ở Động Xá và Yên Bắc

Chiếc thuyền nguyên thuỷ dài chừng 5-6m. Người xưa đã cắt đôi chiếc thuyền bằng rìu để dùng một nửa chôn người chết. Đây là loại thuyền độc mộc đẽo thu ở hai đầu. Nơi rộng nhất đo được khoảng 80cm, phần đầu mũi thuyền để lại gỗ dày 20cm, phía lưng đẽo vát lên khiến đáy thuyền có hình cong vát. Trên thành miệng quan tài còn giữ được dãy lỗ mộng chốt đinh gỗ, dùng để cơi mạn thuyền bằng cách ghép các các ván phụ. Để bịt lại chỗ hở ở đầu cắt quan tài, người xưa dùng kỹ thuật ghép hộp như đã thấy ở quan tài chứa đồ đồng trong khu mộ Việt Khê. Đó là đánh khấc vách ngăn ở vị trí cách đường chặt 8cm rồi đặt vào đó một tấm ván làm từ loại vỏ cây cứng, dày 2cm, hình bán nguyệt. Trên tấm ván này có một lỗ thủng, có lẽ tượng trưng cho lỗ thoát hồn. Cách khoảng 20cm về phía bên trong, người ta cũng làm một rãnh khấc nữa và cũng đặt một tấm ngăn tương tự để tạo ra một ngăn riêng đựng đồ tuỳ táng.

Trong ngăn này chúng tôi phát hiện một nồi gốm thô Đông Sơn và ba mảnh nhĩ bôi sơn then đều đã bị rách hỏng từ trước khi chôn. Đây là phía đầu người chết.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 6.

Chuyên gia Bảo tàng Quốc gia Australia đang bảo quản nửa chiếc thuyền được dùng làm quan tài ngôi mộ Đông Sơn 04ĐX-M01, khai quật ở Động Xá năm 2004

Là một chuyên gia từng làm luận văn tiến sĩ về kỹ thuật La Mã cổ đại, giáo sư Bellwood nhận ra đó là kỹ thuật mộng chốt ngoàm (locked mortise and tenon joints) được biết sớm nhất trong thế giới La Mã cổ đại bên bờ Địa Trung Hải. Ông đã cùng chúng tôi đo vẽ tỉ mỉ và công bố con thuyền độc mộc Đông Sơn đầu tiên với kỹ thuật nâng mạn bằng mộng chốt độc đáo này trên tạp chí Khảo cổ học tàu thuyền (Nautical Archaeology) nổi tiếng trên thế giới vào năm 2006.

Hơn 10 năm sau, năm 2016 tôi nhận được thông báo phát hiện một thuyền độc mộc trên sông Đuống. Thuyền đã được vớt lên hong khô trước khi chuyển đến bảo tàng cơ quan tôi tại Quảng Yên (Quảng Ninh). Đó là một con thuyền độc mộc nguyên vẹn với kiểu đuôi và hàng lỗ mộng trên hai mạn thuyền như phần còn lại của thuyền làm quan tài Động Xá. Giáo sư Bellwood hồ hởi bay từ Australia sang cùng chúng tôi nghiên cứu và lấy mẫu làm tuổi C14. Niên đại cả 3 lần đo đều cho tuổi thế kỷ 4 trước Công nguyên (2.400 năm cách ngày nay).

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 8.

Thuyền vớt được ngâm bảo quản trong bể bơi Bảo tàng Phạm Huy Thông ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Trong ảnh là giáo sư Bellwood đang trực tiếp đo vẽ, lấy mẫu gỗ thuyền đưa về Úc định tuổi C14

Nhận thấy tầm quan trọng của thuyền Đông Sơn, tôi đã cho đóng mới một con thuyền tam bản hai buồm cánh dơi theo cách đóng thuyền truyền thống của các xưởng thuyền Quảng Yên (Quảng Ninh), tiến hành đăng kiểm để neo đậu trục vớt các thuyền độc mộc ở vùng sông Lục Đầu - Kinh Thày. Đến hết 2019, tổng số thuyền độc mộc vớt được là 22 chiếc, trong đó thuyền có niên đại C14 thuộc phạm trù Đông Sơn - Giao Chỉ có 7 chiếc, những chiếc còn lại có niên đại từ thời Đại La đến Đại Việt. Trong số 7 thuyền niên đại Đông Sơn, có ba chiếc chắc chắn mang cấu trúc lỗ mộng ngoàm trên mạn thuyền. Nếu kể cả số hiện vật liên quan đến kỹ thuật chốt mộng ngoàm để ghép cơi ván mạn thuyền Đông Sơn lên đến 21 tiêu bản với 15 niên đại C14 trải từ khoảng 2.400 năm đến 1.800 năm cách ngày nay.

Nhân phát hiện cặp thuyền gỗ trên lòng sông Dâu cổ (kỳ 1): "Duyên phận" với khảo cổ học tàu thuyền - Ảnh 7.

Một số thuyền độc mộc vớt ở vùng sông Lục Đầu-Kinh Thày có niên đại Đông Sơn, Đại La và Đại Việt. Hai thuyền thứ ba và thứ tư từ trên xuống có niên đại Đông Sơn

Giáo sư Peter Bellwood và các cộng sự Đại học Quốc gia Australia đã đồng hành cùng chúng tôi hơn 20 năm qua. Hiện tại bản thảo công bố kết quả nghiên cứu các con thuyền độc mộc lưu trữ tại Bảo tàng tàu thuyền thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã hoàn tất, sẽ sớm ra mắt bạn đọc trên thế giới.

***

Tôi phải dừng lại hơi kỹ về quá trình phát hiện, nghiên cứu, bảo quản những thuyền độc mộc Đông Sơn gắn với kỹ thuật ghép ván mộng nâng cao mạn thuyền để dễ dàng mô tả và kết luận về kỹ thuật tạo thuyền và định tuổi cho hai thuyền ghép đôi đang được khai quật và xôn sao dư luận những ngày gần đây.

(Còn nữa)

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link