02/06/2012 14:03 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Tom Cruise bước ra đường băng, trông bình tĩnh và tự tin trong bộ đồ bay và kính phi công tối màu của anh. Trong khi các bạn diễn vẫn gọi anh là Maverick, đây không phải là bối cảnh phim Top Gun và chiếc máy bay Cruise sắp điều khiển cũng không phải loại F-14 cổ lỗ. Anh đang thực hiện dự án phim Top Gun 2 và vũ khí sẽ được đem ra phô bày sức mạnh là loại máy bay F-35 Joint Strike Fighter (JSF) - chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trên hành tinh, đồng thời sẽ là xương sống của quân đội Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.
Việc xuất hiện trong dự án Top Gun 2 mới đây không phải là lần đầu tiên F-35 cất cánh trong phim. Một chiếc F-35 đã cố gắng một cách vô ích để giết Bruce Willis trong phim Live Free or Die Hard. Ngoài ra F-35 cũng có một vai phụ trong loạt phim ăn khách The Avengers mới đây.
Ngôi sao hào nhoáng nhưng nhõng nhẽo
Tuy nhiên thông tin F-35 sẽ là nhân vật chính bên cạnh sự trở lại màn bạc đầy vinh quang của Maverick đã gây tranh cãi, do chương trình này nổi tiếng tốn kém và liên tục bị trì hoãn. Trang tin công nghệ Gizmodo thậm chí còn mỉa thẳng: “Câu hỏi đầu tiên là Tom Cruise sẽ làm gì đây? Đứng trên đường băng và nhìn chằm chằm vào chiếc F-35 đang bị tạm cấm bay của anh à?”
Quả thực như vậy, thời gian qua F-35 đã đối mặt với hàng loạt vấn đề kỹ thuật khiến nó bị ngưng hoạt động. Hồi tháng 12 năm ngoái, Lầu Năm Góc đã phát hành báo cáo nội bộ cho biết F-35 gặp rất nhiều vấn đề trong khi bay thử. Bản báo cáo nội bộ này lần đầu được đăng tải trên trang web độc lập Project on Government Oversight, trong đó chỉ ra 5 lỗi kỹ thuật của F-35 “nơi các hậu quả nghiêm trọng do chúng gây ra đã được nhận diện” nhưng chưa được sửa chữa. Các điểm yếu này gồm hệ thống màn hình treo trên mũ phi công có khả năng hoạt động rất tồi, một hệ thống xả nhiên liệu khiến xăng chảy ra bề mặt máy bay, hệ thống tích hợp năng lượng của máy bay làm dấy lên các vấn đề an toàn, hệ thống móc cáp để máy bay đáp xuống tàu sân bay cũng gặp vấn đề. Móc này hoạt động không tốt trong thử nghiệm diễn ra trên các tàu sân bay. 3 vấn đề kỹ thuật khác cũng có khả năng biến thành vấn đề lớn, gồm khả năng chịu lực của khung máy bay giảm đi và những rung lắc trong quá trình hoạt động.
Vỡ mộng F-35 giá rẻ
Nhưng kỹ thuật không chỉ là vấn đề duy nhất khiến người ta nhìn vào F-35 một cách lo ngại. Cách đây vài tháng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một ước tính cho thấy chương trình F-35 sẽ có chi phí lớn thế nào và mức giá có thể khiến người ta sửng sốt. Toàn bộ chương trình này hiện sẽ khiến người đóng thuế Mỹ phải bỏ ra gần 1,51 ngàn tỉ USD, đắt hơn bất kỳ vũ khí nào trong lịch sử. Con số này đã cao hơn 100 tỉ USD so với ước tính của năm ngoái.
Mỗi chiếc F-35 giờ đã có chi phí 160 triệu USD, nhiều hơn gấp đôi mức giá 74,5 triệu USD mà Bộ Quốc phòng ước tính ban đầu. Chúng cũng lớn gấp 4 lần mức giá máy bay F-14 Tomcat mà Maverick đã bay trong bản Top Gun đầu tiên. (Giá vé xem phim từ thời Top Gun trình chiếu hồi năm 1986 tới nay cũng đã tăng lên, nhưng chỉ hơn gấp đôi).
Có nhiều lý do để tin rằng mức giá khổng lồ của chương trình F-35 vẫn chưa dừng lại. Trước tiên, Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục nói rằng chi phí hoạt động chương trình còn thấp, chỉ ở mức 1,11 ngàn tỉ USD. Nhưng ai cũng biết nó sẽ chỉ tăng lên. Đó là chưa kể tới chuyện con số ước tính này không tính tới việc F-35 có thể bị thay đổi lớn về mặt thiết kế. Theo Cơ quan Thống kê Chính phủ (GAO), mỗi sự thay đổi lớn về mặt thiết kế có thể làm tăng vọt mức chi phí. GAO chỉ ra rằng một số đặc điểm công nghệ quan trọng của F-35 vẫn “chưa trưởng thành và ẩn chứa các nguy cơ thay đổi trong quá trình phát triển rất lớn”.
Chi phí quá lớn của chương trình F-35 đã thu hẹp nguồn vốn cho các chương trình thiết yếu khác của quân đội Mỹ. GAO cho biết vốn rót vào F-35 trong tương lai “đủ để hỗ trợ chi phí cho 15 chương trình lớn khác.” Điều đáng buồn là trong khi F-35 là một chương trình lớn, người ta đã từng mơ nó sẽ là chiếc máy bay có giá “hợp lý”. Song giấc mơ giá rẻ ấy đã trôi qua từ lâu.
Kêu gọi thay đổi
Một số người nói rằng vẫn có một sự lựa chọn khác ngoài F-35 là FA-18 E/F Super Hornet. Hàng trăm tỉ USD tiền thuế của dân có thể được tiết kiệm bằng việc thay thế các phiên bản F-35 đắt đỏ và nhiều sự cố, như những mẫu dành riêng cho Hải quân và Lính thủy đánh bộ, bằng Super Hornet. Cho tới nay, phiên bản FA-18 E/F Super Hornet của Không lực Mỹ là loại có ít sự cố nhất và cũng rẻ nhất so với hai mẫu kia nên có thể giữ lại.
Trong khi Super Hornet không có các đặc điểm tàng hình của F-35, quân đội Mỹ thực tế cũng không cần phải trang bị tính năng này trên mọi vũ khí của họ. Không lực vẫn đang sở hữu những chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-22 hiện đại, phiên bản F-35 có khả năng tàng hình và máy bay ném bom tàng hình B-2, bên cạnh một mẫu máy bay ném bom tàng hình tầm xa khác đang phát triển. Chưa kể người ta còn có trong tay những chiếc máy bay không người lái tàng hình.
Dù thiếu yếu tố tàng hình, Super Hornet lại có một số khả năng khiến F-35 ghen tị, đơn cử như lượng vũ khí nó mang lớn hơn rất nhiều chiếc máy bay đàn em. Super Hornet, không giống như F-35, đã được thử lửa và chứng minh sức mạnh của nó trong chiến đấu. Theo lời Đô đốc John Harvey, chỉ huy Bộ Tư lệnh các lực lượng hạm đội Hoa Kỳ, Super Hornet “đã thiết lập được một thành tích phi thường trong các hoạt động diễn ra trên toàn cầu, trong chiến đấu dưới đủ mọi loại điều kiện khác nhau” . Và dù một chiếc Super Hornet bị rơi ở Bãi biển Virginia mới đây, tỉ lệ sự cố của chiếc máy bay này là vô cùng thấp, theo nhận xét của Phó đô đốc Ted Branch, tư lệnh Lực lượng Không quân của Hải quân Mỹ ở Đại Tây Dương.
Đó là chưa kể tới thực tế rằng Lầu Năm Góc có thể mua tới 3 chiếc Super Hornet bằng số tiền họ bỏ ra để có nhõn một chiếc F-35 phiên bản Hải quân hoặc Lính thủy đánh bộ. Ngoài ra, để khiến những chiếc máy bay đắt tiền này cất cánh, người ta phải bỏ ra chi phí lớn gấp 6 lần chi phí của Super Hornet.
Chiếc F-35 có thể là một siêu sao màn bạc. Nhưng giờ nó đang rút ngân sách của Lầu Năm Góc giống như Lindsay Lohan nốc cocktail vậy. Giới phân tích đánh giá đã tới lúc Quốc hội và Lầu Năm Góc cần ngừng việc tin tưởng vào chương trình F-35 hiện nay - vốn hứa hẹn việc sản xuất 3 phiên bản hoàn chỉnh dành cho Không lực, Hải quân và Lính thủy đánh bộ, với mức giá người đóng thuế Mỹ có thể chấp nhận - để bắt đầu lựa chọn những hướng đi hợp lý hơn, kinh tế hơn.
Hương Giang (theo Foreign Policy)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất