03/07/2014 19:37 GMT+7 | Ký sự World Cup
(Thethaovanhoa.vn) - Rodrigo Davi không nhìn được. Ông bị mù bẩm sinh, nhưng tình yêu bóng đá đối với những người đặc biệt như ông không cần phải nhìn bằng mắt. Ông không thấy gì trên sân, không rõ hình dạng mặt mũi của các cầu thủ, không thấy những pha bóng gay cấn hay những bàn thắng, không biết màu sắc của sân cỏ và sự nóng bỏng của các khán đài. Nhưng với ông, điều đó không quan trọng. Ông yêu bằng trái tim và đôi tai của một người Brazil nồng nhiệt.
Chỉ yêu duy nhất Messi
Áp chiếc iPhone có mở kênh phát thanh Rede Globo vào tai, vị giáo viên về tin học của Viện Benjamin Constant chăm chú nuốt lấy từng lời của người bình luận viên đang thao thao bất tuyệt, lúc lên trầm, lúc xuống bổng, lúc nói một hơi thật dài tưởng như bất tận, lúc lại nói từng câu ngắn. Trận đấu giữa Argentina và Thụy Sĩ cứ diễn ra như thế, vang lên trong một căn phòng nhỏ yên tĩnh ở trung tâm chăm sóc và giáo dục người mù lớn nhất Brazil này. Ngồi cạnh Rodrigo là Carla, một giáo viên khác của trung tâm.
Cũng như Rodrigo, cô bị mù, nhưng vì đã mang trong mình dòng máu Brazil là phải điên cuồng vì bóng đá, cô cũng yêu bóng đá. Chỉ có điều, cô thích Neymar và ủng hộ đội tuyển Brazil. Chuyện đó bình thường. Nhưng mê Messi và đội tuyển Argentina như Rodrigo mới là điều đặc biệt, có thể khiến Rodrigo phải đối đầu với không ít đồng bào của mình.
Đấy là tình yêu kì lạ của một người Brazil dành cho siêu sao Argentina mà ông chưa bao giờ thấy mặt, mà chỉ yêu anh qua đôi tai và những gì ông đọc được trên các tạp chí ấn bản bằng chữ Braille đặc biệt cho người mù, cũng như những bài báo mà con gái ông (không mù như vợ chồng ông) đọc cho ông. Đối với Rodrigo, Messi là một hiện thân của Chúa, của một Đấng tối cao trên trời, người đã cho ông cuộc sống nhưng tước đi của ông đôi mắt. Nhưng Ngài vẫn nhân từ, bởi vẫn để cho trái tim ông biết yêu cuộc sống và yêu Messi, cho phép ông dõi theo đội tuyển Argentina bằng những cảm giác của một con người biết rung động.
Rodrigo nắm tường tận lí lịch của siêu sao người Argentina và những thành tích của anh. Ông kể một cách say mê về một con người mà ông không nhìn thấy được, chi tiết và hứng khởi hệt như anh đang đứng trước mặt ông, cầm tay ông và chăm chú lắng nghe ông nói. Ông dõi theo từng trận đấu của Argentina ở World Cup này và qua radio, ông nhìn thấy tất cả. Cả những khiếm khuyết của Argentina cũng như những màn tỏa sáng rực rỡ của Messi.
Tôi đã từng tò mò không hiểu người mù thưởng thức bóng đá theo cách nào. Ở Nam Phi 4 năm trước và Ukraine 2 năm trước, tôi đã thấy những người mù nghe bóng đá trong những lô riêng của họ ở ngoài các sân vận động World Cup 2010 và EURO 2012. Họ ở đó, giữa đám đông hàng vạn người hò hét, nhảy múa và họ “xem” trận đấu theo một cách đặc biệt mà những người sáng mắt không thể nào hiểu nổi. Bóng đá với họ tồn tại trong những thanh âm của cuộc sống vây quanh.
Việc không nhìn thấy đã ngăn cản họ không thể nhảy múa, hát hò và gào thét ăn mừng như những người nhìn được, như lời nguyền của số phận. Bao trùm lên họ là một sự lãnh đạm, bình thản bắt buộc, vì họ không thể làm gì khác được. Liệu có một sự dồn nén nào đó trong cảm xúc của họ khi nghe những tiếng hát ầm vang trên các khán đài, tiếng nhạc vang lên trên sân thông báo bàn thắng của một đội nào đó, tiếng thét của những cổ động viên đối địch? Không, họ vẫn ngồi đó, trên chiếc ghế, tay huơ huơ lên không trung, môi nở nụ cười và đôi mắt đeo kính đen hướng về chỗ ầm ỹ nhất của sân bóng. Nơi ấy là một thế giới khác với thế giới của họ.
Yêu bằng tai là yêu trong chịu đựng
Trong căn phòng tĩnh lặng có thể nghe được tiếng thở của Rodrigo, trên loa của chiếc iPhone, tiếng người BLV vẫn đang rất gấp gáp cho một cú tăng tốc của Messi, sau đó dừng hẳn với vẻ tiếc nuối khi anh mất bóng, rồi lại tăng nhanh nhịp nói gấp gáp khi Argentina cướp được bóng và bắt đầu tấn công. Rodrigo và Carla vẫn ngồi đó, bất động, đôi môi mấp máy như đang nói thì thầm một điều gì đó không thành lời. Một cơ hội bị bỏ lỡ. Tiếng người BLV thể hiện sự tiếc nuối. Tiếng khán giả ầm vang làm nền cho lời của ông. Những người mù vẫn bất động. Họ không đứng dậy, không hò hét, không gào thét và nhảy cầng cầng như những người sáng mắt. Sự hồi hộp, căng thẳng hay sung sướng đều thể hiện hết trên nét mặt, đôi môi và cả đôi mắt lòa. Những cơ mặt giãn ra hoặc chau lại. Những tình cảm bộc phát sau từng câu nói trên radio. Tất cả diễn ra một cách từ từ, âm thầm và im lặng. Một sự cuồng nhiệt đặc biệt mà chỉ những người mù mới hiểu được.
Tôi không biết sự cuồng nhiệt ấy như thế nào, nên đã cố thử nhắm mắt trong mấy phút và lắng nghe một trận đấu trên radio như Rodrigo. Tôi không thấy gì hết, chỉ thấy bóng tối. Tôi chỉ cảm thấy bóng đá chạy rần rật trong máu theo nhịp nói của người BLV. Cũng chỉ được vài phút nữa là phải mở mắt ra. Tôi thích nghe bình luận bóng đá trên đài phát thanh như Rodrigo. Cả tuổi thơ của tôi là những trận bóng đá bằng âm thanh. Nhưng tôi sợ bóng tối. Rodrigo và những người như ông thì không sợ, vì họ không có quyền lựa chọn. Họ phải sống với bóng tối cả cuộc đời. Theo bác sĩ Sabatta dos Santos của Viện Benjamin Constant, ở Brazil có 6,5 triệu người có vấn đề về thị lực, trong đó có hơn nửa triệu người mù hoàn toàn.
Không biết trong số họ có bao nhiêu người mê bóng đá, và cá biệt là mê Messi như Rodrigo, chỉ biết rằng ở Benjamin Constant, Viện đặc biệt cho người mù đã có hơn 150 năm tồn tại ở Rio, số người mù mê bóng đá rất nhiều, nhưng họ không thích tụ tập ở hội trường để cùng nghe radio, mà muốn ở nhà, “xem” bóng đá cùng với những người sáng mắt trong gia đình cho có “không khí” hơn. Rodrigo và Carla chọn cách khác. Họ thích ngồi trong phòng riêng và thưởng thức các trận đấu trong im lặng.
Rodrigo căng thẳng. Tỷ số 0-0 kéo dài đến tận phút thú 118 và hai tiếng ấy với ông dài như hai thế kỉ. Thỉnh thoảng ông đứng dậy, đi lại một chút, tai vẫn dỏng lên nghe radio, và rồi, khi người BLV vừa nhắc hiệp phụ chỉ còn hai phút, thì Messi cướp được bóng, dấn thêm hai nhịp và chuyền cho Di Maria ghi bàn. Một thiên thần áo trắng-xanh chuyền bóng cho một thiên thần Argentina khác lập công để đưa đội bóng đến chiến thắng. Chúa không cho Rodrigo đôi mắt sáng để nhìn, nhưng cho ông và những người yêu bóng đá một siêu sao có tên Messi để ngưỡng mộ và yêu mến, cho trái tim để cảm nhận và cho hai tai để nghe. Lúc ấy, nhìn Rodrigo thật hạnh phúc. Ông không nhẩy cẫng lên trong một cảm giác bùng nổ vì bức xúc dồn nén, mà chỉ nở một nụ cười mãn nguyện. Những người dễ đau tim là những người hay dồn nén cảm xúc. Nhưng những người mù nghe những trận đấu dài, căng thẳng và kịch tính bằng lời như thế qua radio, sẽ còn dễ đau tim đến mức nào?
Mặt Rodrigo ngẩn ra một lúc khi được hỏi, điều gì sẽ xảy ra với ông, nếu như ước mơ của nhiều người là Brazil sẽ gặp Argentina ở chung kết thành hiện thực. Ông nhoẻn miệng cười hóm hỉnh: “Sẽ rất là phức tạp đấy. Nhưng tôi không thể chống lại vợ con và đồng bào tôi được. Tôi sẽ phải ủng hộ Neymar, đội tuyển Brazil đoạt chức vô địch. Nhưng tôi vẫn yêu Messi. Kể cả không nhìn thấy anh”…
Cường quốc bóng đá của người sáng mắt và cả khiếm thị Trong khi đội tuyển của những người “sáng mắt” Brazil đang hướng đến “Hexa”, chức vô địch thế giới lần thứ sáu, thì đội tuyển khiếm thị của nước này đang đặt mục tiêu vươn tới “Tetra”, chức vô địch lần thứ tư cho người khiếm thị. IBSA (LĐBĐ thế giới người mù, một dạng FIFA của người khiếm thị) sẽ tổ chức World Cup dành riêng cho những người khiếm thị thế giới vào tháng 11 này ở Tokyo, Nhật Bản và Jeferson da Conceicao Golcalves, biệt danh là Jefinho, ngôi sao lớn nhất của bóng đá khiếm thị Brazil, mới đây đã khẳng định rằng, Brazil không muốn rời Tokyo ra về tay không. Đội tuyển khiếm thị của BrazilMột tuyên bố nghe không khác gì Neymar, con cưng của cả nước Brazil, khi nói rằng Brazil phải vô địch World Cup 2014. Nhưng rõ ràng là có sự khác biệt lớn về quyền lực. Trong khi đội “Brazil sáng mắt” chật vật tiến sâu vào giải này và phơi bày quá nhiều vấn đề, thì đội “Brazil khiếm thị” luôn là một thế lực không phải bàn cãi ở những World Cup khiếm thị mà họ tham gia. Đội tuyển của bóng đá 5 người này cũng đã đoạt chức vô địch Paralimpic Games gần nhất. Trên tờ Folha de Sao Paulo, Jefinho nói: “Tôi muốn cả thế giới biết rằng, ở Brazil, ai cũng chơi bóng đá, kể cả người mù. Tôi muốn mọi người ủng hộ đội tuyển khiếm thị Brazil ở World Cup tới”. Kể từ năm 2010 đến nay, năm nào Jefinho cũng được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong bóng đá của người khiếm thị, và anh tự hào về điều đó. Bị bệnh glaucoma (cườm nước) bẩm sinh, Jefinho bắt đầu mù từ năm 7 tuổi và vào năm 14 tuổi, anh bắt đầu chơi bóng đá. Đội tuyển khiếm thị Brazil cũng như Jefinho được coi là một động lực lớn và là niềm an ủi lớn lao cho những người khiếm thị nước này. “Tôi hạnh phúc khi trở thành tấm gương cho nhiều người và tôi cũng có thể dùng mạng xã hội như bất cứ ai để kết nối với những người cùng cảnh ngộ”, anh nói. Hiện ở Brazil, có 1.620 người khiếm thị có đăng kí với Liên đoàn thể thao khiếm thị Brazil (CBDV), trong đó có 250 người chơi bóng đá 5 người. CBDV cũng đăng cai giải vô địch bóng đá khiếm thị quốc gia vào cuối năm nay, với 2 hạng A và B cùng 4 giải cấp bang. Kể từ khi giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè và Paralimpic Games vào năm 2016, Brazil đã đầu tư rất mạnh để trở thành một cường quốc thể thao cho người tàn tật. |
Trương Anh Ngọc
(Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất