Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam

02/02/2025 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Đến Việt Nam đúng vào khoảng thời gian đất nước mới mở cửa - những năm 1990 - nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman đã bước vào một hành trình không có hồi kết. Từ những chuyến khám phá, công việc, cho đến lập gia đình, mỗi trải nghiệm tại Việt Nam của anh đều bắt đầu từ sự tò mò và kéo dài bởi niềm yêu thương.

Trong suốt hơn ba thập kỷ chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội - nơi anh gọi là "ngôi nhà" trong trái tim, Andy Soloman luôn bị cuốn hút bởi nét đẹp trong cốt cách của con người nơi đây. Theo Andy, dù là Hà Nội của những năm tháng khó khăn hay thời hiện đại, sự cởi mở, thân thiện và hào sảng của người dân nơi đây vẫn là điều khiến anh tin rằng, ai một lần ghé qua cũng dễ dàng yêu mến mảnh đất này. Còn với anh, mỗi lần trở về Hà Nội đều là một lần trở lại "mùa Xuân của tâm hồn".

Andy Soloman đã dành cho báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN cuộc trò chuyện thú vị trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 1.

Andy Soloman và vợ, chị Nguyễn Kim Liên chụp vào tháng 10/2024 tại Hòa Bình, Việt Nam

Tình yêu từ sự tò mò

* Anh đã đến Việt Nam trong hoàn cảnh nào?

- Có thể nói Việt Nam "đến" với tôi trước khi tôi có cơ hội đặt chân tới đây. Tôi sinh năm 1962, lớn lên trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam hiện diện trên mọi phương tiện truyền thông thế giới. Khi trưởng thành, tôi đã làm quen với một số người trong cộng đồng người Việt sống ở khu vực Đông Nam London.

Khi sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi bắt đầu, tôi đã dành nhiều thời gian du lịch để khám phá và hiểu về thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thật thú vị, nhiều nhiếp ảnh gia mà tôi ngưỡng mộ cũng đã tập trung vào Việt Nam. Ví dụ, Tim Page, Don McCullin, Nick Ut (người mà tôi vinh dự được làm việc cùng một thời gian ngắn vào năm 1993), Eddie Adams và Philip Jones Griffiths, những người thường miêu tả tác động của chiến tranh lên dân thường...

Tuy nhiên, tôi muốn khám phá Việt Nam không qua ống kính chiến tranh mà qua con người và văn hóa của họ. Vào cuối năm 1992, tôi quyết định đến thăm Việt Nam. Ban đầu, tôi nghĩ chuyến đi này sẽ giúp tôi hiểu rõ hơn về một đất nước đang chuyển mình và nâng cao sự nghiệp của mình. Nhưng hóa ra, đó là khởi đầu của một hành trình thay đổi cuộc đời tôi.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 2.

Sửa máy cày, Hà Nội, tháng 10 năm 1992. Khắp nơi tôi nhìn thấy mọi người đều bận rộn làm việc và giúp đỡ lẫn nhau. Dù cuộc sống còn nghèo khó, họ luôn tìm cách sửa chữa những thứ hỏng hóc, nhưng mọi thứ đều diễn ra với nụ cười tươi và những cái vẫy tay thân thiện

* Thời điểm đó, một người nước ngoài như anh vào Việt Nam hẳn là cũng không dễ dàng?

- Đúng vậy! Tôi đang là một nhà báo, nhiếp ảnh gia tự do, nên việc xin visa cũng không hề dễ. Nhưng thật may mắn khi Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cấp cho tôi visa từ 1 tháng (lần đầu tiên), rồi sau đó gia hạn đến 3,5 tháng - một "đặc cách" rất hiếm thời bấy giờ.

Điều này mở ra cơ hội để tôi đi khắp Việt Nam, từ miền Bắc, miền Trung đến các vùng cao nguyên. Tôi đã có dịp ghé thăm bệnh viện, trường học, nhà máy, các cơ sở tôn giáo và gặp gỡ nhiều tầng lớp người dân, từ nhân viên y tế, công nhân nhà máy đến người dân ở các làng quê. Đặc biệt, tôi còn đặt chân đến những khu vực biên giới và trạm kiểm soát. Ở mọi nơi tôi đến, sự hiếu khách nồng hậu đều hiện rõ, cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa chào đón thế giới.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 3.

Tài xế xích lô mùa Đông, chụp ngày 18/01/1993

* Đến bây giờ, anh đã đi hết Việt Nam chưa? Đâu là một dấu ấn không thể quên của anh trên bản đồ địa lý Việt Nam?

- Tôi đã đi khá nhiều nơi nhưng vẫn có những nơi tôi chưa tới. Ví dụ, Cà Mau và một số đảo như Côn Đảo và Bình Ba vẫn nằm trong danh sách của tôi.

Tôi tin rằng một trong những nơi đẹp nhất ở Việt Nam mà tôi từng đến thăm đó là Hà Giang. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Giang vào tháng 1 năm 1993. Khi đó, ở đây hầu như chưa có du khách nước ngoài. Tôi đã chứng kiến cuộc sống vô cùng khó khăn của người dân địa phương nơi địa hình đồi núi nhiều đá. Người dân thường phải chịu đói ba tháng mỗi năm và để có nước uống, họ phải đi bộ rất xa, cõng những ống đựng nước bằng tre nặng trên lưng.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, mọi người vẫn rất nồng hậu và nồng nhiệt. Họ mời tôi uống rượu và về thăm nhà… Tôi luôn yêu Hà Giang vì điều đó. Mặc dù ngày nay, Hà Giang đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều nhà nghỉ, khách sạn và còn có cả dịch vụ tour "Ha Giang Loop" (vòng Hà Giang) dành cho du khách.

"Trước đây, người ta nghe tiếng mọi người gọi nhau nhiều hơn là tiếng xe cộ. Bây giờ thì đường luôn có tiếng ồn dù là đêm khuya" - Andy Soloman nhận xét về Hà Nội.

Hà Nội - nơi lưu giữ ký ức

* Còn Hà Nội thì sao?

- Hà Nội là nơi đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam và cũng là nơi đầu tiên có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Đó là nơi tôi dành nhiều thời gian nhất mỗi khi trở về Việt Nam. Ở đây tôi có gia đình và bạn bè. Mỗi lần về Hà Nội, tôi luôn cảm thấy như mùa Xuân đang về trong tâm hồn mình, khiến tôi luôn thấy hạnh phúc và phấn chấn.

Tất nhiên, sau hơn 30 năm, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Nhưng nếu quan sát kỹ, tôi nghĩ con người nơi đây vẫn như xưa, từ thái độ, cách cư xử. Kể cả là những người trẻ bây giờ, dù cuộc sống của họ ít khó khăn hơn những thế hệ trước thì cốt cách người Hà Nội vẫn có ở trong mỗi người.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 5.

Tòa nhà Hàm Cá Mập đang trong quá trình xây dựng. Ảnh chụp ngày 28/10/1992. Vẻ quyến rũ của Hà Nội nằm ở nét đẹp vượt thời gian, nhưng làn gió đổi thay đang dần xuất hiện. Những đổi mới kinh tế đã mang lại sức sống mới cho thành phố, và khát khao về điều kiện sống tốt hơn ngày càng rõ rệt. Khu phố cổ, một di sản quý giá của quá khứ, đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Nhưng tòa nhà táo bạo này thể hiện sự hòa quyện hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và thẩm mỹ truyền thống

* Vậy Hà Nội đã thay đổi như thế nào trong mắt anh?

- Tôi nhớ lúc thực hiện triển lãm Hà Nội một thời để nhớ vào tháng 10/2024, khi xem lại những bức ảnh chụp Hà Nội qua nhiều năm, tôi nhận ra sự thay đổi đáng kinh ngạc của thành phố. Nhưng tại triển lãm, có khá nhiều khách tham quan đã hỏi tôi vì sao lại chụp nhiều hình ảnh về người lao động như vậy? Tôi trả lời rằng: Vì đó chính là cuộc sống ở Hà Nội đang diễn ra.

Những năm 1992, người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung không có thời gian rảnh rỗi. Tất cả đều nghĩ đến công việc, kiếm tiền. Những người làm việc ở cơ quan nhà nước với mức lương thấp, họ luôn phải tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Và các hoạt động mưu sinh chủ yếu diễn ra nhiều trên đường phố (điều này còn có phần vì nhiều người sống trong những không gian nhỏ, chật hẹp nên họ phải ra ngoài làm việc như ở vỉa hè, lề đường...). Hiện giờ cuộc sống vẫn vậy, vỉa hè nhiều chỗ bị chiếm dụng để đỗ xe nên việc đi bộ cũng không dễ dàng.

Nhưng hồi đó, đến 22h, đường phố vắng lặng rồi. Và còn khá tối nữa, vì ít đèn đường. Trên đường, có chăng còn vài chiếc xe máy đang lưu thông (vì phương tiện phổ biến là xe đạp) nên rất yên tĩnh. Trước đây, người ta nghe tiếng mọi người gọi nhau nhiều hơn là tiếng xe cộ. Bây giờ thì đường luôn có tiếng ồn dù là đêm khuya.

Vào đầu những năm 1990, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lệnh cấm vận của Mỹ, trong khi sự sụp đổ của Liên Xô đã tác động mạnh mẽ đến đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn viện trợ cũng như sự lưu thông hàng hóa và sản xuất. Ngay cả những người có tiền cũng không dễ dàng mua được những món đồ cần thiết.

Điều đó khiến mỗi người dân ở đây phải "ngọ nguậy", tự thân vận động tìm giải pháp cho vấn đề của mình. Và, tôi thấy họ đã rất sáng tạo cũng như lòng quyết tâm, sự kiên cường để thay đổi cuộc sống. Thật sự, đó là những điều đáng ngưỡng mộ ở người Hà Nội và khiến tôi không còn bật cười khi nhìn thấy họ chế tác ra những dụng cụ, máy móc thô sơ nhưng lại giúp họ mưu sinh tốt. Vì thế, hầu hết những đồ đạc bị hỏng đều có thể sửa chữa được, chỉ với một chi phí nhỏ.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 6.

Công nhân, Nhà máy May Chiến Thắng, ảnh chụp ngày 24/12/1992

* Vẫn là Hà Nội, cách đây 30 năm và bây giờ, anh ấy thích chụp gì nhất ở đây?

- Tôi đã chụp hàng ngàn bức ảnh về Hà Nội. Và dù ở giai đoạn nào, tôi cũng muốn chụp những gì thuộc về di sản, kiến trúc, mang dấu ấn phi thời gian. Tất nhiên là cả con người.

Trong 30 năm qua, Hà Nội đã cho tôi 2 cảm giác. Giai đoạn từ năm 1994 - 2000 là một Hà Nội là muốn rũ bỏ cái cũ, để đón cái mới đến. Điều này cũng dễ hiểu khi mọi người đã phải trải qua thời gian khó khăn quá lâu nên họ muốn "đập đi, xây lại, bỏ cũ, xây mới" với mong muốn cho cuộc sống tốt hơn.

Nhưng sau năm 2000, khi mọi thứ phát triển theo chiều dốc thẳng đứng, Hà Nội lại khiến tôi cảm giác về những gì thuộc về kỹ năng truyền thống hay di sản văn hóa đang bị mai một. Mà một khi đã mất là mất mãi mãi.

Ví như bây giờ mà vào phố cổ, bạn sẽ khó tìm được nhiều nghệ nhân đang thực hành nghề như trước đây. Nếu có thì rất ít và họ cũng đã rất già. Vì thế, tôi nghĩ việc này cần phải được giữ gìn và chụp ảnh cũng là cách để tôi giữ lại những gì đậm nét bản sắc của Hà Nội.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 7.

Chợ Đồng Xuân

* Nếu phải chụp một bức ảnh duy nhất về Hà Nội, anh sẽ chọn gì?

- Nếu vậy tôi phải chụp nơi nào rất đẹp, không những đẹp mà còn thâu tóm lịch sử lâu dài của Hà Nội. Tôi sẽ chụp một hình ảnh hội tụ cả quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội. Có thể đó là một khoảnh khắc giản dị như một người ngồi thuyền kéo lưới đánh cá trên Hồ Tây mà tôi bắt gặp cách đây ít ngày.

Khung cảnh rất đẹp mà tôi thấy ở đây là lưới tỏa sáng lấp lánh trên bề mặt nước phẳng lặng, dù không khí ô nhiễm, làm mờ hết các tòa nhà cao tầng phía đằng xa. Với tôi, đó chính là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới. Mới là ô nhiễm, sự thay đổi từ những ngôi nhà cao tầng nhưng con người thì vẫn vậy. Trong không gian này, có thể thấy cái mới không thực sự bóp nghẹt hay giết chết nhưng bao trùm lên cái cũ như một màn sương.

Vài nét về Andy Soloman và "Continuum: Vietnam"

Andy Soloman sinh ra tại Bristol, Anh quốc. Niềm đam mê nhiếp ảnh của anh được khơi dậy từ những năm 20 tuổi, và anh bắt đầu theo đuổi nghề nghiệp này một cách chuyên nghiệp, làm việc cho nhiều tờ báo, tạp chí và các công ty ảnh lớn. Từ 1997 đến 2002, anh làm việc cho Reuters trước khi chuyển sang lĩnh vực xuất bản tài chính và kinh tế từ 2002 đến 2014. Sau đó, anh sáng lập công ty riêng.

Hiện nay, Andy đã quay lại với đam mê nhiếp ảnh chính của mình. Sau triển lãm Hà Nội một thời để nhớ (cùng nhiếp ảnh gia Lê Bích) diễn ra vào tháng 10/2024 tại Hà Nội, anh tiếp tục thực hiện dự án lớn của mình mang tên "Continuum: Vietnam", trong đó anh tìm kiếm những người mà mình từng chụp ảnh cách đây hơn 30 năm tại Việt Nam.

Trong tương lai gần, Andy dự định sẽ tổ chức thêm nhiều triển lãm nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Những mùa Xuân của tình yêu

Và trong vẻ đẹp ấy của Thủ đô Việt Nam, như anh từng nói: Hà Nội đã có quá nhiều màu sắc nên màu đẹp nhất lại là đen trắng?

- Tôi nghĩ ảnh đen trắng giúp người xem tập trung vào chi tiết và câu chuyện trong bức ảnh. Trong khi, màu sắc làm phân tán cảm xúc, ảnh đen trắng lại có khả năng truyền tải tính vượt thời gian. Đó là lý do tôi thường chọn cách này để lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt.

Nói riêng về màu sắc Hà Nội thời tôi đến chỉ có màu nâu, màu vàng (ở các tòa nhà) và màu xanh. Cuộc sống cũng đều là những tông màu trầm khi đàn ông mặc quần áo màu xanh bộ đội, phụ nữ thì quần đen, áo nâu (tím đậm). Nên tôi có in màu thì ảnh vẫn trầm tối. Đôi khi nhìn ảnh màu chụp Hà Nội thời đấy còn khiến thành phố trở nên cũ kỹ, mà tôi thì không muốn mọi người cảm nhận về Hà Nội theo cách này.

Tuy nhiên, có những lúc tôi sử dụng ảnh màu để làm nổi bật câu chuyện của bức ảnh. Chẳng hạn, tôi chọn màu cho những bức ảnh chụp Chùa Trấn Quốc và không gian cổ xưa của Cổ Loa. Nhưng đối với những bức ảnh về người dân sống dọc theo sông Hồng sau cơn bão Yagi, tôi quyết định chụp bằng ảnh đen trắng. Dù sử dụng máy ảnh màu, những bức ảnh này vẫn được in đen trắng.

Câu chuyện tôi muốn kể ở bức ảnh này, đó là những người dân nơi đây, dù đã mất gần như tất cả vì cơn bão, sống trong cảnh nghèo khó nhưng họ vẫn tỏa sáng vẻ kiên cường và phẩm giá. Tôi tin rằng ảnh đen trắng đã bảo tồn được phẩm chất cao quý này, trong khi ảnh màu có thể làm nổi bật sự bẩn thỉu và khổ cực trong hoàn cảnh của họ.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 9.

Một người đơn độc kiên nhẫn chờ cá cắn câu khi hoàng hôn buông xuống trên mặt nước tĩnh lặng và yên bình của Hồ Tây, Hà Nội

* Phải nói rằng, hành trình gắn bó của anh với Việt Nam đến từ nhiều yếu tố nhưng nếu không phải cơ duyên gặp được vợ mình tại đây - một cô gái Việt Nam - cuộc "phiêu lưu" này của anh hẳn sẽ không dài đến thế?

- Nếu nói về quá khứ, tôi nghĩ rằng kể cả có gặp vợ tôi hay không thì dấu ấn Việt Nam thời điểm 1992 - 1993 với tôi vẫn rất đậm nét. Thực tế, không chỉ người Việt Nam thời điểm đấy biết nắm bắt được cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình mà những người ngoại quốc đến đây cũng vậy. Cho đến nay, nhiều người nước ngoài vẫn miêu tả Việt Nam là một nơi đặc biệt, mang lại những cơ hội phát triển cá nhân và nghề nghiệp.

Cuộc gặp của tôi và vợ tôi ở đây đã đưa mối liên kết của tôi với Việt Nam lên một tầm cao mới, sâu sắc hơn rất nhiều. Hà Nội (Việt Nam) đã trở thành ngôi nhà của tôi, chốn mà tôi thường xuyên đi về.

* Khi lấy vợ Việt Nam thì cái Tết đầu tiên ở đây diễn ra như thế nào với anh?

- Lần đầu tiên tôi đón Tết ở Việt Nam là năm 1993. Và 2 cái Tết liên tục tôi được "tận hưởng" hương vị của tiếng pháo và khói pháo "mù mịt".

Ấn tượng nhất về Tết của tôi còn là phong tục của người Việt Nam như cỗ bàn, lễ thăm hỏi gia đình vào ngày Tết.

Nghĩ lại, ngày xưa mọi người đi thăm nhau nhiều hơn bây giờ. Ngày đấy, mọi người đến nhà nhau có khi còn không gặp được vì ai cũng đi chúc Tết. Nhưng tôi cảm thấy, ý nghĩa hơn cả trong những ngày Tết ở Việt Nam chính là các lễ hội.

Tôi cảm thấy tất cả những ngày lễ hội ở Việt Nam vẫn còn đấy, bao gồm việc giữ được tính lịch sử cao và với điều kiện bây giờ, các lễ hội còn có thể được tổ chức long trọng hơn trước.

Báo Xuân - Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman: Cuộc "phiêu lưu" hơn 30 năm ở Việt Nam - Ảnh 10.

Những người đổi tiền trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, chụp ngày 28/10/1992

* Nhưng anh có nghĩ một năm có 365 ngày mà chúng tôi có đến … 8.000 lễ hội là quá nhiều không?

- Tôi không nghĩ vậy. Các lễ hội không chỉ quan trọng với cộng đồng địa phương mà còn góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc - điều làm nên sự độc đáo và đặc biệt của Việt Nam.

*Như anh nói là Hà Nội dù có thay đổi thì con người nơi đây vẫn nồng ấm, phải không? Nhưng tôi nghĩ câu này chỉ hợp với khách du lịch thôi, còn một người đã là rể Việt Nam như anh thì chắc còn thấy nhiều điều hơn thế?

- Tôi nghĩ con người phần lớn trên thế giới đều là người tốt mà người Việt Nam thì rất rộng rãi cả về thời gian và lòng mến khách. Cách đây 30 năm, người Việt Nam đã thể hiện mong muốn vươn ra thế giới cũng như muốn trao tặng những gì mình có với thế giới. Tôi nghĩ đó cũng là tính cách chung của người Việt Nam. Sự cởi mở của người Việt Nam chính là một trong những lý do để ai đến đây cũng rất dễ yêu mến nơi này!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Niềm đam mê nhiếp ảnh

"Tôi nhận ra niềm đam mê nhiếp ảnh của mình khi tôi còn ở độ tuổi 20. Đó là lúc tôi đang làm quản lý cho một ban nhạc, được đi rất nhiều nơi. Nhờ đó, tôi không chỉ chụp ảnh chân dung các nghệ sĩ, ảnh ban nhạc hay các buổi hòa nhạc, lễ hội âm nhạc mà còn có nhiều không gian khác để chụp. Khi đó, tôi đã bán được ảnh cho các tạp chí thời điểm đó khá dễ dàng và công việc này giúp tôi đủ sống.

Nhưng tôi hiểu là mình phải học hỏi thêm nên đã quyết định đi học về nhiếp ảnh. Trường nghệ thuật nơi tôi học đã cho tôi nhiều cơ hội học hỏi về nhiếp ảnh, từ kỹ thuật, từ màu sắc, ánh sáng, rửa phim, tráng phim… (vì thời đấy chỉ có phim nhựa).

Khi thực sự dấn thân vào công việc này, tôi cũng nhận ra mình đam mê với thể loại ảnh phóng sự, tài liệu hơn là ảnh thương mại" - Andy Soloman.

Ngọc Minh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link