03/11/2015 07:35 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1999, phim The Blair Witch Project khiến khán giả sốc và bối rối ngay khi ra mắt. Nhiều người thậm chí tin rằng “những đoạn phim quay nghiệp dư” trong phim là thật.
Thật giả lẫn lộn
The Blair Witch Project được lên kịch bản, quay phim và biên tập bài bản, nhưng thể hiện dưới dạng các đoạn phim do nhân vật trong phim ghi lại một cách nghiệp dư. The Blair Witch Project là phim kinh dị đầu tiên được thực hiện theo hình thức này, kéo theo hàng trăm phim bắt chước về sau.
Bộ phim ra mắt vào tháng 10/1999, và không phải là phim có kiểu quay nghiệp dư đầu tiên (danh hiệu này thuộc về Cannibal Holocaust -1980). Nhưng The Blair Witch Project là phim chính thống đầu tiên được chiếu rộng rãi thuộc dạng này, với nội dung vượt trội.
“Bây giờ thì nghe hơi điên, nhưng từng có suy nghĩ rằng Blair Witch là một phim tài liệu khi nó ra mắt” – Jamie Graham, biên tập viên của tạp chí Total Film, nói về cảm giác chân thực khó tin mà phim mang lại.
The Blair Witch Project kể về 3 sinh viên điện ảnh của Mỹ đi làm phim tài liệu về một huyền thoại của vùng Maryland. Nghe đồn ở trong các khu rừng Maryland có hồn ma của một phù thủy từ thế kỷ 18, họ lên kế hoạch đi cắm trại ở đó vào cuối tuần, để có thể quay một vài hình ảnh của hồn ma kia. Họ không ngờ quyết định đã đẩy mình vào một tình thế đáng sợ.
Ban đầu bộ ba bị đi lạc. Sau vài ngày vài đêm, họ nghe thấy những âm thanh lạ lùng và bí ẩn từ các khối đá và cành cây. Bộ phim kết thúc không rõ ràng, nhưng bộ ba kém may mắn đã không bao giờ trở về từ rừng cây u ám, chỉ để lại những đoạn phim đã được họ thu hình.
Năm 1999, phim ra mắt khán giả tại LHP độc lập Sundance, và gây sốc nặng vì tính chân thực. Người ta phải đưa ra một câu khẩu hiệu để trấn an khán giả: “Để tránh ngất xỉu, hãy liên tục tự nhắc mình rằng đây chỉ là một bộ phim”.
Nhưng biên kịch và đạo diễn của phim, Daniel Myrick và Eduardo Sánchez, lại có thông điệp ngược lại: họ muốn khán giả tưởng tượng bộ phim không phải tác phẩm hư cấu, mà giống như một phim tài liệu.
Để tăng độ chân thực, các diễn viên cũng dùng tên của chính họ trong phim, gồm Heather Donahue, Michael C Williams và Joshua Leonard. Các đoạn thoại là ứng biến, và hình ảnh trong phim phần lớn do chính tay họ quay khi đi rừng.
Myrick và Sánchez để lại những ghi chép xung quanh khu vực họ đi qua, viết về nơi họ sẽ đi, việc họ sẽ làm, cảm giác không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra, bày tỏ sự ức chế và mệt mỏi thật đến mức sờ thấy được.
“Blair Witch là sự pha trộn kỳ lạ giữa diễn xuất và thực tế” – Mark Kermode, một nhà phê bình chuyên về phim kinh dị, nhận xét - “Khi các nhân vật trong phim khám phá một hình dáng ma quỷ treo mình trên thân cây, họ thực sự đang làm điều đó ở ngoài đời, chứ không phải diễn xuất. Rõ ràng các diễn viên biết họ đang đóng phim, nhưng bạn có thể thấy rõ chính họ cũng rất bối rối và hoang mang”.
“Đây chính là yếu tố đẩy diễn xuất vượt qua giới hạn, và nó tác động đến khán giả. Tôi còn nhớ khi người ta xem phim vào năm 1999, họ nói: Tôi xin lỗi, nhưng cảnh đó thật hay giả vậy?” - Kermode chia sẻ.
Bầu không khí chân thực không chỉ bao quanh bộ phim. Để quảng bá, Myrick, Sánchez và nhóm của họ đã tạo ra một trang web đăng tải những huyền thoại xoay quanh câu chuyện trong phim, kể cả huyền thoại về phù thủy thế kỷ 18 kia.
Trang web này cũng đăng những bài báo chế, các bài phỏng vấn với những người quen của các nhân vật. Hàng triệu người đã truy cập trang web này trước khi xem phim.
“Nhà sản xuất rất thông minh khi xóa nhòa ranh giới giữa đời thực và hư cấu” - Kermode nói - “Họ quay một bộ phim chẳng tốn bao nhiêu tiền, rồi tạo ra một chiến dịch tiếp thị mà các công ty tiếp thị hàng đầu cũng phải mơ ước”.
Buổi giao thời giữa thế kỷ 20 và 21
Các đoạn phim nghiệp dư trở thành hiện tượng quốc tế kể từ vụ khủng bố 11/9, theo nhận xét của Pete Turner, một chuyên gia điện ảnh. Người ta kinh ngạc vì số lượng các đoạn phim nghiệp dư được người dân thường tự quay để ghi lại hình ảnh của thảm họa, thay vì chờ đợi các nhà quay phim chuyên nghiệp như trước.
Và cú hích tiếp theo là sự ra đời của YouTube năm 2005. Kể từ đó chúng ta quá quen với việc người ta tự quay phim khắp nơi, đến nỗi chuyện này không còn gì lạ lẫm.
Mặc dù vậy, trở lại năm 1999, Blair Witch thực sự là một hiện tượng điện ảnh. Đó là thời Internet giúp thông tin có thể được tìm kiếm một cách dễ dàng, song rất khó kiểm chứng. Ngoài ra, Blair Witch khác biệt bởi nó sinh ra giữa buổi giao thời của của thế kỷ 20 vả thế kỷ 21 - một thời điểm hoàn hảo.
“Nếu xem những phim kinh dị cùng năm 1999 như The Sixth Sense với Bruce Willis, The Haunting của Jan de Bont với Liam Neeson và Catherine Zeta-Jones, The Mummy với Brendan Fraser và Rachel Weisz, bạn sẽ thấy phim kinh dị khá xuống cấp" - Turner đánh giá - "Các phim đó chỉ toàn ngôi sao lớn và kỹ xảo. Khán giả xem không đã. Họ đón chờ sự xấu xí và đầy sạn nhưng chân thực của The Blair Witch Project”.
16 năm sau, người ta dễ dàng quên rằng bộ phim từng đặc biệt như thế nào. “Chúng ta nay đã quen rồi” – Kermode nhận định – “Nhưng xem một bộ phim quay bằng máy quay phim kỹ thuật số vào năm 1999 là cực kỳ lạ lẫm. Và nó hiệu quả. Tôi biết giờ đây người ta có thể nói rằng Blair Witch không còn đáng sợ như thời năm 1999 nữa, nhưng thời ấy thì có. Lần đầu tiên xem nó, mọi người đã thực sự kinh hoàng”.
Trailer phim The Blair Witch Project:
Nha Đam (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất