23/07/2015 06:06 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Van Gaal đã khẳng định rằng ngày 25/07 tới, Angel di Maria sẽ tới Mỹ để hội quân với Man United. Nhưng đó không phải lời đảm bảo rằng tiền vệ người Argentina sẽ ở lại Old Trafford ở mùa giải mới.
1. Di Maria sẽ đến Mỹ đúng ngày diễn ra trận đại chiến giữa Man United và Barcelona. Nhưng màn so tài 5 ngày sau đó cũng đáng chú ý không kém khi Quỷ đỏ chạm trán Paris Saint Germain. Đó rõ ràng là một dịp để PSG “xem giò” Di Maria một lần nữa. Thậm chí, sẽ không ngạc nhiên nếu anh tận dụng khoảng thời gian này để trực tiếp thương thảo với đội bóng Pháp. PSG đã thích tiền vệ người Argentina từ mùa trước nhưng không thể có anh vì luật công bằng tài chính của UEFA.
Trong hai trận đấu vừa rồi, Ashley Young rồi Andreas Pereira đã thay thế khá tốt vị trí của Di Maria, đó là chưa kể Man United đang nhắm Pedro. Van Gaal cũng thừa nhận chỉ cần “số 7” nộp đơn đề nghị, ông sẵn sàng bán anh, tất nhiên là phải được giá.
Nếu thương vụ này xảy ra, không khó để tin rằng cả ba bên đều hạnh phúc. Man United sẽ có một khoản tiền lớn (PSG đề nghị 40 triệu bảng, nhưng có thể sẽ cao hơn) và thừa sức mang Pedro về để thay thế chính Di Maria. Ban lãnh đạo PSG sẽ hoan hỉ vì đón được một cầu thủ mà họ tin rằng có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình tại châu Âu. Còn Di Maria sẽ thoát khỏi cuộc sống u ám tại xứ sương mù để khởi động lại sự nghiệp.
2. Nhưng dù thế nào, vẫn sẽ có những tiếc nuối nếu Di Maria ra đi. Anh từng là bản hợp đồng đầy hứa hẹn với Man United, không chỉ vì cái giá kỷ lục 59,7 triệu bảng. Anh là niềm cảm hứng của Real Madrid trong thành tích về nhì La Liga 2013-14, góp công lớn trong chiến thắng trước Barcelona ở chung kết cúp Nhà vua, và trước Atletico Madrid ở chung kết Champions League. Sau đó mùa Hè khó quên tại World Cup 2014, khi Argentina vào chung kết.
Có rất nhiều lý do tại sao Di Maria sa sút tại Man United, và khó có thể đổ lỗi cho một mình anh.
Hãy bắt đầu với Van Gaal, người luôn có xu hướng áp đặt đối với các ngôi sao, người từng chỉ cho Rooney cách sút má trong như thế nào, từng tuyên bố rằng ‘một cầu thủ có giá 95 triệu bảng với 5 nghìn bảng cũng chả có gì khác biệt đối với tôi” khi báo giới đề cập tới Falcao hồi tháng Giêng.
Dưới triều đại Van Gaal, những bản hợp đồng đắt giá luôn phải chứng tỏ nhiều hơn những đồng nghiệp. Con số 10 đường kiến tạo thành công sau 20 trận đá chính tại Premier League (theo WhoScored) là không tồi, nhất là trong bối cảnh vừa chân ướt chân ráo tới một giải đấu mới, một nền văn hóa mới, ở một đội bóng đang cố gắng tìm kiếm sự ổn định.
Việc kết thúc mùa giải trong Top 4 là đáng ghi nhận, song chưa đủ. 6 tháng đầu tiên ở mùa giải thứ hai có ý nghĩa quan trọng và sẽ cho thấy Man United đã tiến bộ đến đâu. Người hâm mộ luôn khó tính, và ở mùa giải thứ hai này, họ muốn chứng kiến một Man United thành công hơn, chơi đẹp hơn. Nhiệm vụ ấy có thể sẽ không hề dễ dàng khi thiếu Di Maria.
3. Sau cùng, chính Di Maria cũng phải chịu trách nhiệm cho sự sa sút của bản thân. Có lẽ sự mệt mỏi sau khi kết thúc VCK World Cup 2014 là một lời giải thích xác đáng. Bên cạnh đó là những rắc rối ngoài sân cỏ (vụ trộm đột nhập vào nhà khiến tâm lý anh ảnh hưởng nghiêm trọng). Nhưng rõ ràng ai cũng thấy phong độ anh đã sa sút đáng báo động sau một khởi đầu ấn tượng. Sự thực, Di Maria đã thiếu ý chí chiến đấu sau khi anh bị mất vị trí chính thức tại Man United.
Có nhiều lý do để tin rằng ở môi trường mới như Paris, Di Maria sẽ lại tỏa sáng. Nhưng dù gì, anh, Man United và Van Gaal có thể sẽ phải tiếc nuối vì sự kết hợp giữa họ đã không thể đơm hoa kết trái như kỳ vọng.
Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất