10/02/2025 17:40 GMT+7 | Tin tức 24h
Hiện nay, đợt bùng phát cúm mùa đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh cúm vẫn là một căn bệnh có thể gây tử vong, đặc biệt đối với người cao tuổi và những bệnh nhân có bệnh lý nền.
Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng cúm được khuyến khích, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Giới chuyên môn cũng cảnh báo những người mắc bệnh mạn tính nên cân nhắc khi đến các quốc gia đang có đợt bùng phát cúm và cần ghi lại số điện thoại cấp cứu cũng như mua bảo hiểm trước khi khởi hành.
Mùa cúm 2024-2025 đang tàn phá nước Mỹ với tốc độ đáng báo động. Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 7/2/2025, nước này đã ghi nhận ít nhất 24 triệu ca mắc bệnh, 310.000 ca nhập viện điều trị và 13.000 ca tử vong do cảm cúm. Những con số này đánh dấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, ngang bằng với đỉnh điểm của đại dịch cúm lợn năm 2009.
Nước Mỹ đang trải qua đợt bùng phát dịch cúm thứ hai trong mùa cúm 2024 - 2025. Ảnh: ABC NEWS
Tình trạng dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng khi hơn 45 bang và khu vực báo cáo mức độ hoạt động của cảm cúm ở mức "cao hoặc rất cao", trong khi số ca khám cấp cứu liên quan đến cảm cúm trên toàn quốc cũng đạt mức "rất cao". Đáng chú ý, CDC cũng ghi nhận một trường hợp nhiễm virus cúm A (H1N2) biến thể ở người trong tuần này. Đây là ca nhiễm virus cúm biến thể đầu tiên được báo cáo trong mùa 2024-2025 tại Mỹ, cho thấy thêm một thách thức mới trong cuộc chiến kiểm soát dịch cúm. Trước tình hình này, CDC khuyến cáo tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên tiêm vaccine ngừa cúm hằng năm. Đây được coi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nghiêm trọng.
Nhật Bản đang trong giai đoạn dịch cúm mùa khi số lượng bệnh nhân mắc cúm mùa chiếm con số áp đảo so với các bệnh khác. Mặc dù, số lượng bệnh nhân mắc cúm mùa trong tuần cuối tháng 1/2025 đã có xu hướng giảm nhưng giới chức y tế Nhật Bản vẫn cảnh báo dịch cúm vẫn ở mức báo động. Ước tính số bệnh nhân trên toàn quốc trong tuần tính đến ngày 19/1 là khoảng 386.000 người và tổng số bệnh nhân trong mùa này kể từ ngày 2/9/2024 ước tính là khoảng 9.523.000 người. Cuối năm 2024, giới chức y tế Nhật Bản đã thông báo số ca bệnh cúm mùa vào thời điểm cuối năm ở mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), các chuyên gia y tế cảnh báo đặc khu này có thể sẽ chứng kiến số ca nhiễm cúm tăng đột biến khi sinh viên và người dân trở về sau kỳ nghỉ Tết, và mùa cúm có thể kéo dài đến tận tháng 4. Mùa cúm ở Hong Kong thường kéo dài từ 2-4 tháng, được tính bắt đầu vào ngày 9/1. Trong năm 2024, mùa cúm kéo dài 28 tuần do có sự chuyển dịch từ chủng cúm A H3 sang chủng H1. Nhiều ngưởi ở Hong Kong, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao như người già, trẻ em và những người mắc bệnh nền, đã được tiêm vaccine ngừa cúm.
Trong khi đó, mùa đông năm nay đang chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của dịch cúm tại nhiều quốc gia châu Âu. Các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Nga cho biết số ca mắc bệnh cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính đang gia tăng tại Liên bang Nga. Đáng lo ngại hơn là dự báo tỷ lệ mắc bệnh có thể còn tăng cao hơn nữa. Mùa cao điểm mắc cúm ở Nga thường rơi vào tháng 3 và tháng 4, song năm nay thời tiết ấm bất thường, nhiệt độ liên tục ở mức dương trong tháng 12/2024 và tháng 1/2025, nhiều mưa, khí hậu ẩm, là những điều kiện thuận lợi để dịch cúm mùa bắt đầu sớm hơn bình thường.
Ảnh: SCMP
Đại công quốc Luxembourg, với hệ thống y tế hiện đại, không nằm ngoài xu hướng phải đối mặt với dịch cúm mùa. Số liệu thống kê mới nhất cho biết số ca mắc cúm tại Luxembourg đã tăng đáng kể trong những tuần gần đây, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi và trẻ em. Áp lực đối với các bệnh viện, đặc biệt là các khoa cấp cứu, đã gia tăng đáng kể. Chính phủ Luxembourg đã kịp thời triển khai các biện pháp như tăng cường năng lực xét nghiệm, mở rộng giường bệnh, và khuyến khích người dân tiêm phòng cúm. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, như yêu cầu nhân viên và bệnh nhân đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên.
Các bệnh viện ở Bỉ cũng đang phải chật vật đối phó với tình trạng quá tải nghiêm trọng do sự gia tăng đột biến của bệnh nhân mắc cúm mùa. Giới chức y tế nước này cảnh báo làn sóng nhiễm trùng đường hô hấp mạnh, đặc biệt là cúm, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi và những người có sức đề kháng yếu. Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như tiêm phòng, đeo khẩu trang và khám bệnh tại tuyến cơ sở là hết sức quan trọng trong thời điểm hiện tại.
Tổ chức Y tế Thế giới và các Hiệp hội về bệnh hô hấp, tim mạch... đưa ra khuyến cáo những đối tượng như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm để phòng bệnh. Vaccine cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm; nếu mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vaccine cúm cần nhắc lại hằng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.
Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu mắc cúm mùa cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì virus cúm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai có thể gây dị dạng thai. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được vaccine cúm.
Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vaccine. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: Tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vệ sinh môi trường như: tránh không khí ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vệ sinh bề mặt, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất