Nhịn đói vì khoa học

05/09/2014 11:37 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Họ tự nguyện nhịn đói một cách cực đoan cho đến khi rụng hết tóc, tràn dịch màng phổi, trầm uất đến mức mất trí... 36 người Mỹ trẻ tuổi tham gia một thí nghiệm của chính phủ Hoa Kỳ kéo dài nửa năm.

“Lạy Chúa, con đã hành hạ họ”

Sam Legg bổ củi hùng hục như một kẻ tâm thần. Từ trong cửa sổ vẳng ra tiếng chuyện trò vui vẻ của hai cô gái đã trao việc bổ củi cho anh, nhưng đau đớn hơn là tiếng dao nĩa lanh canh chạm vào đĩa sứ. Anh cố hết sức mà không thể tập trung tinh thần được. Trí óc anh chỉ quanh quẩn với hình ảnh quyến rũ của những món ăn trên bàn. Họ đang ăn gì nhỉ? Thịt rán? Kem? Bánh ngọt? Thực ra thì không quan trọng là trên bàn có món gì, vì Sam sẽ không được nhận một miếng nào. Anh cắn răng vung rìu bổ củi tiếp để xua những hình ảnh đó khỏi tâm trí. Nhưng anh biết sẽ không thành. Ở thời điểm đó, Sam Legg trông giống bộ xương biết đi hơn là một con người bình thường. Má anh hóp sát xương, da bụng dính chặt vào ruột, hai chân khẳng khiu như cây sậy. Sam nhịn đói từ nhiều tháng nay, thậm chí với một niềm kiêu hãnh nhất định. Song hôm nay, vào một buổi tối cuối Hè 1945, anh phải kiệt quệ giương cờ trắng. Sam run rẩy xòe ba ngón giữa của bàn tay trái, đặt lên khúc củi, rồi vung rìu. Ba ngón tay vấy máu rơi xuống đống mùn gỗ bẩn thỉu: đó là giấy nhập viện của Sam, cho Sam vào một nơi chắc chắn có suất ăn tử tế. Rồi anh ngất đi.

“Lạy Chúa, con đã hành hạ họ”, đó là phản ứng đầu tiên của Ancel Keys khi nghe báo cáo về tai nạn nọ. Không ai khác ngoài viên Giám đốc Phòng Thí nghiệm sức khỏe thuộc Đại học Minnesota gánh trách nhiệm về thể trạng thảm hại của Sam Legg và 35 người khác tham gia cuộc thí nghiệm từ mùa Thu 1944.


Các thử nghiệm nhằm tìm ra kỹ năng nào bị giảm sút khi con người đói kinh niên 

Nhịn đói để phục hồi danh dự

Nga, Hà Lan, Hy Lạp trong những năm cuối của Thế chiến 2 - tin tức về hàng triệu người chết đói ở đó đã bay đến Hoa Kỳ. Chính phủ nước này vắt óc suy nghĩ cách phục hồi sức khỏe cho họ, song bên cạnh đó, các nhà khoa học còn muốn biết tình trạng đói kinh niên sẽ thay đổi cơ thể và tâm lý con người ra sao, và có hệ quả gì đối với xã hội và nền chính trị châu Âu. Ancel Keys được tín nhiệm trao sứ mạng tìm ra câu trả lời.

Thoạt tiên ông cần một nhóm chuột bạch hai chân, những người tình nguyện tham gia thí nghiệm. Ông tổ chức một chiến dịch quảng cáo, nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của dự án. Trong thâm tâm, ông hướng tới những thanh niên trốn quân dịch, vì ông biết khá nhiều người trong họ không chịu nổi sự khinh bỉ của xã hội dành cho những kẻ trốn tránh nghĩa vụ ái quốc. Đây sẽ là một khả năng để họ thực thi nghĩa vụ đối với quốc gia mà không phải cầm súng vào tay.

Quả nhiên ông thành công: 400 đơn được gửi đến, và Key thoải mái lựa ra 36 người hăng hái nhất. Tinh thần đó được giữ vững đến hết giai đoạn thí nghiệm, kể cả với Sam. Khi Key đến thăm Sam tại bệnh xá, anh quỳ xuống xin ông cho anh làm tiếp thí nghiệm. “Cho đến cuối đời, người ta sẽ hỏi tôi đã làm gì trong chiến tranh. Thí nghiệm này là cơ may cho tôi, để tôi tìm ra câu trả lời danh dự”.


36 thanh niên trốn quân dịch được chọn tham gia thí nghiệm tìm hậu quả của nạn đói

Những thân xác kiệt quệ

Tháng 11/1944, những thanh niên dưới tuổi 30 ấy được tập trung tại khu thí nghiệm. Mấy tháng đầu, họ ăn uống bình thường và được khám nghiệm rất kỹ. Thí nghiệm thực sự bắt đầu hôm 12/1/1945, thay vì 3.400 kcal/ngày họ chỉ được nạp 1.500, chia làm hai bữa. Ngày nào cũng đơn điệu với bắp cải, củ cải, khoai tây và bánh mì.

Chỉ vài tuần sau đã dễ dàng nhận thấy tác động vật lý và tâm lý. Các thanh niên trẻ khỏe hết hẳn ham muốn tình dục. Họ còn trở nên kiệm lời và giảm phản ứng với thế giới bên ngoài. Trong phòng ăn chỉ còn 36 hình nhân hoàn toàn ngơ ngác thụ động, không thèm để ý đến cách xử sự văn minh và thậm chí quên tắm rửa. “Tôi cảm thấy ngày càng xa lánh các bạn khác, tất cả mất dần các kỹ năng ứng xử xã hội”, một người tham gia tên Lester Glick ghi vào nhật ký.

Sức lực của họ cũng xuống dốc với cùng tốc độ. Cơ thể họ phù lên vì tích nước, họ run lẩy bẩy ngay dưới nắng, mạch đập hạ xuống 40 hay 30 mỗi phút. Ai cũng than vãn về chứng chóng mặt, mệt mỏi và rụng tóc. Trung bình mỗi người mất một phần tư trọng lượng. Khi hết mỡ, cơ bắp bắt đầu teo đi, dần dần đùi và tay họ to bằng nhau.

Những kiến thức muộn mằn

Hằng ngày họ đi làm tại xưởng giặt hoặc trong phòng thí nghiệm, nhưng họ thấy công việc ngày càng khó làm. Các sinh viên không thể lên lớp, và hầu như ai cũng cố hết sức mới chạy nổi 36 km/tuần. Toàn bộ đầu óc họ chỉ còn nghĩ đến ăn!

Thời gian đầu, tất cả được tự do ra phố. Nhưng để kiểm tra lẫn nhau, họ chỉ được phép đi từng đôi. Tuy nhiên các cuộc đi chơi cũng thưa dần vì cơ thể gầy guộc của họ khiến cả phố quay lại nhìn ngó.

Tạp chí Minneapolis Star-Journal St.Paul Dispatch báo cáo định kỳ về cuộc thí nghiệm, khiến cả khu vực chăm chú theo dõi. Tạp chí Life số 30/7/1945 đăng một bài dài về “những thanh niên nhịn đói ở Minnesota. Là những người trốn lính, họ tự nguyện tham gia dự án nghiên cứu vấn đề lương thực ở châu Âu”. Ít nhất thì qua đó 36 thanh niên nhận được sự trân trọng của xã hội như họ vẫn mong muốn.

Cuối tháng 7/1945 bắt đầu giai đoạn phục hồi. Lượng calori được tăng từ từ, khẩu phần ăn được bình thường hóa. Nhưng kết quả không như mong đợi. “Giai đoạn này tệ hơi hồi nhịn đói”, Roscoe Hinkle nhớ lại. “Tôi liên tục có cảm giác là tình trạng sức khỏe không hề tốt lên”. Các thành viên khác cũng thấy thế. Thậm chí họ còn giảm cân vì cơ thể mất nước. “Phục hồi tình trạng thiếu dinh dưỡng phức tạp hơn dự đoán”, Keys cho biết trên tờ New York Times hồi 6/1946. Vitamin và đạm không phải là tất cả. Một người bình thường cần 4.000 kcal/ngày để hoạt động.

4 năm sau các số liệu mới được đánh giá hết, tập trung trong báo cáo The Biology of Human Starvation dày 1.400 trang. Quá muộn: vào thời điểm đó, châu Âu đã khắc phục nạn đói từ lâu.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link