Nhìn lại các mỹ nhân trên màn ảnh thập niên 1960: Tuyệt đẹp nhưng 'siêu nhàm chán'

25/08/2015 11:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Điện ảnh thập niên 1960 đầy hào nhoáng với những nhan sắc kinh điển, từ Brigitte Bardot đến Monica Vitti. Họ đẹp tuyệt trần, được máy quay “ve vuốt” và tôn vinh. Điều đáng tiếc là tính cách nhân vật của họ chỉ xoay quanh hai chữ ủ rũ và sưng sỉa.

Phim Italy l’Eclisse (Nhật thực, 1962) sắp được phát hành lại vào 28/8. Bộ phim từng đứng thứ 73 trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời của tạp chí hoài cổ Sight & Sound, chứng tỏ nó được coi là một tác phẩm điện ảnh giá trị, và cũng được 7,9 điểm trên IMDb.

Nhưng trong mắt một bộ phận công chúng ngày nay, đây lại là một tác phẩm “quay rất đẹp nhưng mang nội dung nhàm chán”. Do đâu có nghịch lý này? Gaby Wood, nhà báo đứng đầu mảng sách của Telegraph, chỉ ra nguyên nhân nằm ở nhân vật nữ chính.

Người đẹp làm gì trong phim thế nhỉ?

Đạo diễn Michelangelo Antonioni chọn mỹ nhân Monica Vitti cho vai nữ chính trong l’Eclisse. Vitti là nàng thơ của Antonioni ở thời điểm đó, sở hữu vẻ đẹp tự nhiên lộng lẫy.

Ngày nay, các minh tinh đẹp tự nhiên như Charlize Theron hay Cate Blanchett thường tìm đến các vai diễn phải làm xấu mình để chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng. Nhưng điều này là hiếm có ở thập niên 1960.

Nhan sắc của những mỹ nhân như Monica Vitti được tôn vinh qua từng bộ phim của Antonioni, nhất là ở bộ ba l’Avventura (1960), La Notte (1961) đến l’Eclisse. Trong l’Eclisse, vẻ đẹp của Vitti đến giai đoạn rực rỡ và bí ẩn nhất.


Monica Vitti trong "l’Eclisse" và Brigitte Bardot trong "Le Mépris"

Nhưng lối diễn xuất của minh tinh này trong các phim l’Eclisse, ngày nay đã bị coi là hiếm. Lối diễn rất ít chuyển động. Thay vì thế, diễn viên nhìn chằm chằm vào không trung; nhìn xuống chiếc gạt tàn đầy rồi đẩy nó dịch chuyển vài cm; nhìn chăm chú vào tấm màn che nắng. Diễn viên cũng che giấu khuôn mặt mình dưới những lớp đệm sofa.

Nhân vật nữ vì thế mang vẻ trốn chạy và tù túng khó hiểu. Khán giả quen với phim tiết tấu nhanh ngày nay khó có thể chịu nổi lối diễn đó.

Đạo diễn Antonioni từng là một tên tuổi lớn thập niên 1960 và các phim của ông xoay quanh chủ đề là sự buồn chán và bất hòa, với nội dung rất ít diễn biến. Điều này khiến vai nữ chính trở nên tẻ nhạt, đến nỗi Gaby Wood phải đặt câu hỏi: “Monica Vitti làm gì trong phim này ấy nhỉ?”.

Trong một cảnh nhân vật của Vitti quằn quại trong chăn với vẻ mặt đau khổ, Wood thậm chí còn đùa rằng nhân vật đau khổ vì đang cố hiểu… vì sao mình lại làm khán giả bực mình đến thế.

Brigitte Bardot cũng từng khiến khán giả phát cáu

Một vai diễn khác gây cảm giác tương tự là Brigitte Bardot trong Le Mépris (Sự khinh miệt, 1963) của đạo diễn Jean-Luc Godard. Phim này cũng danh giá không kém, được coi là kiệt tác trong sự nghiệp của đạo diễn Jean-Luc Godard.

Trong phim, nhân vật của Bardot nằm trên giường, hỏi chồng (Michel Piccoli đóng): “Anh nghĩ bàn chân của em có đẹp không?”. Tiếp theo đó, nhân vật chậm rãi điểm tên từng bộ phận, từ mắt cá chân lên đầu gối, đùi, mông, ngực... như thử thách sự kiên nhẫn của người chồng và khán giả.

Bộ phim nói nhiều thứ tiếng (Italy, Pháp, Anh, Đức), nhưng theo Gaby Wood, ngôn ngữ phổ biến nhất trong phim là “sự sưng sỉa”, do nhân vật của Bardot “nói”.

“Một người đàn ông có quyền biết vì sao vợ mình hờn dỗi” - nhân vật của Piccoli nói. Nhưng nhân vật của Bardot đầy vẻ thù hận mà chẳng hiểu tại sao. Giây trước nàng vừa nói yêu chồng, giây sau đã tuyên bố không bao giờ yêu nữa.

L’EclisseLe Mépris được phát hành trong 2 năm gần nhau, 1962 và 1963. Phim của 2 đạo diễn khác nhau, với 2 minh tinh khác nhau, ở 2 ngôn ngữ khác nhau, cùng có một vấn đề đáng bàn. “Tại sao các mỹ nhân trên màn ảnh thập niên 1960 lại làm khán giả phát cáu vậy?” - Wood đặt câu hỏi.

Không chỉ dựa vào 2 bộ phim để kết luận cho cả một giai đoạn trong điện ảnh, Wood khảo sát thêm các mỹ nhân nổi tiếng: Anna Karina với vẻ đẹp búp bê, Sophia Loren đầy nhục dục, Anouk Aimée trông bỡn cợt mà thanh lịch và Romy Schneider kiểu tóc pixie cá tính. Wood kết luận rằng có một sự pha trộn của ức chế, đùa cợt và mệt mỏi. Và cả một “phả hệ điện ảnh” có thể được phác nên dựa trên các yếu tố này.

Mốt “lãnh đạm và nhạt nhẽo” của thập niên 1960

Thậm chí khi tái hiện thập niên 1960 trên màn ảnh, phụ nữ cũng được mô tả theo cách nhàm chán như thế. Đơn cử như nữ diễn viên thời hiện đại Carey Mulligan từng đóng vai Lynn Barber, một nữ nhà báo Anh, trong bộ phim lấy bối cảnh thập niên 1960 mang tên An Education.

Ở tuổi 16, nữ sinh Barber sa vào mối quan hệ lãng mạn với người đàn ông lớn tuổi David Goldman, rồi phát hiện ra ông ta là kẻ lừa đảo. Cả thời niên thiếu, trinh tiết và một phần tuổi trẻ của Barber bị Goldman cướp mất, để rồi cuối phim cô quyết định... làm lại cuộc đời.

Wood cho rằng việc điện ảnh có những nhân vật phụ nữ tẻ nhạt như thế là do các tác phẩm này đều do đàn ông làm ra, ở thời điểm đầu của phong trào giải phóng phụ nữ.

Máy quay đặc tả các diễn viên nữ như thể tôn thờ họ, nhưng sát sao đến nỗi chẳng khác nào theo dõi biểu hiện của một bệnh nhân. Kết quả là các vai nữ trên màn ảnh không thoát nổi cảm giác tù túng. Họ như bị đè nặng, trói buộc và bị hun nóng qua ống kính máy quay do đàn ông nắm giữ, chỉ đạo.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link