Nhìn lại công tác văn học nghệ thuật năm 2024: Tạo chuyển biến trong nhận thức về việc sử dụng kinh phí

20/01/2025 17:00 GMT+7 | Văn hoá

Những kết quả nổi bật cùng khó khăn, thách thức của hoạt động, công tác văn học nghệ thuật trong năm 2024 vừa được tổng kết tại Hội nghị Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam lần 4, diễn ra vừa qua tại Hà Nội.

Theo PGS-TS Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam), năm 2024 có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, tiếp tục có xu hướng phục hồi, đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh chung đó, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của đất nước.

Nhiều hoạt động thiết thực

Cụ thể, Báo cáo tổng kết của hội nghị đã chỉ rõ, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương chủ động, sáng tạo, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt về hoạt động chuyên ngành.

Theo đó, các hội đã triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: mở trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế, hội thảo khoa học, tập huấn, giảng dạy chuyên sâu về nghiệp vụ, triển lãm, liên hoan. Các hoạt động này tổ chức theo hướng tập trung nâng cao chất lượng tác phẩm, có sự cải tiến về công tác tổ chức; đổi mới về phương thức hoạt động đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.

Nhìn lại công tác văn học nghệ thuật năm 2024: Tạo chuyển biến trong nhận thức về việc sử dụng kinh phí - Ảnh 1.

Hội nghị Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam lần 4

Hoặc, về phía các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện trong điều kiện có khó khăn về kinh phí. Các hoạt động của các hội đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ kịp thời có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, thể hiện tốt vai trò, nhiệm vụ và khẳng định được vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp mang tính đặc thù tại địa phương.

Mặt khác, các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố cũng được đánh giá là đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của địa phương, gìn giữ bản sắc văn hóa vùng, miền, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các hoạt động liên kết của các hội cùng khu vực vẫn được duy trì. Từ đây, ngày càng có nhiều phương thức hoạt động linh hoạt, đổi mới, tăng tính gắn kết của các văn nghệ sĩ, tạo chuyển biến cả về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo nhân dân trong tỉnh và lan toả ra các vùng, miền khác trong cả nước.

Từ những kết quả đạt được trong năm, TS Đoàn Thanh Nô (Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam) đánh giá: "Văn học nghệ thuật góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội, tạo niềm tin vào tiền đồ của đất nước, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong nhân dân".

Tìm cách tháo gỡ khó khăn

TS Đoàn Thanh Nô (Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam)  chỉ rõ, công tác văn học nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Đơn cử, kinh phí hoạt động còn có những vướng mắc về nhận thức, về cơ chế, về chế độ, chính sách.

Từ thực tế địa phương, nhà văn Niê Thanh Mai (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Cuối năm 2024, chúng tôi mới nhận được thông tin chính thức có nguồn kinh phí cấp về. Việc này cũng có nghĩa là kinh phí của năm 2024 sẽ được chuyển sang năm 2025. Như vậy, trong suốt năm 2024, chúng tôi cũng như rất nhiều hội văn học nghệ thuật khác trong cả nước gần như "đóng băng" trong rất nhiều hoạt động như đi thực tế sáng tác, quảng bá tác phẩm…".

Nhìn lại công tác văn học nghệ thuật năm 2024: Tạo chuyển biến trong nhận thức về việc sử dụng kinh phí - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai phát biểu tại hội nghị

Thực tế khó khăn về kinh phí hoạt động cũng gặp phải ở các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương. PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) cho hay: "Ở nhiệm kỳ tới, thách thức đối với các hội chuyên ngành trung ương cũng như các hội địa phương, đó là vấn đề giảm chi của tất cả các hoạt động. Như hội chúng tôi, được Bộ Tài chính thông báo toàn bộ chi phí đặc thù của hội trong cả một năm tới chỉ có khoảng 280 triệu đồng. Trong khi, trước đây khoản chi này là khoảng 1,4 tỷ đồng".

Trước tình hình eo hẹp về kinh phí hoạt động, một số hội văn học nghệ thuật đã có những "cách làm hay" để từng bước tháo gỡ khó khăn này. Đơn cử như trường hợp của Hội Điện ảnh Việt Nam đã chủ động áp dụng hình thức liên kết vùng, dựa trên các hoạt động xã hội hóa.

"Trước những khó khăn về kinh phí, ngay từ sau dịch Covid-19, chúng tôi thấy rằng Hội Điện ảnh Việt Nam muốn hoạt động được thì phải có sự liên kết, sự ủng hộ của tất cả các địa phương, các vùng, nơi chúng tôi tổ chức trại sáng tác, tổ chức các lớp nâng cao nghiệp vụ" - PGS Đỗ Lệnh Hùng Tú dẫn chứng - "Ví như, chúng tôi đã đến Bạc Liêu và được chính quyền, văn nghệ sĩ hỗ trợ ăn ở tại địa phương để tổ chức trại sáng tác. Anh chị em đến dự trại sáng tác cũng bằng phương tiện cá nhân, chi phí tự túc. Nhờ vậy, chúng tôi đã có thêm trại sáng tác, ngoài 2 trại sáng tác được Bộ VH,TT&DL tổ chức hàng năm. Với cách làm như vậy, chúng tôi có thể tổ chức từ 4-5 trại sáng tác hàng năm ngoài chi phí được nhà nước cấp".

Từ những kết quả có được, ông Tú nhấn mạnh, hình thức liên kết vùng dựa trên các hoạt động xã hội hóa nếu được phát huy, các hội văn học nghệ thuật đều thuận lợi tổ chức các hoạt động chuyên môn trong muôn vàn những khó khăn về kinh phí.

Tạo chuyển biến về nhận thức

Mặt khác, thực tế khó khăn về kinh phí cũng tạo ra những chuyển biến nhận thức đáng kể cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là đội ngũ lãnh đạo công tác văn học nghệ thuật.

Nhìn lại công tác văn học nghệ thuật năm 2024: Tạo chuyển biến trong nhận thức về việc sử dụng kinh phí - Ảnh 3.

Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt năm 2022

Như lời của Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai: "Phải chăng lâu nay chúng ta chờ đợi quá nhiều kinh phí từ nguồn hỗ trợ của nhà nước? Có nguồn kinh phí này chúng ta mới hoạt động? Thực tế này chứng tỏ một điều: Chúng ta rất thụ động trong hoạt động của chính địa phương mình và trong chính hội văn học nghệ thuật của mình?".

Bà Mai bày tỏ: "Ở địa phương với vai trò lãnh đạo hội, chúng tôi rất khổ. Khổ ở chỗ một bộ phận văn nghệ sĩ cho rằng họ là người tài nên chúng tôi phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với họ, với hoạt động sáng tác của họ".

Theo nhà văn Niê Thanh Mai, để thay đổi được nhận thức phụ thuộc vào kinh phí hỗ trợ, lãnh đạo hội văn học nghệ thuật cần đưa ra và làm rõ quan điểm với hội viên.

"Đó là, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo hội luôn tạo mọi điều kiện và cơ chế để văn nghệ sĩ được đi thực tế sáng tác, có tác phẩm và quảng bá tác phẩm. Đây là điều kiện chúng tôi có thể làm được. Nhưng ở phía các văn nghệ sĩ cũng cần có ý thức về việc phải có trách nhiệm với địa phương, cũng như có trách nhiệm với hội văn học nghệ thuật và có trách nhiệm với chính mình để sáng tác và quảng bá tác phẩm" - bà Mai nhấn mạnh.

Từ đây, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai cho rằng các hội văn học nghệ thuật cần phải xây dựng một chiến lược dài hơi để tạo ra chuyển biến trong nhận thức của các văn nghệ sĩ về việc sử dụng kinh phí hoạt động của hội.

Hướng tới tổng kết 50 năm

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam được xác định là: Tích cực, khẩn trương chuẩn bị tổ chức các hoạt động thực hiện Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).

Theo đó, nhiều Hội Văn học nghệ thuật đã xây dựng phương hướng hoạt động năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc thực hiện nhiệm vụ này. Như Hội Điện ảnh Việt Nam dự kiến tổ chức: Cuộc bình chọn top 10 các phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện điện ảnh tiêu biểu giai đoạn 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; Hội thảo "Làm thế nào để có tác phẩm lớn?" và Ngày Điện ảnh 15/3/2025 với hình thức đặc biệt tôn vinh các nghệ sĩ điện ảnh lão thành có cống hiến xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hoặc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam dự kiến tổ chức các hoạt động: Hội thảo "Kiến trúc Việt Nam - 50 năm đất nước thống nhất" và Lễ kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4; Cuộc thi sáng tạo Kiến trúc biểu tượng 50 năm đất nước thống nhất; Tuần lễ triển lãm Kiến trúc Việt Nam 50 năm đất nước thống nhất. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam dự kiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Văn hóa, văn nghệ dân gian 50 năm sau ngày đất nước thống nhất"; Gặp mặt nghệ nhân dân gian và tổ chức diễn xướng dân gian…

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link