30/12/2013 17:12 GMT+7 | Trong nước
Nếu coi chính trường Syria là một sân bóng thì cộng đồng quốc tế năm 2013 được chứng kiến một trận đấu đầy gay cấn giữa Mỹ và Syria với những giây phút nghẹt thở.
Hẳn thế giới chưa quên ngày 20/3/2003 lịch sử khi Mỹ và Anh bất ngờ phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq với lý do chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học). 10 năm sau, khi người ta vẫn chưa tìm được bằng chứng về việc tồn tại vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, thì chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định lặp lại chiêu bài trên để phát động cuộc chiến chống Syria.
Washington đã cáo buộc quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 tại một địa điểm ở ngoại ô thủ đô Damascus làm hàng trăm dân thường thương vong. Tổng thống Obama đã coi đây là cơ hội tốt để tạo cớ tấn công Syria khi nước này đã vượt qua "giới hạn đỏ" do Mỹ đặt ra: vũ khí hóa học đã được sử dụng.
Cũng dễ hiểu tại sao ông Obama buộc phải chọn cách "đá lùi" này. Bài học Iraq vẫn còn hiện hữu: Cuộc chiến mà Mỹ dốc bao tiền của, dù mang cái tên “Chiến dịch Giải phóng Iraq”, nhưng đã không thể đem lại hòa bình, tự do cho người dân nước này. Một thập kỷ sau cuộc chiến ấy, căng thẳng và xung đột sắc tộc vẫn gia tăng, tiếp tục cướp đi sinh mạng nhiều dân thường vô tội.
Mọi con mắt trên thế giới đều đổ dồn về Syria và không ít người tin rằng một cuộc tấn công quy mô lớn vào đất nước nằm ven bờ Địa Trung Hải này sắp xảy ra. Thế nhưng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện như một vị trọng tài khéo léo, xua tan đám mây chiến tranh u ám trên bầu trời Damascus. Ông đã gửi một bức tâm thư tới toàn thể nước Mỹ để thuyết phục Nhà Trắng ngừng không kích Syria, đồng thời đưa ra đề xuất bất ngờ là đặt các kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế và từng bước phá bỏ chúng.
Nghịch cảnh có thể khiến cho con người trở nên thông minh, dù không thể làm cho con người trở nên giàu có. |
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cũng nhất trí với giải pháp của “trọng tài” Putin. Vì thế, cộng đồng quốc tế có thể thở phào nhẹ nhõm vì nguy cơ chiến tranh đã được đẩy lùi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa cho các giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề Syria được mở ra.
Trong khi đó, cuộc chiến kéo dài hơn 33 tháng qua ở Syria đang đặt ra một vấn đề hết sức lo ngại là tình hình nhân đạo. Nạn đói đã ở mức đáng báo động, nhất là tại các vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hàng vạn người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến sự. Hàng nghìn người đang phải sống leo lắt trong các trại tị nạn thiếu thốn đủ thứ. Vô số trẻ em không được học hành.
Hội nghị "Geneva II", dự kiến diễn ra vào ngày 22/1/2014 tại Geneva (Thụy Sĩ), sẽ tạo cơ hội cho chính quyền Syria và phe đối lập lần đầu tiên gặp gỡ tại bàn đàm phán. Cộng đồng quốc tế hy vọng các bên có thể nhanh chóng tìm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria để mang lại một cuộc sống bình yên cho người dân ở quốc gia Trung Đông này, góp phần kiến tạo hòa bình và an ninh trong khu vực.
Bích Liên
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất