27/02/2016 07:29 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh đã có nhiều tên tuổi nổi tiếng Hollywood quyết định tẩy chay lễ trao giải Oscar 2016 (sẽ diễn ra vào sáng 29/2 theo giờ Việt Nam) nhằm phản đối sự thiếu tính đa dạng trong danh sách đề cử, nhiều người lại nhớ về Hattie McDaniel, nữ diễn viên da màu đầu tiên đoạt Tượng Vàng với chân dung bà vú trong phim Cuốn theo chiều gió (Gone With The Wind).
Chịu sự sỉ nhục lớn khi tới lễ trao giải
Tuy nhiên, do sự phân biệt đối xử thời kỳ đó còn quá nặng nề nên việc tham dự lễ trao giải của bà đã trở thành một nỗi nhục nhã ê chề. Thậm chí, các nhà điều hành đầy thế lực trong giới điện ảnh đã phải xin nài mãi mới đưa được McDaniel vào lễ trao giải diễn ra tại Khách sạn Ambassador và sau đó bà đã buộc phải ngồi tại một chiếc bàn nhỏ cách xa hẳn với các nghệ sĩ được đề cử khác.
Trong lời phát biểu dài 67 giây của mình, McDaniel hết sức khiêm tốn nói trong nước mắt: “Tôi luôn hy vọng giải thưởng của mình sẽ mang lại sự vẻ vang cho chủng tộc và nền điện ảnh”.
Sau đó McDaniel vừa khóc vừa chạy vội vào cánh gà, trở lại với người đồng hành người Mỹ gốc Phi của mình tại bàn dành cho 2 người kê gần phòng khiêu vũ.
“Tôi nghĩ đó là những giọt nước mắt vui sướng song cũng đầy đau khổ” – theo Burlette Carter, Giáo sư Luật thuộc trường Đại học George Washington, người nghiên cứu về McDaniel.
“Đây là đêm không thể tin nổi trong cuộc đời McDaniel khi bà phải ngồi một mình, tách biệt với các diễn viên phim Cuốn theo chiều gió và sau đó bà không thể tham dự bất cứ buổi tiệc nào của lễ trao giải. Nếu McDaniel chụp ảnh với dàn diễn viên phim chắc chắn sẽ gây rắc rối”.
McDaniel đoạt giải Oscar năm 1939, khi 44 tuổi. Hai tháng trước đó, bà đã phải chịu một sự sỉ nhục lớn hơn. McDaniel đã bị cấm tới buổi chiếu giới thiệu phim ở Atlanta do luật Jim Crow, một loạt luật lệ nhằm vào người da màu. Lập tức, Clark Gable, bạn đồng diễn trong phim Cuốn theo chiều gió, đã tuyên bố không tới buổi chiếu này do lệnh cấm người da màu.
Chết vẫn phải chịu sự phân biệt đối xử
Sự phân biệt đối xử đeo đuổi bà tới cả lúc chết. Trong di chúc của mình, McDaniel bày tỏ mong muốn được chôn tại nghĩa trang Hollywood, tuy nhiên, nhà quản lý nơi này đã từ chối mong muốn cuối cùng của bà. Đám tang của bà có James Cagney là diễn viên da trắng duy nhất tới dự, song Gable và một số ngôi sao Hollywood khác thì gửi vòng hoa.
Đáng nói nữa là Tượng Vàng của McDaniel đã biến mất từ cách đây 4 thập kỷ, tuy nhiên Viện Hàn lâm vẫn từ chối thay thế bằng một bức tượng khác mặc dù đã có nhiều lời thỉnh cầu của các sử gia.
7 năm sau khi đóng phim Cuốn theo chiều gió, McDaniel có loạt chương trình phát thanh riêng, The Beulah Show, và sau đó đã được đưa lên truyền hình. Cuối cùng, bà cũng kiếm được đủ tiền để mua một ngôi nhà riêng, ô tô và đồ trang sức.
Tuy nhiên, kể cả khi mua nhà, McDaniel cũng “dính” vào một cuộc ẩu đả với người hàng xóm da trắng duy nhất và sau đó bà đã phải tranh thủ cả các bạn diễn xuất như Gable và James Cagney làm đơn kiến nghị cho mình.
Tham gia 200 dự án điện ảnh
McDaniel là con út trong một gia đình từng là nô lệ. Trong sự nghiệp của mình, McDaniel “đóng đinh” với các nhân vật người giúp việc và đây cũng là một công việc của bà ngoài đời nhằm kiếm thêm thu nhập.
Theo thống kê, McDaniel đã gắn tên tuổi với 90 bộ phim, song thực tế bà đã tham gia diễn xuất trong hơn 200 dự án điện ảnh, nhưng phần lớn không được nêu tên trong danh sách diễn viên.
Đáng buồn là hiện không có nhiều tư liệu về cuộc đời của nữ diễn viên da màu đầu tiên đoạt giải Oscar. Với thực tế đó cháu trai của bà là Kevin John Goff đang nỗ lực làm phim tài liệu dài 3 tập về cuộc đời bà, dựa theo những ký ức của gia đình.
McDaniel đã trải qua 4 cuộc hôn nhân. Bà qua đời hồi năm 1952, ở tuổi 57, do bệnh ung thư vú. McDaniel đã di chúc trao tặng Tượng Vàng Oscar của mình cho trường Đại học Howard ở Washington D.C. Vậy mà mong muốn cuối cùng đó cũng bị từ chối khi Sở Thuế vụ đã tịch thu toàn bộ tài sản trị giá 10.000 USD của bà để trả nợ thuế.
25 năm sau khi McDaniel đoạt giải, Sidney Poitier đã trở thành người Mỹ gốc Phi thứ 2 “rinh” Tượng Vàng và 50 năm sau là nữ diễn viên da màu Whoopi Goldberg đoạt giải với phim Oan hồn (Ghost). |
Việt Lâm (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất