Tranh Việt 'hồi hương' và 'tha hương'

07/02/2014 14:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Suốt một năm ròng, người yêu tranh Việt liên tiếp đón nhận những tin vui khi mấy chục bức tranh quý của các danh họa: Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Lân... lần lượt về "đất mẹ". Nhưng, vào những ngày cuối năm, việc một nhà sưu tập Thái Lan mua liền một lúc 380 bức ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân khiến công chúng sững sờ.

Vui vì thế giới còn người nặng lòng với tranh Việt, buồn vì tình yêu ấy đi kèm với những mất mát cho hội họa nước nhà”- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận định.

Chuyện ở Siloom Gallery

Một ngày mùa Đông năm 2008, tại Siloom Gallery (Bangkok, Thái Lan) ông chủ cửa hàng đồ cổ Tira Vanichtheeranont tới thăm gian hàng kế bên của người bạn làm ăn, ông Nguyễn Minh. Hôm ấy, Nguyễn Minh không có món đồ cổ nào mới khiến Tira bắt mắt. Thấy một bọc tranh xếp ở góc phòng giao dịch, Tira hỏi vui: “Giờ cậu chơi cả tranh cổ sao?”

Nguyễn Minh cười, mở lô tranh tới hơn 200 bức của Mai Văn Nam, Phan Thông... cho người bạn Thái Lan xem. Tira lập tức mê mẩn. Ông thuyết phục bằng được Nguyễn Minh nhượng lại cho một vài bức. “Từ đó tôi đã “phải lòng” tranh Việt”- Tira Vanichtheeranont nói.

Những tháng ngày sau đó, hai người đi trên hai con đường ngược chiều nhau. Tira săn lùng các bức tranh của các danh họa Việt còn vương sót trong nước để đem về Thái Lan. Nguyễn Minh miệt mài đi đấu giá khắp các nhà triển lãm lớn nhỏ trên thế giới để đưa tranh Việt “hồi hương”. 



Tira (phải) cùng Nguyễn Minh (giữa) mua thành công những bức họa của các danh họa Việt ở Thái Lan

Dù đi hai nẻo ngược xuôi, song tình bạn đặc biệt này không phai nhạt. “Do điều kiện công tác nên tôi với Tira không gặp nhau nhiều”- Nguyễn Minh tâm sự – “Song mỗi lần gặp, chúng tôi nói chuyện tranh hứng thú. Anh Tira thích tranh ký họa, đặc biệt những bức mang tính lịch sử, xã hội. Còn tôi có cảm hứng với những bức tranh sơn dầu, sơn mài lớn. Dù chúng tôi không cùng đường hướng nhưng tôi rất trân trọng tấm lòng của anh ấy với tranh Việt”.

Và ngoài câu chuyện mạn đàm, năm 2012, chính Tira đã dùng quan hệ của mình, giúp Nguyễn Minh hồi hương hai bức tranh từ Thái Lan về Việt Nam. Cụ thể, hai bức “Đền cửa Hàn, lưới cửa Hội” (của Nguyễn Văn Tị) và “Đền Ngọc Sơn” (của Đinh Minh) đã theo chân vị tham tán văn hóa Ý tại Việt Nam tên là Peter sang Thái Lan lúc Peter hết nhiệm kỳ tại Việt Nam. Nhưng, sau khi Peter mất, vợ ông có ý định bán những bức tranh trên. Và Tira đã hỗ trợ để Nguyễn Minh tiếp cận và mua thành công hai bức tranh quý, đưa trở lại Việt Nam.

Người mua không bằng cách mua

Năm 2013 vừa qua là năm thành công đặc biệt của cả Tira và Nguyễn Minh. Nguyễn Minh thắng lớn ở một loạt nhà triển lãm lớn nhỏ trên thế giới như: Sotheby’s (Hong Kong - Trung Quốc), Christie’s (Hong Kong - Trung Quốc), Marsart Autioneer & Appraisers (tại Jerusalem), Bruck (Mỹ), Borobudur (Singapore)... để đưa hàng chục “đứa con xa xứ” của các danh họa Việt.

Những tác phẩm mang hồn cốt Việt được sáng tác ở nước ngoài khi các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu... sau nửa thế kỷ tha hương đã liên tiếp về Tổ quốc. Giấc mơ về một nhà triển lãm các tác phẩm đỉnh cao của các danh họa thuộc “thế hệ vàng” trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của Nguyễn Minh cũng đang gần hơn bao giờ hết. “Diện mạo về một thập kỷ bản lề của hội họa Việt đang dần định hình”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn đánh giá.

Không tham gia các vòng đấu giá, Tira âm thầm tìm gặp gia đình các họa sĩ, nơi ông nhận định vẫn còn tranh. Ngoài hỏi mua, Tira luôn động viên gia đình bằngviệc nhờ người viết những cuốn sách tổng quan về tranh, thân thế, sự nghiệp và đăng cả những hiện vật, di cảo của danh họa.

Họa sĩ Phạm Lực, người đang có rất nhiều tranh được bán trên thị trường nước ngoài, chia sẻ: “Trước đây, khi CLB “Những người yêu tranh Phạm Lực” chưa thành lập, tôi vẫn phải tự lo bán tranh. Và tôi cũng thích giao dịch với người nước ngoài hơn. Bởi ngoài mua tranh, họ thường thực hiện những catalogue về tranh cũng như họa sĩ. Điều này khiến tôi cảm thấy mình được tôn trọng. Và “thương vụ” không thuần túy là tiền nữa mà còn có cả sự trao đổi văn hóa.”

Nắm được tâm lý ấy, Tira đã thành công lớn khi hợp tác hoàn thành cuốn sách về những bức ký họa thời chiến của Tô Ngọc Vân. Ngoài in tranh, cuốn sách còn là công trình khảo cứu công phu của nhà Nghiên cứu Phan Cẩm Thượng về bút pháp Tô Ngọc Vân cũng như bối cảnh xã hội được phản ánh qua tranh. Và ngay trong lễ ra mắt cuốn sách, Tira cũng xác nhận ông đã mua thành công 380 bức ký họa thời chiến của danh họa Tô Ngọc Vân, nâng tổng số tranh Việt Tira sở hữu lên con số hơn 2.000 bức.

Có mặt tại buổi ra mắt sách về tranh Tô Ngọc Vân, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: Tin Tira mua cùng một lúc 380 bức ký họa thời chiến của danh họa Tô Ngọc Vân khiến tôi buồn nhiều hơn vui. Vui vì thế giới còn người nặng lòng với tranh Việt, buồn vì tình yêu ấy đi kèm với những mất mát cho hội họa nước nhà. Hội họa Việt năm qua thắng lớn trên trường quốc tế rồi lại thất bại ngay trên sân nhà đã để lại bài học lớn. Tôi tin là gia đình danh họa vẫn muốn bán tranh cho người Việt mình hơn. Nhưng vấn đề ở đây là người mua không bằng cách mua.

Liệu có là “giấc Nam Kha”?

Ngẫm về cách mua, trong giới sưu tập Việt, thời kỳ đầu “vang bóng” nhà sưu tập Đức Minh, kế đó là ông Lâm “toét” (chủ quán café Lâm) rồi tới ông Bổng (Hàng Buồm)... Mỗi người sưu tập tranh theo một cách riêng. Song tựu trung lại, thời đó, ngoài vật chất, các nhà sưu tập mua bán bằng nghĩa bằng tình. “Còn giờ, tiền là yếu tố quyết định cuộc chơi”- nhà sưu tập Nguyễn Minh thở dài.

“Sau Đức Minh (Bùi Đình Thản) cũng có nhiều nhà sưu tập khác nổi lên”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định - “Nhưng vẫn chưa có nhân vật nào vượt qua cái bóng quá lớn của Đức Minh. Bởi ngoài là nhà tư sản, ông Đức Minh còn là nhà văn hóa lớn. Ông có kiến thức hội họa và định giá tranh luôn khiến cả hai bên cùng vui. Bởi vậy, trong suốt thời kỳ đất nước gian khó, những bức tranh giá trị được Đức Minh mua và giữ lại Tổ quốc rất nhiều. Hơn thế, trong những năm bao cấp gian khó, ông cũng là người mua hộp màu, thuốc nước từ nước ngoài về hỗ trợ các họa sĩ”.

Và việc thất bại trong việc hiến toàn bộ số tranh của Đức Minh (Bùi Đình Thản) cho nhà nước để rồi bộ sưu tập tan tác đã thành cái “dớp” của các nhà sưu tập ái quốc cho tới tận lúc này. Nó khiến nhiều người yêu tranh Việt cảm thấy những thành công của các nhà sưu tập trong nước vừa đạt được có thể cũng như giấc Nam Kha. Nó thật đẹp mà cũng thật mong manh...

“Tôi không chắc là tới đây các nhà sưu tập yêu nước sẽ “hồi hương” được thêm bao nhiêu bức họa nhưng tôi chắc chắn tranh quý Việt sẽ “chảy máu” tới hết nếu nhà nước không trực tiếp mua tranh. Trên “sân nhà”, những người sưu tập Việt không quá mạnh so với phương pháp tiếp cận bài bản của các nhà sưu tập nước ngoài. Và họ hoàn toàn đơn độc trên các trường đấu giá quốc tế.”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn trao đổi.

Cũng theo ông Lương Xuân Đoàn, ông Việt kiều Singapore Hà Thúc Cần xưa (người đã mua rất nhiều tranh Việt trong đó có bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân) và Tira Vanichtheeranont nay đều là những người rất đáng quý. Bởi họ là nhịp cầu nối tranh Việt với quốc tế. Họ còn làm sách và các công trình khảo cứu về các danh họa Việt. “Điều này bổ khuyết cho những hạn chế của cơ chế quản lý đương thời khi coi những danh họa lẫy lừng xưa là “những người muôn năm cũ””- ông Lương Xuân Đoàn nói.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link