Những điều chưa biết về thiên tài âm nhạc lừng danh G. Mahler

16/05/2016 13:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Với những tác phẩm đánh dấu sự phát triển tới đỉnh cao của âm nhạc giao hưởng thời kỳ hậu lãng mạn, nhà soạn nhạc và chỉ huy người Áo Gustav Mahler được đánh giá là một trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất đối với các nhạc sĩ của thế kỷ 20.

Nhà soạn nhạc tài ba ấy đã ra đi vào ngày 18-5-1911, cách đây 105 năm.

Nhà soạn nhạc tài ba Gustav Mahler…

Gustav Mahler sinh ngày 7-7-1860 tại Kalischt, nay thuộc Cộng hoà Séc. Ông bắt đầu những bài học piano đầu tiên từ năm lên 6 tuổi với Viktorin, người chỉ huy dàn hợp xướng tại nhà hát opera ở Jihlava, miền Đông nước Séc. Tiến bộ một cách nhanh chóng, năm 1870, khi mới lên 10 tuổi, ông đã tổ chức được buổi trình diễn độc tấu piano đầu tiên của mình.

Đến năm 15 tuổi, Mahler tiếp tục ghi tên vào học tại Nhạc viện Vienna dưới sự chỉ dẫn của nhiều bậc thầy tài giỏi.

Trong thời gian theo học ở đây, ông kiếm sống bằng việc dạy piano. Ông tốt nghiệp xuất sắc năm 1878. Và vào mùa hè năm 1880, ông trở thành chỉ huy của dàn nhạc tại Bad Hall, một thị trấn nhỏ, nơi ông tổ chức trình diễn những vở nhạc kịch hài hước và vui nhộn.

Hầu như không còn có ghi chép nào về những tác phẩm mà Mahler dự định hoặc thực tế đã sáng tác trong thời kỳ đầu tiên này. Rất nhiều trong số chúng bị thất lạc hoặc do chính ông chủ tâm hủy bỏ, ngoại trừ tác phẩm Das klagende Lied (có nghĩa là: “Lời than van”). Đây là một bản cantata cho độc xướng, hợp xướng và dàn nhạc mà ông khởi thảo năm 1878 và hoàn thành năm 1880.


Nhà soạn nhạc Gustav Mahler

Trong có mấy năm, từ 1883 đến 1896, ông vừa ngồi sửa bản Giao hưởng số 1 (trình diễn lần đầu năm 1889) vừa viết bản Giao hưởng số 2, phác thảo bản Giao hưởng số 3 và viết phần lớn tập ca khúc nghệ thuật Lieder aus Des Knaben Wunderhorn (được dịch là: những bài ca từ Tiếng tù và thần diệu của chàng trai) dựa trên các bài thơ dân gian. Ngoài ra, ông đã viết các bản giao hưởng số 5, 6, 7, 8 và nhiều tác phẩm khác tại vùng hồ Wörthersee.

… với những tác phẩm tiêu biểu

Nhắc đến Gustav Mahler, những người yêu âm nhạc không thể không nhắc tới bản Giao hưởng số 8, hay còn được gọi là Giao hưởng một nghìn - một trong những tác phẩm đồ sộ nhất của ông. Sở dĩ có tên gọi như vậy, là do tác phẩm được viết dành cho đúng 1000 nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công biểu diễn.

Bản giao hưởng này được sáng tác trong một thời gian ngắn vào mùa hè năm 1906 khi nhạc sĩ đang đi nghỉ tại Maiernigg am Worthersee. Phần 1 được viết dựa theo bài thánh ca Veni Creator Spiritus, hát bằng tiếng Latinh, còn phần II là một chương dàn dựng theo gần như đầy đủ cảnh cuối trong ở Faust II của Goethe, hàm chứa nhiều nội dung với triết lý sâu sắc.

Cả hai phần lời đều nói về sự cứu thế, lòng nhân ái, sự tha thứ, tình yêu và đức tin. Hoàn thành vào năm 1906, nhưng cho đến tận tháng 9/1910, Giao hưởng một nghìn mới được Mahler ra mắt công chúng và đem lại thành công rực rỡ.

Bản Giao hưởng số 6 cung La thứ mang tên Bi thương cũng là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông. Mahler sáng tác tác phẩm này trong suốt mùa hè năm 1903 đến năm 1904 và chính thức hoàn thành tác phẩm vào ngày 1-5-1905. Ông cũng chính là người chỉ huy trong lần ra mắt tác phẩm lần đầu tiên vào ngày 27-5-1906 tại Essen (Đức).

Tác phẩm Bi thương gây ấn tượng ở phần cuối bị ngắt bởi ba nhát búa, thể hiện ba đòn của định mệnh giáng vào ông: đó là cái chết của cô con gái lớn, căn bệnh tim khủng khiếp và việc ông bị bắt buộc từ chức ở Nhà hát Opera Vienna. Đã có lúc Mahler loại bỏ ba nhát búa này ra khỏi tác phẩm nhưng người ta vẫn đưa chúng ra biểu diễn. Cách kết của bản này có thể nói là “hung bạo” nhất trong âm nhạc.

Càng những năm cuối đời, các tác phẩm của Mahler càng để lại những dấu ấn rõ nét trong lịch sử âm nhạc, nhưng cũng không thể phủ nhận thành công của những tác phẩm thời kỳ đầu của ông. Bản Giao hưởng số 1 giọng Rê trưởng được Gustav Mahler bắt đầu viết từ cuối năm 1887 và công bố vào cuối tháng 3-1888.

Gây ấn tượng đặc biệt trong Giao hưởng số 1, chính là chùm ca khúc cho giọng đơn ca với piano Bài hát của kẻ lang thang, gồm bốn bài thơ, xúc cảm từ mối tình lãng mạn của tác giả. Trong tác phẩm táo bạo này, Mahler đã phá vỡ rất nhiều "quy tắc" của giao hưởng truyền thống và đã chứng minh được tài năng phối âm nhạc trữ tình đầy hấp dẫn của mình.

Âm nhạc của Mahler gặp phải sự chống đối dữ dội của giới phê bình. Họ cho rằng các bản giao hưởng của ông có sự “trà trộn bừa bãi” giữa truyền thống và những chủ đề tạp nham. Việc ông đặt cạnh nhau các loại văn hóa từ rất cao xa tới bình dân cùng với các đặc tính khác nhau của các sắc tộc thiểu số làm cho các nhà phê bình bảo thủ bị xúc phạm. Tuy nhiên, Mahler luôn có rất nhiều người hâm mộ nhiệt tình và đông đảo về cuối đời.

Trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18-5-1911 tại Vienna, Gustav Mahler để lại bản Giao hưởng số 10 còn đang dang dở. Tâm nguyện của ông là được chôn bên cạnh con gái với một đám tang lặng lẽ. Và một đám đông khổng lồ đã đi theo ông trong lặng lẽ, đưa ông về với đất trời đúng như ý nguyện của ông.

Xúc cảm của Mahler được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của ông, bao gồm 9 bản giao hưởng với quy mô lớn cho dàn nhạc và 7 chùm ca khúc thường dựa trên chất liệu dân gian. Mahler là chỉ huy dàn nhạc lỗi lạc, người đã làm phong phú thêm các dàn nhạc và giúp nâng cao trình độ người chơi nhạc.

TTXVN/Thu Thủy (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link