(TT&VH) - Ngày 19/4 vừa qua, trong buổi diễn tập Lễ hội Gióng - đền Phù Đổng, bà Katherine Muller – Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội từng nhận xét: “Hội Gióng có đầy đủ các yếu tố để đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Nếu thành công, đây là 1 trong hơn 7.000 lễ hội của Việt Nam được vinh danh trên toàn thế giới, giúp cho cộng đồng quốc tế tiếp tục nhận diện về một loại hình văn hóa độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao đất nước ta có hơn 7.000 lễ hội lại chỉ chọn duy nhất Lễ hội Gióng đệ trình lên UNESCO? Và căn cứ vào đâu để chúng ta kỳ vọng vào sự thành công của bộ hồ sơ này?
Câu hỏi này đã được đặt ra tại buổi hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại (trường hợp hội Gióng)” do UBND TP. Hà Nội, Bộ VH,TT&DL và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra chiều ngày hôm qua, 20/4 tại khách sạn Thắng Lợi (Tây Hồ, HN).
PGS-TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam Trả lời quan tâm này của báo chí, PGSTS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết:
- Sở dĩ chúng tôi chọn Lễ hội Gióng để trình UNESCO là vì đây là lễ hội độc nhất vô nhị ở vùng châu thổ Bắc bộ. Hội Gióng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các học giả nước ngoài với bằng chứng là trong hơn 7.000 lễ hội đã được thống kê thì chỉ có hội Gióng là xuất hiện trong các công trình khoa học của các học giả nước ngoài như nhà nghiên cứu người Pháp G. Dumoutier (1893)... Cho đến hơn 100 năm sau chúng ta có đọc lại những tài liệu này vẫn thấy được sự phấn khích, nồng nhiệt, vui sướng của G. Dumoutier khi ca ngợi về hội Gióng.
Thứ nữa, đây là lễ hội đã trở thành biểu tượng mang tính đa diện, thể hiện những phẩm chất và hành động của anh hùng làng Gióng chống ngoại xâm, một trong “tứ bất tử” của người Việt Bắc bộ. Ngoài ra, giá trị của hội Gióng là dân gian đã làm thiêng hóa, vật chất hóa một trong những hình tượng người anh hùng hay nhất của người Việt bằng một hệ thống diễn xướng mang tính biểu tượng đầy sáng tạo của dân gian.
* Còn các học giả nước ngoài, họ đánh giá như thế nào về hội Gióng, thưa ông?
Hồ sơ hội Gióng đã được gửi tới UNESCO ở Paris vào ngày 31/8/ 2009. Kết quả công nhận sẽ diễn ra trong cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ của UNESCO vào tháng 11/2010.
|
- Trong buổi hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại (trường hợp hội Gióng)” các nhà khoa học đến từ 12 nước với 24 tham luận (Việt Nam là 60 tham luận - PV) đã đánh giá cao giá trị độc đáo của hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc như một bảo tàng văn hóa, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng. Ngoài ra, lễ hội còn ẩn tàng cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học nhằm thể hiện sự hòa hợp trong gia đình, trong quốc gia, hướng vào mong ước thiên hạ thái bình, đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng hội làng Việt Nam. Đây thực sự là một lễ hội của hòa bình và an lạc...
* Thế còn vai trò của cộng đồng đối với hội Gióng được nhìn nhận ra sao?
- Cộng đồng đã ý thức rõ về bản sắc của di sản mình đang lưu giữ nên hàng trăm năm nay lễ hội vẫn được duy trì, tổ chức. Chúng tôi và một số nhà khoa học quốc tế đã đối chiếu văn bản của lễ hội hiện nay với những ghi chép cách đây hàng trăm năm thì thấy rằng không có sự sai lệch nào về hình thức cũng như nội dung, giá trị của lễ hội...
Một cảnh trong lễ hội Gióng * Vì thế cho nên chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào hồ sơ hội Gióng đã trình UNESCO?
- Tôi xin được nói một cách hình ảnh là chúng tôi chỉ là “học trò đi thi” nên đã phấn đấu làm hết sức mình cho bộ hồ sơ về hội Gióng. Chúng tôi nghĩ rằng hồ sơ đã đáp ứng được những tiêu chuẩn của UNESCO về mặt kỹ thuật và khoa học. Ở vòng 1, hồ sơ hội Gióng đã được thông qua. Vòng 2 là vòng đánh giá của các chuyên gia là các thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ của 6 quốc gia. Tôi không muốn dùng chữ kỳ vọng nhưng nếu như cho tôi một hạt dẻ để mơ ước thì mơ ước ấy là hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc sẽ được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại.
* Chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại mà cụ thể là với trường hợp hội Gióng nếu hồ sơ được UNESCO ghi danh? Ông có biện pháp nào không?
- Xin cho tôi được nói một cách hình ảnh là, khi con gái chưa đi thi, chưa thành hoa hậu thì rất ít người biết đến nhưng khi đã thành hoa hậu rồi thì lẽ đương nhiên “thiên hạ” sẽ biết đến nhiều. Phấn đấu để được công nhận đã là gian khổ, phấn đấu để giữ được danh hiệu ấy còn gian khổ hơn.
Trong chương trình hành động gửi kèm với bản đánh giá giá trị của hồ sơ, chúng tôi cũng đã trình bày một số biện pháp bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại nói chung và với trường hợp hội Gióng nói riêng như: Ngoài việc phải quảng bá giá trị của di sản còn phải làm sao đó để cộng đồng được hưởng lợi từ di sản. Bên cạnh đó cần giáo dục cộng đồng ý thức về giá trị của di sản, phải biết được di sản của chính mình quý giá đến mức độ nào để rồi từ đó tự tìm ra cách để giữ gìn. Đây là việc rất quan trọng vì dù nhà nước, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý có tác động đến mấy mà cộng đồng người ta không chuyển biến thì cũng rất khó thực hiện bảo tồn và phát huy lễ hội vì câu chuyện văn hóa, di sản luôn luôn và bao giờ cũng là câu chuyện của cộng đồng...
“...Hội Gióng còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người giống như một trong những cảnh tượng cảm động nhất mà chúng tôi chứng kiến ở vùng Bắc kỳ. Liệu rằng ở châu Âu già cổ của chúng ta người dân có còn tự hào làm lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử đã diễn ra hai nghìn ba trăm năm trước?” (Revue de I’Histoire des religions, Paris, 1893 - G. Dumoutier)
|
Phạm Nguyễn (thực hiện)